Vietnamdefence.com

 

Lê Sát (? - 1437)

VietnamDefence - “Lê Sát người làng Bỉ Ngũ (Lam Sơn), là bậc trí dũng song toàn. Ông theo vua (Lê) Thái Tổ khởi binh, từng trải nhiều gian lao nguy hiểm, lập được nhiều công lao” - Đại Việt thông sử(Chư thần truyện)

Lê Sát là một trong những người đầu tiên hăng hái tham gia cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của quân Minh do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo. Nhờ có võ nghệ rất cao cường lại dũng cảm và giàu mưu lược ngay từ đầu, Lê Sát đã được Lê Lợi tin cậy mà trao quyền chỉ huy một trong những đơn vị nghĩa sĩ của Lam Sơn.

Từ đó trở đi, có thể nói cuộc đời của Lê Sát là cuộc đời của một võ tướng, một lòng một dạ chiến đấu vì nghĩa cả cứu nước, cứu dân và tuyệt đối trung thành với Lê Lợi. Ông đã liên tiếp lập được nhiều công lao, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại đầu thế kỷ XV. Tên tuổi và sự nghiệp của Lê Sát gắn liền với mấy sự kiện lớn sau đây:

  • Sự kiện năm Canh Tý (1420)

Bấy giờ, nghĩa quân Lam Sơn đang hoạt động chủ yếu ở vùng  rừng núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Tuy có ý chí chiến đấu rất kiên cường, nhưng do thế và lực còn rất non kém, Lam Sơn luôn luôn bị quân Minh dồn vào thế bi tấn công, bị bao vây tiêu diệt, thậm chí, lắm lúc có nguy cơ bị thất bại hoàn toàn. Dẫu muôn vàn khó khăn chồng chất, Lam Sơn vàn tổ chức được không ít những cuộc tấn công bất ngờ gây cho địch những tổn thất không nhỏ. Một trong những cuộc tấn công nổi bật của giai đoạn đầu đầy gian nan này là cuộc tấn công vào Quan Du (Quan Hóa, Thanh Hóa) vào tháng chạp năm Canh Tý (1420).

Tại Quan Du, quân Minh thiết lập một đồn binh khá lớn, có thành lũy kiên cố bao bọc ở bên ngoài. Cùng với các đồn Khả Lam và Nga Lạc, đồn Quan Du có nhiệm vụ chặn đứng khả năng mở rộng hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn ra khu vực Tây Đô. Bằng nhiều cuộc tập kích nhỏ, Lam Sơn đã buộc quân Minh rút hết lực lượng ở Khả Lam và Nga Lạc về Quan Du, vì thế, tổng số quân Minh đóng ở Quan Du đã lên tới hàng ngàn tên.

Sau nhiều lần khiêu khích và tìm cách quấy rối, khiến cho quân Minh ở trong đồn này đã thực sự mệt mỏi. Lê Lợi phái các tướng Lê Sát và Lê Hào, táo bạo đem quân tập kích ồ ạt vào Quan Du. Đây là trận có quy mô lớn vào hàng bậc nhất trong giai đoạn thứ nhất của phong trào Lam Sơn.

Trong trận này, các nghĩa sĩ Lam Sơn do Lê Sát và Lê Hào chỉ huy đã “cả phá được giặc, chém được hơn một ngàn tên, thu được rất nhiều vũ khí” (Lam Sơn thực lục, Quyển 1). Thắng lợi của trận Quan Du có ý nghĩa kích động mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của lực lượng Lam Sơn và cổ vũ mạnh mẽ đối với nhân dân vùng tạm bị quân Minh chiếm đóng. Sử cũ chép:
“Từ đây, thế giặc ngày một suy. Nhà vua (chỉ Lê Lợi - NKT) bèn phủ dụ và chiêu mộ nhân dân các xứ. Các huyện lân cận đều hưởng ứng, cùng nhau vây đánh các đồn” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 10, tờ 7a).

Phía giặc có hai tướng sừng sỏ là Tạ Phượng và Hoàng Thành, có quân số đông, có thành lũy kiên cố, có lương thực và vũ khí dồi dào... nhưng, đã phải cam chịu thất bại trước hai tướng của Lam Sơn là Lê Sát và Lê Hào, trong tay chỉ có một đơn vị nghĩa binh nhỏ, lương thực và vũ khí thiếu thốn, lại chẳng có thành cao hay hào sâu để nương tựa. Từ đấy, tên tuổi của Lê Sát luôn được Bộ chỉ huy và nghĩa sĩ Lam Sơn nhắc đến với lòng mến phục.

