Vietnamdefence.com

 

Hải quân Nga không cần tên lửa bờ biển chiến thuật?

VietnamDefence - Sau khi hoàn tất phát triển và bắt đầu sản xuất loạt các hệ thống tên lửa chống hạm bờ biển Bastion và Bal, Nga đã trở thành nước dẫn đầu trên thị trường thế giới về lĩnh vực các hệ thống vũ khí này.

“Hải quân Liên bang Nga đang cực kỳ cần có các hệ thống vũ khí hiện đại
để chống các mục tiêu mặt nước cỡ nhỏ và trung bình” (Andrei Sedykh)

Hải quân Nga chỉ mua sắm và trang bị hệ thống tên lửa bờ biển chiến dịch-chiến thuật Bastion dùng để tiêu diệt các mục tiêu mặt nước cỡ lớn và xem nhẹ việc mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật Bal kém uy lực hơn. Xét tới thực tế là xung đột cục bộ ở các vùng ven bờ nhiều khả năng xảy ra hơn là một cuộc chiến quy mô lớn thì chính sách đó của Hải quân Nga xem ra là kém nhìn xa trông rộng.

Các hệ thống tên lửa chống hạm bờ biển hiện đại là các hệ thống vũ khí khá mạnh, có khả năng không chỉ giải quyết các nhiệm vụ phòng thủ bờ biển mà còn tiêu diệt các mục tiêu trên biển ở cự ly cách bờ hàng trăm kilômet. Thường được trang bị các phương tiện chỉ thị mục tiêu dành riêng, có khả năng hoạt động và cơ động cao, hệ thống tên lửa bờ biển hiện đại có độ bền vững chiến đấu cao và khó bị tổn thương kể cả khi đối phó với kẻ địch ghê gớm nhất. Các bối cảnh đó là một trong những nguyên nhân của sự chú ý bùng nổ mà ta chứng kiến trên thị trường vũ khí thế giới đối với các hệ thống tên lửa bờ biển thế hệ mới. Khả năng đang được tạo ra nhằm sử dụng các hệ thống tên lửa bờ biển làm vũ khí tên lửa tấn công mặt đất chính xác cao cũng tạo ra thêm những triển vọng mới.

Các hệ thống vũ khí chủ yếu của nước ngoài

Hiện nay, trên thị trường thế giới có mặt nhiều hệ thống tên lửa bờ biển, được trang bị hầu như tất cả các loại tên lửa chống hạm.

Harpoon (Boeing, Mỹ): Mặc dù phổ dụng trên thế giới, tên lửa chống hạm này chỉ được sử dụng cho hệ thống tên lửa bờ biển ở một số ít quốc gia: Đan Mạch, Tây Ban Nha, Ai Cập và Hàn Quốc. Riêng Đan Mạch tự chế tạo hệ thống tên lửa bờ biển bằng cách sử dụng lại các bệ phóng tên lửa Harpoon gỡ từ các frigate bị loại bỏ vào đầu thập niên 1990.
Exocet (MBDA, Pháp): các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng tên lửa chống hạm thế hệ 1 Exocet ММ38 trước đây từng có trong trang bị của Anh (hệ thống Excalibur ở Gibraltar, năm 1994 được bán cho Chile) và Argentina (kiểu cải tiến, được sử dụng trong cuộc chiến tranh Falklands năm 1982), hiện được sử dụng ở Chile và Hy Lạp. Các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng các tên lửa hiện đại hơn Exocet ММ40 hiện có trong trang bị của Hy Lạp, Síp, Qatar, Thái Lan, Saudi Arabia (được chuyển giao vào nửa cuối thập niên 1980 và trong thập niên 1990) và ở Chile (tự sản xuất).

Otomat (MBDA, Italia) được sử dụng cho các hệ thống tên lửa bờ biển chuyển giao trong thập niên 1980 cho Ai Cập và Saudi Arabia.

