Vietnamdefence.com

 

Chương trình tên lửa Triều Tiên: Cú đột phá (2)

VietnamDefence - CHDCND Triều tiên đã thực hiện cú đột phá về kỹ thuật tên lửa như thế nào?

Tên lửa Hwasong-10 tại cuộc duyệt binh ngày 10/10/2010 ở Bình Nhưỡng (KCNA / Reuters)

>> Chương trình tên lửa Triều Tiên: Chập chững đi lên (1)
>>
Chương trình tên lửa Triều Tiên: Tham vọng xuyên lục địa (3)

Trong mấy năm gần đây, các kỹ sư Triều Tiên đã thực hiện cú đột phá thật sự trong việc làm chủ công nghệ tên lửa và xây dựng hạ tầng thử nghiệm.

Mấy năm gần đây, các kỹ sư CHDCND Triều Tiên đã có cú đột phá thực sự trong việc làm chủ công nghệ tên lửa và xây dựng hạ tầng thử nghiệm. Tiếp theo câu chuyện về chương trình tên lửa Triều Tiên, chúng ta cùng tìm hiểu những loại tên lửa đường đạn mới nhất của Bình Nhưỡng.

Các tên lửa đường đạn thế hệ hiện nay của Triều tiên được chế tạo trong hoàn cảnh công khai hơn các loại tên lửa trước đây. Các mẫu tên lửa mới được trình diễn tại các cuộc duyệt binh, các bức ảnh và tư liệu video chính thức được công bố giới thiệu các chương trình phát triển tên lửa. Tình hình thay đổi đặc biệt mạnh mẽ trong năm ngoái.

Hiện nay, có thể nói chắc chắn về sự thành công của 2 dự án tên lửa lớn: tên lửa đường đạn 1 tầng phóng từ mặt đất Hwasong-10 và tên lửa đường đạn 2 tầng phóng từ tàu ngầm Pukkuksong-1.

Sáng tạo tên lửa tùy ý

Dù tên lửa Scud của Liên Xô có thiết kế tốt đến mức nào thì các khả năng của nó với tư cách nền tảng công nghệ cho các tên lửa mới cũng bị hạn chế, nhất là về mặt tăng tầm bắn với tải trọng hữu ích tương đối lớn. Đi theo con đường chế tạo tên lửa nhiều tầng ư? Điều đó sẽ nhanh chóng dẫn đến ngõ cụt. Một ví dụ cho ngõ cụt đó là tên lửa đẩy vũ trụ thí nghiệm đầu tiên Paektusan-1.

Giao thời giữa những năm 1990 và 2000, người ta đã cho rằng, tên lửa quân sự tiếp theo về tầm bắn của Triều Tiên sau tên lửa Nodong sẽ là biến thể quân sự của tên lửa Paektusan. Dự đoán, các giải pháp của tên lửa Nodong đã được sử dụng cho tầng 1 của tên lửa này, còn ở tầng 2 thì sử dụng các giải pháp của Hwasong-6. Ở tầng 3, có lẽ sử dụng một động cơ nhiên liệu rắn nhỏ.

Ngày 31/8/1998 đã diễn ra lần phóng không thành công vệ tinh nhỏ Kwangmyŏngsŏng-1 bằng tên lửa này lên quỹ đạo. Các đánh giá về tầm bắn lý thuyết của tên lửa với đầu đạn 750-1.000 kg dao động trong khoảng 2.000-3.000 km (tùy thuộc vào mô hình tính toán).

Các tư liệu do Triều Tiên công bố cho thấy, đây là một thiết kế đồ sộ (dài 24-25 m), đòi hỏi công tác chuẩn bị phóng dài và hoàn toàn vô dụng nếu không có các công trình phóng cố định khổng lồ và tổ hợp các xe bảo dưỡng. Không thể coi tên lửa đó là một vũ khí thực sự được vì đối phương sẽ phát hiện ra hoạt động chuẩn bị phóng từ trước nhiều giờ và kịp tiêu diệt cả tên lửa lẫn tổ hợp bệ phóng bằng vũ khí hạt nhân hoặc thông thường.

Tên lửa Paektusan-1 (KCNA)
Bởi vậy, các kỹ sư Triều Tiên, trong khi nỗ lặp đi lại con đường của các chuyên gia tên lửa Liên Xô và Trung Quốc, đúng theo các nguyên tắc “tất cả đã bị đánh cắp trước chúng ta” và “không cần phát minh xe đạp”, đã lùng tìm mẫu tên lửa phù hợp để mà “sáng tạo tùy ý”.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, một lượng lớn thông tin mật về kỹ thuạt tên lửa Liên Xô và Mỹ, cả quân sự lẫn dân sự đã được khai mở. Nhưng trong các vấn đề công nghệ, “nguồn sáng tạo lãng mạn của các kỹ sư” không được đi quá xa khỏi những dự án Triều Tiên đã có.

