VietnamDefence -
Phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp từ khi Pháp bắt đầu xâm lược đến cuối thế kỷ XIX trước sau đều bị quân Pháp đánh bại, song đã vun đắp cho truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Ngày 16/9/1972, Quang Trung từ trần đột ngột. Đây là một tổn thất lớn cho phong trào Tây Sơn và dân tộc. Từ đây, triều Tây Sơn suy yếu hẳn.
Nguyễn Ánh dựa vào sự ủng hộ của tập đoàn địa chủ Nam Bộ và bán một phần lãnh thổ của Tổ quốc lấy sự giúp đỡ của Pháp, phát triển lực lượng phản công đánh bại triều Tây Sơn. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi vua đóng đô ở Phú Xuân (Huế), lập ra triều Nguyễn, một triều đại phong kiến phản động, yếu hèn.
Hành động bán nước của Nguyễn Ánh đã tạo cơ hội cho thực dân Pháp từng bước thực hiện đã tâm xâm lược nước ta. Sau một thời gian dài thông qua các giáo sĩ truyền đạo Thiên chúa, các thương nhân cùng mối liên kết với một số cơ sở chính trị và nắm tình hình moị mặt của Việt Nam; sáng sớm ngày 1/9/1858, liên quân Pháp gồm khoảng 3.000 quân, 14 chiến thuyền, trang bị hiện đại, nổ súng đánh chiếm bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng). Kế hoạch của chúng là dùng Đà Nẵng làm bàn đạp đánh lên kinh thành Huế, bắt triều đình nhà Nguyễn phải đầu hàng.
Liên quân Pháp-Tây Ban Nha vừa đổ bộ lên bán đảo Sơn Trà đã vấp phải sự chống cự của nhân dân và một lực lượng quân triều đình, chúng không tiến sâu vào đất liền được. Sau 5 tháng bị giam chân tại chỗ, không thực hiện được kế hoạch chiếm kinh thành, quân địch phải rút khỏi Đà Nẵng, vào phía Nam đánh Gia Định. Như thế kế hoạch của chúng đã thay đổi, từ đánh nhanh thắng nhanh chuyển sang đánh chiếm từng bước.
Tháng 2/1859, quân Pháp chiếm được thành Gia Định nhưng gặp phong trào kháng chiến của nhân dân, lại phải rút khỏi Gia Định, quay ra đánh Đà Nẵng lần thứ hai cũng lại thất bại. Đầu năm 1860, quân Pháp đánh chiếm Gia Định lần thứ hai.
Quân triều đình do Nguyễn Tri Phương chỉ huy không ngăn được giặc. Quân Pháp từ Gia Định đánh rộng ra chiếm 3 tỉnh miền Đông (Gia Định, Định Tường, Biên Hoà).
Tháng 6/1862, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp theo lệnh vua Tự Đức ký hiệp ước đầu tiên nhượng hẳn 3 tỉnh miền Đông cho Pháp.
Mặc dù triều đình đầu hàng nhưng nhân dân cả ba tỉnh Nam Bộ liên tục nổi dậy chống Pháp. Các cuộc khởi nghĩa lớn gây cho địch nhiều thiệt hại như khởi nghĩa của Trương Định ở vùng Gò Công, Mỹ Tho,
khởi nghĩa Võ Duy Dương (
Thiên Hộ Dương) ở Tháp Mười, nhưng tương quan lực lượng không cân sức, lại bị triều Tự Đức ngăn trở, cấm đoán, phá hoại nên các cuộc khởi nghĩa không duy trì được.
Tháng 6/1867, quân Pháp chiếm nốt 3 tỉnh miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên) trước sự bất lực đầu hàng của triều Nguyễn.
Ở ba tỉnh miền Tây, nhân dân lại nổi dậy đánh Pháp sôi nổi. Các cuộc khởi nghĩa lớn và kéo dài của Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá, Hà Tiên, Phú Quốc kéo dài tới 10 năm; khởi nghĩa của Phan Tôn, Phan Liêm ở Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh; khởi nghĩa Nguyễn Hữu Huân ở Mỹ Tho. Thật đúng như lời lãnh tụ khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”. Tuy nhiên cuối cùng các cuộc khởi nghĩa đều bị thất bại.
