Vietnamdefence.com

 

Mỹ và châu Âu lao vào thị trường nâng cấp tên lửa phòng không Nga

VietnamDefence - Các nhà sản xuất phương Tây, cũng như các công ty từ các nước thuộc khối Varsava trước đây đang nỗ lực giành thị phần nâng cấp các hệ thống tên lửa phòng không lạc hậu của Liên Xô.

armyromantic.ru

Các nỗ lực chính tập trung vào 3 hệ thống tên lửa phòng không S-125 Pechora, 2K12 Kub và 9K33 Osa, Jane’s Defence Weekly cho hay.

Tại cuộc triển lãm MSPO-2011 diễn ra ở Targach Kielce, Ba Lan, một số công ty đã giới thiệu các phương án hiện đại hóa tên lửa phòng không mà chủ yếu được tiến hành theo 2  hướng.

Hướng thứ nhất là thay thế các thiết bị kỹ thuật tương tự và các linh kiện khác, trong đó có các ống dẫn sóng bằng thiết bị số hiện đại. Điển hình là dự án nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không tự hành 2K12 Kub, do công ty Wojskowe Zaklady Uzbrojenia (WZU), ở thành phố Grudziądz, Ba Lan cùng với hãng Raytheon, Mỹ đưa ra.

Hướng thứ hai là thay thế tên lửa do Liên Xô sản xuất mà hạn sử dụng sẽ hết vào năm 2015-2018 bằng các tên lửa mới.

Ban đầu, Raytheon dự định sử dụng cho 2K12 Kub các biến thể mặt đất của tên lửa AIM-120 và RIM-7M Sea Sparrow, sử dụng cho 9К33 Osa biến thể mặt đất của tên lửa AIM-120.

Tuy nhiên, việc phân tích chi phí và nhân công đã cho thấy rằng, hợp lý nhất là trang bị cho Kub tên lửa phòng không ESSM (Evolved Sea Sparrow Missile). Để hiện đại hóa, có thể sử dụng tên lửa phòng không ESSM thế hệ mới với đường kính phần đầu sẽ tăng từ 8 lên 10 inch để lắp đầu tự dẫn radar 2 chế độ chủ động/bán chủ động. Các vụ bắn thử nghiệm đầu tiên tên lửa này sẽ thực hiện vào tháng 6.2012, công tác phát triển sẽ kéo dài đến năm 2014.

Raytheon với phương án nâng cấp của mình đang hy vọng thành công ở thị trường những nước đến nay vẫn sử dụng các hệ thống này. Các khách hàng tiềm năng là quân đội Bulgaria, Hungaria, Ba Lan, Slovakia, Serbia, Montenegro, Ấn Độ và Ai Cập.

Một phương án nâng cấp 2K12 Kub khác do công ty RETIA (Czech) và hãng MBDA (châu Âu) dự kiến sử dụng tên lửa Aspide 2000. Khi nâng cấp, mỗi bệ phóng sẽ được trang bị 3 container vận chuyển kiêm ống phóng chứa tên lửa Aspide 2000, có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở tầm đến 23 km. Chúng sẽ thay thế tên lửa 3М9М3 mà thời hạn cất giữ sẽ hết vào năm 2015.

Cần lưu ý là quân đội Czech chưa chắc có nâng cấp các hệ thống tên lửa phòng không còn lại trong trang bị do khó khăn tài chính mà họ dự định loại bỏ trước năm 2016. Vì vậy, RETIA và MBDA chỉ có thể trông đợi vào các đơn đặt hàng nước ngoài. Các nhà sản xuất châu Âu đã giới thiệu mẫu chế thử hệ thống Kub nâng cấp vào tháng 5.2011 tại triển lãm IDET-2011 ở Brno, Czech và tháng 6.2011 tại triển lãm hàng không ở Le Bourget, Pháp.

Phương án nâng cấp của RETIA và MBDA sâu hơn, song cũng đắt tiền hơn phương án do Raytheon và WZU đề xuất.

Hệ thống S-125 hiện đang được một số nhà sản xuất nâng cấp. Ngoài các công ty Nga và Belarus, các hãng Aerotekhnika (Ukraine) và Nhà máy điện tử quân sự WZE (Wojskowe Zaklady Elektroniczne, Ba Lan) cũng đưa ra các phương án của mình. Aerotekhnika đã nâng cấp hệ thống Pechora cho quân đội Uganda, còn WZE đã nâng cấp S-125 cho quân đội Ba Lan.

Theo WZE, ưu điểm của phương án nâng cấp của Ba Lan so với phương án của Ukraine là lắp bộ bức xạ kỹ thuật số do Viện Viễn thông công nghiệp phát triển và chi phí thấp hơn.

  • Nguồn: Armstrade, 20.9.2011.

Print Print E-mail Print