Vietnamdefence.com

 

Triệu Thị Trinh - nữ danh tướng kiệt xuất của sự nghiệp đánh đuổi quân Ngô

VietnamDefence - "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá tràng kình ở ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta" - Truyền thuyết về Bà Triệu ở vùng Thanh Hoá và Đại Nam nhất thống chí (Thanh Hoá tỉnh - tập hạ)

1. NHỮNG TRANG BI THƯƠNG MỚI CỦA LỊCH SỬ

Sau thất bại của Trưng Nữ Vương, một cuộc trả thù đẫm máu chưa từng thấy đã diễn ra trên khắp cõi, đặc biệt là ở khu vực quận Giao Chỉ. Hàng vạn người bị giết hoặc bị bỏ đi đày viễn xứ. Chính sử của Trung Quốc cũng đã công khai thừa nhận tội ác này:

- Chỉ tính riêng ở quận Cửu Chân, nơi cách khá xa trung tâm của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện đã giết đến hơn 5.000 người.

- Hơn 300 tuỳ tướng của Hai Bà Trưng bị Mã Viện bắt đi đày sang tận Linh Lăng (Phạm Việp (Trung Quốc). Hậu Hán Thư. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán).

Việc trả thù tàn bạo còn kéo dài trong nhiều năm sau đó. Không khí nghi kỵ và chết chóc bao trùm lên khắp mọi miền đất nước. Bấy giờ, nhà Hậu Hán quyết tâm xoá sạch dư âm quyền lực của đội ngũ quý tộc bộ lạc cũ bằng cách đưa người Trung Quốc sang nắm giữ chính quyền đến tận cấp huyện và bãi bỏ hoàn toàn những quy định cũ về việc dùng Lạc tướng trông coi các huyện. Chế độ trực trị hà khắc của quan lại nhà Hậu Hán đã nhanh chóng được thiết lập. Trong điều kiện khó khăn chồng chất như vậy, phong trào đấu tranh của nhân dân các địa phương thuộc quận Giao Chỉ cũ buộc phải tạm thời lắng xuống, nhưng, thay vào đó là sự trỗi dậy rất mạnh mẽ của những phong trào ở khu vực phía Nam mà đặc biệt là tại quận Nhật Nam. Theo ghi chép của chính sử Trung Quốc (Phạm Việp (Trung Quốc). Hậu Hán Thư. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán) thì chỉ tính riêng trong thế kỷ II, vùng Nhật Nam đã liên tiếp bị chấn động dữ dội bởi những cuộc vùng dậy có quy mô rất lớn sau đây:

- Năm 100: trên 2.000 dân Tượng Lâm (cực Nam của quận Nhật Nam) đã đồng lòng khởi nghĩa. Chính quyền đô hộ nhà Hậu Hán phải huy động đông đảo quân sĩ ở các quận huyện khác tới đàn áp khá lâu mới dập tắt được.

- Năm 136: dân Tượng Lâm mà đông đảo nhất là người Chăm đã lại nhất tề nổi dậy, đánh cho bọn quan lại đô hộ của nhà Hậu Hán một phen thất điên bát đảo.

- Năm 137: Một cuộc bạo động rất lớn của nhân dân quận Nhật Nam đã nổ ra. Nhiều quan lại đô hộ của nhà Hậu Hán bị giết chết, Thứ Sử Phàn Diễn phải huy động đến hơn 10.000 quân đi đàn áp liên tiếp trong hơn một năm trời. Cuộc bạo động này đã khiến cho cả triều đình Hán Thuận đế phải hốt hoảng (Hán Thuận đế (125-144) là hoàng đế thứ 7 của nhà Hậu Hán. Theo ghi chép của Phạm Việp (Trung Quốc) trong Hậu Hán Thư thì bấy giờ, Hán Thuận đế đã phải triệu tất cả công, khanh cùng trăm quan về họp để bàn kế sách ứng phó. Nhiều người đề nghị phải huy động ít nhất là 40.000 quân tinh nhuệ đi đàn áp mới mong bình định được, nhưng đại tướng Lý Cố đã đưa ra 7 lý do không nên đem đại quân đi, bởi vì theo Lý Cố thì "Nay ở Nhật Nam quân ít, lương cạn, giữ chẳng được mà đánh cũng chẳng xong", cho nên, tốt nhất là phải dùng kể kết hợp giữa dụ dỗ, mua chuộc với ly gián. “Phải chiêu mộ dân Man đi làm lính để chúng tự đánh lẫn nhau. Ta nên chở vàng lụa tới cấp cho chúng. Kẻ nào làm được kế phản gián, lấy được đầu giặc thì nên phong cho hắn tước hầu rồi cắt đất mà thưởng cho". Rốt cuộc, Hán Thuận đế đã nghe theo kế hoạch hiểm độc của Lý Cố).

- Năm 144: được sự ủng hộ của nhân dân quận Cửu Chân, nhân dân quận Nhật Nam lại nổi lên, tấn công vào tất cả trị sở của bọn đô hộ. Một lần nữa, nhà Hậu Hán phải dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt khác nhau mới đè bẹp được.

