Vietnamdefence.com

 

Đinh Bộ Lĩnh (924 - 979)

VietnamDefence - “Vua mở nước định đô, đổi xưng là Hoàng Đế, chia đặt bách quan và sáu quân, chế độ gần như đã đầy đủ. Có lẽ trời đã vì nước Việt mà lại sinh đấng thánh triết...” - Lê Văn Hưu (Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ quyển 1,tờ 2-b và 3-a)

“(Đinh) Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt, mưu lược hơn người, dũng cảm nhất đời, đương khi nước Việt ta không có chúa, hùng trương đua nhau cát cứ... một phen cất quân mà khiến cả mười hai sứ quân đều phải hàng phục. Vua mở nước định đô, đổi xưng là Hoàng Đế, chia đặt bách quan và sáu quân, chế độ gần như đã đầy đủ. Có lẽ trời đã vì nước Việt mà lại sinh đấng thánh triết...”. 
Lê Văn Hưu (Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ quyển 1,tờ 2-b và 3-a)

1. THUỞ THIẾU THỜI

Đinh Bộ Lĩnh là con của Đinh Công Trứ. Thời Dương Đình Nghệ (931 - 937), Đinh Công Trứ được trao chức Thứ Sử Hoan Châu (Nay là vùng Nghệ An). Thời Ngô Quyền (938 - 944), Đinh Công Trứ cũng tiếp tục được trao chức ấy, nhưng chưa được bao lâu thì mất. Thân mẫu của Đinh Bộ Lĩnh người họ Đàm, còn như tên húy của bà là gì thì hiện vẫn chưa rõ.

Đinh Bộ Lĩnh sinh năm Giáp Thân (924) tại quê cha là động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (nay là huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), mất năm Kỷ Mão (979), thọ 55 tuổi. Do thân sinh đi làm quan ở xa, cuộc đời của Đinh Bộ Lĩnh gắn bó với thân mẫu nhiều hơn. Sau khi Đinh Công Trứ qua đời, Đinh Bộ Lĩnh cùng thân mẫu dắt díu nhau về dựng nhà và lập nghiệp tại khu vực cạnh đền Sơn Thần động Hoa Lư.

Tượng Vua Đinh Tiên Hoàng - Đền Vua Đinh, Hoa Lư, Ninh Bình

Thuở thiếu thời, Đinh Bộ Lĩnh đã có tính cách khá đặc biệt. Sử cũ viết về thời niên thiếu của Đinh Bộ Lĩnh như sau:

“Vương (chỉ Đinh Bộ Lĩnh - NKT) lúc nhỏ thường cùng lũ trẻ chăn trâu ở chốn núi rừng vui chơi, được chúng tôn là bậc huynh trưởng. Chúng vẫn thường lấy lễ (đại để như) vua tôi để giúp Vương. Khi vui chơi đùa giỡn, bọn trẻ thường đấu tay làm kiệu để khiêng Vương đi, lại còn lấy bông lau giả làm cờ cho đi trước để dẫn đường, chia làm tả hữu hai phía để theo hầu, nghi vệ chẳng khác gì Thiên Tử. Lúc rảnh rỗi, lũ trẻ lại giục nhau đi kiếm củi về cho Vương, làm y như thể là nạp thuế vậy. Chiều đến, bà thân mẫu của Vương thấy vậy thì vui mừng, bèn mổ heo đãi chúng. Các bậc trưởng lão trong làng đều nói:

- Đứa trẻ có khí chất và dung nghi phi thường này ắt sẽ trở thành đấng cứu đời, đem lại yên lành cho muôn dân. Bọn ta nếu không sớm theo về, để ngày khác hối hận thì đã muộn.

Nói rồi, họ thúc giục con em mình theo Vương” (Đại Việt sử lược, quyển 1).

