VietnamDefence -
Trong bối cảnh của cuộc chạy đua vũ khí trên toàn cầu, Mỹ vẫn là cường quốc quân sự dẫn đầu với hai loại vũ khí đặc biệt tối tân là vũ khí laser và tên lửa tấn công nhanh toàn cầu.
Hai loại vũ khí này được đánh giá là có tính ưu việt cao, có thể làm biến chuyển khả năng chiến tranh và tiết kiệm chi phí ngân sách.
Hiện đại hóa vũ khí trang bị của quân đội đã luôn là chủ đề trọng tâm xuyên suốt quá trình hiện đại và tinh nhuệ hóa các lực lượng quân sự Mỹ trong hàng chục năm qua. Các bước tiến triển mới của quá trình hiện đại hóa vũ khí đã liên tục giành được những thành tựu quan trọng đáp ứng được các tiêu chí của quá trình hiện đại như: khả năng tác chiến cao, đảm bảo tính cơ động, tiết kiệm chi phí, giá thành sản xuất rẻ, có độ chính xác cao... Chính những điều này, các nhà thiết kế vũ khí Mỹ phát minh và chế tạo ra hai loại vũ khí được coi là đặc biệt tối tân, giành được ưu thế vượt trội trên mọi chiến trường.
Chương trình vũ khí laser đã được bắt đầu nghiên cứu từ hai thập niên trước đây và chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành hiện thực. Quân đội Mỹ đã thử nghiệm việc sử dụng vũ khí laser chiến thuật THEL (dự án Tactical High Energy Laser) để bắn rơi hàng chục quả rocket Katyusha trong sa mạc New Mexico.
Việc tấn công các mục tiêu của đối phương bằng loại vũ khí laser chính xác cho đến nay đã không phải là chuyện hư cấu của cuộc chiến tranh giữa các vì sao (Stars War) nữa. Những chiếc máy bay chiến đấu trang bị vũ khí laser có thể phá hủy hàng loạt tên lửa đạn đạo một cách dễ dàng.
Cho đến thời điểm hiện nay, chương trình vũ khí laser của Mỹ đã đạt được một số thành công quan trọng mở đầu cho cuộc cách mạng vũ khí siêu hiện đại trong tương lai. Công cuộc đổi mới này được bắt đầu từ việc tập đoàn công nghiệp quốc phòng Boeing của Mỹ phát minh, thử nghiệm và bước đầu chế tạo mẫu vũ khí laser điện tử tự do FEL (Free-Electron Laser) đầu tiên. Thành công bước đầu của dự án thiết kế này là cột mốc quan trọng để phát triển một hệ thống vũ khí mới làm biến chuyển khả năng chiến tranh trên biển của Hải quân Mỹ.
Về nguyên tắc, FEL sẽ hoạt động bằng cách đẩy một luồng điện tử năng lượng cao qua một loạt từ trường cực mạnh để tạo ra loại ánh sáng laser có công suất đạt 100 kW, đủ sức làm tê liệt hoặc phá hủy mục tiêu của đối phương. Loại siêu laser này có khả năng tiêu diệt các tên lửa của đối phương một cách chính xác.
Bên cạnh đó, Boeing cũng đang phát triển nhiều loại vũ khí laser khác, trong đó nổi bật là hệ thống vũ khí laser năng lượng cao lắp trên máy bay ALTB (Airborne Laser Test Bed). ALTB, sản phẩm hợp tác giữa Boeing cùng Northrop Grumman và Lockheed Martin, được coi là laser di động mạnh nhất trên thế giới hiện nay, có thể phá hủy các tên lửa đạn đạo đang bay với vận tốc khoảng 6.500 km/h. ALTB bước đầu được lắp trên máy bay Boeing 747 cải tiến của Không quân Mỹ.
Tập đoàn Raytheon cũng đang tiến hành nghiên cứu nhằm “đa dạng hóa” loại vũ khí đặc biệt tối tân này. Tham vọng của Lầu Năm Góc là trang bị FEL không chỉ cho Hải quân mà cả không và Lục quân.
Bên cạnh thành công của vũ khí laser, Mỹ đang tiến hành nghiên cứu và phát triển loại vũ khí thông thường nhưng có khả năng tấn công nhanh vào một mục tiêu bất kỳ trên toàn cầu chỉ trong vòng 1 giờ. Loại vũ khí này có tốc độ di chuyển cực nhanh gấp 5 lần tốc độ của âm thanh, vì vậy tên lửa có thể tránh được sự đối phó của các hệ thống phòng không.
Loại vũ khí này có khả năng tấn công các mục tiêu chớp nhoáng, như tấn công vào các vị trí ẩn náu của khủng bố nằm ở những khu vực rừng núi. Các bệ phóng mặt đất có thể dễ dàng phân biệt với các hầm tên lửa hạt nhân ở Wyoming, Montana và Bắc Dakota. Vì vậy, các đối thủ tiềm tàng như Nga hay Trung Quốc sẽ không thể nhầm lẫn một vụ phóng tên lửa như là sự châm ngòi cho một cuộc chiến tranh hạt nhân được.
Vũ khí này sẽ thay thế cho vũ khí hạt nhân như hiện nay, có đủ khả năng tiêu diệt các mục tiêu chiến lược và kiên cố. Ước tính mỗi tên lửa tấn công nhanh bằng đầu đạn thông thường tiêu tốn khoảng 10 triệu USD cho mỗi lần phóng.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ sử dụng loại tên lửa này thay thế cho các máy bay chiến đấu, tàu ngầm hay tàu sân bay khi tấn công vào các mục tiêu xa mà các máy bay và tàu không tiếp cận được.
Khi hai loại vũ khí này tiếp tục được phát triển và sản xuất hàng loạt, các loại phương tiện, vũ khí hiện nay như tàu ngầm, tàu sân bay...sẽ có thể được loại bỏ trong tương lai, qua đó ngân sách quốc phòng của Mỹ sẽ giảm mạnh, và có thể là một bước ngoặt lớn tạo cơ hội cho Mỹ phát triển kinh tế.
Trong khi đó, Trung Quốc đang vươn lên thành một cường quốc quân sự. Tham vọng sở hữu các tàu sân bay cho riêng mình hiện vẫn đang trong giai đoạn trứng nước và các kế hoạch phát triển tàu sân bay của nước này vẫn là những điều bí mật. Tuy nhiên, chủ trương hiện đại hóa quân đội đã được chính phủ Trung Quốc nêu rõ trong Sách trắng quốc phòng năm 2006 với mục đích trở thành một siêu cường quân sự với 3 giai đoạn phát triển: Giai đoạn 1 (đến năm 2010): Hiện đại hóa lực lượng quân sự có khả năng đánh thắng một lực lượng quân sự tầm trung bình như Đài Loan, Ấn Độ hoặc một quốc gia nào đó trong khu vực; Giai đoạn 2 (đến năm 2020): Đuổi kịp quân đội các cường quốc hạng hai như Nga, châu Âu và Nhật Bản; Giai đoạn 3 (đến năm 2050): Trở thành một siêu cường quân sự ngang bằng với Mỹ.