- Năm 190: Dưới sự lãnh đạo của Khu Liên (Trong các thư tịch cổ, Khu Liên có khi còn được chép là Khu Quỳ, Khu Đạt hay Khu Vương. Có lẽ cũng tương tự như Hùng Vương trong lịch sử người Việt. Khu Liên không phải là tên người mà rất có thể là phiên âm Hán-Việt của từ kurung (trong một số ngôn ngữ có ở vùng Đông Nam Á, kurung có nghĩa là tộc trưởng hay người đứng đầu). Về tên gọi của vương quốc do Khu Liên lập nên, thư tịch cổ của Trung Quốc chép là Lâm Ấp. Lịch Đạo Nguyên (Trung Quốc) trong Thủy Kinh Chú giải thích rằng, Lâm Ấp chính là Tượng Lâm, sau bỏ chữ Tượng đi mà gọi là Lâm Ấp. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hai chữ Lâm Ấp có thể là do phiên âm của tên tộc người, đó là tộc Krom hay Prum - tộc người chủ yếu của bộ lạc Dừa), dân vùng Tượng Lâm của quận Nhật Nam (mà chủ yếu là người Chăm) đã tổ chức một cuộc khởi nghĩa rất lớn. Họ đã giết được Thứ sử của nhà Hậu Hán là Chu Phù và bọn quan lại của nhà Hậu Hán ở các huyện. Năm 192, Khu Liên lên làm vua, vương quốc của người Chăm (Trong cộng đồng 54 các dân lộc anh em của Việt Nam, có dân tộc Chăm với 4 nhóm chính là Chăm Bà-la-môn, Chăm Ba-ni, Chăm Islam và Chăm Hơ-roi, mà địa bàn cư trú chủ yếu hiện nay là vùng Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh và An Giang) được dựng lên kể từ đó.

Như trên đã nói, từ giữa thế kỷ II, tức là kể từ thời trị vì của Hán Hoàn đế (146-167) trở đi, chính sự của nhà Hậu Hán ngày càng rối ren. Sang thời Hán Linh đế (168-189), nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của nhà Hậu Hán đã thể hiện ngày một rõ. Bọn hoạn quan rồi kế đến là bọn quyền thần (mà đứng đầu là Đống Trác) mặc sức hoành hành. Tháng 10 năm 220, Hán Hiến đế bị giết, nhà Hậu Hán đến đó là cáo chung và Trung Quốc lâm vào một thời kỳ hỗn chiến loạn lạc rất nghiêm trọng, sử gọi đó là thời Tam Quốc. Đây là thời tranh hùng quyết liệt giữa 3 tập đoàn lớn:

  1. Ngô tức Đông Ngô (222-280): do Tôn Quyền (tức Ngô Đại đế) dựng lên. Nước Ngô của họ Tôn tồn tại trước sau tổng cộng 58 năm, truyền nối được 4 đời. Lãnh thổ của nước Ngô ở phía Đông Nam của Trung Quốc. Kinh đô ban đầu của nước Ngô ở Vĩnh Xương, sau chuyển về Kiến Nghiệp (nay là Nam Kinh của Trung Quốc).
  2. Thục (221-263): do Lưu Bị (tức Thục Chiêu Liệt đế) dựng lên với lãnh thổ chủ yếu là vùng Tứ Xuyên của Trung Quốc ngày nay. Kinh đô của nước Thục là Thành Đô (ở phía Bắc của Tứ Xuyên). Nước Thục của họ Lưu tồn tại trước sau tổng cộng 42 năm, truyền nối được 2 đời.
  3. Ngụy (220-265): do Tào Phi (tức Ngụy Văn đế) dựng lên. Lãnh thổ của nước Ngụy là toàn bộ khu vực rộng lớn ở phía Bắc Trung Quốc. Kinh đô của nước Ngụy là Lạc Dương. Nước Ngụy của họ Tào tồn tại trước sau tổng cộng 45 năm, truyền nối được 5 đời.

Trong số 3 nước tranh hùng của thời Tam Quốc, nhà Ngô đã thay thế nhà Hậu Hán đô hộ nước ta. Để có đủ sức người và sức của cung đốn cho cuộc hỗn chiến tàn khốc này, nhà Ngô đã tiến hành bóc lột nhân dân ta thậm tệ chưa từng thấy.Trong hơn 1000 năm mất nước, không triều đại phong kiến Trung Quốc nào để lại dấu ấn đô hộ tàn bạo đến mức khủng khiếp như nhà Ngô nên trong tâm khảm bất diệt của tất cả các thế hệ nhân dân ta, hễ nói đến giặc phương Bắc thì hầu như bất cứ ai cũng đều căm giận mà gọi đó là giặc Ngô, dẫu khi hung hãn tràn sang xâm lược nước ta, quốc hiệu của chúng là gì.