RBS-15 (Saab, Thụy Điển): Hệ thống này ở biến thể bờ biển RBS-15K hiện có trong trang bị của Thụy Điển và Phần Lan (được chuyển giao trong thập niên 1980), còn ở Croatia, tên lửa chống hạm RBS-15 đang được sử dụng trong thành phần hệ thống tên lửa bờ biển nội địa MOL vốn được phát triển trong thập niên 1990. Saab đang tiếp tục tiếp thị hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng biến thể tên lửa mới nhất RBS-15 Mk 3.

RBS-17 (Saab, Thụy Điển) - biến thể cải tiến của tên lửa chống tăng Mỹ Hellfire. Sử dụng các bệ phóng hạng nhẹ trên bờ hiện có trong trang bị của Thụy Điển và Nauy.

Penguin (Kongsberg, Nauy): Từ những năm 1970, tên lửa chống hạm này được sử dụng cho các bệ phóng cố định của lực lượng phòng thủ bờ biển Nauy. Hiện nay, hệ thống này đã lạc hậu và đang bị loại khỏi trang bị.

NSM (Kongsberg, Nauy): Tên lửa chống hạm mới của Nauy, được chào bán cả dưới dạng một biến thể hệ thống tên lửa bờ biển cơ động. Cuối năm 2008, Ba Lan đã ký hợp đồng trị giá 145 triệu USD để mua 1 tiểu đoàn tên lửa bờ biển NSM, chuyển giao năm 2012. Đây là hợp đồng đầu tiên được biết đến mua bán hệ thống tên lửa bờ biển của Tây Âu trong một thập kỷ gần đây. Sau này, có thể cả Nauy cũng mua biến thể tên lửa bờ biển NSM.

SSM-1A (Mitsubishi, Nhật Bản): Tên lửa chống hạm của Nhật, trang bị cho các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động Type 88 của Nhật và không được xuất khẩu.

Hsiung Feng (Hùng Phong, Đài Loan): Họ tên lửa chống hạm mà Đài Loan sử dụng trong các hệ thống tên lửa bờ biển cơ động và tĩnh tại cùng tên để  phòng thủ bờ biển từ những năm 1970. Biến thể đầu tiên của tên lửa bờ biển này là Hsiung Feng I (HF-I) được chế tạo dựa trên tên lửa chống hạm cải tiến Gabriel Mk 2 của Isael.

Từ năm 2002, Đài Loan nhận vào trang bị hệ thống tên lửa bờ biển dạng cơ động HF-II, sử dụng tên lửa tầm xa hơn do Đài Loan phát triển. Sau này, không loại trừ khả năng Đài Loan chế tạo hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng tên lửa chống hạm siêu âm tối tân nhất của Đài Loan là HF-III. Các hệ thống này không được xuất khẩu.

HY-2 (Trung Quốc): Tên lửa chống hạm Trung Quốc (còn gọi là С-201), là mẫu cải tiến của tên lửa P-15 ra đời trong những năm 1960 của Liên Xô. Các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng HY-2 từ thập niên 1960 đã cấu thành nền tảng lực lượng phòng thủ bờ biển Trung Quốc, đồng thời được xuất khẩu sang Iraq, Iran, CHDCND Triều Tiên và Albania.

HY-4 (Trung Quốc): Biến thể cải tiến của HY-2, sử dụng động cơ turbine phản lực, được sử dụng trong lực lượng phòng thủ bờ biển Trung Quốc từ thập niên 1980. Sau năm 1991, các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng HY-4 đã được bán cho Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Các mẫu tương tự tên lửa này dùng cho nhiệm vụ phòng thủ bờ biển được sản xuất ở Iran (có tên là Raad) và Triều Tiên (Mỹ đặt tên là AG-1 và KN-01). Tên lửa này nay đã quá lạc hậu.

YJ-62 (Trung Quốc), còn gọi là С-602 - biến thể chống hạm  của họ tên lửa hành trình hiện đại СJ-10, tương tự Tomahawk của Mỹ. Hệ thống tên lửa bờ biển cơ động С-602 được đưa vào trang bị trong những năm gần đây và là hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển chủ lực. Hiện chưa có thông tin về việc xuất khẩu tên lửa này.

