Vietnamdefence.com

 

Quy trình thực hiện không kích của quân đội Mỹ

VietnamDefence - Không kích là một trong những thủ đoạn chiến thuật được quân đội Mỹ sử dụng thường xuyên nhất.

 MQ-9 Reaper có thể sử dụng để quan sát, trinh sát
cho một cuộc không kich, cũng như tự thực hành tấn công

Việc thực hiện một cuộc không kích là một quá trình gồm 6 bước, nó có thể thay đổi nhiều hoặc điều chỉnh trong khi bay tùy thuộc kịch bản khu vực chiến sự. Dưới đây là cách thức Lầu Năm góc lên kế hoạch, thực thi và đánh giá một cuộc không kích.

Quân đội Mỹ tìm kiếm và diệt trừ các mục tiêu như thế nào bằng máy bay tiến công? Điều đó phụ thuộc vào việc cuộc không kích được lập kế hoạch trong nhiều ngày hay trong mấy phút.

Chẳng hạn, nếu Không quân Mỹ (USAF) muốn loại bỏ một trung tâm truyền tin quân sự đã biết ở Libya thì các cấp chỉ huy có khối thời gian để chuẩn bị. Tình hình sẽ khác nếu USAF săn lùng một mục tiêu mà thời gian có ý nghĩa quyết định (time-critical target) như một nghi can khủng bố đang di chuyển hay một chiếc ô tô chở các phần tử nổi dậy đã biết.

Quy trình tấn công các mục tiêu như vậy đã tiến triển nhanh chóng trong thập kỷ qua khi công nghệ cho phép quân đội Mỹ truyền thông tin hầu như tức thời từ một máy bay trinh sát đến các nhà phân tích tình báo và sau đó đến một máy bay trang bị vũ khí. (Trong trường hợp một máy bay không người lái Predator/Reaper, thì bản thân máy bay có thể vừa phát hiện mục tiêu, vừa tiêu diệt nó). Trong một số trường hợp, quân đội Mỹ có thể tiến hành một cuộc không kích trong vòng mấy phút sau khi phát hiện mục tiêu, thay vì nhiều giờ hay nhiều ngày.

Trong khi người ta đã biết đại khái về quy trình một cuộc không kích thì các chi tiết chính xác của nó vẫn thường là lờ mờ. Quy định giao chiến (Rules of Engagement), một bộ các tài liệu mật nêu các hướng dẫn cụ thể và chi tiết để xác định đâu là mục tiêu hợp pháp và ai có quyền xác nhận mục tiêu dù đó là mục tiêu định trước hay không. Khi Wikileaks đăng tải Quy định giao chiến ở Iraq (Rules of Engagement for Iraq) vào năm 2010, nó hé mở một ô cửa chi tiết nhất quy trình không kích. Tuy nhiên đối với chiến trường khác như Afghanistan, quy trình không kích chỉ được biết một cách sơ lược.

Một cuộc không kích dù là lên kế hoạch trước hay phát sinh trong khi bay bao giờ cũng gồm 6 bước.

Các cuộc không kích lên kế hoạch trước

Một cuộc không kích được lập kế hoạch trước được thực hiện như một phần của cái gọi là chu trình lên kế hoạch bay liên quân (joint air tasking cycle). Nó đưa ra “các lệnh banh” (“air tasking orders”) phân công các chuyến bay quân sự và thường có giá trị 24 giờ.

Bước 1: Mục đích, kết quả và phương thức (Objectives, Effects, and Guidance)


Đây là 3 lĩnh vực riêng biệt, nhưng lại có liên quan đến nhau. Quân đội sử dụng chúng bởi vì một cuộc không kích không bao giờ đơn giản là “phá hủy một mục tiêu”. Các nhà lập kế hoạch xác định một mục đích như đánh sập khả năng của một quốc gia phát hiện sự xâm nhập đường không. Mục tiêu này vì thế đòi hỏi một hiệu quả cụ thể ví dụ như loại khỏi vòng chiến một số phần trăm nhất định các trận địa radar hay cơ sở truyền tin. Vấn đề thứ ba - phương thức là làm thế nào để đạt được hiệu quả đó effect.

Bước 2: Xác định và phê chuẩn mục tiêu (Target Development)

Một nhóm người lên danh sách các mục tiêu bằng cách sử dụng các báo cáo từ các chuyên gia tình báo và đánh giá khả năng có tổn thất phụ (thường dân có thể bị chết hay bị thương). Các mục tiêu đó được dịch thành các điểm ngắm cụ thể cho máy bay tiến công. Tùy thuộc vào chiến dịch, quyền phê chuẩn mục tiêu cuối cùng có thể là do cấp cao nhất đưa ra. Ví dụ, Trung tướng Charles Bouchard người Canada, vị tư lệnh chiến dịch không kích Libya, nói rằng ông ta đã phải đích thân phê chuẩn mỗi mục tiêu quân sự được chọn trong các cuộc không kích Libya mới đây.