Đối với đất Giao Châu, đánh giá chung của chính quyền nhà Ngô là "đất rộng, người đông, hình thế hiểm trở và độc hại, dân xứ ấy thường hay làm loạn, rất khó cai trị", cho nên, chính sách bao trùm của nhà Ngô là phải “dùng binh uy để ức hiếp". Bởi chính sách bao trùm này, nhà Ngô đã bắt hàng ngàn đinh tráng của nước ta, đem xích lại rồi dẫn sang đất Ngô để bắt làm lính chiến. Chính sử của Trung Quốc cũng phải thừa nhận rằng: "Giặc Ngô chính hình bạo ngược, các thứ phủ liễm thu không biết thế nào cho cùng" (Trần Thọ (Trung Quốc). Tam Quốc Chí. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán)

Thời bị nhà Ngô thống trị là thời bi thương của cả dân tộc ta, thời nhân dân ta bị thống trị khắc nghiệt và bị vơ vét tham tàn, thời kẻ thù thắng tay đàn áp một cách đẫm máu, thời nặng nề không khí chết chóc và điêu linh. Nhưng nhìn ở một góc độ khác hơn, thời thuộc Ngô cũng chính là thời các tầng lớp nhân dân ta anh dũng vùng lên, thời ngân vang của những khúc tráng ca đánh giặc cứu nước.

Trong lịch sử đấu tranh chống ách đô hộ và giành độc lập cho nước nhà, nếu đỉnh cao của thế kỷ I là khu vực Giao Chỉ và đỉnh cao của thế kỷ II là vùng Nhật Nam, thì đỉnh cao của thế kỷ III lại là quận Cửu Chân. Thực ra, ngay từ cuối thế kỷ II, nhân dân Cửu Chân cũng đã từng phối hợp chặt chẽ với nhân dân Nhật Nam trong cuộc đấu tranh chống ách thống tri của nhà Hậu Hán. Chính họ đã góp phần không nhỏ vào quá trình tạo lập nên vương quốc của người Chăm (năm 192). Tuy nhiên, chói lọi nhất thế kỷ III vẫn là cuộc khởi nghĩa ở trung tâm quận Cửu Chân do Triệu Thị Trinh phát động và lãnh đạo.

Triệu Trinh Nương

2. HUYỀN THOẠI VỀ TUỔI TRẺ CỦA TRIỆU THỊ TRINH

Khác với Hai Bà Trưng, Triệu Thị Trinh thuộc thế hệ những người đã có họ - họ Triệu. Triệu Thị Trinh (còn có những tên gọi khác như Triệu Trinh Nương, Nàng Trinh hoặc là Bà Triệu) sinh trưởng tại làng Cẩm Trướng, huyện Quân Yên (cũng tức là huyện Quan Yên), quận Cửu Chân. Vào thời nhà Nguyễn, làng Cẩm Trướng thuộc xã Cẩm Trướng (còn có tên khác là xã Cẩm Cầu) huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Ngày nay, làng này thuộc xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Theo truyền thuyết, Bà sinh ngày 2 tháng 10 năm 226. Quê hương của Bà Triệu cũng chính là quê hương của hai anh em Khương Công Phụ và Khương Công Phục , những người đã có công khai mạch đại khoa nho học cho Thanh Hoá nói riêng và cả nước nói chung (Khương Công Phụ và Khương Công Phục đều đỗ Tiến sĩ dưới thời Đường Đức Tông (779-805). Hai anh em đã cùng nhau sang Trung Quốc, dốc chí học tập rồi thi đỗ Tiến sĩ. Đây là hai người Việt đỗ Tiến sĩ đầu tiên, đỗ ngay khi nền giáo dục và thi cử nho học ở nước ta chưa khai sinh). Bà Triệu mất năm 248, khi mới 22 tuổi. Triệu Thị Trinh là em gái của Huyện lệnh Triệu Quốc Đạt, vì cha mẹ chẳng may qua đời sớm nên Triệu Thị Trinh ở với anh trai. Trước khi dựng cờ khởi nghĩa. Bà Triệu có đến 3 sự nổi tiếng.

