VietnamDefence -
Tiếp sau quân đội các nước châu Âu, trước sức ép khủng hoảng kinh tế, quân đội Mỹ cũng phải thắt lưng buộc bụng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.Gates đã đặt ra nhiệm vụ giảm chi phí quốc phòng 100 tỷ USD trong 5 năm tới.
Lầu Năm góc dự định cải tổ Không quân, loại bỏ 650 máy bay và thay đổi vị trí triển khai vũ khí trang bị không quân. Kế hoạch trù tính hợp nhất các phi đội F-22A. Một phần các phi đội này sẽ bị giải thể, còn máy bay của chúng được chuyển giao cho các căn cứ khác.
Mỹ cũng dự tính loại khỏi trang bị một số lượng lớn tiêm kích F-16C để thay thế bằng 350 máy bay mới F-35A đến năm 2022.
Mặt khác, giới quân sự Mỹ cam kết tăng cường mua sắm máy bay không người lái (UAV), kể cả loại UAV tiến công. Trong nhiều trường hợp, chúng hữu dụng hơn nhiều khi làm nhiệm vụ chống du kích ở Iraq và Afghanistan.
Cũng liên quan đến thiên hướng “chống du kích” là những tin đồn nói rằng, Hạm đội 2 Đại Tây Dương của Mỹ sẽ bị giải thể. Do đó, có thể loại bớt các tàu tại căn cứ lâu đời nhất và lớn nhất ở Norfolk (Virginia).
Đưa ra những đồn đoán này là các nhà phân tích hải quân Mỹ và cựu tư lệnh Hạm đội Đại Tây Dương, Phó đô đốc về hưu Henry (Hank) Giffin III. Ông cho rằng, mong muốn tiết kiệm bằng mọi giá là động cơ của việc chuẩn bị một quyết định như vậy.
Hạm đội 2 trong hơn 60 năm qua là sức mạnh đột kích chủ yếu của Mỹ tại Đại Tây Dương. Hạm đội đảm nhiệm bảo vệ bờ Đông nước Mỹ. Hiện tại, theo các nhà phân tích Mỹ, lợi ích quốc gia Mỹ tập trung tại châu Phi, Nam Mỹ và Cận Đông.
Tại Đại Tây Dương và kể cả Địa Trung Hải không có những lợi ích đó. Tại đó không cần duy trì cả một bộ chỉ huy và một phó đô đốc. Hạm đội Nga dĩ nhiên là mối đe dọa lớn đối với Mỹ, song mức độ thù địch thời chiến tranh lạnh đang dần biến mất.