|
(KCNA / Reuters) |
Trong bài báo trước, chúng ta đã nhắc đến tên lửa Paektusan-1, nhưng các tên lửa đẩy Unha-3 mà về lý thuyết có thể vươn tới Mỹ lại lớn và nặng hơn, chúng đòi hỏi các công trình phóng và hạ tầng bảo đảm còn lớn hơn. Việc chuẩn bị phóng chắc chắn sẽ bị phát hiện và ngăn chặn bằng đòn đánh phủ đầu ngay cả trong trạng thái thời bình và người Mỹ không có sự chuẩn bị ngay từ đầu. Vậy thì nói gì đến những điều kiện bất tiện hơn khi có khủng hoảng quân sự.
Việc sử dụng các công nghệ của tên lửa Scud (động cơ, nhiên liệu, vật liệu kết cấu) để chế tạo tên lửa đường đạn nhiều tầng cho phép chế tạo một tên lửa đẩy tuy cồng kềnh và không quá mạnh, nhưng dẫu sao vẫn hoàn toàn có khả năng hoạt động. Kích thước và thời gian chuẩn bị đối với tên lửa đẩy không quá quan trọng. Tuy nhiên, các công nghệ tương đương với những công nghệ áp dụng cho tên lửa đường đạn R-27 của Liên Xô về nguyên tắc cho phép chế tạo một ICBM thực sự. Những ám chỉ về điều đó đã xuất hiện vào ngày 15/4/2012.
Hwasong-13
Yếu tố gây chấn động nhất trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 100 năm ngày sinh Kim Nhật Thành là 6 xe hạng nặng chở các tên lửa nhiều tầng kích thước lớn. Hơn nữa, điều ngạc nhiên không chỉ là các tên lửa (chắc chắn đây là các mô hình kích thước thật) mà cả xe vận chuyển bánh lốp.
|
Tên lửa KN-08 (Hwasong-13) trong cuộc duyệt binh vào ngày 15/4/2012 (Ng Han Guan / AP) |
Đó là xe nhiều bánh có khả năng việt dã cao WS-52100 của Công ty Wanshan Special Vehicle (Trung Quốc) với trọng tải 80 tấn, trong khi tự trọng của xe là 42 tấn. CHDCND Triều tiên đã mua các xe này cho nhu cầu dân sự với mục đích khai thác công nghiệp trong “điều kiện khắc nghiệt”. Điều đó có vẻ đáng tin, bởi vì ngay cả ở Nga (và cả các nước khác) đang sử dụng xe nhiều bánh, trọng tải lớn không chỉ trong các bộ ngành sức mạnh.
Theo thông tin chính thức do phía Trung Quốc công bố sau đó, tháng 5/2011, khách hàng đã nhận được 2 xe, tháng 10, nhận xêm 4 xe. Ngay tại Trung Quốc, các xe tương tự được sử dụng rộng rải cho các hệ thống tên lửa cơ động và các xe bảo đảm.
Các tên lửa trông cũng khác thường: rõ ràng là tên lửa 3 tầng (đường kính tầng 3 nhỏ hơn các tầng 1 và 2), hơn nữa là với kích thước không đặc trưng cho các mẫu tên lửa đường đạn quân sự đã biết của Triều Tiên. Đường kính tối đa, theo đa số các đánh giá, là 1,8 m (các đánh giá dao động từ 1,7-2 m), còn chiều dài khoảng 17-18 m. Còn các đánh giá có độ chính xác không cao là vấn đề muôn thuở của “việc đoán qua hình ảnh”.
|
Tên lửa KN-08, cắt hình từ phim tài liệu năm 2013 (stimmekoreas / YouTube) |
Sau đó, các tên lửa này đã được giới thiệu tại các cuộc duyệt binh năm 2013, cũng như trên tài liệu phim ảnh. Ngoài ra, tài liệu cuối cùng, như sau này phát hiện ra, đã có những manh mối chỉ dấu nào đó. Trong một bộ phim tài liệu về đóng góp của Kim Nhật Thành trong sự nghiệm củng cố khả năng quốc phòng của đất nước xuất bản năm 2013, đã đưa hình ảnh các tên lửa này trên bệ phóng.