  • Một là, nổi tiếng xinh đẹp, một vẻ đẹp rất kiêu sa nhưng cũng rất thánh thiện. Đương thời vì ai ai cũng đều thấy Triệu Trinh Nương quá xinh đẹp, bèn nói rằng: "Đẹp như thế thì có thể làm vợ các quan để trở thành bà này bà nọ, ấm thân một đời được chứ". Nhưng Triệu Trinh Nương chẳng những không thèm làm vợ các quan mà còn khảng khái để lại cho đời câu nói đầy khẩu khí anh hùng: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp ngọn sóng dữ, chém cá tràng kình ở ngoài biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, cởi ách nô lệ cho nhân dân chứ quyết không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta" (Truyền thuyết về Bà Triệu ở vùng Thanh Hoá. Đại Nam nhất thống chí (Thanh Hoá tỉnh - tập hạ) cũng chép tương tự). Tuy nhiên, trong thư tịch cổ của Trung Quốc (và một số thư tịch cổ của ta đã sao chép lại mà không cân nhắc) dung nhan Bà Triệu được mô tả có phần khác hơn. Điều này chúng tôi xin được bàn đến ở phần sau.
  • Hai là, nổi tiếng can đảm và mưu trí hơn người. Truyền thuyết dân gian kể rằng, vùng Cẩm Trướng hồi đó có con voi trắng một  ngà và rất hung dữ, thỉnh thoảng lại về phá hoại mùa màng, ai ai cũng phải sợ. Để trừ mối hại cho dân, Bà Triệu đã rủ chúng bạn đi vây bắt con voi trắng một ngà ấy. Bà lùa voi xuống vùng đầm lầy rồi dũng cảm nhảy lên đầu voi, sau đó kiên nhẫn tìm cách khuất phục. Con voi trắng một ngà khét tiếng hung dữ rốt cuộc cũng đã phải ngoan ngoãn vâng theo lời Bà và về sau đã trở thành người bạn chiến đấu rất thân cận và trung thành của Bà.
  • Ba là, nổi tiếng thẳng thắn và không bao giờ dung tha kẻ xấu. Truyền thuyết dân gian về Bà Triệu ở vùng Thanh Hoá kể rằng, chị dâu của Bà Triệu (vợ Triệu Quốc Đạt) là một người phụ nữ rất lăng loàn (Cũng có truyền thuyết nói rằng, chính chị dâu của Bà Triệu là kẻ phản bội đầu tiên mật báo cho quân Ngô biết kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa của hai anh em Triệu Quốc Đạt và Triệu Thị Trinh. Triệu Quốc Đạt bị giết, nhưng Triệu Thị Trinh thì thoát được. Trước khi đến Phú Điền, Triệu Thị Trinh đã giết chết chị dâu để cảnh cáo tất cả những kẻ nào nuôi lòng phản trắc), bởi vậy, Bà Triệu mới tức giận, giết chết chị dâu rồi ra ở riêng tại rừng Bồ Điền, khu rừng này về sau đổi là rừng Phú Điền (nay thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá) (Bởi lẽ này nhiều người lầm tưởng đây là sinh quán của Bà Triệu. Đó là chưa nói rằng, ở huyện Ninh Hoá (cũng tức là Yên Hoá) nay là huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình do cũng có đền thờ Bà Triệu nên thư tịch cổ cũng có lúc nhầm tưởng đây là quê hương của Bà Triệu). Đây cũng chính là nơi Bà Triệu đã tụ họp nghĩa quân và phát động cuộc chiến đấu một mất một còn với chính quyền đô hộ nhà Ngô.

Khi Bà Triệu bước vào tuổi thanh xuân thì cuộc hỗn chiến Tam Quốc (Ngô, Thục và Ngụy) cũng đang hồi quyết liệt nhất. Để giữ  vững tương quan về thế và lực với 2 nước còn lại, đặc biệt là để có  thể tạo ra cơ may làm thay đổi cục diện theo hướng ngày càng có lợi cho mình, nhà Ngô đã tìm đủ mọi cách để vơ vét sức người và sức của trên mọi vùng đất mà chúng đang nắm quyền cai trị. Mâu thuẫn xã hội giữa một bên là toàn thể nhân dân Âu Lạc bị mất nước và bị thống trị tàn bạo với một bên là chính quyền đô hộ của nhà Ngô ngày càng trở nên gay gắt. Nhân lòng căm phẫn của nhân dân và cũng nhân cơ hội trung tâm của phong trào đấu tranh chống nhà Hán đang chuyển dịch dần ra Cửu Chân, từ đất quê hương của mình, Bà  Triệu đã phát động và lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa rất lớn.

Bà Triệu (Tranh dân gian) 


3. VUNG GƯƠM RA TRẬN

Truyền thuyết dân gian vùng huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hoá) có chuyện Núi đá biết nói khá độc đáo, theo đó thì vào một đêm thanh vắng nọ, trên triền đá của núi Tùng ở Phú Điền bỗng có tiếng dõng dạc cất lên rằng:

Có Bà Triệu tướng,
Vâng mệnh trời ta.
Trị voi một ngà,
Dựng cờ mở nước.
Lệnh truyền sau trước,
Theo gót Bà Vương.