Ở Iraq, thẩm quyền phê chuẩn mục tiêu tùy thuộc vào mục tiêu là gì và có thể gây tổn thất phụ như thế nào. Ví dụ, một cuộc tấn công các thành viên Al Qaeda hay một tổ chức khủng bố khác sẽ đòi hỏi có sự phê chuẩn từ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nếu có nhiều khả năng nó sẽ gây ra nhiều thương vong cho dân thường. Nếu dự kiến sẽ có ít thương vong đối với dân thường, việc phê chuẩn có thể do tư lệnh quân đồng minh ở Iraq thực hiện. Nếu dự kiến không có thương vong của dân thường thì trách nhiệm phê chuẩn mục tiêu được giao cho cấp thấp hơn nữa.

Bước 3: Xác định nhu cầu vũ khí và máy bay (Weaponeering and Allocation)

Ở đây, một nhóm người khác sẽ xem xét lại các mục tiêu và xác định loại vũ khí nào là phù hợp nhất và số lượng cần là bao nhiêu. Ví dụ, để chống một boong-ke kiên cố, USAF có thể dùng một quả bom BLU-109 vốn được thiết kế để xuyên bê tông. Họ cũng quyết định cần bao nhiêu máy bay và phi vụ để mang phóng vũ khí và cung cấp thông tin đó cho nhóm lên kế hoạch bay-tấn công chung.

Bước 4: Xây dựng và ban hành mệnh lệnh bay (Air Tasking Order Production and Dissemination)

Những người lập kế hoạch gửi các chỉ dẫn cụ thể với đủ loại thông tin từ việc kiểm soát không lưu cho đến tình trạng quân nhà trong khu vực.

Bước 5: Thực hiện kế hoạch và lực lượng thực hiện (Execution Planning and Force Execution)

Máy bay cất cánh và thực hiện phi vụ. (Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các phi công có thể phát hiện một mục tiêu ngoài dự kiến, quan trọng hơn, đòi hỏi phải thay đổi kế hoạch. Lúc đó, người ta hành động theo các bước dành cho các mục tiêu mà thời gian có ý nghĩa quyết định nêu ở dưới).

Bước 6: Đánh giá kết quả không kích (Assessment)

Cuộc không kích có đạt các kết quả dự kiến? Nếu mục đích mong muốn là hủy diệt một boong-ke nghi là chứa đầy vũ khí hủy diệt lớn thì phải chắc chắn là nó thực sự đã bị tiêu diệt. 

Các mục tiêu nhạy cảm về thời gian (hay “mục tiêu động”)

Các kế hoạch soạn thảo công phu đôi khi phải bỏ sang một bên. Nếu quân đội phát hiện một đoàn xe chở một thủ lĩnh khủng bố, họ phải hành động nhanh chóng vì khung cơ hội có thể kéo dài không quá vài phút, và không phải lúc nào cũng có thời gian để xin phê chuẩn từ cấp cao (giống như những mục tiêu thường đòi hỏi sự phê chuẩn của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ).

Bước 1: Săn lùng (Find)

Một máy bay không người lái bay lượng trên đầu hoặc các sensor khác phát hiện một mục tiêu tiềm năng, chẳng hạn một thủ lĩnh phiến quân ở Afghanistan.

Bước 2: Khóa mục tiêu (Fix)

Sensor (có thể là một máy bay không người lái Predator với máy quay video tính năng cao) bám chặt mục tiêu.

Bước 3: Bám theo (Track)

Sensor bám theo mục tiêu hay các mục tiêu, cung cấp thông tin cập nhật về sự di chuyển của mục tiêu đến máy bay tiến công.

Bước 4: Chuẩn bị tấn công (Target)

Các cấp chỉ huy quân sự phải ra hàng loạt quyết định nhanh chóng để xác định máy bay nào sẽ tấn công mục tiêu và bằng loại vũ khí nào. Trong tình huống phản ứng nhanh như vậy, người mà người ta cần có mặt để phê chuẩn mục tiêu thường không có, trong trường hợp đó trách nhiệm thuộc về vị chỉ huy quân sự. Chủng loại máy bay và vũ khí sử dụng sẽ phụ thuộc vào những gì sẵn có.

Bước 5: Tấn công (Engage)

Mệnh lệnh được ban ra. Máy bay tấn công.

Bước 6: Đánh giá kết quả (Assess)

Xác định xem mục tiêu đã bị tiêu diệt chưa, nếu chưa thì có tấn công lại hay không.


  • Nguồn: How it Works: A U.S. Military Airstrike / Sharon Weinberger // Popular Mechanics, 13.12.2011.

Print Print E-mail Print