Vietnamdefence.com

 

Chiến dịch Stalingrad (17.7.1942-2.2.1943)

VietnamDefence - Chiến dịch chiến lược phòng ngự sau chuyển sang phản công-tiến công của QĐ Liên Xô (LX) nhằm bảo vệ Stalingrad và tiêu diệt cụm các tập đoàn quân phát xít Đức trong chiến tranh Xô-Đức (1941-45).

 
Hè 1942 lợi dụng thời cơ phía Anh-Mỹ chưa mở mặt trận thứ hai ở châu Âu, phát xít Đức mở cuộc tiến công lớn ở cánh nam mặt trận Xô-Đức, mưu toan chiếm vùng dầu lửa Kavkaz và những dải đất phì nhiêu của Sơn Đông, sông Kuban và Hạ Volga.

Lực lượng quân Đức tham gia tiến công lúc đầu là: Tập đoàn quân 6, từ ngày 31.7.1942 thêm Tập đoàn quân xe tăng 4 (270.000 quân, 500 xe tăng, 3.000 pháo, 1.200 máy bay) đã mở những mũi tiến công bọc hậu, từ 2 bên sườn hợp vây QĐ LX ở Calaxbơ, tiến vào Stalingrad.

  • Giai đoạn phòng ngự (17.7-18.11.1942), QĐ LX có Phương diện quân Stalingrad. Sau tách thành Phương diện quân Sông Đông và Phương diện quân Stalingrad (160.000 quân, 400 xe tăng, 2.200 pháo, cối, 454 máy bay) liên tục phản đột kích. Nhiều trận đánh quyết liệt diễn ra trên đường phố, gây tổn thất nặng cho quân Đức. Ngày 18.11, chặn được cuộc tiến công của Đức và chuyển sang phản công.
  • Giai đoạn phản công-tiến công (19.11.1942-2.2.1943), QĐ LX được bổ sung thêm lực lượng vào các thời điểm khác nhau cho tất cả 4 phương diện quân Stalingrad, Tây Nam, Sông Đông, Voronezh (1.106.000 quân, 1.463 xe tăng, 15.500 pháo, cối, 1.350 máy bay); phía Đức cũng tăng cường thêm lực lượng, gồm các tập đoàn quân 3 và 4 Rumani, Tập đoàn quân 8 Italia thuộc biên chế cụm các tập đoàn quân B với số quân 1.011.000 người, 10.290 pháo cối, 675 xe tăng, 1.216 máy bay. 19.11 các phương diện quân Tây Nam và Sông Đông, ngày 20.11 Phương diện quân Stalingrad bắt đầu đột kích vào trận địa phòng ngự của địch, tốc độ tiến quân trong ngày 15-20km. Ngày 23.11, các quân đoàn xe tăng thuộc các phương diện quân Tây Nam và Stalingrad đánh vu hồi, hợp vây cụm 22 sư đoàn Đức (330.000 quân).

Trong tháng 12 Đức cố gắng giải vây, nhưng vô hiệu, ngày 10.1.1943, QĐ LX chuyển sang tiến công, chia cắt cụm quân địch bị hợp vây. Ngày 31.1, cánh phía Nam của Đức do Paulus, tư lệnh Tập đoàn quân 6 chỉ huy phải đầu hàng; ngày 2.2, cánh phía Bắc ngừng kháng cự.
Đức bị mất gần 1,5 triệu quân (gồm chết, bị thương, bị bắt làm tù binh và mất tích), chiếm 1/4 lực lượng trên toàn mặt trận Xô-Đức.

 

Chiến thắng Stalingrad góp phần tạo bước ngoặt cơ bản trong chiến tranh giữ nước của LX và trong Thế chiến II, có ý nghĩa quân sự, chính trị và quốc tế to lớn, gây chấn động toàn nước Đức, góp phần đẩy mạnh phong trào kháng chiến ở những nước bị Đức chiếm đóng buộc Nhật phải tạm thời từ bỏ kế hoạch chống LX và buộc Thổ Nhĩ Kì chuyển sang trung lập.

Trong chiến dịch Stalingrad, nghệ thuật quân sự LX phát triển thêm một bước mới trong việc tổ chức phòng ngự, chiến đấu trong thành phố, đặc biệt trong phản công và hợp vây, tiêu diệt một cụm lớn quân địch trang bị mạnh (MH1008-1009).

  • Nguồn: TĐBKQS / Trung tâm TĐBKQS - BQP.-H.: QĐND, 2004.

Print Print E-mail Print