Vietnamdefence.com

 

Trăm năm tàu sân bay trên Thái Bình Dương (4): Tàu sân bay, ghét bỏ và thèm khát

VietnamDefence - Sau chiến thắng Thái Bình Dương trước Nhật, tàu sân bay trở thành biểu tượng của vị trí siêu cường của Mỹ đồng thời đảm trách vai trò tiên phong trong quân đội Mỹ, kiểu “đâu cần, có ngay tàu sân bay”.

>> Kỳ 1: Kinh nghiệm Ấn - Nhật
>> Kỳ 2: Truyền thống hải quân Nhật
>> Kỳ 3: Nhật - Mỹ tử chiến
>> Kỳ 5: Trăm năm tàu sân bay trên Thái Bình Dương (5): Tàu sân bay của thế kỷ 21
>> Kỳ 6: răm năm tàu sân bay trên Thái Bình Dương (6): Thi Lang nằm ở đâu trong thế kỷ 21?


“Tàu sân bay gần nhất đang ở đâu?“

Mỗi khi hải quân Mỹ điều động hai tàu sân bay trở lên đến một nơi nào đó, cầm chắc chỗ ấy đang biến động. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton từng tuyên bố: “Khi từ ngữ “khủng hoảng” nổ ra ở Washington, câu hỏi đầu tiên đặt ra là “Tàu sân bay gần nhất đang ở đâu?”.

Tàu sân bay USS Philippines Sea (CV-47) tại Gibraltar năm 1948 - Ảnh tư liệu

Năm 1946, tàu sân bay USS Franklin D. Roosevelt được điều động đến Địa Trung Hải, ghé cảng Athens, nhằm bày tỏ sự hậu thuẫn của Chính phủ Mỹ với Chính phủ Hi Lạp lúc đó đang trong một cuộc nội chiến. Tháng 5 năm nay, khi Tổng thống Obama loan báo cuộc hành quân đặc biệt tiêu diệt Bin Laden, tên của tàu sân bay USS Carl Vinson được nêu. Tháng 3 trước đó, khi một chiếc tàu sân bay Mỹ băng qua kênh đào Suez trực chỉ Libya, báo chí đã vội hô hoán” Mỹ sắp đánh Libya”.

Quả thật tàu sân bay là biểu tượng của nước Mỹ, được chờ đón hay căm ghét tùy người đối diện. Tháng 6 năm nay, khi tàu sân bay George Washington “luẩn quẩn” gần Trường Sa như một con “kỳ đà”, Tân Hoa xã đăng phát biểu sau của Ngô Sĩ Tồn, chủ tịch Viện Nghiên cứu Nam Hải (biển Đông) của Trung Quốc (TQ): “Chính sách biển Đông hiện nay của Mỹ trước hết là nhằm kiểm soát TQ”, phản ánh tại sao TQ hiện đang căm ghét tàu sân bay Mỹ vào bậc nhất và quyết tâm chế tạo cho bằng được tên lửa Đông Phong 21D với hi vọng biết đâu có ngày trị được tàu sân bay Mỹ, vốn đã “sinh sự” với TQ từ 60 năm qua chứ không phải bây giờ.

Tàu sân bay trong chiến tranh Triều Tiên

60 năm sau chiến tranh Triều Tiên, ít ai nhớ trong trận chiến đó tàu sân bay của hải quân Mỹ, Anh, Úc đã tham gia cuộc chiến này trong lực lượng LHQ, sau khi người Triều Tiên phía bắc bất ngờ tràn xuống tấn công người Triều Tiên phía nam hôm 25-6-1950.

Cuộc tấn công đó đã gây bối rối cho quân đội Mỹ lúc đó đang “giảm tải” sau Thế chiến thứ hai, thậm chí còn cho thực dân Pháp mượn tàu sân bay Langley (Pháp đổi tên thành La Fayette) để Pháp quay trở lại xâm lược VN. Phản ứng đầu tiên của Mỹ là điều động ngay tàu sân bay USS Valley Forge của Mỹ và tàu sân bay HMS Triumph của hải quân Anh đến biển Hoàng Hải, lập thành lực lượng đặc nhiệm TF 77, nhằm hỗ trợ quân đội Nam Hàn chống trả cuộc tổng tấn công bằng xe tăng của miền bắc.

Chính vì thế mà, trái với Thế chiến thứ hai tàu sân bay vốn được sử dụng như là cánh tay vươn xa của hạm đội Mỹ hay Nhật, thì ở chiến tranh Triều Tiên tàu sân bay được sử dụng như những căn cứ không quân di động trên biển, ngoài tầm bắn phá của đối phương. Cũng thế, máy bay phóng đi từ các tàu sân bay không nhằm tìm diệt tàu sân bay đối phương như trước kia, mà để không kích yểm trợ bộ binh. Ngày 3-7-1950, chiếc Valley Forge của Mỹ lần đầu tiên tung ra 36 máy bay, trong đó có tám chiếc phản lực cơ F9F, còn chiếc Triumph của Anh cũng tung ra 21 chiếc.