Người người nghe lời ấy, ai cũng tin chắc rằng đá trên núi Tùng biết nói. Lời của đá núi được coi là lời sấm ngôn, lời thiêng liêng chuyển tải mệnh trời rằng, Bà Triệu là Thiên tướng giáng trần, là người sẽ ra tay chỉ huy trăm họ vùng dậy cứu nước và cứu dân. Bởi niềm tin sâu sắc ấy, nhân dân khắp nơi đã nườm nượp kéo nhau theo về với Bà Triệu. Núi Tùng từ đó trở thành nơi tụ nghĩa và mãi đến sau này thiên hạ mới vỡ lẽ ra rằng, trước khi chính thức phát động khởi nghĩa, Bà Triệu đã bí mật sai người thân tín leo lên núi Tùng, khoét đá thành hang rồi nhân đêm tối, nấp kín trong hang đá mà đọc thật to mấy câu sấm ngôn nói trên (Truyền thuyết này có lẽ là do người đời sau hư cấu nên, cốt để cắt nghĩa vì sao nhân dân khắp nơi lại nô nức tụ họp với với Bà Triệu nhanh và đông như vậy. Thực tế là Bà Vương hay Lệ Hải Bà Vương là tước hiệu mà nhà Ngô đã dùng để mua chuộc Bà Triệu sau nhiều lên đàn áp bất thành chứ không phải là đã có ngay trong thời kỳ khi Bà Triệu còn chuẩn bị khởi nghĩa). Đặt trong bối cảnh chung của thời cổ và trung đại, việc lợi dụng mê tín của xã hội để rồi khôn khéo tạo ra những sự kiện đầy vẻ huyền bí nhằm tập hợp và cố kết lực lượng cũng là điều thường thấy. Cách làm của Bà Triệu cũng chỉ là một trong những thông lệ thường thấy ấy thôi. Tất nhiên, cơ mưu tạo ra các sự kiện đầy vẻ huyền bí, dù hoàn hảo và đầy sức thuyết phục đến đâu cũng không thể thay thế cho quá trình xây dựng uy tín tự thân và hoàn toàn có thật của Bà Triệu. Nhân dân khắp cõi đương thời đến với Bà Triệu trước hết và chủ yếu cũng bởi uy tín tự thân và hoàn toàn có thật này của Bà.

Phần lớn thư tịch cổ đều nói rằng, toàn bộ công lao chuẩn bị cũng như phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Ngô vào năm 248 là của Bà Triệu, nhưng, cũng có vài truyền thuyết dân gian và một số ít thư tịch cổ lại nói rằng Bà Triệu thực ra chỉ là người kế tục sự nghiệp còn dở dang của anh trai Bà - Huyện lệnh Triệu Quốc Đạt. Tài liệu thư tịch, ghi chép điều này rõ hơn cả có lẽ là của Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Theo đó thì: "Khi ta nội thuộc nhà Ngô, các quan Thú mục phần nhiều chỉ lo bóc lột, dân không sao chịu nổi, cho nên (Triệu) Quốc Đạt liền nổi binh chống lại. Được ít lâu, ông mất, dân chúng thấy Bà là người có tướng tài, bèn tôn Bà làm Chúa để cầm cự với quân Ngô" (Đại Nam nhất thống chí, Thanh Hoá tỉnh, tập hạ. Tác giả Nguyễn Khắc Thuần xin chú thích thêm rằng, quan thú mục tức là quan lại đứng đầu các địa phương ở dưới cấp quận). Song cứ như lời kể của hầu hết truyền thuyết dân gian thì rất có thể Triệu Quốc Đạt không phải là người khởi xướng, nhưng ít nhất ông cũng là người ủng hộ một cách đắc lực và đầy hiệu quả cả về tinh thần lẫn vật chất cho em gái mình trong cuộc chiến đấu chống quân Ngô. Và ông đã qua đời trước khi cuộc khởi nghĩa phát triển đến đỉnh cao.

Năm 248, từ chân núi Tùng ở khu vực Phú Điền (nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá), Bà Triệu đã hạ lệnh xuất quân, nhất loạt tấn công quyết liệt vào các lỵ sở của quân Ngô tại quận Cửu Chân. Đời truyền rằng: "Bà Triệu ra trận, chân đi guốc ngà, đầu đội nón ngà, lưng thắt dải lụa, ngực che yếm vàng, mình cưỡi bành voi, dáng mạo thật oai phong lẫm liệt" (Truyền thuyết dân gian về Bà Triệu ở vùng Thanh Hoá). Bà Triệu được nghĩa sĩ của mình đồng lòng tôn làm Nhụy Kiều Tướng quân (Cũng có tài liệu nói rằng tên gọi Nhuỵ Kiều Tướng quân (vị nữ tướng quân có vẻ đẹp rất yêu kiều) là do quân Ngô đặt cho Bà Triệu, nhưng, số tài liệu này chỉ chiếm một tỷ lệ rất ít). Và thề sẽ cùng Bà chiến đấu đến cùng với quân Ngô.

Nghe tin Bà Triệu dựng cờ xướng nghĩa. đông đảo nhân dân ở khắp các địa phương mà trước hết là quận Cửu Chân đã nô nức xin theo. Đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ... sức lực và tài nghệ tuy có cao thấp khác nhau nhưng tất cả đều quyết một lòng đánh giặc cứu nước. Lực lượng nghĩa quân của Bà Triệu vì thế mà phát triển rất nhanh. Ca dao Thanh Hoá có câu rằng:

Ru con, con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi.
Muôn coi lên núi mà coi,
Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng.
Túi gấm cho lẫn túi hồng,
Têm trầu cánh kiến cho chồng ra quân.