YJ-7 (Trung Quốc) - họ tên lửa chống hạm hạng nhẹ hiện đại, bao gồm các tên lửa từ С-701 đến С-705. Iran đang sản xuất theo giấy phép С-701 với tên gọi Kosar, kể cả biến thể tên lửa bờ biển, và С-704 với tên gọi Nasr.

YJ-8 (Trung Quốc) - dòng tên lửa đối hạm hiện đại của Trung Quốc, bao gồm các tên lửa С-801, С-802 và С-803. Các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng С-802 hiện có trong trang bị của Trung Quốc, năm 1990-2000 được cung cấp cho Iran và theo một số nguồn tin là cho cả CHDCND Triều Tiên.

Có tin Thái Lan hiện đang dự định mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển này. Iran đã tổ chức sản xuất theo giấy phép tên lửa С-802 với tên Noor, các hệ thống tên lửa bờ trang bị tên lửa này đã được chuyển giao cho Syria và tổ chức Hezbollah ở Lebanon và đã được Hezbollah sử dụng trong cuộc chiến tranh Israel-Lebanon năm 2006.


Tình hình phát triển tên lửa bờ biển ở Liên Xô và Nga


Thời Liên Xô

Liên Xô thường rất chú ý đến việc nghiên cứu chế tạo các hệ thống tên lửa bờ biển, bởi vì chúng được xem là phương tiện phòng thủ bờ biển quan trọng trong điều kiện phương Tây chiếm ưu thế về hải quân. Đặc biệt, Liên Xô chế tạo các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng không chỉ các tên lửa chống hạm chiến thuật mà cả tên lửa chiến dịch-chiến thuật có tầm bắn trên 200 km.

Năm 1958, hệ thống tên lửa bờ biển cơ động đầu tiên của Liên Xô là 4К87 Sopka với tên lửa S-2 có tầm bắn đến 100 km (chi nhánh phân Viện thiết kế OKB-155, nay là MKB Raduga thuộc công ty “Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật [KTRV]ư, phát triển). Các tên lửa này đã được sử dụng cả cho các hệ thống tên lửa bờ biển cố định, kiên cố Strela (Utes), được xây dựng ở các hạm đội Biển Đen và Phương Bắc. Hệ thống Sopka là nền tảng lực lượng tên lửa-pháo bờ biển Liên Xô trong thập niên 1960 và được cung cấp cho nhiều nước thân hữu, nhưng đã bị loại bỏ hoàn toàn trong thập niên 1980.

Hệ thống tên lửa bờ biển Rubezh
Để thay thế hệ thống Sopka, Viện thiết kế chế tạo máy KGM ở Kolomna đã phát triển và đưa vào trang bị của Hải quân Liên Xô vào năm 1978 hệ thống tên lửa bờ biển cơ động 4К40 Rubezh, sử dụng loại tên lửa chống hạm phổ dụng của hải quân là P-15М có tầm bắn đến 80 km của Viện MKB Raduga.

Hệ thống Rubezh hoàn toàn tự hoạt và có bệ phóng và radar chỉ thị mục tiêu Garpun được lắp tích hợp trên cùng một xe ô tô (khung gầm MAZ-543М) theo đúng khái niệm “xuồng tên lửa trên bánh xe”.

Rubezh đã được hiện đại hóa trong thập niên 1980 và đến nay vẫn là hệ thống tên lửa bờ biển chủ lực của Hải quân Nga.

Trong thập niên 1980, biến thể xuất khẩu Rubezh-E đã được cung cấp cho CHDC Đức, Ba Lan, Rumani, Bulgaria, Nam Tư, Algeria, Libya, Syria, Yemen, Ấn Độ, Việt Nam và Cuba.


Sau khi Liên Xô sụp đổ, Ukraine được thừa hưởng một số hệ thống này, còn sau khi Nam Tư tan vỡ, các hệ thống Rubezh-E của họ thuộc quyền sở hữu của Montenegro và được nước này bán cho Ai Cập vào năm 2007.

 Hiện nay, Rubezh được xem là đã lạc hậu hoàn toàn.

