VietnamDefence -
Năm 2010 là tròn 100 năm ra đời ý tưởng về máy bay không người lái tiến công (UCAV). Ban đầu, nhà sáng chế Mỹ Charles Kettering đề xuất sử dụng các máy bay bay không có người lái làm phương tiện sát thương sinh lực đối phương vào năm 1910, 7 năm sau chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright. Ngày nay, đã có mấy loại UCAV và bản thân chúng đã trở thành dấu hiệu bắt buộc phải có của cuộc chiến hiện đại.
|
Kettering Bug (daviddarling.info)
|
Khởi đầu
Chuyến bay đầu tiên của anh em nhà Wright là Wilbur (16.4.1867-30.5.1912) và Orville (19.8.1871-30.1.1948) diễn ra tháng 12.1903 trên chiếc Flyer.
Mặc dù con người đã thực hiện các chuyến bay bằng các phương tiện kỹ thuật từ trước đó, nhưng chuyến bay của anh em nhà Wright là chuyến bay có điều khiển đầu tiên của con người trên một phi cơ có động cơ.
Chỉ 7 năm sau, nhà sáng chế Mỹ Charles Kettering đã đề xuất ý tưởng máy bay không người lái (UAV) có khả năng biến thành một trái bom. Thời điểm này có thể được coi là cú hích thúc đẩy sự phát triển UAV.
Ý tưởng của Kettering thật đơn giản, nhưng thực hiện nó vào thời đó thật khó về mặt kỹ thuật. Nhà sáng chế Mỹ đã đề xuất chế tạo một máy bay có khả năng bay thẳng không cần có phi công. Dự kiến trang bị cho máy bay một cơ cấu đồng hồ để nó sau quãng thời gian nhất định thì kích hoạt cơ cấu cắt bỏ cánh, sau đó máy bay biến thành một trái bom.
Năm 1914, cùng với sự mở màn của Thế chiến I, Kettering đã nhận được đơn đặt hàng của quân đội Mỹ phát triển các mẫu chế thử thiết bị, song chúng không tham chiến.
|
Kettering Bug (designation-systems.net)
|
Việc phát triển UCAV tiến hành trong 4 năm và năm 1918, giới quân sự đã nhận được mẫu chế thử đầu tiên là Kettering Aerial Torpedo (Ngư lôi bay Kettering), sau này có tên rút gọn là Kettering Bug.
Máy bay được làm bằng gỗ và bột giấy ép, được trang bị 1 động cơ đốt trong 4 xy lanh 40 mã lực. Động cơ này được công ty Ford sản xuất loạt và bán với giá 40USD/chiếc.
Khả năng bay đều của Kettering Bug được bảo đảm bởi một thiết bị con quay và một thiết bị đo cao.
Chuyến bay đầu tiên của phi cơ-bom diễn ra vào tháng 10.1918 và kết thúc thất bại: quả ngư lôi bắt đầu leo cao rất đột ngột, sau đó bị rơi xoáy ốc và vỡ tung. Các vụ thử nghiệm sau đó lại diễn ra tốt đẹp và nó đã được nhận vào trang bị. Tuy vậy, Thế chiến I đã chấm dứt nên 45 máy bay do công ty Dayton-Wright Airplane sản xuất xa đã được đưa vào cất trữ.
Các vụ thử và việc hoàn thiện sau đó đối với phi cơ-bom Kettering có khả năng bay đến 120 km đã được tiến hành cả trong thập niên 1920, nhưng vào đầu thập kỷ 1930, việc tài trợ bị chấm dứt vì máy bay bị coi là đắt đỏ và kém hiệu quả so với các loại đạn dược truyền thống.
Mỹ đã chi tổng cộng hơn 300.000USD cho việc phát triển và mua các UCAV thành phẩm.
Năm 1933, nước Anh đã chế tạo một UAV điều khiển bằng vô tuyến điện.
|
Queen Bee (stagone.org)
|
UAV Queen Bee của Anh được phát triển dựa trên máy bay 2 tầng cánh Fairy Queen, được điều khiển bằng vô tuyến điện từ một con tàu. Tham gia thử nghiệm có 3 máy bay, 2 trong số đó đã bị vỡ tan.
Sau đó, khi kết cấu máy bay được hoàn thiện, nó được sản xuất dưới tên gọi de Havilland DH 82B Tiger Moth và được quân đội Anh sử dụng làm mục tiêu bay - các phi công dùng nó để tập luyện các thủ đoạn không chiến. Tiger Moth có mặt trong trang bị của Anh từ năm 1934-1943.
Ở Mỹ, từ thập niên 1940, người ta sử dụng các máy bay điều khiển bằng vô tuyến Radioshare OQ-2 để huấn luyện phi công.