  • Sự kiện năm Giáp Thìn (1424)

Năm này, theo đúng kế hoạch chiến lược do Nguyễn Chích khởi xướng, Bộ chỉ huy Lam Sơn quyết đinh chủ động tấn công vào Nghệ An, mở rộng địa bàn hoạt động, tìm đất đứng chân và chấm dứt hẳn thời kỳ tạm thời hòa hoãn với quân Minh. Một trong những trận lớn của quân Lam Sơn ở Nghệ An là trận Khả Lưu-Bồ Ải. 

Bấy giờ, Lam Sơn đã chiếm được Trà Lân và khống chế được phần lớn đất Nghệ An. Tướng cao cấp của giặc là Trần Trí và Phương Chính tức tối đưa quân đi đàn áp, dự tính là sẽ bất ngờ tấn công vào Trà Lân. Nhưng, khi chúng đang hăm hở tiến thì có tin do thám cho hay, quân Lam Sơn đã đến chiếm ải Khả Lưu và đã hạ trại chỉnh tề tại đó. Chiếm Khả Lưu cũng có nghĩa là Lam Sơn đã chiếm được vùng đất hiểm, án ngữ ngay đường đến Trà Lân. Âm mưu tạo sự bất ngờ của Trần Trí và Phương Chính kể như tiêu tan. Trước tình huống này, Trần Trí và Phương Chính liền cho quân hạ trại ở bãi Phá Lữ là một địa điểm nằm ở phía ngoài ải Khả Lưu. Bãi này, nay thuộc xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Tại đây, chúng ra sức bàn mưu tính kế, quyết chiếm cho bằng được ải Khả Lưu, vì chỉ có chiếm được ải Khả Lưu mới có tiến vào được Trà Lân.

Khả Lưu đúng là đất hiểm, nhưng, tại đất hiểm này, lương thực và thực phẩm rất thiếu thốn, Lam Sơn không thể bám trụ lâu ngày ở đày được. Vấn đề đật ra hàng đầu đói với Lam Sơn là phải nhanh chóng nhử địch vào một trận đồ mai phục để có thể đập tan kế hoạch của chúng. Và Lê Lợi đã quyết định rút phần lớn lực lượng đi ém sẵn tại Bãi Sở (nay thuộc xã Long Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). Lê Sát là một trong những tướng có vinh dự được cầm quản đi bày bố trận địa trước ở đằý. Một bộ phận nhỏ của Lam Sơn có nhiệm vụ ở lại Khả Lưu để giương cờ, gióng trống và nổi lửa, cốt đánh lạc hướng kẻ thù.

Bởi nôn nóng muốn đánh chiếm Khả Lưu, Trần Trí và Phương Chính đã mắc mưu Lê Lợi. Sau bốn ngày đóng tại bãi Phá Lữ, Trần Trí và Phương Chính bất thình lình cho quân đánh vào Khả Lưu. Sử cũ mô tả:
“Trời gần sáng, giặc xua quân thủy bộ cùng tiến đánh vào dinh trại của Vua (chỉ Lê Lợi - NKT). Vua bèn giả lui quân để nhử chúng vào chỗ có quân ta mai phục. Giặc không chút nghi ngờ, cứ thế, tiến vào thật sâu. Bấy giờ, phục binh ta mới nổi dậy, xông vào đánh tới tấp. Giặc tan vỡ, bị chém chết và bị chết đuối kể có đến hàng vạn” (Lam Sơn thực lục, Quyển l). Sau khi thua trận này, Trần Trí và Phương Chính lại rút quản về đóng ở bãi Phá Lữ như cũ.

Về phần mình, Lê Lợi cũng cho rút quân về Khả Lưu, tu chỉnh dinh trại và đồn lũy, chuẩn bị cho trận đánh mới với quân Minh. Nhưng, đóng quân lâu dài ở Khả Lưu, đối với Lam Sơn là điều khó khăn không dễ gì khắc phục được. Một viên tướng của Lam Sơn, quê ở Nghệ An là Nguyễn Vĩnh Lộc đề nghị: hãy giả đốt dinh trại, vờ như để rút quân, cốt để giặc mắc mưu mà xua quân đuổi theo. Ta nhân đó đặt phục binh để đánh thì chắc sẽ thắng lớn. Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đồng ý với đề nghị này.