Liên Xô đã phát triển hệ thống tên lửa bờ biển 4К44B Redut trang bị tên lửa siêu âm P-35B có tầm bắn đến 270 km của OKB-52 (Nay là công ty NPO Mashinostroenia) với tư cách hệ thống cấp chiến dịch-chiến thuật cho Hải quân Liên Xô và đã nhận vào trang bị vào năm 1966.

Hệ thống sử dụng khung gầm cơ bản BAZ-135MB.

Hệ thống tên lửa bờ biển Redut
Sau này, Redut được hiện đại hóa và sử dụng tên lửa hiện đại hơn là 3M44 của hệ thống Progress vốn được nhận vào trang bị vào năm 1982 thay cho tên lửa P-35B.

Các hệ thống tên lửa bờ biển cố định Utes cũng được trang bị các tên lửa P-35B, sau đó là 3М44.

Trong thập niên 1980, các hệ thống Redut-E được cung cấp cho Bulgaria, Syria và Việt Nam.

Trong Hải quân Nga, Syria và Việt Nam, các hệ thống này tuy đã lạc hậu, song đến nay vẫn còn trong trang bị, trong đó các hệ thống của Việt Nam sau năm 2000 đã được hãng NPO Mashinostroenia hiện đại hóa theo chương trình Modern.

Hiện nay

Trong những năm 1980, để thay thế các hệ thống Redut và Rubezh, Liên Xô đã bắt đầu phát triển các hệ thống tên lửa bờ biển thế hệ mới sử dụng các tên lửa chống hạm tương lai (đó là các hệ thống Bastion và Bal), tuy nhiên do Liên Xô sụp đổ, mãi gần đây Nga mới hoàn thành các hệ thống này. Sau khi bắt đầu sản xuất loạt các hệ thống này, Nga đã trở thành nước dẫn đầu trên thị trường hệ thống tên lửa bờ biển và rõ ràng là sẽ giữ được ưu thế này trong thập niên tới, nhất là khi xét đến khả năng xúc tiến ra thị trường các hệ thống còn hiện đại hơn là Club-M và Bal-U.

Hệ thống tên lửa bờ biển chiến dịch-chiến thuật Bastion do NPO Mashinostroenia phát triển sử dụng tên lửa chống hạm siêu âm mới dòng 3М55 Oniks/Yakhont có tầm bắn đến 300 km. Hệ thống được chào bán dưới dạng cơ động (K300P Bastion-P) và cố định (Bastion-S), khi xuất khẩu hệ thống được trang bị tên lửa K310 Yakhont có tầm bắn đến 290 km.

Một hệ thống (tiểu đoàn) Bastion-P được biên chế 4 xe bệ phóng sử dụng khung gầm MZKT-7930 (mỗi bệ lắp 2 tên lửa), 1 xe điều khiển, cũng như có thể bố sung thêm các xe chỉ thị mục tiêu trang bị radar Monolit-B và các xe tiếp đạn.


Hệ thống tên lửa bờ biển Bastion-P

Năm 2006, Nga đã ký các hợp đồng bán 1 tiểu đoàn Bastion-P cho Việt Nam (giá khoảng 150 triệu USD) và 2 tiểu đoàn cho Syria (gần 300 triệu USD), đồng thời hợp đồng với Việt Nam cũng hầu như bù đắp chi phí cho phần nghiên cứu hoàn tất. Hệ thống Bastion-P với tên lửa yakhont đã được NPO Mashinostroenia chuyển giao cho cả hai khách hàng vào năm 2010.

Năm 2008, Bộ Quốc phòng Nga đã  ký với NPO Mashinostroenia hợp đồng cung cấp 3 hệ thống 3K55 Bastion-P với các tên lửa Oniks/Yakhont để trang bị cho Lữ tên lửa-pháo bờ biển độc lập số 11 của Hạm đội Biển Đen, đóng ở khu vực Anapa. Cuối năm 2009-đầu năm 2010, lữ đoàn này được biên chế 2 hệ thống Bastion-P (trong cơ cấu quân đội Nga “diện mạo mới” chúng được gọi là các đại đội và được sát nhập thành 1 tiểu đoàn trong biên chế lữ đoàn), còn năm 2011, lữ này sẽ nhận hệ thống (đại đội) thứ ba.

