Nga nhảy vào cuộc xung đột
Đến mùa thu năm 2015, cuộc chiến tranh ở Syria đã diễn ra được 4 năm ròng. Các hoạt động biểu tình đông người chống chính phủ bùng nổ vào tháng 3/2011 đã leo thang thành các cuộc đụng độ với quân đội. Các nhóm khủng bố lập tức lợi dụng dẫn dắt hoạt động biểu tình, phản đối của người dân. Giữ vai trò hàng đầu trong đối kháng với chế độ là các phần tử cực đoan thuộc tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS), Jabhat al-Nusra, Al-Qaeda và nhiều nhóm phiến quân nhỏ khác, trong đó có cả một tập hợp các băng nhóm hỗn tạp tham gia cái gọi là “phe đối lập ôn hòa” mà chủ yếu là “Quân đội Syria Tự do” do phương Tây đỡ đầu. Nước Nga ngay từ đầu đã ủng hộ Syria về mặt ngoại giao. Ngay từ mùa xuân năm 2011, các nhà ngoại giao Nga tại Hội đồng Bảo an LHQ đã ngăn chặn những dự thảo nghị quyết chống Syria của các nước phương Tây và nhiều nước Arab. Ngoài ra, Nga đã ủng hộ chính phủ Bashar al-Assad bằng các đợt cung cấp vũ khí, kỹ thuật quân sự và đạn dược, cũng như tổ chức đào tạo, huấn luyện chuyên gia và cung cấp cố vấn quân sự.
Nhưng các tổ chức khủng bố và các đơn vị “đối lập ôn hòa” càng chiếm được nhiều lãnh thổ thì càng rõ là sự giúp đỡ đó của Nga là không đủ. Quân đội Syria đã bắt đầu kiệt sức. Những tổn thất lớn, thiếu những thứ cần thiết nhất và tinh thần chiến đấu sa sút đã khiến lực lượng quân đội trung thành với chính phủ phải rút lui ngày càng xa. Cho đến tận tỉnh duyên hải Latakia và Damascus.
Tháng 9/2015, Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã chấp thuận điều động quân Nga đến Syria thể theo yêu cầu của Tổng thống Basha al-Assad. Ngày 30/9/2015, Nga đã chính thức xác nhận việc điều động một lực lượng gồm mấy chục máy bay và trực thăng, cũng như các đơn vị bảo đảm đến Syria. Về mặt chính thức, tất cả những điều này được thực hiện để chiến đấu chống khủng bố, nhưng Nga cũng có động cơ riêng của mình: Đó là theo tin tức tình báo, vào mùa thu năm 2015, đã có đến 2.500 công dân Nga và gần 3.000 công dân các nước SNG bị lôi cuốn vào hoạt động khủng bố của IS ở Iraq và Syria. Bản thân Moskva không thể dửng dưng nhìn “những đồng bào” cực đoan này tích lũy kinh nghiệm chiến đấu và quay trở về nhà.
Thành phần lực lượng không quân Nga tại Syria
Kể từ thời điểm thành lập, biên chế của lực lượng không quân Nga tại Syria đã nhiều lần thay đổi tùy thuộc vào nhiệm vụ đặt ra. Theo các nguồn tin công khai, trong các thời điểm khác nhau, tham gia lực lượng này gồm có:
• Đến 10 tiêm kích đa năng Su-35S;
• Đến 4 tiêm kích Su-27SM;
• 12-16 tiêm kích hai chỗ ngồi Su-30SM;
• Đến 12 tiêm kích-bom Su-34;
• Đến 30 máy bay ném bom chiến thuật Su-24M;
• Đến 12 cường kích Su-25SM;
• Đến 15 trực thăng đa nhiệm Mi-8 thuộc các biến thể khác nhau;
• Đến 15 trực thăng tiến công Mi-24 và Mi-35;
• Đến 5 trực thăng tiến công Ka-52.
Ngoài ra, thực hiện các phi vụ chiến đấu tấn công khủng bố ở Syria khi cất cánh từ lãnh thổ Nga còn có:
• 6 máy bay ném bom chiến lược siêu âm Tu-160;
• 5 máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS;
• 12-14 máy bay ném bom tầm xa Tu-22М3.
Các máy bay chỉ huy/cảnh báo sớm A-50, Tu-214R và một máy bay trinh sát điện tử và tác chiến điện tử Il-20M1 đã tiến hành điều phối hoạt động của máy bay Nga, tiến hành trinh sát và cung cấp thông tin chỉ thị mục tiêu cho các biên đội máy bay tiến công.
