Vietnamdefence.com

 

Câu chuyện thần kỳ có tên Su-30MK

VietnamDefence - Trong những năm khó khăn nhất, các máy bay họ Su-30МК đã trở thành cứu tinh của công nghiệp hàng không Nga.


Kết quả hoạt động của công nghiệp hàng không Nga trong 15 năm gần đây cho thấy, sản phẩm thành công nhất của Nga trên thị trường máy bay chiến đấu là các máy bay họ Su-30МК. Sau khi bắt đầu cung cấp những máy bay đầu tiên sang Trung Quốc vào năm 2000, Nga đã chuyển giao cho các khách hàng và chuẩn bị chuyển giao trong năm 2009 269 máy bay tiêm kích thuộc họ này. Để so sánh, từ năm 1992-2007, Nga đã cung cấp cho các khách hàng nước ngoài 437 máy bay mới, trong số đó có 256 chiếc là trong giai đoạn 2001-2007.

Tuy nhiên, dù họ Su-30МК gặt hái thành công trên thị trường thế giới, nhưng không còn lâu nữa sẽ đến lúc nhu cầu đối với các máy bay thế 4 bắt đầu suy giảm. Nhưng Nga đã chuẩn bị loại thay thế cho chúng là loại tiêm kích “quá độ” Su-35, loại sẽ chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu của công ty Sukhoi cho đến khi máy bay thế hệ 5 xuất hiện trên thị trường, dự kiến vào nửa đầu thập kỷ tới. Theo đánh giá của các chuyên gia, sự xuất hiện của Su-35 sẽ cho phép duy trì sức cạnh tranh của các máy bay tiêm kích hạng nặng của Nga trong vòng 10-15 năm tới.

Ông tổ của của họ Su-30MK là máy bay tiêm kích chế tạo theo hợp đồng với Ấn Độ - Su-30MKI. Lịch sử máy bay này rất đáng chú ý vì dự án phát triển Su-30MKI về nhiều phương diện được đặc trưng bởi cụm từ “lần đầu tiên”.
 

Su-30MKI

Tất cả bắt đầu vào mùa đông năm 1991 tại triển lãm Aero India, nơi mà các quan chức Không quân Ấn Độ (IAF) thể hiện sự quan tâm đến Su-27. Ba năm sau, năm 1994, quá trình đàm phán tích cực bắt đầu, trong đó hai bên đã hợp tác định hình diện mạo cho một loại máy bay tiêm kích mới.

Trước đó, Delhi đã xác định rõ các yêu cầu của mình: IAF muốn có được loại máy bay tiêm kích đa năng, có những tính năng siêu việt nhất trong số các máy bay thế hệ 4, mà các nhà khoa học và chuyên gia Ấn Độ có khả năng tự lực nâng cao hơn nữa hiệu quả chiến đấu của nó. Đồng thời, cũng đặt ra yêu cầu triển khai sản xuất theo giấy phép tại Ấn Độ phần lớn số máy bay mà IAF cần mua sắm.

Các doanh nghiệp Nga đã đề xuất những sản phẩm hiện đại nhất của mình như radar anten mạng pha RLSU-30МК của Viện NIIP mang tên V.V. Tikhomirov, hệ thống ngắm-đạo hàng điện tử OEPrNK-30МК của công ty OAO FNPTs RPKB với trạm định vị quang học 46Sh1, máy tính trung tâm BTsVM-486, động cơ cải tiến AL-31FP với loa phụt phản lực xoay của công ty OAO A. Lyula-Saturn, hệ thống tác chiến điện tử của KNIRTI.

Đồng thời, theo ý tưởng của IAF, máy bay tiêm kích mới phải có những thiết bị mà tại thời điểm đó chưa được sản xuất ở Nga. Vì vậy, người ta đã đề xuất đưa vào hệ thống avionics của máy bay này các hệ thống do Pháp, Israel và Ấn Độ sản xuất. Ví dụ như hệ thống đạo hàng quán tính sử dụng các con quay laser với hệ thống định vị vệ tinh GPS, các màn hiển thị đa năng tinh thể lỏng, khí tài ảnh nhiệt.

