Vietnamdefence.com

 

Quân đội Nga tống cổ pháo vạn năng tối tân nhất 2S34

VietnamDefence - Khosta không hợp ý quân đội Nga do sử dụng khung gầm xích cổ lỗ không còn sản xuất nữa.

Itar-Tass

Căn cứ kết quả thử nghiệm dã chiến 2 năm, Bộ Quốc phòng Nga đã từ chối mua pháo tự hành vạn năng mới 2S34 Khosta, có khả năng bắn không chỉ đạn pháo 120 mm mà cả đạn cối.

Điểm độc đáo của Khosta là ở chỗ nòng pháo có thể nâng lên đến 80 độ, gần như thẳng đứng, trong khi các pháo khác chỉ nâng nòng lên được 50 độ. Nhờ vị trí nòng như thế, Khosta có thể bắn lên cao và bắn cầu vồng đạn cối vốn không dùng để bắn xa. Tuy nhiên, khi đó sinh ra lực giật hậu mạnh - lực này ở cối thông thường được triệt tiêu bằng tấm đế nặng, còn ở Khosta là hệ thống chống giật phức tạp.

Theo một quan chức Bộ Quốc phòng Nga, pháo binh Nga hoàn toàn hài lòng với khẩu pháo độc đáo của 2S34, nhưng hoàn toàn không chấp nhận khung gầm xích lấy từ xe bọc thép đa dụng MTLB bị dừng sản xuất vào đầu những năm 1990.

“Vấn đề của Khosta chỉ ở khung gầm. Vì khung gầm mà cả hệ thống pháo tự hành bị coi là không có triển vọng, mặc dù khẩu pháo trên đó rất tốt”, vị quan chức nói.

Khung gầm 2S34 có chiều rộng 2,85 m, chiều dài 7,5 m. Kích thước đó đủ để ổn định một xe địa hình, nhưng không đủ cho một xe chiến đấu vì khi nòng nâng lên góc tầm tối đa, thân xe bị lắc mạnh, làm giảm độ chính xác bắn, trước hết là khi bắn đạn cối vì đạn cối có lực giật mạnh hơn nhiều đạn pháo thường.

Ngoài ra, do khung gầm không vững chắc, trong các cuộc thử nghiệm nhà máy và nhà nước, Khosta bắn rất chậm, chỉ 2-3 phát/phút, trong khi pháo cối xe kéo thông thường cùng cỡ 2S12 Sani có tốc độ bắn 12 phát/phút.
Hiện nay, giới quân sự Nga đang chờ nhà sản xuất Khosta là “Các nhà máy Motovilikhinskye”, sẽ lắp pháo tự hành này lên khung gầm khác. Nhưng nhà sản xuất nói rằng, họ sẽ không thay đổi gì hết nếu không có quyết định của quân đội.

“Khosta chúng tôi đã làm xong theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng theo đúng yêu cầu của nhiệm vụ kỹ thuật giao cho chúng tôi. Nhiệm vụ kỹ thuật đã là như thế. Nếu người ta sẽ giao cho chúng tôi một nhiệm vụ kỹ thuật mới thì chúng tôi hiển nhiên sẽ hoàn thành theo đúng các yêu cầu và trong quá trình thảo luận, chúng tôi sẽ lựa chọn tất cả một cách tối ưu”, Trưởng Phòng Đối ngoại của “Các nhà máy Motovilikhinskye” Svetlana Mishlanova.
Bà nhấn mạnh rằng, hiện chưa có ý kiến chính thức của Bộ Quốc phòng về việc từ chối Khosta gửi đến nhà máy.

Tháng 2/2012, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khi đó Anatoly Serdyukov đã nói rằng, Lục quân Nga chuẩn bị từ chối nhiều loại vũ khí không đáp ứng các yêu cầu mới của quân đội. Trong danh sách đen, ngoài Khosta, còn có cả hệ thống rocket phóng loạt Tornado và pháo cối Nona.

Khosta được đề xuất năm 2000 như một vũ khí đầu tiên lai ghép pháo cối, pháo nòng ngắn và pháo nòng dài. Để đẩy nhanh việc chế tạo các mẫu chế thử, loại pháo tối tân này được lắp lên khung gầm MTLB được lấy từ kho cất giữ dài hạn.

Nay thì Bộ Quốc phòng Nga chờ đợi đến khi có khung gầm mới có thể chịu được lực giật của pháo Khosta. Dự kiến, pháo có thể lắp lên khung gầm xích tương lai Kurganets và khung gầm bánh lốp tương lai Bumerang đang được phát triển cho binh khí kỹ thuật mặt đất. Nhưng các quan chức công nghiệp quốc phòng hiểu rõ thiết kế của các khung gầm này khẳng định, lựu pháo-cối Khosta không thể lắp lên các khung gầm này.

Ngoài vấn đề với khung gầm, các sĩ quan thuộc các đơn vị đặc biệt được thành lập để thử nghiệm dã chiến Khosta, trong báo cáo tổng kết, còn nêu ra những khiếm khuyết kỹ thuật ở cơ cấu chống giật, các khó khăn khi bắn đạn cối từ nòng rãnh, cũng như các nhiệm vụ quá tản mạn, mập mờ của lựu pháo-cối này. Ban đầu, người ta định dùng 2S34 thay thế các lựu pháo 152 mm Akatsya, nhưng Khosta lại yếu hơn về sức mạnh hỏa lực và tầm bắn bằng đạn thông thường.

Nguồn: Izvestia, 13.11.2012.

Print Print E-mail Print