Sau lần giới thiệu đầu tiên, các tên lửa này được báo chí đặt tên là KN-08, còn các chuyên gia thì lao đầu vào phán đoán đây là tên lửa thật hay chỉ là mô hình cho tham gia duyệt binh để đánh lừa đối phương? Còn nếu đó là tên lửa thật thì khả năng tiềm tàng và cơ sở công nghệ của nó là gì? Nếu như đây là mô hình thì liệu người ta có đưa những thông tin bóp méo cố ý vào hình dáng bên ngoài của tên lửa để tung tin giả hay không?
Số câu hỏi nhiều hơn câu trả lời và mỗi lần giới thiệu công khai lại tạo ra những câu hỏi mới. Chẳng hạn, tên lửa rõ ràng là loại nhiên liệu lỏng, nhưng làm sao để bảo đảm an toàn khi vận chuyển? Tại sao tên lửa lại không có contenơ vận chuyển-phóng bởi vì khả năng xảy ra biến dạng cơ học khi vận chuyển là cao?
|
Tên lửa KN-14 trong cuộc duyệt binh ngày 10/10/2015 (KCNA / Reuters) |
Ngày 10/10/2015, một điều kinh ngạc mới chờ đón các nhà quan sát. Trong cuộc duyệt binh, các xe tương tự với một tên gọi hệ thống là Hwasong-13 (ghi trên các tấm bảng nhỏ) lại chở các tên lửa khác đi qua quảng trường. Các tên lửa này ngắn hơn một chút và có hình dáng phần đầu khác - dạng hình côn, chóp tù hình cầu. Căn cứ vào các kích thước và tỷ lệ, tên lửa chắc chắn là loại 2 tầng, nhưng không thể loại trừ khả năng có tầng 3. Báo chí thế giới đặt tên cho nó là KN-14.
Năm của những tiết lộ công khai
Năm 2016 đã làm sáng tỏ nhiều điều khi mà báo chí Triều Tiên đã hé mở màn bí mật phủ lên các chương trình tên lửa của nước này.
Sự kiện giật gân xảy ra ngày 9/3/2016 khi người ta công bố các hình ảnh cuộc gặp của Kim Jong-un với các chuyên gia vũ khí hạt nhân và phương tiện mang phóng. Ngoài vấn đề gây chấn động nhất là mô hình đầu đạn hạt nhân, lọt vào khuôn hình có nhiều thứ thú vị: các tên lửa KN-08 và KN-14 tháo rời, cũng như các bộ phận của các hệ thống động cơ của các tên lửa này.
|
Lọt vào ảnh chụp Chủ tịch Kim Jong-un là một loa phụt của khối lái tên lửa Hwasong-13 (Korean Central Television / YouTube) |
Sự kiện giật gân thứ hai diễn ra ngày 15/3/2016 khi xuất hiện thông tin về các vụ thử nghiệm thành công vật liệu bảo vệ nhiệt cho phần đầu của một ICBM đang thiết kế. Đây là một trong những khó khăn chủ yếu khi chế tạo một tên lửa có khả năng chiến đấu với tầm xa như thế. Trong trường hợp này, việc kiểm tra tiến hành trong luồng lửa phụt của động cơ tên lửa.