Dự kiến hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật Rubezh trong Bộ đội tên lửa-pháo bờ biển của Hải quân Nga sẽ được thay thế bằng hệ thống tên lửa bờ biển cơ động 3К60 Bal sử dụng tên lửa chống hạm dưới âm, cỡ nhỏ 3М24 Uran có tầm bắn đến 120 km do hãng FGUP KB Mashinostroenia (nhà thầu chính) và các xí nghiệp thuộc KTRV nghiên cứu chế tạo.

Hệ thống Bal được biên chế 4 xe bệ phóng 3S60 lắp trên khung gầm MZKT-7930 (mỗi xe lắp 8 tên lửa); 2 đài điều khiển và liên lạc (SKPUS) với radar chỉ thị mục tiêu Garpun-Bal, lắp trên cùng loại khung gầm; 4 xe tiếp đạn. Tổng cơ số đạn tên lửa của hệ thống sẽ là 64 quả tên lửa chống hạm.

Để thử nghiệm và hoàn thiện, Nga đã sản xuất 1 hệ thống Bal ở cấu hình tối thiểu (1 xe SKPUS, 2 bệ phóng và 1 xe tiếp đạn), đã hoàn thành tốt đẹp thử nghiệm nhà nước vào mùa thu năm 2004. Hệ thống này được chuyển giao cho Hải quân Nga sử dụng thử và đang nằm trong biên chế Lữ đoàn tên lửa-pháo bờ biển độc lập số 11 của Hạm đội Biển Đen, mặc dù nó không có cơ số đạn tên lửa 3М24. Mặc dù được chính thức nhận vào trang bị vào năm 2008, Bộ Quốc phòng Nga vẫn chưa ký các hợp đồng sản xuất loạt hệ thống Bal. Biến thể xuất khẩu của hệ thống là Bal-E trang bị tên lửa xuất khẩu 3M24E đang được chào bán ra nước ngoài, nhưng cũng chưa có hợp đồng xuất khẩu hệ thống này được ký kết, mặc dù nhiều nước tỏ ra quan tâm đến Bal-E.

Hệ thống tên lửa bờ biển Club-M
Một hệ thống tên lửa bờ biển khác do OKB Novator (thuộc Tập đoàn phòng hông Almaz-Antei) đề xuất là hệ thống cơ động Club-M sử dụng các tên lửa hành trình họ Club (Kalibr) là 3М14E, 3М54E và 3М54E1 với tầm bắn đến 290 km. Hệ thống đang được chào bán xuất khẩu ở dạng cơ động, sử dụng các loại khung gầm khác nhau mang 3-6 tên lửa trên một bệ phóng (kể cả dạng container), nhưng hiện chưa có đơn đặt hàng mua các hệ thống này.

Một thiết kế khác được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2006 là biến thể hệ thống tên lửa bờ biển cơ động của loại tên lửa hạm-đối-hạm xuất khẩu nổi tiếng Moskit-E, trang bị tên lửa siêu âm 3М80E tầm bắn đến 130 km của KTRV (MKB Raduga). Các nhược điểm của hệ thống này là sự cồng kềnh của các tên lửa không còn là mới nữa và tầm bắn không đủ xa. Hệ thống tên lửa bờ biển Moskit-E cũng chưa có khách hàng.

Triển vọng trang bị cho Hải quân Nga

Được xem là hệ thống tên lửa bờ biển tương lai cơ bản của Hải quân Nga là hệ thống vạn năng Bal-U đang được phát triển với NPO Mashinostroenia là nhà thầu chính, dự kiến sử dụng các dòng tên lửa Oniks/Yakhont và Kalibr (có khả năng thay thế lẫn nhau) phối hợp với các phương tiện chỉ thị mục tiêu mới. Rõ ràng là trong khi chờ đợi hệ thống Bal-U sẵn sàng, Bộ Quốc phòng Nga không chịu đặt mua thêm các hệ thống tên lửa bờ biển Bastion và không mua sắm các hệ thống Bal với tên lửa 3М24.