Họ đã chọn tên lửa 1 tầng nhiên liệu lỏng của Liên Xô R-27 của hệ thống D-5 triển khai trên các tàu ngầm nguyên tử lớp Projekt 667А (667AU) làm “nguồn sáng tạo”. Biến thể đầu tiên của R-27 được nhận vào trang bị năm 1968, khá nhỏ gọn: chiều dài gần 9 m, đường kính tối đa 1,5 m. Trọng lượng đầy đủ của tên lửa khi nạp đầy nhiên liệu và lắp phần đầu tên lửa là gần 14 tấn. Tầm bắn tối đa với một đầu đạn 650 kg là 2.400-2.500 km. Người ta đạt được những tính năng đó nhờ nhiều giải pháp thiết kế.

Một là, khối hành trình của động cơ 4D10 để tiết kiệm không gian nên được nhấn sâu vào thùng nhiên liệu. Để tăng mật độ kết cấu, đã sử dụng phần đáy kết hợp của các thùng chứa chất oxy hóa và nhiên liệu, cho phép loại bỏ khoang giữa các thùng nhiên liệu. Máy móc của hệ thống điều khiển được bố trí trong không gian được làm kín tạo ra bởi đáy trên của thùng chứa chất oxy hóa. Việc từ bỏ các khoang rỗng không chứa nhiên liệu (khoang giữa các thùng nhiên liệu, khoang động cơ, khoang thiết bị) đã làm giảm mạnh kích thước.
 
Tên lửa R-27 của Liên Xô (Sách tra cứu “Các hệ thống tên lửa đường đạn hải quân” của A.V. Karpenko, N.I. Shumkov)
Hai là, khác với họ tên lửa đường đạn R-17 và con cháu trực hệ của chúng, ở R-27 người ta sử dụng hợp kim nhẹ nhôm-magiê chứ không phải thép làm vật liệu kết cấu chính nên giảm được trọng lượng tên lửa.

Ba là, NDMG (hydrazine dimethyl không đối xứng) hiệu quả hơn về năng lượng so với các hợp chất hydrocarbon được dùng làm nhiên liệu thay cho ТМ-185 (hỗn hợp trên cơ sở các sản phẩm dầu).

Trong những năm 2000, có nhiều tin đồn về việc nghiên cứu hay sao chép R-27, lúc cứ như thật, lúc có vẻ giả. Năm 2007-2008, nhiều lần có tin về việc sản xuất các tên lửa mới và thành lập các đơn vị quân đội để bảo dưỡng và sử dụng chúng.

Nhưng đó chỉ là tin đồn, cho đến ngày 10/10/2010, khi Bình Nhưỡng trưng ra thế hệ tên lửa đường đạn tầm trung mới. Xuất hiện tại cuộc duyệt binh có 8 xe bệ phóng mang các tên lửa bề ngoài giống với R-27, nhưng dài hơn (khoảng 12 m). Sự giống nhau bề ngoài còn chưa chứng tỏ được sự gần gũi về công nghệ. Các nguồn phương Tây thường gọi tên lửa này là Musudan (trước đó còn gọi là Mirim hay BM-25). Bắc Triều Tiên đặt tên cho tên lửa này là Hwasong-10.

Phóng tên lửa Hwasong-10 từ bệ phóng cơ động (KCNA)
Sau đó, các tên lửa này nhiều lần được trưng diễn tại các cuộc duyệt binh. Nhưng không có một lần phóng được xác nhận nào. Tất cả đã thay đổi vào năm 2016.

Một là, đã tiến hành 6 lần phóng thử, trong đó 4 lần thất bại (ngày 15/4, 2 lần phóng ngày 28/4 và 1 lần ngày 31/5). Ngày 22/6, đã thực hiện lần phóng thứ 5 và thứ 6. Về kết quả lần phóng thứ 5 người ta còn tranh cãi, chứ lần phóng thứ 6 đều được thừa nhận là thành công.

Hai là, trên các bức ảnh được công bố thấy rõ kết cấu hệ thống động cơ của Hwasong-10. Đập ngay vào mắt là thấy các kỹ sư Triều Tiên đã được khích lệ bởi động cơ 4D10. Thấy rõ động cơ gồm khối hành trình một buồng (luồng chính) và một khối lái 2 buồng (2 luồng nhỏ hơn hẳn ở hai bên sườn) hoạt động như thế nào. Cũng có những khác biệt thú vị là 8 cánh ổn định dạng lưới mở ra.