Sự kiện giật gân thứ ba là thông báo ngày 9/4/2016 về các vụ thử trên giá thành công đối với động cơ mới dành cho ICBM. Ngoài ra, qua các hình ảnh được công bố, có thể hình dung ra cấu tạo của động cơ.
|
Thử vật liệu bảo vệ nhiệt phần đầu tên lửa trong luồng phụt của động cơ phản lực (Korean Central Television / YouTube) |
Người ta thấy rõ 2 loa phụt chính (các loa phụt của khối hành trình) và từ phía người quan sát trên nền 2 loa phụt này là 2 luồng phụt mảnh (các loa phụt của khối lái). Có thể phỏng đoán một cách logic rằng, từ phía khác, còn có 2 luồng lửa từ các loa phụt khối lái (không thể nhìn thấy qua các luồng phụt chính). Nó có vẻ giống như anh em sinh đôi với động cơ 4D10 của Liên Xô, nhưng nếu như các động cơ của tên lửa R-27 của Liên Xô và Hwasong-10 của Triều Tiên gồm khối hành trình 1 loa phụt và khối lái 2 loa phụt thì động cơ của Hwasong-13 số lượng loa phụt lại gấp đôi. Hơn nữa, các loa phụt lại giống như loa phụt ở Hwasong-10. Điều đó rất phù hợp với cái đã được giới thiệu vào ngày 9/3/2016.
Kết hợp với các thử nghiệm thành công tên lửa 1 tầng Hwasong-10 vốn ở trình độ tương đương R-27 của Liên Xô (vật liệu cấu trúc, nhiên liệu, động cơ), tất cả những điều đó cho thấy hoạt động nghiên cứu phát triển một ICBM nhiều tầng có sử dụng các công nghệ này đang diễn ra ở Triều Tiên. Và quan trọng là trên nền tảng các thành tựu công nghệ tên lửa 1 tầng đã đạt được. Cũng cần lưu ý rằng, cùng với việc nghiên cứu chế tạo các tên lửa nhiên liệu rắn cỡ lớn, tầng 3 của KN-08 cũng có thể là loại nhiên liệu rắn. Các vụ phóng thử thành công các tên lửa nhiều tầng khác (cả tên lửa đẩy Unha-3, lẫn tên lửa chiến đấu Pukkuksong-1) cũng đang phục vụ mục đích đạt được kết quả trên hướng này.
|
Hình ảnh phóng to động cơ thử nghiệm trên giá thử (rodong.rep.kp) |
Cấu tạo bên trong của các tên lửa KN-08/KN-14 chưa biết rõ chính xác (có quá nhiều giả thiết), nhưng người ta cho rằng, với các kích thước này và áp dụng thiết kế nhiều tầng, trên cơ sở công nghệ của Hwasong-10 đã có thể chế tạo một ICBM thực sự. Những ước tính khiêm tốn nhất cũng cho tầm bắn lý thuyết tối đa với đầu đạn hạt nhân là trong khoảng 5.500-6.500 km (với tới Anchorage), còn những ước tính mạnh bạo nhất là đến 12.000 km (với tới New York). Phổ biến nhất là đánh giá trong khoảng 7.500-9.000 km (với tới Honolulu, San Francisco).
Dĩ nhiên là chương trình thử nghiệm một vũ khí đẳng cấp như vậy không thể hoàn thành sau chỉ một lần phóng. Người ta sẽ cần thực hiện các thử nghiệm ở các tầm bắn khác nhau và có kiểm tra sự toàn vẹn của phần đầu kể cả khi bắn ở tầm gần với tầm tối đa, hoặc có mô phỏng các điều kiện phát sinh khi bắn như vậy (ví dụ, các quỹ đạo cầu vồng khác nhau với độ cao bay lên lớn). Rõ ràng là Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thực hiện bước đi thực tiễn đầu tiên trên con đường chinh phục đỉnh cao.
Tiếp theo Unha là gì?
Việc phát triển kỹ thuật tên lửa ở Triều Tiên không chỉ dành riêng cho nhiệm vụ quân sự. Triều Tiên còn có một chương trình vũ trụ khá tham vọng. Các nhà bình luận thường cho rằng, đây chỉ là chuyện khoác lác, nhưng trong thực tế, mọi sự khác hẳn.