Thời trai trẻ, Đinh Bộ Lĩnh được dồn dập chứng kiến những biến cố lớn lao của lịch sử nước nhà. Đó là thời họ Khúc khôn khéo đặt nền tảng đầu tiên cho kỷ nguyên độc lập và tự chủ. Đó là thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền liên tiếp đánh bại quân Nam Hán xâm lăng. Đó là thời mà thân sinh của Đinh Bộ Lĩnh từng góp phần vào sự nghiệp chung, làm rạng danh gia tộc. Nhưng đó cũng là thời đau thương. Sau khi Ngô Quyền qua đời, chính quyền trung ương mau chóng suy yếu, các thế lực cát cứ ở khắp các địa phương lần lượt nổi lên. Đất nước loạn ly bởi cuộc hỗn chiến giữa các thế lực cát cứ ấy. Theo quy luật đào thải nghiêm khắc và lạnh lùng, tất cả các thế lực yếu đều mau chóng bị tiêu diệt, các thế lực mạnh thì tồn tại lâu hơn. Cuối cùng, cả nước còn lại 12 thế lực mạnh, sử gọi đó là loạn mười hai sứ quân. Danh sách 12 sứ quân này cụ thể như sau:

1. Ngô Xương Xí chiếm giữ đất Binh Kiều (Nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa).

2. Kiều Công Hãn chiếm giữ đất Phong Châu (Nay thuộc huyện Phong Châu, tỉnh Vĩnh Phú, nay là Phú Thọ) và xưng là Kiều Tam Chế.

3. Kiều Thuận chiếm giữ đất Hồi Hồ (Thời Hán, đó là đất Cẩm Khê. Thời Lê, đó là đất huyện Hoa Khê. Nay là đất huyện Sông Thao, tỉnh Vĩnh Phú, nay là Phú Thọ) và xưng là Kiều Lệnh Công.

4. Nguyễn Khoan chiếm giữ đất Tam Đái (Nay thuộc huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú, nay là Vĩnh Phúc), xưng là Nguyễn Thái Bình.

5. Ngô Nhật Khánh chiếm giữ đất Đường Lâm (Nay thuộc huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội), xưng là Ngô Lãm Công.

6. Đỗ Cảnh Thạc chiếm đất Đỗ Động Giang (Nay thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội), xưng là Đỗ Cảnh Công.

7. Lý Khuê chiếm giữ đất Siêu Loại (Nay thuộc huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc, nay là Bắc Ninh) và xưng là Lý Lãng Công.

8. Lữ Đường (cũng đọc là Lã Đường), chiếm giữ đất Tế Giang (Nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng, nay là Hưng Yên) và xưng là Lữ Tá Công.

9. Nguyễn Thủ Tiệp chiếm giữ đất Tiên Du (Nay thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc, nay là Bắc Ninh), xưng là Nguyễn Lệnh Công.

10. Nguyễn Siêu chiếm giữ đất Phù Liệt (Nay thuộc huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội), xưng là Nguyễn Hữu Công.

11. Phạm Bạch Hổ chiếm giữ đất Đằng Châu (Nay thuộc huyện Kim Thi, tỉnh Hải Hưng), xưng là Phạm Phòng Át.

12. Trần Lãm chiếm giữ đất Bố Hải Khẩu (Nay là vùng thị xã Thái Bình, tỉnh Thái Bình), xưng là Trần Minh Công.

Loạn mười hai sứ quân đã khiến cho dân tình khốn khổ, thế nước suy vi và tạo điều kiện thuận lợi cho giặt ngoại xâm có thể lợi dụng để tràn vào nước ta bất cứ lúc nào. Chưa bao giờ nhu cầu tái lập vào bảo vệ nền thống nhất quốc gia lại trở nên bức thiết như lúc này.

2. VUNG GƯƠM DẸP LOẠN

Sử cũ chép: “Bấy giờ, trong cõi không có chúa, Vương (chỉ Đinh Bộ Lĩnh - NKT) nghe tin Trần Minh Công (tức sứ quân Trần Lãm - NKT) là người giỏi nhưng lại không có con nối dõi, bèn đến xin nương nhờ. Trần Minh Công thoáng trông đã biết Vương là bậc có khí chất hơn người, liền nhận làm con và đem hết binh quyền giao phó cho” (Đại Việt sử lược, quyển l).