Cần lưu ý riêng đến cac tấm panel đặc biệt che các bánh xe của bệ phóng khỏi luồng khí xả nóng bỏng và bụi đất.

Ba là, các tham số quỹ đạo đã thay đổi. Ngay vào năm 2012 đã công bố các tính toán mà theo đó thì nếu chấp nhận, tên lửa này cũng ở trình độ hoàn thiện tương đương Nodong, tầm bắn với tải trọng hữu ích 700 kg là gần 1.500 km. Nếu như trình độ công nghệ của tên lửa tương đương với R-27 thì tầm bắn với cùng tải trọng sẽ lên tới 3.000 km.

Theo tuyên bố của Bình Nhưỡng, tầm bắn của tên lửa là 400 km, độ cao bay tối đa là hơn 1.400 km. Trong ngày phóng, các nguồn khác nêu ra độ cao bay khiêm tốn hơn, nhưng vẫn ấn tượng là hơn 1.000 km. Tức là tên lửa đã bay theo quỹ đạo cầu vồng. Tính toàn lại cho quỹ đạo tối ưu để đạt tầm bắn tối đa thì ta được con số hơn 3.000 km.

Có lẽ tên lửa này được chế tạo bằng hợp kim nhôm-magiê, nhưng theo công nghệ đơn giản hơn công nghệ Liên Xô. Hợp kim tương tự AMg6 sử dụng ở tên lửa R-27 đã được sử dụng cả ở tầng 1 của tên lửa đẩy Unha-3-2 từng đưa thành công vệ tinh Kwangmyŏngsŏng-3 lên quỹ đạo vào tháng 12/2012. Xét theo luồng phụt động cơ tên lửa thì người ta đã sử dụng NDMG làm nhiên liệu giống như R-27, cũng thấy có sự giống nhau về kết cấu chung của động cơ.

Như vậy, các kỹ sư Triều Tiên đã chế tạo được tên lửa đường đạn 1 tầng, nhiên liệu lỏng, cơ động tầm bắn gần 3.000 km. Đây là thành tựu lớn, nhưng không phải duy nhất.

Tấn công từ dưới mặt nước

Việc Triều Tiên thử nghiệm thành công tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm Pukkuksong-1 vào tháng 8/2016 là sự kiện thật sự chấn động. Người ta đặc biệt chú ý đến tên lửa này vì một số lý do.

Chỉ 3 năm trôi qua từ khi phát hiện dấu hiệu chuẩn bị thử nghiệm tên lửa đường đạn phóng từ tàu nổi và tàu ngầm cho đến chuyến bay thành công sau khi phóng ngầm từ dưới mặt biển. Thế là rất nhanh. Ngoài ra, đây là tên lửa nhiên liệu rắn. Tên lửa đường đạn nhiên liệu rắn chẳng phải là mới lạ đối với Triều Tiên, nhưng trước thời điểm này họ chế tạo các hệ thống có kích thước và tính năng hoàn toàn khác.
 
Kim Jong-un bên cạnh động cơ của Pukkuksong-1 (KCNA)
Ngày 24/3/2016, người ta công bố các bức ảnh chụp Kim Jong-un tại cuộc thử nghiệm động cơ nhiên liệu rắn trên giá thử. Đường kính động cơ rõ ràng là trên 1 m, còn trước đó hệ thống tên lửa nhiên liệu rắn lớn nhất của Triều Tiên là KN-02 chỉ có đường kính tối đa 65 cm. Tháng 4/2016, báo chí Triều Tiên đưa tin, tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm là loại nhiên liệu rắn. Điều đó đã gây sửng sốt nhất định, nhưng những điều giật gân vẫn còn ở phía trước.

Trước ngày 24/8/2016, người ta đã cho rằng, có thể coi tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm của Bắc Triều Tiên là thành công nếu như nó bay được ít ra là 300 km theo quỹ đạo bình thường. Nhưng trong cuộc thử nghiệm này, nó đã bay được gần 500 km. Giống như với trường hợp Hwasong-10, Triều Tiên đã phóng tên lửa này không phải đi tầm xa nhất mà là theo quỹ đạo cầu vồng.

Nếu được điều chỉnh để đạt quỹ đạo tối ưu, đa số các nhà quan sát đánh giá tầm bắn chiến đấu thực tế của Pukkuksong-1 là hơn 1.000 km. Cần lưu ý rằng, theo tình báo Hàn Quốc, trước đó, kỷ lục tầm bắn đạt được của các tên lửa đường đạn nhiên liệu rắn của Triều Tiên là gần 220 km thì đây là cú nhảy vọt hàng chục lần về tính năng.