Sử cũ ghi chép như sau:
“Bấy giờ, lương thực của giặc khá nhiều mà quân lương của ta thì không đủ dùng cho mười ngày. Vua nói với các tướng rằng:
- Giặc cậy có nhiều lương nên cố giữ vững thành lũy để tinh kế lâu dài. Ta lương ít, không thể cầm cự lưu với chúng được. (Nói rồi), Vua liền hạ lệnh đốt hết dinh trại và nhà cửa rồi giả cách rút lên vùng thượng lưu, nhưng sau đó thì bí mật quay trở lại đặt phục binh để chờ.

Giặc tưởng là quân ta đã bỏ chạy, liền vội cho quân lên chiếm lấy khu dinh trại của ta, đắp thành xây lũy (để giữ lấy chỗ hiểm). Nhưng, Vua đã nhân đêm tối, bố trí xong phục binh. Giặc không ngờ, vừa tiến đến thì bị quân ta xông ra. Bọn Lê Sát, Lê Bị (tức Bùi Bị - NKT), Lê Vấn (tức Phạm Vấn - NKT), Lê Lễ (tức Đinh Lễ - NKT), Lê Nhân Chú (tức Lưu Nhân Chú - NKT), Lê Ngân, Lê Chiến (tức Trương Chiến - NKT), Lê Tôn Kiều, Lê Khôi, Lê Bôi, Lê Văn An... đều đua nhau lên trước để phá thế tiến của giặc. 

Giặc thua to, bỏ chạy tán loạn. Ta chém được nhiều không kể xiết.  Chiến thuyền của chúng ngổn ngang, xác chết nghẽn cả nước, khí giới vất như núi, như gò. Trong trận này, ta bắt sống được tướng giặc là Chu Kiệt và giết được tướng giặc là Hoàng Thành, bắt sống được hơn 1000 quân Minh. Ta thừa thắng, đuổi chúng chạy dài đến tận thành Nghệ An. Giặc vội vào thành để cố thủ” (Lam Sơn thực lục, Quyển 1). 
Như vậy là Lê Sát và Hoàng thành có cuộc giáp mặt lần thứ  hai. Ở trận Quan Du, Hoàng Thành bị Lê Sát đuổi cho chạy thục mạng. Đến trận Khả Lưu-Bồ Ải, Hoàng Thành bị chém đầu. Hẳn nhiên, đó là thắng lợi chung, nhưng, trong thắng lợi chung đó, Lê Sát có một vị trí rất quan trọng.

Ngay sau trận Khả Lưu - Bồ Ải, Lê Sát được Lê Lợi tin cậy, sai ông cùng với Đinh Lễ đem 2000 quân theo đường tắt, tiến ra tấn công và uy hiếp thành Tây Đô (Thanh Hóa), mở đường cho đại binh Lam Sơn ra giải phóng sau này.

  • Sự kiện năm Đinh Mùi (1427)

Năm này, nhờ có nhiều công lao, Lê Sát đã được phong hàm Thiếu úy. Trước đó, quân Lam Sơn đã thắng trận quyết chiến chiến lược ớ Tốt Động-Chúc Động.
Từ Thanh Hóa, sau khi nhận được tin đại thắng báo về, Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn đã gấp tiến ra Bắc. Lê Sát cũng được lệnh nhanh chóng hành quân ra trong dịp này.

Tháng 10 năm 1427, Lam Sơn chuẩn bị đánh trận cuối cùng với quân Minh. Lê Sát được Lê Lợi và Bộ chỉ huy Lam Sơn chỉ định, cùng với Trần Nguyên Hãn, gấp rút đem quân lên hạ thành Xương Giang, phá tan chỗ dựa nguy hiểm của viện binh giặc từ phía Lạng Sơn tràn xuống.
Trước khi lên đường, Lê Sát đã được phong hàm Tư mã, còn Trần Nguyên Hãn thì được phong hàm Thiếu úy. Lê Sát và Trần Nguyên Hãn đã lập công xuất sắc: San bằng thành Xương Giang đúng 10 ngày trước khi viện binh của giặc tiến đến vùng này (Về trận đánh thành Xương Giang, tham khảo thêm phần viết về Trần Nguyên Hãn).
 