Sau khi chiếm được Nam Bộ và đàn áp được phong trào khởi nghĩa ở đây, cuối năm 1873, Pháp đưa quân ra đánh chiếm Bắc Bộ. Ngày 20/11/1873, với 300 quân và 11 khẩu đại bác trên 2 chiến hạm, quân Pháp ngược sông Hồng đánh chiếm thành Hà Nội. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương chỉ huy chiếm đấu, bị thương nặng, bị bắt, ông nhịn ăn cho đến chết. Quân Pháp nhanh chóng chiếm các tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Trong khi triều đình tan rã thì nhân dân khắp nơi ở Bắc Bộ nổi dậy chống Pháp quyết liệt; cộng với những khó khăn nội bộ, quân Pháp rút khỏi Bắc Bộ (1874). Tháng 4/1882, quân Pháp lại Hà Nội lại đánh chiếm Bắc Bộ lần thứ hai. Thành Hà Nội thất thủ ngày 25/4. Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết. Các tỉnh khác lần lượt bị Pháp chiếm đóng.
Triều đình nhà Nguyễn với 2 Điều ước Hácmăng (1883) và Patơnốt (1884) hoàn toàn đầu hàng giặc Pháp. Tuy vậy trong triều Nguyễn cũng có những người yêu nước, chủ trương vũ trang chống Pháp như Thượng thư Bộ binh Tôn Thất Thuyết đưa Vua Hàm Nghi rút ra miền núi tỉnh Quảng Trị tổ chức kháng chiến. Tại đây Hàm Nghi ra Chiếu Cần Vương kêu gọi nhân dân chống Pháp, phò vua cứu nước.
Phong trào Cần Vương bùng lên ở khắp các địa phương Trung Bộ và Bắc Bộ, kéo dài đến hết thế kỷ XIX, trong đó có các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu như khởi nghĩa Ba Đình của Phạm Bành và Đinh Công Tráng ở Nga Sơn (Thanh Hoá) năm 1886-1887; khởi nghĩa Bãi Sậy của Nguyễn Thiện Thuật ở khắp vùng Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh kéo dài từ năm 1885-1892; khởi nghĩa của Nguyễn Quang Bích ở vùng Tây Bắc từ năm 1885-1892; khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) của Phan Đình Phùng từ năm 1885-1896. Sau khởi nghĩa Hương Khê, phong trào Cần Vương chấm dứt.
Cùng với phong trào đánh Pháp do các sĩ phu lãnh đạo dưới ngọn cờ Cần Vương, phong trào nhân dân tự đứng lên chống Pháp cũng sôi nổi ở nhiều địa phương: Tuyên Quang, Hoà Bình, Tây Bắc, Vĩnh Yên, Phúc Yên, Quảng Yên, Đông Triều, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nha Trang, Biên Hoà, Bà Rịa.
Cuộc khởi nghĩa lớn nhất, bền bỉ nhất, tiêu biểu cho phong trào nổi dậy của nhân dân là khởi nghĩa Yên Thế lúc đầu từ năm 1892, do Hoàng Hoa Thám (do Đề Thám) lãnh đạo. Nghĩa quân Yên Thế hội tụ nhiều cuộc khởi nghĩa nhỏ lẻ các địa phương, hoạt động ở một vùng rộng lớn gồm các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên, Thái Nguyên kéo dài từ năm 1884 - ngay sau khi sự đầu hàng hoàn toàn của triều đình đến năm 1913 mới thất bại. Cuộc chiến đấu của nghĩa quân Yên Thế rất gian khổ, quyết liệt, gây cho địch nhiều thiệt hại và lo lắng.
Nhìn chung, phong trào đấu tranh vũ trang chống Pháp từ khi Pháp bắt đầu xâm lược đến cuối thế kỷ XIX kể cả lúc đầu có quân triều đình, đều là lực lượng nhỏ yếu, mang tính chất từng địa phương, không có sự chỉ huy thống nhất nên trước sau đều bị quân Pháp đánh bại. Dù thất bại, các phong trào này đã vun đắp cho truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Nguồn: Từ điển bách khoa Tri thức quốc phòng toàn dân.-H.: Chính trị Quốc gia, 2002.