Không thể xác định kích thước của tên lửa dựa trên các nguồn tư liệu công khai - trên ảnh, do biến dạng quang học, nó hoặc là hơi bị kéo dài, hoặc là hơi phẳng, nhưng rõ ràng là không lớn.
 
Tên lửa Pukkuksong-1 (KCNA)
Tên lửa đường đạn như vậy có thể bố trí trên tàu ngầm, lẫn trên mặt đất, hơn nữa, việc cải tiến để phóng từ mặt đất đơn giản hơn nhiều là “hải quân hóa” một tên lửa thiết kế để phóng từ mặt đất. Điều đó mở đường cho việc chế tạo các hệ thống tên lửa mặt đất trên cơ sở tên lửa này, cho phép tăng khả năng sống còn của chúng nhờ có thời gian hiện diện ngắn hơn tại trận địa trước khi phóng.

Trong kịch bản được miêu tả chẳng có gì là khó tưởng tượng cả. Chẳng hạn, tên lửa đường đạn nhiên liệu rắn, tầm trung DF-21 (Đông Phong 21) của Trung Quốc chính là bắt nguồn từ tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm JL-1 (Du Lãng 1).

Còn một ưu điểm nữa là khác với tên lửa nhiên liệu lỏng, tên lửa nhiên liệu rắn không đòi hỏi nhiều xe bảo đảm, nên đơn giản hóa được cả công tác khai thác hệ thống lẫn việc ngụy trang, cơ cấu tổ chức-biên chế của các đơn vị... Ngoài ra, cũng có khả năng tốt để duy trì phần lớn các bệ phóng ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.

Cũng mở ra triển vọng kiến tạo cơ sở cho các tên lửa đường đạn mặt đất mạnh hơn. Nếu như tên lửa đường đạn 2 tầng hiện nay khá nhỏ gọn thì cũng có thể hình dung ra biến thể 3 tầng của nó với tầm bắn xa hơn, có thể bố trí trên một xe bệ phóng cơ động.

Những kết quả tạm thời

Đây chưa phải tất cả các chương trình tên lửa hiện đại của Bình Nhưỡng, nhưng có thể nói chắc chắn ít nhiều về kết quả của chúng. Và những kết luận nào cần đưa ra?

- Tiềm năng công nghệ của CHDCND Triều Tiên đã bị quá xem thường. Điều đó thể hiện rõ trong câu chuyện với các tính năng trông đợi và thực tế thể hiện của tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm.

- Bắc Triều Tiên đã chứng tỏ được khả năng tiến hành toàn bộ tổ hợp các công việc thử nghiệm mặt đất liên quan đến việc hoàn thiện động cơ tên lửa. Hơn nữa, họ đã xây dựng trong những năm 2010 và đang khai thác thành công một hạ tầng thử nghiệm quy mô.

- Triều Tiên rõ ràng đang đẩy nhanh tiến độ các chương trình tên lửa của mình. Nếu như trước đây, từ lần bay thử đầu tiên cho đến khi lần bay thử thành công đầu tiên thường đã mất vài năm, thì nay quá trình được rút ngắn xuống còn vài tháng. Ví dụ, lần bay thử đầu tiên của Hwasong-10 được tiến hành ngày 15/4/2016, còn lần bay thử thành công diễn ra ngay vào ngày 22/6/2016.

- Các chuyên gia tên lửa Triều Tiên nay đã có những tên lửa nhiều tầng thực sự hoạt động phục vụ cho cả mục đích khám phá vũ trụ (Unha) lẫn chiến đấu (Pukkuksong-1).

- Các tham số của các vụ thử nghiệm cho thấy Triều Tiên cũng đang nghiên cứu tổ hợp các biện pháp vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa đối phương.

- Ngay trong những năm tới, các hệ thống nêu trên sẽ được đưa vào trang bị.

Căn cứ vào tất cả những điều đã nêu, hoàn toàn có thể đưa ra dự báo có tính thực tế, theo đó giai đoạn tiếp theo trong việc phát triển lực lượng tên lửa chiến lược của CHDCND Triều Tiên sẽ là chế tạo các tên lửa đường đạn nhiều tầng chiến đấu ban đầu là có tầm bắn trung bình (3.000-5.500 km), còn sau đó là tầm bắn xuyên lục địa (trên 5.500 km).

Hơn nữa, đó sẽ là các tên lửa trang bị đầu đạn hạt nhân. Chúng ta sẽ xem xét lịch sử và triển vọng chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên trong một bài viết tới đây.

>> Chương trình tên lửa Triều Tiên: Chập chững đi lên (1)
>> Chương trình tên lửa Triều Tiên: Tham vọng xuyên lục địa (3)

Nguồn: Lenta, 2.9.2016.

Print Print E-mail Print