Ngay sau khi san bằng thành Xương Giang, Lê Sát được cùng với các tướng như Trần Nguyên Hãn, Lưu Nhân Chú và Nguyên Xí, chỉ huy lực lượng Lam Sơn đánh trận tập kích cuối cùng với viện binh giặc tại cánh đồng Xương Giang. Đây là trận Lê Sát lập công lớn nhất:

“Ông cùng các tướng tấn công, phá tan được trận giặc, chém hơn 5 vạn thủ cấp, bắt sống Đô đốc Thôi Tụ, Thượng thư Hoàng Phúc và hơn 3 vạn quân địch. Quân trang khí giới thu được nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Nước Nam ta, từ thời Trần bắt được Ô-mã-nhi và Tích-lệ-cơ cho đến lúc ấy, có lẽ chưa có trận thắng quân phương Bắc nào lại to lớn như vậy” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).

Nhờ những công lao nói trên, năm Thuận Thiên thứ nhất (tức là năm 1428) Lê Sát được phong là Nhập nội Kiểm hiệu Tư khấu, Bình Chương Quân quốc Trọng sự, hiệu là Suy Trung Tán Trị, Hiệp Trung Mưu Quốc Công thần. Tháng 5 năm 1429, triều Lê lập biển khắc tên 93 vị Khai quốc Công thần, thì tên của Lê Sát vinh dự được khắc ở hàng thứ hai. Cũng năm đó, ông được phong tước Huyện Thượng hầu. Đến năm 1433, Lê Sát được phong hàm Đại Tư đồ.  Năm 1434, Lê Sát được trao quyền Tể tướng. Đó chính là tột đỉnh danh vọng của ông.

Sinh thời, Lê Sát là người rất có tài, đặc biệt là tài cầm quân, nhưng ông thường khiến cho người ta sợ mà theo nhiều hơn là khiến cho người ta phục mà theo. Ông được trao quyền cao chức trọng, nhưng về phương diện chính trị, ông không phải là người sâu sắc, đó âu cũng là “nhân vô thập toàn” vậy.

Sử cũ viết về ông như sau:

“Ông hăng hái lo tròn bổn phận phò vua và sửa sang các việc, dám can gián và nói điều ích nước, nhưng ông là võ tướng, ít hiểu đại thể chính trị, xử việc thường theo ý riêng, tính thẳng thắn nhưng làm mà ít nghĩ đến hậu họa. Lại nữa, ông là người nóng tính, vì ghét Tư khấu Lưu Nhân Chú nên đã kiếm cớ vu cáo để giết đi, lại còn đang tâm mà đuổi cả người em (Lưu Nhân Chú là Lưu) Khắc Phục đang làm Hành khiển Nam Đạo phải đi làm Phán thủ Đại Lý chính, do đó, các công thần đều ghê sợ.

Ông thường dùng hình phạt rất nặng nề, nghiêm khắc và tàn bạo. Giám sinh Nguyễn Đức Minh theo gia đình đến trường Giám, thấy có lá thư nặc danh dán ở trên tường một ngôi chùa dọc đường, trong thư nói Đại Tư đồ (Lê) Sát và Đô đốc (Phạm) Vấn cùng lập mưu để giết Phán quan sĩ (tức Lưu Nhân Chú - NKT). Anh ta bô bô gọi mọi người tới xem, xong thì lấy xé bỏ đi. 

Có người đến tố cáo chuyện đó (với Lê Sát), ông cho rằng, chính viên giám sinh ấy viết ra, liền sai bắt để tra khảo nhưng anh ta quyết không nhận. Khi Lê Sát tính đem viên giám sinh ra chém thì hình quan cho rằng, tội trạng chưa rõ, vì thế (Lê Sát) giảm tội chết cho anh ta, nhưng bắt phải đi đày và tịch thu hết gia sản. 

Người của Uy Viễn Quân là Nguyễn Bẩm cùng với viên Trung Quân Thiết Đột là Trình Thọ Lộc thường hay bày kế để rủ rê bọn nô tì của nhà nước, đem họ mà dâng cho các quan. Quan Tư mã là Lê Liệt (tức Đinh Liệt - NKT) bắt được, liền đem chuyện tâu lên. Lê Sát giận lắm, sai lập tức bắt cả hai ra tra án ngay giữa sân điện rồi đem chém. Ông lại sai điều đám thợ sơn ở Tất tác Tượng Cục (tức là nhóm thợ sơn do nhà nước quản lý - NKT) đến làm việc ở chùa Báo Thiên. Công việc thổ mộc rất nặng nề.

Có người thợ sơn tên là Cao Sư Đãng do phải làm việc cực nhọc, nên có nói vụng rằng:
- Thiên Tử thì thất đức, để đến nỗi hạn hán. Đại thần thì ăn của đút, cất cử người chẳng chút công lao. Thiện tâm đã không có xây chùa to mà làm gì?