Đột phá trong những năm 1940
Trong thập kỷ 1940, nhịp độ phát triển UAV bắt đầu tăng lên. Thế chiến II đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình này. Cuộc chiến khai diễn, các bên tham chiến đã bắt đầu cảm thấy nhu cầu về những loại vũ khí hiệu quả hơn. Ví dụ, năm 1941, Liên Xô đã mấy lần sử dụng máy bay ném bom hạng nặng TB-3 điều khiển bằng vô tuyến làm UAV - một số máy bay hết hạn sử dụng đã được dùng để tiêu diệt các cây cầu của địch. Nhưng Liên Xô chẳng đạt được kết quả nào và dự án UAV TB-3 đã bị đình chỉ.
Trong khi đó, Mỹ đã chế tạo được các UAV điều khiển bằng vô tuyến điện dựa trên máy bay B-17 và Mỹ đã cố sử dụng chúng để không kích các căn cứ tàu ngầm Đức. Dự án này cũng thất bại và bị dẹp bỏ, nhưng các nghiên cứu trên hướng này vẫn tiếp tục.
Trong cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953, người Mỹ đã sử dụng thành công bom điều khiển bằng vô tuyến Tarzon để phá hủy những cây cầu.
Trong suốt Thế chiến II, nước Đức đã tiến hành phát triển một số loại UAV điều khiển bằng vô tuyến điện như: các loại bom Henschel Hs 293 và Fritz X, các tên lửa Enzian và 1 máy bay chở một lượng thuốc nổ lớn trên khoang.
|
Bom bay V1 - hung thần đối với nước Anh thời Thế chiến II (wikipedia.org) |
Tuy nhiên, cú đột phá thực sự xảy ra năm 1941, khi các kỹ sư Đức Robert Lusser (19.4.1899-191.1969) và Fritz Gosslau (253.1898-1.12.1965) đã thiết kế ra máy bay V1 (Vergeltungswaffe 1), tức bom bay V1, sau này còn gọi là Fi-103 hay FAW-1. Máy bay này là mẫu tên lửa hành trình sơ khai đầu tiên trên thế giới.
|
FAW-1 (airmuseumsuk.org)
|
FAW-1 sử dụng động cơ phản lực-không khí xung, cho phép đạt tốc độ 800 km/h. “Tên lửa” được trang bị một đầu đạn nặng 847 kg. Máy bay được điều khiển bằng máy lái tự động (autopilot), cơ cấu này giữ máy bay bay ở hướng và độ cao đã định.
FAW-1 được nhận vào trang bị của Đức quốc xã năm 1944 và ngay lúc đó đã lần đầu tiên được sử dụng chống nước Anh, để oanh tạc London.
Cuối Thế chiến II, Đức đã dùng FAW-1 tấn công Antwerpen, Liège và Paris.
Cần lưu ý là các kết quả nghiên cứu của Đức thời Thế chiến II trong một thời gian dài đã được các công trình sư toàn thế giới sử dụng để chế tạo các UAV của mình. Ví dụ, cho đến đầu thập niên 1980, cấu trúc thân phổ dụng nhất của UAV là của FAW-1 (“kiểu con thoi”) và của máy bay Focke-Wulf Fw 189 Uhu (“kiểu khung”). Bên cạnh đó, cấu trúc của FAW-1 có sửa đổi đôi chút vẫn đang được sử dụng để chế tạo tên lửa hành trình cho đến nay.
Sau chiến tranh
Những năm sau chiến tranh, Liên Xô bắt đầu ráo riết chế tạo các loại UAV. Cuối thập kỷ 1950-đầu thập kỷ 1960, Viện thiết kế (OKB) Tupolev đã phát triển các UAV Tu-123 Yastreb, Tu-141 Strizh và Tu-143 Reis. Tu-141 và Tu-143 đã được xuất khẩu sang Rumani, Tiệp Khắc, Iraq và Syria. Tu-143 hiện vẫn còn trong trang bị của Ukraine và Nga. Dựa trên hệ thống này, đã phát triển mẫu nâng cấp Tu-243 Reis-D, được nhận vào trang bị năm 1999.
|
Tu-143 bên cạnh bệ phóng (snariad.ru)
|
Cho đến đầu thập niên 1990, Liên Xô thực sự là nước dẫn đầu về sản xuất và sử dụng UAV - riêng loại Tu-143 đã sản xuất gần 1.000 chiếc. Trong khi đó, kỹ thuật này ở các nước khác mới chỉ bắt đầu được phát triển. Tu-143 phản lực được sử dụng để trinh sát ảnh và truyền hình, cũng như để quan sát tình hình phóng xạ tại khu vực chiến sự. UAV này có khả năng bay với tốc độ 950 km/h.