Khu vực núi Tùng nhanh chóng trở thành đại bản doanh của nghĩa quân Bà Triệu. Dưới chân núi Tùng là một thung lũng nhỏ, được bao bọc bởi dải núi đá vôi thấp. Đây là cửa ngõ phía Bắc của đồng bằng Thanh Hoá, lại nằm gần biển nên có vị trí rất thuận tiện cho cả khi phòng thủ lẫn lúc tổ chức phản công. Hiện trong thung lũng nhỏ ớ dưới chân núi Tùng vẫn còn có những địa danh như:

   - Đồng Vườn Hoa (đại bản doanh của Bà Triệu).
   - Đồng Xoắn Ốc (một trong những bức thành kiên cố của bộ chỉ huy nghĩa quân).
   - Đồng Lăng Chúa (nơi có mộ của Bà Triệu).

Sát bên núi Tùng là núi Chung Chinh, tuy hiện nay dấu tích còn lại nơi đây chỉ rất mờ nhạt nhưng người ta vẫn còn có thể sơ bộ hình dung được vị trí của 7 đồn luỹ cổ mà nhân dân địa phương cho là do lực lượng nghĩa quân Bà Triệu xây dựng nên. Tại 7 đồn luỹ cổ này, đời truyền rằng, Bà Triệu đã từng trực tiếp chỉ huy hơn 30 trận ác chiến với giặc Ngô. Đây cũng chính là một trong những địa phương còn truyền tụng rất nhiều truyền thuyết về Bà Triệu. Trước khi Bà Triệu phát lệnh khởi nghĩa, kẻ đứng đầu chính quyền đô hộ của nhà Ngô ở nước ta là Thứ sử Lữ Đại - viên quan được chính triều đình Ngô Đại đế coi là "cẩn thận, chu đáo và giàu phương lược, mưu kế vỗ về", được tin cậy và đánh giá rất cao, nên mới phong cho Lữ Đại làm Trấn Nam Tướng quân, tước Phiên Ngung hầu (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển 4, tờ 3-b). Nhưng, guồng máy thống trị do Lữ Đại cầm dầu cũng chẳng làm dược gì ngoài sự tàn ác. Lữ Đại trở thành kẻ thù không đội trời chung của các tầng lớp nhân dân ta, thành đối tượng tiêu diệt đầu tiên của Bà Triệu.

Thực sự lo sợ, giặc đã tung toàn bộ lực lượng ồ ạt đánh mạnh vào quận Cửu Chân với hy vọng có thể nhanh chóng đè bẹp được nghĩa quân của Bà Triệu, nhưng dù đã cố hết sức mình, chúng cũng không thể nào thực hiện dược điều này. Để chia rẽ nghĩa quân, giặc đã xảo quyệt phong cho Bà Triệu đến chức Lệ Hải Bà Vương (nữ vương xinh đẹp của vùng ven biển), song Bà không một chút xao động. Để mua chuộc Bà Triệu, giặc bí mật sai tay chân thân tín tới gặp và hứa sẽ cung cấp cho Bà thật nhiều tiền bạc, song, Bà cũng chẳng chút tơ hào. Sau hơn nửa năm trời trực tiếp đối địch và cũng là hơn nửa năm trời liên tiếp chịu nhiều thất bại đau đớn, hễ nghe tới việc phải đi đàn áp Bà Triệu là binh lính giặc lại lo lắng đến bạt vía kinh hồn. Bởi vậy, đương thời mới có thơ rằng:

Hoành qua đương hổ dị,
Đối diện Bà Vương nan.

Nghĩa là:

      Vung gươm đánh cọp xem còn dễ,
Đối mặt Bà Vương mới khó sao.

   Bùng lên trước hết và chủ yếu là ở khu vực quận Cửu Chân nhưng ảnh hưởng mạnh mẽ và rất to lớn của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu lại nhanh chóng lan rộng khắp cả Giao Châu, đúng như chính sử của Trung Quốc đã thừa nhận là: "Cả Giao Châu đều chấn động" (Trần Thọ (Trung Quốc). Tam Quốc Chí (Ngô chí).). Bấy giờ, cả triều đình Ngô Đại đế lấy việc mất Giao Châu làm mối lo hàng đầu. Một kế hoạch đàn áp có quy mô lớn, một quyết tâm bình định Giao Châu đã gấp rút được xây dựng. Thử thách của nghĩa quân Bà Triệu vì thế mà trở nên cực kỳ cam go.

Bà Triệu (Tranh dân gian)

4. NGÀN NĂM, THANH KIẾM DÀI CÙNG MẶT TRỜI SÁNG MÃI

Xin được mượn lời dịch của câu thơ chữ Hán Thiên thu trường kiếm dữ nhật quang (Nguyễn Khắc Thuần. Vịnh sử. Nguyên tác Hán văn) làm tiêu đề cho đoạn kết của phần viết về Bà Triệu - người phụ nữ đã lập nên huân nghiệp đối với lịch sử nước nhà. Mặt Trời và Mặt Trăng mãi còn, giang sơn và dân tộc này mãi còn thì tên tuổi bất khuất và thanh gươm đúc bằng chí đại định của Bà Triệu cũng sẽ mãi còn toả sáng.