Không quân và Hải quân Nga chiến đấu ở Syria
Không quân Nga đóng vai trò chủ đạo ở Syria. Từ căn cứ không quân Hmeimim, các sân bay nhảy cóc và tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, các máy bay Nga đã không kích ồ ạt các trại huấn luyện khủng bố, sở chỉ huy, kho vũ khí-đạn dược, các mỏ dầu và đoàn xe chở xăng dầu. Các máy bay ném bom, cường kích và tiêm kích Nga, với ưu thế trên không tuyệt đối, đã tiêu diệt được hơn 100.000 mục tiêu khủng bố. Làn sóng đầu tiên không kích ồ ạt vào IS diễn ra vào cuối năm 2015. Chính hồi đó, các máy bay Nga đã hủy diệt một sở chỉ huy ngầm của IS, các boong-ke ngầm và các kho tàng ở tỉnh Hama.
Trong cái gọi là “cuộc săn lùng tự do” các xe bồn chở xăng dầu nổi tiếng, các tiêm kích-bom Su-34 đã phát hiện và biến thành tro bụi gần 500 xe téc chứa sản phẩm dầu mỏ và hàng chục cơ sở lọc dầu. Đôií với IS, đây là cú đòn đau vào ngân sách của chúng mà nguồn thu chủ yếu chính là bán lậu dầu.
Cuối năm 2015, sa mạc Syria rung chuyển bởi cuộc tấn công khủng khiếp - các máy bay ném bom chiến lược Tu-160, Tu-95MS và các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 đã phóng thả hơn 30 quả tên lửa và nhiều bom, tiêu diệt các sở chỉ huy các đơn vị IS ở các tỉnh Idlib và Aleppo, cũng như các trại huấn luyện khủng bố cảm tử. Mùa hè năm 2016, các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 cất cánh từ căn cứ không quân Hamadan ở Iran đã trút bom xuống các mục tiêu khủng bố ở Aleppo, Deir ez-Zor và Idlib. Các phi vụ chiến đấu thường xuyên của không quân Nga đi cùng chiến dịch Syria từ đầu đến cuối.
Ngoài các máy bay, Nga cũng đã huy động tác chiến thành công ở Syria các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và các hệ thống tên lửa bờ biển. Một số loại vũ khí đã lần đầu được kiểm nghiệm trong chiến đấu. Cụ thể như vào tháng 11/2016, quân đội Nga đã sử dụng các hệ thống tên lửa bờ biển Bastion và tiêu diệt thành công một kho lớn của phiến quân bằng các tên lửa chống hạm Oniks.
Đông đảo công chúng cũng biết đến cuộc tấn công có sức hủy diệt chưa từng có bằng tên lửa hành trình từ vùng biển Caspie do các tàu chiến Nga thực hiện nhằm vào các trận địa của phiến quân vào tháng 10/2015. Tàu tên lửa Dagestan, các tàu tên lửa nhỏ Grad Sviyazhsk và Veliky Ustyug đã phóng cả một bầy tên lửa hành trình Kalibr bay qua mấy nước và san bằng hơn một chục mục tiêu trên khu vực lãnh thổ do phiến quân Hồi giáo kiểm soát. Cuộc tấn công thứ hai nhanh chóng tiếp nối cuộc tấn công này: vào tháng 11/2015, từ biển Caspie, gần 20 tên lửa Kalibr nữa được phóng sang Syria. Gần như tất cả các tên lửa đều đánh trúng mục tiêu. Tháng 6/2017, các frigate Đô đốc Essen và Đô đốc Grigorovich của Hải quân Nga, cũng như tàu ngầm Krasnodar đã thực hiện từ Địa Trung Hải cuộc tấn công cực mạnh bằng tên lửa hành trình Kalibr vào các sở chỉ huy và kho đạn dược của khủng bố ở tỉnh Hama.
Để săn tìm các mục tiêu ngụy trang và ghi nhận kết quả không kích, Bộ Quốc phòng Nga đã huy động nhiều phương tiện và nguồn tin tin cậy, trong đó có lưới điệp viên Syria, các vệ tinh trinh sát và máy bay không người lái.
Tại sao Nga chiến thắng
Không quân Nga đã tổ chức được các cuộc không kích thường xuyên và liên tục vào các mục tiêu của các nhóm khủng bố ở Syria. Chỉ tính tháng 4/2017, kể từ đầu chiến dịch, quân Nga đã thực hiện hơn 23.000 phi vụ chiến đấu và thực hiện gần 77.000 đòn không kích vào khủng bố. Những thắng lợi đó đã cho phép Nga rút gần 1 nửa số máy bay từ căn cứ Hmeimim về Nga.