Vấn đề là ở chỗ Triều Tiên không được tiếp cận các dịch vụ phóng vũ trụ của nước ngoài. Đồng thời, nước này lại cực kỳ phụ thuộc vào các dịch vụ vũ trụ nước ngoài (liên lạc vệ tinh, theo dõi thời tiết, định vị vệ tinh…). Ngoài ra, đối phương còn có ngành trinh sát vũ trụ thực sự, còn Bình Nhưỡng gần như “mù” về mặt này. Mà ngày nay, làm sao có thể coi một nước là độc lập khi không có các hệ thống vũ trụ cần thiết tối thiểu của mình?
Năm 2012 và 2016 Bắc Triều Tiên đã phóng thành công lên quỹ đạo 2 vệ tinh. Tuy nhiên, trọng lượng của các vệ tinh này, cũng như chủng loại và độ cao quỹ đạo cho thấy, hiện tại kỹ thuật vũ trụ Triều Tiên mới chỉ có khả năng phóng các vệ tinh nặng 100-200 kg lên quỹ đạo thấp. Với việc bổ sung đôi chút vào cơ sở linh kiện sẵn có, đây chỉ có thể nói đến các thiết bị trình diễn công nghệ thô sơ.
Đối với một chương trình vũ trụ ứng dung thì cần phải có khả năng đưa lên quỹ đạo thấp các vệ tinh nặng từ mấy tạ và nặng hơn, cũng như đưa tải trọng lên cả quỹ đạo địa tĩnh (trực tiếp hay qua quỹ đạo trung gian). Trong cả hai trường hợp đều cần các tên lửa mạnh hơn nhiều các tên lửa đã sử dụng trước đó.
Nhưng người Bắc Triều Tiên sẽ không còn là chính họ nếu như sau ngay lần phóng thành công đầu tiên, họ không tuyên bố về những kế hoạch tham vọng chinh phục vũ trụ “dựa trên sức mình”. Tháng 1/2013, tờ Rodong Sinmun đưa tin về kế hoạch phóng 2 vệ tinh thăm dò trái đất trong tương lai, 3 vệ tinh liên lạc và 1 vệ tinh lên quỹ đạo gần mặt trăng. Tháng 5/2016, họ đã công bố kế hoạch về các vệ tinh thăm dò trái đất mới, cũng như về một vệ tinh liên lạc trên quỹ đạo địa tĩnh. Tháng 8/2016, có thêm một thông báo về việc đặt ra nhiệm vụ trong vòng 10 năm đưa quốc kỳ Triều Tiên lên mặt trăng. Đương nhiên đây không phải là nói đến việc lặp lại chuyến bay của Apollo mà chỉ là phóng biểu tượng Triều Tiên bằng các khí cụ không người lái.
Báo chí thế giới đã đón những thông báo này với nụ cười mỉa mai. Tất cả những chuyện này quả thực có thể coi là trò đùa nếu như không có một chữ “nhưng”. Ngay năm 2014, người ta đã biết rằng, sân bay vũ trụ Biển Đông (nơi đã thực hiện các vụ phóng năm 2012 và 2016) đang được hiện đại hóa phục vụ các phương tiện nào đó lớn hơn cả Unha-3 hiện có.
Unha-3 là tên lửa đẩy 3 tầng, dài 30 m và nặng 92 tấn, đường kính tối đa ở tầng 1 là 2,4 m. Tuy vậy, các bức ảnh vệ tinh chụp sân bay vũ trụ công bố năm 2014 cho thấy, tháp bảo đảm đã tăng đáng kể về chiều cao. Từ thời điểm phóng tên lửa đẩy vào năm 2012, công trình này đã thay đổi về kích thước.