Đoạn ghi chép ngắn ngủi nói trên cho thấy rõ, Đinh Bộ Lĩnh đã bắt đầu sự nghiệp dẹp loạn bằng cách tìm đến để nương nhờ Trần Lãm là một trong những sứ quân mạnh nhất đương thời. Đó là một sự chọn lựa rất thông minh, bởi vì ngoài những lý do mà sử cũ đã kể, lãnh địa của Trần Lãm có một vị trí rất quan trọng đối với cục diện chung. Nắm giữ được lãnh địa ấy cũng có nghĩa là nắm được kho lương thực và thực phẩm lớn nhất.

Dựa vào ưu thế đặc biệt của mình, Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt đánh bại các sứ quân. Đến cuối năm Đinh Mão (967), sự nghiệp dẹp loạn của Đinh Bộ Lĩnh hoàn thành. Sang đầu năm Mậu Thìn (968), ngay sau khi Trần Lãm qua đời, Đinh Bộ Lĩnh đã lên ngôi Hoàng đế, xưng là Đinh Tiên Hoàng, định đô ở Hoa Lư, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt. Đến năm Canh Ngọ (970), Đinh Tiên Hoàng đặt niên hiệu là Thái Bình.

Từ đây, triều Đinh được dựng lên và với tư cách là Hoàng đế, Đinh Bộ Lĩnh đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp kiến thiết quốc gia. Sứ thần Ngô Sĩ Liên nói rằng:

Lăng Vua Đinh Tiên Hoàng - Đền Vua Đinh, Hoa Lư, Ninh Bình 

“Đế vương dấy nghiệp, không có ai là không nhờ ở mệnh trời. Nhưng, thánh nhân không bao giờ cậy có mệnh trời mà không làm hết phận sự của mình. Khi việc lớn đã thành thì lại càng phải lo nghĩ cách đề phòng. Sửa sang lễ nhạc, hình án và chính sự là để phòng giữ lòng người. Đặt nhiều lần cửa và đánh hiệu canh là để phòng kẻ hung bạo. Lòng dục không cùng, việc đời vô bờ vô bến, không thể không đề phòng trước được. Đó là cách nghĩ xa cho đời sau, mưu tính cho con cháu” (Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ, quyển 1, tờ 6-b và tờ 7-a).

Tuy nhiên, là người xưng Đế đầu tiên của kỷ nguyên độc lập tự chủ và thống nhất, mọi việc mà Đinh Tiên Hoàng đã làm đều chỉ mới có ý nghĩa mở đầu. Một số nho sĩ đời sau lấy khuôn mẫu chặt chẽ của thời đại họ làm chuẩn để đánh giá, đã có ý chê Đinh Tiên Hoàng sơ sài trong việc trị nước. Những lời chê ấy quả là không sai nhưng thật khó mà nói là đúng.

Đinh Bộ Lĩnh không phải là danh tướng chống xâm lăng, nhưng, võ công oanh liệt của ông thực sự đã góp phần rất to lớn vào sự nghiệp giữ nước. Từ đây, độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia luôn luôn gắn bó chặt chẽ với nhau, trở thành hai mặt bản chất nhất, nổi bật nhất của lịch sử nước ta. Thắng lợi của mặt này là tiền đề, là cơ sở thắng lợi của mặt kia và ngược lại.

Năm 979, Đinh Bộ Lĩnh bị kẻ phản nghịch là Đỗ Thích giết hại. Ông mất khi triều Đinh mới được hơn mười năm, khi vận nước đang bắt đầu lâm nguy bởi mưu đồ bành trướng của nhà Tống ở phương Bắc.

Nguồn: Danh tướng Việt Nam - Tập 1 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.

Print Print E-mail Print