Cần lưu ý là nếu nhận vào trang bị hệ thống Bal-U làm hệ thống tiêu chuẩn của các đơn vị tên lửa-pháo bờ biển của Hải quân Nga thì toàn bộ vũ khí tên lửa của ác đơn vị này đều là các hệ thống chiến dịch-chiến thuật. Và trong mọi tình huống, người ta sẽ sử dụng các tên lửa chống hạm uy lực mạnh, cực kỳ đắt tiền (với đầu đạn hạng nặng), siêu âm (ở trường hợp hệ thống Kalibr là với tầng siêu âm), dùng để tiêu diệt các tàu chiến cỡ lớn.
Về nguyên tắc, Hải quân Nga sẽ không có các hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật. Lựa chọn đó khó có thể coi là tối ưu cả từ giác độ quân sự, lẫn kinh tế.

Một khi xảy ra cuộc xung đột quy mô lớn thực sự, khó có khả năng các tàu chiến lớn của đối phương (ví dụ các tàu tuần dương và khu trục Mỹ trang bị hệ thống AEGIS, chứ chưa nói đến các tàu sân bay) xuất hiện trong vùng biển ven bờ biển Nga, tức là tự đặt mình vào tầm bắn của tên lửa bờ biển Nga. Đã qua từ lâu cái thời của phong tỏa đường biển gần, còn việc tấn công lãnh thổ Nga bằng tên lửa hành trình phóng từ biển của Hải quân Mỹ sẽ chỉ có thể thực hiện từ cự ly cách khá xa bờ, nằm ngoài tầm bắn của các hệ thống tên lửa bờ biển hiện có của Nga. Rõ ràng là, các cụm tàu sân bay chiến đấu và tàu chiến lớn của đối phương chỉ có thể tiến vào vùng biển gần của Nga sau khi đối phương giành được ưu thế hoàn toàn trên biển và trên không và chỉ sau khi tiêu diệt được các lực lượng phòng thủ bờ biển bằng vũ khí hàng không chính xác cao và tên lửa hành trình trong một chiến dịch tác chiến không-hải.

Những cũng phải nói rằng, tầm bắn khá xa vốn được coi là một trong những ưu điểm chính của các hệ thống tên lửa bờ biển chiến dịch-chiến thuật, sẽ khó đạt được một khi đối đầu với một địch thủ mạnh hơn do khó bảo đảm chỉ thị mục tiêu ở khoảng cách xa. Đối phương nếu như không ngăn chặn phá vỡ thì cũng sẽ gây khó khăn tối đa cho việc chỉ thị mục tiêu cho các hệ thống tên lửa bờ biển ở cự ly xa được bảo đảm bằng các phương tiện bên ngoài.

Ở phương án tồi tệ nhất, các hệ thống tên lửa bờ biển sẽ chỉ còn cách dựa vào các phương tiện radar của mình mà tầm hoạt động bị hạn chế bởi đường chân trời radar, tức là triệt tiêu các ưu thế mong đợi khi ta sử dụng các tên lửa tầm xa, đắt tiền.

Như vậy, các hệ thống tên lửa bờ biển sử dụng tên lửa chiến dịch-chiến thuật uy lực lớn, vốn định hướng để dùng chủ yếu trong các cuộc xung đột quy mô lớn chống các mục tiêu trên biển cỡ lớn và “công nghệ cao”, trên thực tế trong điều kiện xung đột như vậy sẽ vấp phải những hạn chế lớn về hiệu quả và hoàn toàn có khả năng là sẽ không thể hiện thực hóa đầy đủ tiềm lực chiến đấu của mình. Việc sử dụng các tên lửa Oniks để bắn các mục tiêu nhỏ trên biển trong các cuộc xung đột hạn chế rõ ràng là không hợp lý.