Và ban lãnh đạo Viện OKB Sukhoi đã nhận về mình sự mạo hiểm lần đầu tiên trong lịch sử chế tạo máy bay chiến đấu Nga tiến hành công tác nghiên cứu chế tạo loại máy bay dành cho một lực lượng không quân nước ngoài với sự tham gia của các chuyên gia của họ, cũng như có sự tham gia của các hãng thuộc các nước thứ ba. Như vậy, máy bay tiêm kích đa năng hai chỗ ngồi Su-30MKI đã trở thành máy bay chiến đấu Nga đầu tiên có hệ thống avionics cấu trúc mở.
 

Su-30MKI

Lao động kỳ công của tập thể Viện OKB Sukhoi đã cho ra đời loại máy bay tiêm kích sản xuất loạt thành công nhất hiện nay của Nga. Trong số các đặc điểm khác biệt của cấu tạo Su-30MKI, cần lưu ý đến các động cơ có điều khiển vector lực đẩy và hệ thống điều khiển điện từ xa được kết hợp vào một mạch điều khiển thống nhất, cho phép máy bay thực hiện các chế độ bay siêu cơ động, lần đầu tiên được lắp cho một máy bay sản xuất loạt.

Su-30MKI đã trở thành máy bay sản xuất loạt đầu tiên trên thế giới có lắp radar với anten mạng pha (Bars của Viện NIIP mang tên V.V. Tikhomirov). Ngoài ra, máy bay còn được trang bị các ghế thoát hiểm (ghế phóng) mới К-36D-3,5 và nhiều hệ thống mới của Nga.

Các loại vũ khí hàng không của Su-30MKI bao gồm các tên lửa có điều khiển lớp không-đối-không RVV-AE, không-đối-đất Kh-29L/Т/ТЕ, Kh-31А/P, Kh-59М, các bom có điều khiển KAB-500 và KAB-1500.

Tại triển lãm hàng không diễn ra mới đây ở thành phố Bangalor, chương trình Su-30MKI đã được thừa nhận là chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài thành công nhất của Ấn Độ trong lĩnh vực máy bay chiến đấu. Tổng giám đốc công ty OAO Sukhoi Mikhail Pogosyan đã được trao giải thưởng dành cho Viện OKB Sukhoi vì dự án phát triển Su-30MKI.

Ngoài Ấn Độ, máy bay tiêm kích này trong những năm gần đây còn được cung cấp cho các nước khác. Một lô máy bay Su-30МКМ đã được nhận vào trang bị của Không quân Malaysia. Hiện nay, Sukhoi đang tiếp tục thực hiện hợp đồng cung cấp cho Algeria 28 máy bay tiêm kích Su-30МКА. Diện mạo kỹ thuật của Su-30MKM cho Malaysia và Su-30MKA cho Algeria rất giống với Su-30MKI.

Su-35


Thành viên quan trọng thứ hai của họ máy bay Su thành công nhất là Su-30МКК, được phát triển từ năm 1997 cho không quân Trung Quốc. Nhà máy ở thành phố Komsomolsk trên sông Amur (KnAAPO) được chọn làm cơ sở sản xuất loạt loại máy bay tiêm kích này.

Biến thể mới của loại máy bay hai chỗ ngồi này được chế tạo có sử dụng rộng rãi thành quả nghiên cứu chế tạo Su-27SK và máy bay tiêm kích một chỗ ngồi Su-27М. Kết quả là Su-30МКК sử dụng hầu như không có sự thay đổi kết cấu các bộ phận như: cánh giữa, các công-xon của cánh, các bộ hút khí, các dầm đuôi, cánh đứng đuôi và sát-xi của Su-27М và các cụm phần đuôi thân của Su-27SK.

Su-30МКК được trang bị các thiết bị hiện đại hóa do Nga sản xuất. Hệ thống avionics bao gồm radar N001M, biến thể cải tiến của radar cơ sở, bảo đảm chế độ chỉ thị mục tiêu và lập bản đồ, trạm định vị quang học bảo đảm chế độ chiếu xạ mục tiêu bằng tia laser, hệ thống định vị vệ tinh, các màn hình hiển thị đa năng tinh thể lỏng.