Các máy bay Nga đã tấn công khủng bố với sự yểm trợ tích cực của lực lượng tinh nhuệ của quân đội Nga là các binh sĩ Lực lượng tác chiến đặc biệt, họ tiến hành trinh sát, hiệu chỉnh hoạt động tác chiến của không quân và pháo binh, huấn luyện binh sĩ và sĩ quan Syria, thực hiện các cuộc tập kích trong hậu phương địch, tổ chức nhiều cuộc phục kích trên đường đi của các đoàn xe khủng bố, diệt trừ những tên cầm đầu các nhóm phiến quân. Các hạm tàu và máy bay của tuyến vận tải “tốc hành Syria” cũng đóng vai trò không kém phần quan trọng khi vận chuyến đến Syria vũ khí, xe tăng-thiết gioáp và đạn dược. Các bác sĩ Nga đã lập được chiến công thật sự, điều trị những dân thường bị tổn hại do chiến tranh.
Đóng vai trò lớn trong việc giải quyết cuộc xung đột Syria là các nhà ngoại giao Nga khi kích hoạt được cuộc đàm phán nhiều cấp ở Astana. Điều đó đã cho phép thiết lập ở Syria các khu vực giảm căng thẳng, hoạt động cho đến nay và gần như không hề bị bắn phá.
Nhưng tất nhiên là nhân dân Syria đã giành được thắng lợi chủ yếu và quân đội Nga đã nhắc họ nhớ rằng, có thể đánh thắng kẻ thù,kể cả khi chúng có được sự ủng hộ vô điều kiện của thế lực tưởng chừng là toàn năng là phương Tây.
Tiếp theo là gì
Cuối tháng 11/2017, người ta đã biết rằng, quân đội Nga sẽ ở lại Syria lâu dài và sẽ mở rộng căn cứ không quân Hmeimim ở Latakia và căn cứ hbair quân ở Tartus. Điều đó sẽ cho phép củng cố vững chắc sự hiện diện của Nga ở Địa Trung Hải.
“Ngay cả khi gạt sang một bên yếu tố địa-chính trị và những vấn đề quân sự thuần túy, sự hiện diện của các căn cứ này sẽ chỉ có lợi cho chúng ta. Chúng ẽ bảo đảm sự phát triển hợp tác giữa Nga và Syria. Một là binh lính và sĩ quan của chúng ta sẽ giúp chính phủ Syria rà phá mìn cho đất đai. Hãy tin là ở đó còn nhiều chất nổ đến nỗi công binh đủ việc để làm trong nhiều năm nếu không phải là nhiều thập kỷ. Hai là chúng sẽ đào tạo và huấn luyện binh sĩ Syria, giúp họ làm chủ vũ khí trang bị cho Nga sản xuất. Tóm lại là quân đội Nga có đủ việc để làm ở đó. Kể cả khi không còn chiến tranh”, lãnh đạo Trung tâm Dự báo quân sự Anatoly Tsyganok nhận định.
Song cũng không được quên yếu tố địa-chính trị. Cận Đông vẫn nằm trong khu vực lợi ích then chốt của Mỹ và đồng minh trong NATO. Nên sự xuất hiện của một đấu thủ mới ở bàn cờ khu vực rõ ràng không làm vui lòng các đại diện NATO vốn nhiều lần bày tỏ lo ngại rằng, Nga có thể gia tăng hơn nữa sự hiện diện quân sự của mình. Mà Moskva thì quả thực là có những khả năng ấy.
|
Máy bay của Không quân-vũ trụ Nga ở căn cứ không quân Hmeimin, Syria |
Tổng biên tập tạp chí “Quốc phòng” (Oborona, Nga) Igor Korotchenko đánh giá: “Cần phải hiểu rằng, Hmeimim là căn cứ không quân khá lớn, có khả năng tiếp nhận tất cả các loại máy bay. Có thể trú đóng ở đây không chỉ có các tiêm kích mà cả máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3 chẳng hạn. Hay ngay cả các máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và Tu-160. Điều đó mở ra cho Nga khả năng đẩy lùi một dải rộng các mối đe dọa. Các tên lửa hành trình phóng từ máy bay Kh-101 sẽ có thể vươn tới bất kỳ mục tiêu nào trong khu vực. Cũng có thể nói như thế về các tên lửa hành trình Kalibr được trang bị cho các tàu chiến đóng ở Tartus. Một mặt, chúng ta về thực chất đang kiểm soát toàn bộ Cận Đông. Còn về mặt khác, chúng ta đang chặn đứng các mối đe dọa có thể có tính bức thiết đối với chúng ta ở cánh nam của NATO. Đây là sự kết hợp cực kỳ tiện lợi”.