Trong khi đó, sự phát triển hiện nay của hải quân các nước láng giềng của Nga, cũng như các xu hướng tiến triển chung của các phương tiện chiến đấu hải quân nước nông cho ta căn cứ để dự đoán các phương tiện chiến đấu nhỏ (trong đó có các xuồng chiến đấu cỡ nhỏ và trong tương lai là các phương tiện chiến đấu không người lái) sẽ có vai trò gia tăng khi tác chiến ở vùng biển gần. Kể cả Hải quân Mỹ cũng chú ý ngày càng nhiều hơn đến việc phát triển các phương tiện đó. Như vậy, trong các vùng biển ven bờ của Nga, kịch bản căn bản có khả năng nhất đối với Hải quân Nga có vẻ không phải là sự hiện diện của “một số lượng nhỏ các mục tiêu lớn” mà là sự hiện diện của “một số lượng lớn các mục tiêu nhỏ”. Rõ ràng là Hải quân Nga đang rất cần các hệ thống vũ khí để đối phó với các mục tiêu mặt nước cỡ nhỏ và trung bình ở vùng biển gần, đặc biệt là ở các biển nội địa.

Một trong các hệ thống vũ khí chính để giải quyết loại nhiệm vụ đó phải là các tên lửa chống hạm dưới âm, cỡ nhỏ, rẻ tiền. Nga hiện có một hệ thống tên lửa đối hạm rất thành công và tin cậy là Uran với các tên lửa 3М24, cũng như biến thể bờ biển của nó là Bal.

Coi nhẹ việc mua sắm các hệ thống này cả dạng triển khai trên hạm tàu lẫn trên bờ là hoàn toàn không nhìn xa, trông rộng.

Việc tái định hướng Hải quân Nga sang đối phó với không chỉ các lực lượng lớn, mà cả các lực lượng nhỏ và xuồng (ít ra là ở Biển Đen, biển Baltic và biển Nhật Bản) phải được phản ánh trong việc xây dựng tất cả các binh chủng và lực lượng của Hải quân Nga, cả lực lượng hạm tàu, lẫn không quân hải quân và các đơn vị tên lửa-pháo bờ biển. Với lực lượng tên lửa-pháo bờ biển, tối ưu nhất là kết hợp mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển chiến dịch-chiến thuật Bastion-P và Bal-U với các tên lửa chống hạm uy lực mạnh và tốc độ cao Oniks và các hệ thống chiến thuật Bal với các tên lửa như Uran.

Cũng cần chỉ ra là giá của một quả tên lửa Oniks/Yakhont 3М55 đắt hơn một quả tên lửa Uran 3М24 khoảng 3-4 lần. Một đại đội tên lửa bờ biển Bastion-P với cơ số đạn tiêu chuẩn 16 tên lửa có giá gần tương đương (đúng ra là đắt hơn) một đại đội tên lửa bờ biển Bal với cơ số đạn tiêu chuẩn 64 tên lửa. Đồng thời, nếu để gây “tắc nghẽn” cho các kênh mục tiêu của các hệ thống phòng không hạm tàu hiện đại, thì một loạt 32 quả tên lửa dưới âm sẽ hiệu quả hơn là một loạt 8 quả tên lửa siêu âm.

Trên thực tế, giá cả cao của các hệ thống Bastion và Bal-U chắc chắn sẽ hạn chế việc mua sắm chúng hoặc kéo dài hơn thời gian chuyển giao chúng. Kết quả là nếu hải quân Nga không mua sắm các hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật thì các đơn vị tên lửa-pháo bờ biển của Hải quân Nga sau cả một thập kỷ nữa vẫn sẽ được trang bị chủ yếu là các hệ thống Redut và Rubezh, vốn sẽ hoàn toàn trở thành các “hiện vật trưng bày bảo ràng” vào lúc đó với hiệu quả chiến đấu không đáng kể. Cũng phải thấy rằng, tên lửa 3М24, như việc hiện đại hóa tên lửa này gần đây cho thấy, có tiềm năng hiện đại hóa lớn, cho phép với chỉ phí không lớn nâng cao đáng kể tính linh hoạt và hiệu quả sử dụng các hệ thống vũ khí tên lửa trang bị các tên lửa này.
  • Nguồn: Hải quân Nga không cần các hệ thống tên lửa bờ biển chiến thuật? / Mikhail barabanov // VPKN, N48 (364), 8.12.2010. 

Print Print E-mail Print