Nhưng trước khi bàn về đoạn kết của cuộc đời Bà Triệu, có lẽ chúng ta cần trở lại với thực trạng của nhà Ngô và của cuộc chiến đấu ở khu vực núi Tùng giữa thế kỷ III. Bấy giờ, nguy cơ sụp đổ hoàn toàn của chính quyền đô hộ đã xuất hiện ngày một rõ và nếu điều này xảy ra, nhà Ngô thật khó có thể tồn tại trước những cuộc tấn công của hai kẻ thù là Thục và Ngụy. Xuất phát từ nhận thức đó Ngô Đại đế buộc phải điều viên tướng thuộc hàng lừng danh nhất của mình là Lục Dận đi đàn áp Bà Triệu:

Binh qua trải bấy nhiêu ngày,
Mới sai Lục Dân sang thay phiên thần(*)

(Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái. Đại Nam Quốc sử diễn ca)

(*) Thay phiên thần: thay quan đô hộ, chỉ việc Ngô Đại đế cách chức Thứ sử Giao Châu của Lữ Đại mà trao chức này cho Lục Dận - NKT)

Lục Dận là cháu của tướng Lục Tốn - viên lão tướng rất được Ngô Đại đế tin cậy. Trước khi lên đường, Lục Dận dược Ngô Đại đế phong làm Thứ sử Giao Châu, hàm An Nam Hiệu úy. Nhà Ngô giao cho Lục Dận 8000 quân và nhiều tuỳ tướng từng trải thử thách trong nhiều lần xuất trận khác nhau. Đó là cố gắng cuối cùng, cũng là cố gắng cao nhất của chúng. Đến Giao Châu, Lục Dận còn được quyền thống lãnh tất cả lực lượng quân Ngô đã có mặt từ trước và đang tham gia những cuộc đàn áp nghĩa quân của Bà Triệu. Đến Giao Châu, Lục Dận đã có 2 quyết định hệ trọng.

  1. Một là tiếp tục thực hiện mưu đồ mua chuộc, nhưng đối tượng chính không phải là Bà Triệu mà là đội ngũ tỳ tướng, những người chỉ huy các đơn vị nhỏ trong lực lượng của Bà Triệu. Lục Dận đã lập luận rất đúng rằng, làm sao chúng có thể mua chuộc được một con người tài cao đức trọng như Bà Triệu. Nhưng Bà Triệu sở dĩ trở nên hùng mạnh vì chung quanh Bà và dưới quyền của Bà còn có biết bao nhiêu con người khác mà nhìn chung là khả năng nhận thức chưa thể sánh với Bà. Mua chuộc được những con người này cũng chính là đã chặt đứt dần vây cánh của Bà Triệu và đẩy Bà Triệu vào thế cô, đến đó, Bà Triệu sẽ không còn là đối thủ đáng sợ nữa. Đời truyền rằng, bởi thủ đoạn rất xảo quyệt này, Lục Dận đã khuất phục được hàng trăm tỳ tướng của Bà Triệu và ngót 5 vạn dân.
  2. Hai là bình tĩnh và bí mật cho quân đi do thám để điều tra cho bằng được mặt mạnh và mặt yếu của Bà Triệu, tức là theo đúng tinh thần lời dạy của binh pháp Trung Quốc cổ: "Tri bỉ, tri kỉ, bách chiến bách thắng" (biết người, biết ta, trăm trận trăm thắng) (Tôn Tử (Trung Quốc). Tôn Tử binh pháp). Và trên cơ sở những tin tức mà chúng đã cất công thu lượm được, kết luận cuối cùng của Lục Dận về Bà Triệu là "ái khiết, uý ô" (thích sự sạch sẽ, lịch lãm và nhã nhặn, ghét sự bẩn thỉu, vô lễ và khiếm nhã). Từ kết luận cuối cùng này, Lục Dận đã tổ chức đàn áp theo kiểu nham nhở chưa từng thấy. Sử cũ chép: "Lục Dận dò biết đặc tính Bà Triệu rất ưa sự sạch sẽ và rất ghét sự bẩn thỉu, bèn nghĩ ra một kế rồi mới cho hạ lệnh xuất quân. Khi Bà Triệu cưỡi voi vung gươm ra trận thì thấy tất cả quân Ngô đều trần truồng mà cầm giáo xông thẳng về phía Bà, chẳng khác gì một lũ điên cuồng rồ dại. Bà Triệu thẹn chín cả người, dẫu rất căm tức nhưng Bà cũng đành phải lui quân về một ngọn núi khác ở khu vực Bồ Điền. Sau, Bà hoá ở đây. Năm ấy Bà 23 tuổi" (Đại Nam nhất thống chí, Thanh Hoá tỉnh, tập hạ).