Tuy vậy, cùng với thời gian, tình thế đã thay đổi hẳn. Ngày nay, giới quân sự Nga ít sử dụng UAV, còn những loại vẫn còn trong trang bị là Reis, Strizh, Reis-D, Stroi, Stroi-P đã lạc hậu rất nhiều. Loại UAV duy nhất đáp ứng tiêu chuẩn hiện đại là hệ thống Tipchak, nhưng việc sử dụng nó gặp nhiều hạn chế do tiếng ồn lớn của UAV. Trong tương lai, Nga toan tính đuổi kịp Mỹ về sử dụng UAV.
Hiện thời, các nhà thiết kế Nga Пока chỉ có thể mời chào giới quân sự các UAV trinh sát cỡ nhỏ và UAV kiểu trực thăng, song đến nay chưa có loại UAV tiến công đáng kể nào được chế tạo. OKB Tupolev đang phát triển UAV tiến công-trinh sát tầm xa Tu-300, RSK MiG đang thiết kế UAV phản lực Skat, còn loại Tranzas - Dozor-600 dự kiến sản xuất ở biến thể chiến đấu. Điều thú vị là các UAV trinh sát được các công ty Nga mời chào là rất nhiều, nhưng theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Nga, chúng không đáp ứng yêu cầu của quân đội.
Trong khi đó, Mỹ cũng tiến hành phát triển UAV trinh sát và dùng để do thám Cuba, trong chiến tranh ưor Việt Nam dùng để trinh sát ảnh. Các UAV cũng đã được Israel sử dụng trong cuộc chiến tranh Arab-Israel năm 1973. Tuy vậy, từ cuối Thế chiến II và gần như đến đầu những năm 2000, các UAV tiến công thực sự không được chế tạo - các UAV trinh sát hay được dùng để thu nhận thông tin về mục tiêu cần đánh phá bằng không quân hay tên lửa.
|
MQ-9 Reaper (richard-seaman.com)
|
Trong lịch sử đương đại, Mỹ là nước đầu tiên sử dụng UCAV. Năm 1995, Lục quân và Không quân Mỹ đã nhận vào trang bị UAV MQ-1 Predator và dùng để trinh sát mục tiêu.
Mấy năm sau, họ đã tiến hành hiện đại hóa máy bay này và nó có thêm khả năng tấn công bằng tên lửa các mục tiêu của đối phương.
Biến thể tiến công của Predator bắt đầu được sử dụng thực chiến trong những năm 2000 ở Iraq. Sau đó, các hệ thống này bắt đầu được sử dụng ở Afghanistan và Pakistan.
Sau này, dựa trên Predator, đã phát triển các UCAV MQ-9 Reaper và MQ-1C Sky Warrior. MQ-1C có khả năng điều khiển qua vệ tinh (trắc thủ điều khiển có thể ở tại bất kỳ vị trí nào trên thế giới). Hiện nay, Mỹ là nước sử dụng nhiều nhất UAV - quân đội Mỹ hiện có gần 6.500 UAV, số lượng UAV trong 30 năm tới dự kiến tăng lên 4 lần.
Mỹ hiện đang chế tạo các UCAV phản lực cho Hải quân và Không quân (X-47B và Sky Avenger). Các máy bay này sẽ được thiết kế theo công nghệ tàng hình và sẽ có các khoang bom bên trong. Ngoài ra, UAV hải quân X-47B sẽ có thể tiếp dầu cho các UAV khác đang bay hay tự nhận tiếp dầu từ các máy bay tiếp dầu. Điều thần kỳ là các máy bay này sẽ có thể bay trên không đến 2 ngày đêm.
|
X-47B (northropgrumman.com)
|
Ngoài ra, Không quân Mỹ cũng đã bắt tay xây dựng các yêu cầu kỹ thuật đối với tiêm kích thế hệ 6 mà phỏng đoán sẽ là một hệ thống UAV.
Mỗi năm, UAV càng có vai trò quan trọng hơn, cho phép các bên tham chiến tiêu diệt số lượng mục tiêu nhiều hơn của đối phương và giảm thiểu rủi ro cho binh sĩ của mình.
Các dự án phát triển UCAV đang được tiến hành ở Ấn Độ, Israel, Nga, một số nước châu Âu và Mỹ Latinh.
Bên cạnh đó, xu hướng này cũng đã êm ái lan từ lĩnh vực máy bay sang các lĩnh quân sự khác. Ví dụ, Mỹ đã mấy năm phát triển các xe ô tô bọc thép chiến đấu tự hoạt và thử nghiệm thành công các tàu ngầm không người lái.
Có thể dự đoán rằng, trong tương lai, các phương tiện kỹ thuật quân sự hoạt động độc lập hoặc được điều khiển từ xa sẽ áp đảo các loại vũ khí thông thường. Mặc dù sinh lực trong chiến tranh vẫn còn được sử dụng một thời gian dài nữa, chẳng hạn để càn quét chiến trường sau các cuộc tấn công của UAV.
- Nguồn: Vasily Sychev // Lenta, 14.9.2010.