Ý đồ chính của việc hiện đại hóa hệ thống avionics (ngoài nhu cầu đổi mới các hệ thống được chế tạo 30 năm trước) cũng giống như trường hợp Su-30MKI là tạo cho máy bay có khả năng “làm việc” với mục tiêu mặt đất và mặt nước. Su-30МКК cũng có thể mang các loại vũ khí giống như Su-30MKI.

Việc tiếp tục phát triển những ý tưởng được vận dụng trong kết cấu Su-30МКК đã dẫn đến sự ra đời của máy bay Su-30МК2 với sự khác biệt với biến thể cơ sở ở thành phần hệ thống avionics và hệ thống vũ khí. Su-30MK2 được KnAAPO sản xuất theo đơn đặt hàng của Việt Nam, Indonesia và Venezuela.

Ông Mikhail Pogosyan tháp tùng ông Vladimir Putin tham quan gian hàng của tập đoàn AKhK Sukhoi tại triển lãm hàng không MAKS-2007.Chèn chú thích ảnh vào đây

Cần lưu ý rằng, sự phổ dụng của máy bay tiêm kích họ Su-30МК trên thị trường thế giới được quyết định không chỉ bởi mức giá tương đối rẻ của máy bay Nga so với các đối thủ, mà trong nhiều trường hợp là bởi những lý do chính trị nhất định, ảnh hưởng đến việc chọn các hệ thống vũ khí.

Các máy bay Su về khách quan là những máy bay tiêm kích hạng nặng thế hệ 4+ tốt nhất trên thị trường. Điều đó được khẳng định bằng kết quả các trận đánh tập giữa Su-30MKI của IAG với các máy bay F-16 và F-15 của Mỹ trong các cuộc tập trận chung, cũng như bằng mô hình hóa trên máy tính hoạt động không chiến giữa máy bay tiêm kích thế hệ 5 F-35 của Mỹ và Su-35 được tiến hành mùa hè năm 2008.

Các chuyên gia Không quân Mỹ đã đi đến kết luận rằng, các máy bay Nga có hàng loạt ưu điểm so với F-35. Thông tin này khi lọt lên báo chí Australia đã gây ra sự bùng nổ dư luận tại đây khi họ thảo luận về việc có nên mua 100 chiếc F-35 trị giá 16 tỷ USD hay không và thậm chí, phe đối lập còn yêu cầu ưu tiên chọn mua máy bay tiêm kích Nga thay vì máy bay Mỹ.

Diễn biến đó (khả năng Australia, một trong những đồng minh chính trị-quân sự chủ yếu của Mỹ, mua máy bay chiến đấu Nga) là hoàn toàn phi thực tế, nhưng việc xuất hiện những đề xuất kiểu đó và thảo luận chúng trên báo chí Australia bản thân nó đã là rất có ý nghĩa.

Su-35S

Su-30МК có thể gọi là máy bay tiêm kích “chống khủng hoảng”. Thực tế nhờ có nó mà Nhà máy chế tạo máy bay Irkutsk, này nằm trong Tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất OAK, sống sót được. Sự phát triển bùng nổ của AkhK Sukhoi và vị thế hiện nay của nó phần nhiều có được cũng là nhờ Su-30.

Lịch sử phát triển theo đường xoắn ốc. Tình hình hiện nay của kinh tế Nga do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới bắt đầu giống với thời kỳ giữa thập kỷ 1990.

Và Su-35, loại máy bay kế thừa được những nét ưu việt nhất của họ Su-30MK, hoàn toàn có thể trở thành loại máy bay sẽ giúp hãng OAK vốn tập hợp các doanh nghiệp chế tạo hàng không Nga, “bay qua vực thẳm”.
  • Nguồn: Loại máy bay tiêm kích chống khủng hoảng / Igor Korshukov // Oborona.

Print Print E-mail Print