Nói khác hơn, theo lời ghi chép trên thì Bà Triệu tuy là thua trận nhưng vẫn giữ được cái duyên đằm thắm, hiền thục và nết na của một người con gái, giặc Ngô tuy thắng nhưng tiếng xấu về sự nham nhở thì còn mãi với muôn đời. Tiếng xấu ấy càng trở nên nặng nề hơn bởi sau đó, để thoả lòng căm giận, giặc đã không ngừng tìm cách bôi nhọ Bà Triệu. Chúng gọi Bà Triệu là Triệu Ẩu. Trong tiếng Việt cổ, nếu Dạ là từ dùng để chỉ người phụ nữ lớn tuổi mà được kính trọng, thì ngược lại, Ẩu là từ dùng để chỉ người con gái trẻ tuổi mà bị coi thường.

Trong nhiều thư tịch cổ của Trung Quốc (và sau đó đã được một vài thư tịch cổ của ta sao chép lại), thì Bà Triệu có một chân dung rất khác thường: "Tiếng nói nghe như tiếng chuông lớn, thân cao 9 thước, vú dài 3 thước, lưng rộng 10 ôm, mỗi ngày đi nhanh có thể được 500 dặm" (Đại Nam nhất thống chí, Thanh Hoá tỉnh, tập hạ). Thực ra, tổng số huyền thoại về những người phụ nữ có năng lực và hành trạng khác thường trong kho tàng văn học dân gian không phải là ít, nhưng truy cho đến tận cùng căn nguyên thì tất cả những huyền thoại đó đều góp phần chứng tỏ sự bất lực hoàn toàn của giai cấp thống trị tàn bạo trước sức mạnh phản kháng quyết liệt của xã hội do chính những người phụ nữ cầm đầu. Huyền thoại ly kỳ về Bà Triệu có lẽ cũng nằm trong xu hướng phản ánh tận cùng căn nguyên rất rõ ràng này.

Trái với ghi chép của thư tịch cổ, chân dung Bà Triệu trong tình cảm nồng hậu của các thế hệ nhân dân ta thể hiện qua truyền thuyết dân gian, có một vẻ đẹp rất thánh thiện mà cũng thật đoan trang, rất thuỳ mị với mọi người nhưng cũng rất dũng mãnh với kẻ thù. thật xứng đáng với vinh hiệu Nhụy Kiều Tướng quân. Lúc bấy giờ, dù xuất phát điểm của quân Ngô có chứa chất sự lừa mị và xảo quyệt đến mức độ như thế nào đi chăng nữa thì chúng cũng đã hoàn toàn đúng khi định sử dụng mỹ hiệu Lệ Hải đặt trước tước vị Bà Vương để phong cho Bà.

Lăng Bà Triệu

Xét cụ thể từng chi tiết, tất nhiên là có những chỗ hậu thế thật khó mà đồng tình, nhưng xét về tổng thể thì rõ ràng là Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã hoàn toàn có lý khi hạ bút viết Lời phê rằng: "Con gái nước ta có nhiều người hùng dũng lạ thường. Bà Triệu Ẩu thật xứng là người sánh vai được với Hai Bà Trưng. Xem thế thì há có phải chỉ Trung Quốc mới có đàn bà danh tiếng như chuyện Thành phu nhân và Nương tử quân mà Bắc sử đã chép đâu. Nhưng nếu nói là vú dài 3 thước thì thật là quái gở và đáng buồn cười lắm" (Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Tiền biên, quyển 3, tờ 9). Tác giả Nguyễn Khắc Thuấn chú thích thêm: Theo Từ Hải từ điển (Trung Quốc) thì Thành phu nhân là vinh hiệu do dân ở khu vực thành Tương Dương đặt cho bà Hàn thị là thân mẫu của tướng quân Chu Tự, người Trung Quốc đời Tấn (265-420). Bà đã tự mình vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ huy thực hiện việc tu bổ thành, giúp con đánh lui dược tướng giặc là Phù Phi, giữ vững thành Tương Dương. Nương tử quân là vinh hiệu của Công chúa Bình Dương, con gái Đường Cao Tổ (618-626). Lúc Đường Cao Tổ mới khởi binh chống lại nhà Tuỳ, Bình Dương Công chúa đã cùng với chồng là Sài Thiệu, chiêu mộ và trực tiếp cầm quân giúp cha đánh đổ nhà Tuỳ. Riêng bà là thủ lĩnh của 7 vạn tinh binh. Vì lẽ này, Bình Dương Công chúa được sử sách Trung Quốc tặng cho vinh hiệu là Nương tử quân)

Ở khu vực núi Tùng, mộ của Bà Triệu vẫn được đời nối đời trân trọng gìn giữ, đền thờ Bà Triệu đã gần 20 thế kỷ qua vẫn nghi ngút khói hương. Tên tuổi và sự nghiệp của Bà Triệu đã trở nên bất diệt với vạn cổ thử giang sơn (muôn đời sông núi này) (Chữ của Trần Quang Khải trong bài cảm khái ông viết sau trận đại thắng quân Mông Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai (1285) và mãi mãi toả sáng trong sử sách cũng như trong ký ức của các thế hệ nhân dân yêu nước:

Tùng sơn nắng quyện mây trời,
Dấu chân Bà Triệu rạng ngời sử xanh.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 4 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005.

Print Print E-mail Print