Vietnamdefence.com

 

Tướng Trung Quốc đánh giá mạnh yếu của Ấn Độ

VietnamDefence - Năm 2012, chi phí quân sự của Ấn Độ sẽ tăng 17% và đạt 1,93 ngàn tỷ rupi, tức gần 38,6 tỷ USD.

Hãng tin “Tiếng nói Trung Quốc” đưa tin, trong năm tới, chi phí quân sự của Ấn Độ sẽ tăng 17% và đạt 1,93 ngàn tỷ rupi, tức gần 38,6 tỷ USD. Nhưng kể có tăng như các nguồn tin quân sự Ấn Độ loan tin thì cũng không đủ để thỏa mãn các nhu cầu của quân đội nước này.

Dưới đây là bình luận của cục trưởng cục công nghệ thông tin quân đội Trung Quốc, thiếu tướng Yin Zhuo về vấn đề này.

Ấn Độ tăng mạnh chi phí quốc phòng để đối phó với Trung Quốc và Pakistan

Tướng Yin cho rằng, chi phí quân sự Ấn Độ tăng nhanh là do hai nguyên nhân.

Một là nhờ sự tăng trưởng kinh tế của nước này. Trong 10 năm gần đây, kinh tế Ấn Độ tăng trưởng nhanh mặc dù hơi chậm lại vào năm 2011. Xét về tổng GDP, Ấn Độ có khả năng vượt qua Anh và Pháp.

Hai là Ấn Độ có “những ước mơ lớn”. Gần đây, nước này có những nỗ lực to lớn để trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Quy chế này đặt ra những yêu cầu cao: cần phải có vị thế ngoại giao và kinh tế cao, cụ thể là nước này phải có tiềm lực quân sự tương ứng để duy trì vị thế đại cường. Được Ấn Độ liệt vào số các nhiệm vụ cục bộ là duy trì ưu thế quân sự với Pakistan.

Những yếu tố đó đã dẫn tới việc trong 10 năm qua, Ấn Độ đã tăng gấp đôi chi phí quân sự của mình.

Để tăng cường tiềm lực quân sự, Ấn Độ cố gắng mua thật nhiều vũ khí trang bị hiện đại từ nước ngoài. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm, từ năm 2006, Ấn Độ đã trở thành nước nhập khẩu vũ khí trang bị lớn nhất thế giới.

Ông Yin Zhuo đánh giá, số lượng lớn vũ khí trang bị mua từ nước ngoài có thể nâng cao sức mạnh quân sự Ấn Độ trong tương lai ngắn hạn, nhưng trong tương lai dài hạn, Ấn Độ sẽ buộc phải phát triển tích cực hơn công nghiệp quốc phòng của mình nếu không muốn vấp phải “vòng luẩn quẩn bất tận của những điều khó chịu”.

Ấn Độ đang cố “đi tắt”. Bằng cách mua sắm vũ khí trang bị nước ngoài, nước này đang nỗ lực xây dựng công nghiệp quốc phòng hiện đại. Ví dụ, với sự hỗ trợ của các công nghệ nước ngoài, Ấn Độ đang đóng các tàu sân bay, tàu chiến mặt nước cỡ lớn và tàu ngầm. Việc tự lực phát triển các loại vũ khí chủ yếu có thể mất trung bình 15 năm, còn phát triển các loại vũ khí trang bị công nghệ cao như máy bay tiêm kích và tàu ngầm có thể mất 20 năm hoặc lâu hơn. Vì vậy, Ấn Độ đang cố gắng mua sắm các vũ khí trang bị hiện đại và trang bị thật nhanh cho quân đội của họ.

Ở các lĩnh vực như máy bay chỉ huy/báo động sớm, máy bay tuần tra chống ngầm, máy bay tác chiến điện tử, Ấn Độ dựa vào mua sắm các phương tiện hiện đại của nước ngoài, ddieeeuf này có thể giúp Ấn Độ có sự đột phá lớn trong lĩnh vực các hệ thống thông tin quân sự. Đây là mặt tốt của “đi tắt”.

Bên cạnh đó, một nước lớn như Ấn Độ đòi hỏi nhiều vũ khí trang bị hơn, điều không thể thỏa mãn chỉ bằng cách mua sắm từ nước ngoài. Ngoài ra, cũng có nguy cơ trở thành “con tin của phụ tùng nước ngoài”, điều có thể có hậu quả chết người một khi xảy ra chiến tranh. Trong cuộc chiến với Pakistan, Ấn Độ đã từng nếm trái đắng từ việc phong tỏa của nước ngoài (cấm vận vũ khí).
 
Là một nước đang khát khao trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, Ấn Độ phải có nền công nghiệp quốc phòng phát triển mạnh. Nhưng vấn đề là ở chỗ nền kinh tế Ấn Độ phát triển mất cân đối. Chẳng hạn, công nghiệp phần mềm máy tính của họ đang phát triển nhanh, nhưng các ngành công nghiệp truyền thống thì tụt hậu. Cụ thể, Ấn Độ đang tụt hậu về sản xuất thép kỹ thuật và các hợp kim đặc biệt, các cơ sở sản xuất hàm lượng khoa học cao yếu ớt, thiếu kỹ sư và công nhân tay nghề cao, điều có tầm quan trọng sống còn để xây dựng một tổ hợp công nghiệp quốc phòng mạnh. Vì vậy, việc phát triển các hệ thống vũ khí lớn công nghệ cao diễn ra cực kỳ khó khăn.

Sai lầm của Ấn Độ là trong một thời gian dài, nước này giống như một nước nhỏ và trung bình đã dựa vào việc mua sắm vũ khí nước ngoài, nên khi họ muốn trở thành “nước lớn” thì sự kém phát triển của công nghiệp quốc phòng của họ đã gây ra “những khó khăn bất tận”, tướng Yin Zhuo kết luận.
  • Nguồn: mil.news.sina.com.cn, 24.3.12; MP, 25.3.12

Print Print E-mail Print