Lời ấy bị người khác tố cáo. Quan Thẩm hình Viện là Nguyễn Đình Lịch nói:
- Nó dám nói càn đến việc nước, theo luật là phải đem ra chém đầu.

Các quan Nguyễn Thiên Hựu và Bùi Cầm Hổ tâu xin miễn tội chết cho Cao Sư Đãng, Vua đã sắp nghe theo, nhưng Lê Sát lại nói:
- Trước đã nghe lời bọn (Nguyễn) Thiên Hựu nên không giết Nguyễn Đức Minh, khiến chúng dám bỏ thư nặc danh vu tội cho nhau, nay lại muốn tha người này thì lấy gì để răn kẻ khác?  (Nguyễn) Thiên Hựu không dám nói thêm nữa. (Lê Sát) bèn sai đem (Cao Sư Đãng) đi chém đầu.

Hôm sau, gặp cơn mưa nhỏ, Lê Sát bèn nói ở trong triều rằng:
- Nếu nghe lời của các ngôn quan thì làm gì có trận mưa này.

Lê Ngân cười nói:
- Giết nhiều kẻ ác thì mưa nhiều, chỉ hiềm là xương người chất đầy đường, khó đi lại mà thôi. 

Chuyện khắc nghiệt của ông ta đại để là như thế.

(Bấy giờ), quan giữ chức Đồng Tri Bắc Đạo là Bùi Ư Đài tâu xin chọn các bậc kỳ lão vào chầu để khuyên răn Nhà vua và xin đặt chức Sư phó để chỉ bảo cho các quan. Lê Sát thấy lời tâu ấy thì giật lắm, xin giao (Bùi Ư Đài) cho ngục quan xét hỏi, ghép (Bùi Ư Đài) vào tội ly gián vua tôi. Nhà vua không nghe. Lê Sát tâu đi tâu lại đến ba bốn lần mà Nhà vua vẫn không chịu. Bọn (Nguyễn) Thiên Hựu, (Bùi) Cẩm Hồ và cả quan Hữu Bật là Lê Văn Linh đều đồng ý với Lê Sát. Nhà vua bất đắc dĩ phải đày Bùi Ư Đài đi xa nhưng lòng Vua đã bắt đầu ghét bỏ Lê Sát “ (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).

Sự ghét bỏ của vua Lê Thái Tông đối với Lê Sát càng ngày càng rõ rất tiếc là Lê Sát nhận biết điều này quá chậm. Ông say sưa với quyền lực mà quên cả việc đề phòng hậu họa. Và tháng 6 năm 1437, đại họa bắt đầu giáng xuống đầu ông. Tháng ấy, vua Lê Thái Tông xuống chiếu nói rằng:

“Lê Sát chuyên quyền, ghét người tài, giết (Lưu) Nhân Chú để ra oai, truất quyền của Trịnh Khả để mong người ta phục, bãi chức tước của Bùi Ư Đài để khiến cho đình thần không ai dám nói... Nay, trẫm muốn khép vào hình luật để tỏ rõ phép nước, nhưng, vì (Lê Sát) là đại thần cố mệnh, có công với nhà nước nên đặc cách khoan tha, song phải bãi hết chức tước” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).

Một tháng sau (tháng 7 năm 1437), vua Lê Thái Tông lại phế Nguyên phi (Lê) Thị Ngọc Dao (là con gái của Lê Sát) làm thường dân và ban tiếp chiếu chỉ thứ hai về Lê Sát như sau: “Tội của Lê Sát đáng phải giết, không thể dung thứ được. Lẽ phải đem (Lê Sát) chém để rao, nhưng trẫm đặc ân miễn cho, không giết duy có Đặng Đắc là kẻ bày mưu cho lê Sát, làm nguy hại đến xã tác thì phải chém bêu đầu” (Đại Việt thông sử, Chư thần truyện).

Cuối cùng, Nhà vua xét thấy không thể dung tha cho Lê Sát, vì vậy đã hạ lệnh cho ông phải tự tử tại nhà, vợ con và điền sản đều bị tịch thu. Sự kiện này xảy ra vào cuối tháng 7 năm 1437 (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển XI, tờ 43-a). 

Năm 1453, vua Lê Nhân Tông mới cho là ông bị tội oan, bèn cấp cho con cháu ông 100 mẫu ruộng để thờ tự và đến năm 1484, vua Lê Thánh Tông mới truy tặng ông là Thái bảo Cảnh Quốc công.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 1 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.

Print Print E-mail Print