Ngày 22-7, hai tàu sân bay này lúc đó, đã ra khỏi Hoàng Hải dời sang biển Nhật Bản, về phía bờ đông của bán đảo Triều Tiên, đóng vai trò yểm trợ phi pháo cho cuộc đổ bộ quân LHQ lên Pohang. Tháng 8 sau đó, một tàu sân bay khác, chiếc USS Philippines Sea của Mỹ đến tăng cường, chiếc Triumph rút ra để gia nhập lực lượng dặc nhiệm TF91 của Anh. Một lực lượng đặc nhiệm khác được thành lập, TF 96.8, gồm các tàu sân bay hộ tống USS Sicily và USS Badoeng Strait... Các phi công hải quân và của thủy quân lục chiến tối ngày bay thả bom yểm trợ bộ binh, chỉ riêng trận Pusan trong tháng 8 đó đã có đến 8.800 phi vụ yểm trợ bộ binh đang cố thủ ở Pusan.

Tất nhiên, phía miền bắc lúc này đã được TQ trực tiếp tham chiến hậu thuẫn, không để yên cho máy bay LHQ chặn đường tiến của mình, nhất là khi máy bay đồng minh vượt qua vĩ tuyến 38 tấn công cầu đường và đường sắt. Không chiến ngày ngày xảy ra, sẽ trở thành một nhiệm vụ khác sinh tử đối với các phi công. Không quân Mỹ sẽ càng mở rộng phạm vi oanh kích nhắm đến các cơ sở hạ tầng của miền bắc, tỉ như vụ ném bom ngày 23-6-1952, máy bay của lực lượng đặc nhiệm TF77 cùng lúc tấn công bốn nhà máy điện ở Suiho, Chosin, Fusen và Kyocen, khiến miền bắc mất đến 90% sản lượng điện!

Vai trò mới mẻ này của tàu sân bay, tấn công trên bộ, yểm trợ chiến trường, hủy diệt hạ tầng..., sẽ được tận dụng trong chiến tranh sau này.

Thiệt hại vì sự vắng mặt trong ngoại giao

Sau khi Bắc Hàn tấn công Nam Hàn ngày 25-6-1950, Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ họp ra ngay nghị quyết số 82 “yêu cầu chính quyền Bắc Triều Tiên rút ngay quân về vĩ tuyến 38”. Hai ngày sau, 27-6, HĐBA ra tiếp nghị quyết 83 kêu gọi “các thành viên LHQ đem đến cho Nam Hàn những giúp đỡ cần thiết để đẩy lùi quân tấn kích”. Từ lời kêu gọi này, hàng loạt nước gửi quân tham chiến giúp Hàn Quốc.

Trong khi đó Liên Xô, vì đang tẩy chay các phiên họp của HĐBA LHQ từ tháng 1-1950 để phản đối việc Đài Loan vẫn còn giữ ghế thường trực HĐBA ở LHQ thay vì Trung Quốc, nên mất cơ hội phủ quyết. Đây là một bài học sinh động về sự vắng mặt trong ngoại giao. “Tại hội nghị San Francisco 1951, cả CHND Trung Hoa lẫn Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) đều không được mời do chưa xác định chính phủ nào là hợp pháp, thì Việt Nam lúc đó do chính phủ Bảo Đại làm đại diện đã có mặt và thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Trần Văn Hữu đã long trọng tuyên cáo: “Chúng tôi xác nhận chủ quyền có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa”.

Thù oán sâu xa

Cho đến lệnh ngừng bắn ngày 27-6-1953, tổng cộng đã có đến 36 lượt tàu sân bay của các nước thay nhau tham gia trận chiến. Anh có bốn tàu sân bay lần lượt thay thế nhau. Úc có chiếc HMS Sydney.

Thật ra, vào lúc cao điểm Mỹ chỉ có bốn tàu sân bay cùng lúc được triển khai. Tổng cộng đã có 275.000 phi vụ được tung ra từ các tàu sân bay.

Chiến tranh Triều Tiên khác với Thế chiến thứ hai ở một điểm mới lạ hoàn toàn: đây là cuộc chiến tranh đầu tiên bằng máy bay phản lực, một bên là F-86, một bên là MiG-15.

Không chiến giữa phi công Mỹ (chủ yếu) với phi công TQ đã sinh ra thù oán sâu sắc. Càng sâu sắc khi phần thắng cứ nghiêng về phía Mỹ!

Ở cao điểm chiến tranh tháng 6-1953 chẳng hạn, phi công Mỹ lái F-86, trong 7.696 phi vụ, đã bắn hạ 77 chiếc MiG-15 mà không thiệt mất chiếc nào về phía Mỹ. Phía Mỹ sau này giải thích sở dĩ MiG-15 của TQ bị hạ nhiều là do phi công TQ còn non kinh nghiệm so với phi công Mỹ đã kinh qua chiến tranh với Nhật. Tuy nhiên, pháo cao xạ miền bắc quả là lợi hại: trong tổng số 564 máy bay của Mỹ bị hạ trong chiến đấu, chỉ có tám chiếc là do bị MiG-15 bắn rơi, còn lại là do pháo cao xạ...

Ghét song mê tàu sân bay là vì lẽ đó.

Trong khi Trung Quốc hạ thủy chiếc Thi Lang của thế hệ “già cả” thì tàu sân bay của thế giới đã hiện đại đến đâu? Xu hướng nào đang chi phối thế giới: tàu sân bay phòng thủ hay tàu sân bay để tấn công? 

Nguồn: Danh Đức // Tuổi trẻ, 15.8.2011.

Print Print E-mail Print