VietnamDefence -
Tại triển lãm Airshow China 2010, Nga và Trung Quốc sẽ đàm phán về phương hướng hợp tác tiếp theo trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự.
|
Tiêm kích J-10 (paralay.com)
|
Những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu quân sự của Nga sang Trung Quốc liên tục giảm. Đó là do khả năng của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc tăng mạnh, bên cạnh các thiết kế tự lực, họ đang sao chép thành công nhiều mẫu vũ khí Nga.
Theo Trung tâm Phân tích buôn bán vũ khí thế giới TsAMTO (Nga), xuất khẩu quân sự Nga sang Trung Quốc đã đạt đỉnh về giá trị vào năm 2005, với 2,703 tỷ USD, chiếm 65% tổng kim ngạch xuất khẩu quân sự Nga năm 2005. Sau đó, khối lượng xuất khẩu bắt đầu giảm: 1,51 tỷ USD năm 2006, 1,356 tỷ USD năm 2007, 1,357 tỷ USD năm 2008 và 848 triệu USD năm 2009.
Hoạt động đàm phán dự định tiến hành với phía Trung Quốc tại Airshow China 2010 sẽ là giai đoạn 2 thống nhất quan điểm về các hướng hợp tác kỹ thuật quân sự song phương tiếp theo. Các hướng chính đã được xác định tại phiên họp 15 Ủy ban liên chính phủ Nga-Trung về hợp tác kỹ thuật quân sự diễn ra ngày 9.11.10 tại Bắc Kinh. Biên bản tổng kết đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Serdyukov và Phó chủ tịch quân ủy Trung Quốc, thượng tướng Guo Boxiong ký.
Sau đàm phán, ông А. Serdyukov, “hôm nay chúng ta có động lực phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự, đã có thời suy giảm, song nay chúng ta tìm ra những chủ đề mới để thảo luận, phát triển các dự án phát triển chung và tương ứng là cung cấp vũ khí”. Theo ông, “việc này liên quan đến phòng không, vũ khí trang bị hải quân và nhiều lĩnh vực khác, trong đó có vũ khí trang bị không quân”.
Trong phiên họp, đã thảo luận việc phát triển hợp tác song phương trong khuôn khổ hiệp định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự song phương ký năm 2008. Thông tin cũng cho biết, “theo các thỏa thuận đạt được, sắp tới có thể thành lập nhóm công tác chung về thực hiện hiệp định này”.
Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là đặc biệt quan trọng đối với việc tiếp tục phát triển hợp tác kỹ thuật quân sự một cách văn minh với Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc đang sao chép trái phép nhiều mẫu vũ khí Nga. Không loại trừ, phía Nga đã nhấn mạnh đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến khả năng bán tiêm kích Su-33 và Su-35. Rõ ràng là phía Nga trong tương lai muốn bảo hiểm tránh các tiền lệ đã xảy ra (ví dụ việc sao chép Su-27SK). Cũng có thể việc này liên quan đến kế hoạch tiếp tục bán cho Trung Quốc các hệ thống phòng không Nga.
Hiện nay, Trung Quốc trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga chú trọng vào mua giấy phép, công nghệ và hợp tác phát triển các mẫu vũ khí xuất khẩu. Bên cạnh đó, vẫn có thể có những hợp đồng mua bán trực tiếp trên nhiều lĩnh vực.
Ví dụ, không loại trừ khả năng Trung Quốc mua tiêm kích trên hạm Su-33 cho các tàu sân bay tương lai của hải quân Trung Quốc, nếu sản phẩm hàng nhái J-15 cảu họ không đáp ứng các tính năng đặt ra. Trung Quốc cũng được xem là khách hàng tiềm năng mua Su-35. Trong tương lai xa, Trung Quốc có thể mua cả PAK FA.
Về lĩnh vực phòng không, không loại trừ phương án Trung Quốc hiện đại hóa các hệ thống Nga đã bán trước đó, tiếp tục mua các hệ thống tên lửa phòng không S-300PMU2 Favorit và trong tương lai xa là S-400 Triumf.
Hiện tại, Trung Quốc là khách hàng lớn nhất mua động cơ RD-93 dùng cho các tiêm kích hạng nhẹ FC-1 (JF-17 Thunder) của Trung Quốc và AL-31FN do hãng MMPP Salyut cung cấp để thay thế các động cơ hết hạn sử dụng của các máy bay Su-27, cũng như để trang bị cho J-10.
Cuối tháng 10.2010, hai bên đã ký biên bản giao nhận lô thứ tư gồm 12 động cơ D-30KP-2 do NPO Saturn chế tạo theo hợp đồng giữa FGUP Rosoboronoexport và Trung Quốc. Theo hợp đồng, công ty NPO Saturn sẽ cung cấp cho Trung Quốc 55 động cơ D-30KP-2 trong giai đoạn đến năm 2012. Ba lô đầu tiên động cơ D-30KP-2 đã được NPO Saturn bàn giao trước thời hạn cho phía Trung Quốc, lần lượt vào tháng 11.2009, tháng 3 và tháng 5.2010. Lô động cơ cuối cùng, thứ năm, dự kiến bàn giao vào tháng 2.2011.
Nga đang cung cấp cho Trung Quốc một số lượng lớn trực thăng. Đang ở giai đoạn thực hiện có hợp đồng bán cho Trung Quốc 9 trực thăng Ка-28 và 9 Ка-31.
Cũng ở giai đoạn thực hiện có hợp đồng cung cấp cho Trung Quốc 32 trực thăng đa năng hạng trung Mi-171Е do Nhà máy chế tạo máy bay Ulan-Ude (U-UAZ) sản xuất. năm 2007, U-UAZ đã cung cấp cho khách hàng Trung Quốc 24 trực thăng Mi-171.
Không lâu trước khi khai mạc Airshow China 2010, công ty Lectern Aviation Supplies đã nhận được 1 trực thăng vận tải hạng nặng Mi-26TS. Đây là chiếc thứ ba loại này được chuyển giao cho Trung Quốc. Dự kiến Lectern Aviation Supplies ký một hợp đồng mới mua thêm 1 Mi-26TS.
Theo các kế hoạch tương lai, Nga và Trung Quốc sẽ cùng phát triển và sản xuất một loại trực thăng hạng nặng mới, có thể là dựa trên Mi-26. Hiện hai bên đang tích cực thảo luận các thông số kỹ thuật và trọng lượng cất cánh của trực thăng này có tính đến nhu cầu nội bộ của Trung Quốc.