|
Tên lửa Unha-3 trên tổ hợp phóng vào năm 2012 (trái) và 2016 (phải) (b14643.de) |
Như vậy, tháp đã có khả năng bảo đảm cho các tên lửa cao 40-42 m (có thể lên đến 50 m) và đường kính 3-3,5 m. Những thành tựu làm chủ các loại nhiên liệu mới được thể hiện ở các tên lửa đường đạn chiến đấu (Hwasong-10) cũng chỉ ra tiềm năng gia tăng tham số năng lượng của các tên lửa vũ trụ. Thông thường thì chính chương trình tên lửa vũ trụ của Triều Tiên là bên tiếp nhận công nghệ, còn chương trình tên lửa quân sự là bên cung cấp công nghệ. Tuy nhiên, trong cả câu đố này vẫn thiếu một yếu tố quan trọng nhất - đó là động cơ mới cho tầng 1 để cho quả tên lửa nặng nề này bứt khỏi mặt đất. Động cơ dành cho ICBM được giới thiệu vào mùa xuân có vẻ không phải là giải pháp tối ưu ucho một cú đột phá thật sự. Cần một cái gì đó có lực đẩy lớn ở 1 loa phụt.
Và ngày 20/9, báo chí Triều Tiên loan báo với thế giới một tin mới. Tin đó là: “Lực đẩy của động cơ phản lực siêu mạnh mới với tư cách một động cơ đơn lẻ là 80 tấn. Mục tiêu của thử nghiệm này là khẳng định lần cuối tính năng của buồng đốt, độ chính xác hoạt động của các van và các hệ thống điều khiển, độ tin cậy kết cấu của chúng với thời gian làm việc xác định là 200 s”. Tối cùng ngày, đã phát đi bản tin truyền hình chính thức, qua đó có thể trông thấy các chi tiết.
Để so sánh thì lực đẩy của 8 loa phụt (4 hành trình và 4 lái) của động cơ tầng 1 của tên lửa vũ trụ Unha-3 là gần 120-130 tấn. lực đẩy ước tính của hệ thống động cơ tầng 1 của ICBM đang được phát triển Hwasong-13 (khối hành trình 2 loa phụt và khối lái 4 loa phụt) là 46-50 tấn.
Ngay cả nếu như động cơ có công suất toàn phần 80 tấn ở phương án 2 loa phụt, mà trước chúng ta là phương án giảm một nửa thì dẫu sao đây cũng rất, rất tốt rồi. Như vậy, tầng 1 với 4 buồng đốt như vậy sẽ có lực đẩy 160 tấn riêng từ các loa phụt hành trình. Phương án với 6 loa phụt như vậy hoàn toàn có tính thực tế và cung cấp ít nhất 240 tấn lực đẩy.
|
Động cơ mới lực đẩy 80 tấn (Pyongyang 1992 / YouTube) |
Đây đã là thành tố cấu trúc rất mạnh để lắp ráp các tên lửa đẩy khác nhau. Nếu như 80 tấn - đó là lực đẩy chỉ của 1 loa phụt, thì phương án 6 loa phụt sẽ cho 480 tấn - tất cả đều giống như các tên lửa đẩy tầm cỡ thế giới. Theo ước tính sơ bộ, điều đó cho phép chế tạo các tên lửa đẩy có thể sánh với các tên lửa Trường Chinh thời những năm 1980 của Trung Quốc (khi Trung Quốc chế tạo được động cơ lực đẩy 70-80 tấn cho một loa phụt). Do đó, Triều Tiên sẽ có khả năng về nguyên tắc đưa lên quỹ đạo thấp các vệ tinh ứng dụng hạng nặng, cũng như đưa lên quỹ đạo địa tĩnh các khí vụ vũ trụ nặng hàng chục, hàng trăm ki-lô-gam.
Như vậy, Bình Nhưỡng đang đứng ở ngưỡng cửa trở thành một cường quốc tên lửa-vũ trụ lớn, về mặt vật lý có thể vươn tới kẻ thù của mình ở lục địa khác, cũng như triển khai các vệ tinh của mình trên quỹ đạo. Nếu duy trì được nhịp độ như năm 2015 thì điều đó hoàn toàn thực tế trong 5 năm tới.
>> Chương trình tên lửa Triều Tiên: Chập chững đi lên (1)
>> Chương trình tên lửa Triều Tiên: Cú đột phá (2)