|
Hệ thống pháo phản lực Polonez của Belarus
|
Tại cuộc duyệt binh kỷ niệm 70 năm ngày Chiến thắng phát xít Đức ở Minsk, quân đội Belarus đã ra mắt vũ khí tối tân nhất do công nghiệp nước này phát triển là - hệ thống rocket phóng loạt Polonez.
Bệ phóng của pháo phản lực Belarus lắp trên khung gầm mọi địa hình bánh lốp 8×8 (giống như pháo phản lực Trung Quốc) măng 2 cụm x 4 ống phóng tên lửa có tiết diện vuông chứa 8 đạn tên lửa. Có thể dự đoán, cỡ đạn tên lửa cũng là 370 mm như AR3.
Được biết Trung Quốc đã phát triển cho AR3 2 loại đạn 370 mm là FD220 tầm bắn tối đa 220 km và FD280 có tầm bắn tối đa 280 km. Chữ viết tắt FD có nghĩa là Fire Dragon (Hỏa Long), còn các con số 220 và 280 là chỉ tầm bắn tối đa của tên lửa. Đạn 370 mm có trọng lượng 1.000-1.100 kg, phần chiến đấu nặng 250-300 kg.
Họ tên lửa này cho phép AR3 tiêu diệt mục tiêu ở cự ly từ 20-280 km với sai số vòng tròn xác suất được nhà sản xuất tiết lộ là 30-50 m.
Xét qua các phát biểu của các chuyên gia Trung Quốc, các tên lửa có điều khiển 370 mm của AR3 có tất cả các nét của tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật tầm ngắn với chế độ phóng nghiêng.
Điều đó cho phép phỏng đoán chúng có các hệ dẫn quán tính hoặc vệ tinh, có khả năng xác định vị trí của tên lửa và tính toán sự sai lệch so với quỹ đạo tính toán. Trên cơ sở các dữ liệu này, các lệnh điều khiển cánh lái được tính toán, bảo đảm dẫn chính xác tên lửa vào mục tiêu. Tính đến các yếu tố này thì việc Polonez bắn được đồng thời 8 mục tiêu điểm xem ra là hoàn toàn có thể.
Cũng có thể phỏng đoán rằng, để tăng độ chính xác và tốc độ bắn, pháo phản lực Belarus cũng như mẫu cơ sở Trung Quốc của nó đều được trang bị hệ thống máy tính điều khiển hỏa lực, cũng như hệ thống định vị mặt đất. Điều đó cho phép hệ thống chiếm lĩnh trận địa, khai hỏa và rời khỏi trận địa bắn nhanh hơn nhiều các hệ thống trước đó, nhờ đó tăng được cơ hội sống sót khi bị phản pháo.
Theo các chuyên gia, ưu điểm của AR3 là khả năng sử dụng các tên lửa có điều khiển và không điều khiển cỡ 300 mm cùng với các loại đạn 370 mm. Các loại đạn 300 mm được ghép thành các cụm 5 ống phóng, mỗi bệ phóng mang được 2 cụm ống phóng như thế. Có thể phỏng đoán với khả năng chính xác cao là Polonez cũng thừa hưởng đặc tính quý giá này. Hơn nữa, các đạn tên lửa có điều khiển và không điều khiển của Trung Quốc giống với các loại đạn tương tự của hệ thống pháo phản lực Liên Xô Smerch.
Việc sử dụng đạn 2 cỡ và thuộc nhiều loại đã quyết định ngay từ đầu tính module của cấu trúc bệ phóng AR3. Do đó, AR3 và Polonez không có ống phóng hình trụ như thường. Thay vào đó, chúng sử dụng các ống phóng ghép thành cụm 4 hay 5 ống. Ngay từ nhà máy sản xuất, các tên lửa thuộc tất cả các loại đều được đưa vào ống phóng kín, các ống phóng sau đó được ghép thành cụm.
Nếu các tính năng do các nhà thiết Trung Quốc công bố là đúng sự thật thì AR3 và Polonez về tính năng có thể sánh với pháo phản lực M270 MLRS của Mỹ trang bị các tên lửa chiến thuật MGM-140 ATACMS. Tên lửa này có tầm bắn tối đa 120-300 km tùy thuộc vào biến thể.
Tuy nhiên, các đạn tên lửa Trung Quốc có kích thước nhỏ hơn nhiều, nhờ đó trên một bệ phóng lắp đến 8 tên lửa có tầm bắn tối đa có thể lên đến 280 km. Trong khi đó, M270 chỉ có thể chở và sử dụng 2 tên lửa MGM-140. Nghĩa là khi tăng tầm bắn lên tối đa, AR3 khác với M270 vẫn có khả năng bắn loạt vào các mục tiêu diện.
Để kết luận, cần nhấn mạnh rằng, tất cả những điều trình bày ở trên đều là dựa trên các phỏng đoán của các chuyên gia. Các tính năng chiến-kỹ thuật thực sự của Polonez vẫn chưa được giới quân sự Belarus tiết lộ.