|
Điệp viên Stasi phía sau
Thủ tướng Willy Brandt |
Trong số “tình báo viên vì hòa bình” lỗi lạc nhất của Stasi có vợ chồng Günther và Christel Guillaume. Năm 1955, được sự giúp đỡ của thị trưởng Tây Berlin hồi đó là Willy Brandt, vợ chồng di cư từ CHDC Đức sang CHLB Đức. Sở dĩ như vậy là vì Brandt từng chịu ơn và có quan hệ rất mật thiết với gia đình Guillaume. Thời Thế chiến II, cha của Guillaume đã che chở và cho Brandt trốn ở nhà mình để tránh sự đàn áp bắt bớ của bọn quốc xã. Năm 1970, sau khi đảng Xã hội Dân chủ Đức của Willy Brandt lên nắm quyền, điệp viên Guillaume của Stasi đã trở thành trợ thủ thân cận nhất của Thủ tướng Đức và được quyền tiếp cận những thông tin bí mật nhất.
Từ ngày 28/1/1970, Guillaume bắt đầu làm việc tại bộ máy Văn phòng Thủ tướng Liên bang và từ năm 1972 đã leo lên đến chức vụ một trong 3 trợ lý riêng của Thủ tướng Willy Brandt. Kể từ thời điểm đó, toàn bộ hoạt động của Thủ tướng CHLB Đức, kể cả những ý đồ, thực chất và nội dung của “chính sách phía Đông” (Ostpolitik) của ông cũng chẳng còn là bí mật đối với ban lãnh đạo CHDC Đức.
Ngày 24/5/1973, chỉ huy cơ quan phản gián Tây Đức BfV Günther Nollau đã nhận được bản báo cáo về những nghi ngờ đối với Guillaume, trong đó ông bị nhận dạng là nguồn tin có mật danh “Georg”, cùng những bức điện mà trung tâm điện đài của Bộ ANQG CHDC Đức ở Berlin gửi cho ông đã bị cơ quan chặn thu vô tuyến điện giải mã. Nhưng mặc dù theo dõi Guillaume liên tục 11 tháng liền, phản gián Đức cuối cùng cũng không thể bắt quả tang ông mặc dù trong thời gian này ông đã thực hiện một loạt phiên liên lạc với sĩ quan chỉ đạo của tình báo Đông Đức.
Tháng 1/1974, Công tố viên trưởng Siegfried Bubak, người sau này bị tổ chức khủng bố RAF giết hại, đã từ chối phát lệnh bắt Guillaume do thiếu chứng cứ cho những cáo buộc chống lại ông. Nhưng 6 giờ 30 sáng 24/4/1974, Guillaume đã làm sửng sốt các sĩ quan cảnh sát bắt giữ ông khi thú nhận: “
Tôi là sĩ quan Quân đội Quốc gia và cán bộ của Bộ An ninh Quốc gia CHDC Đức. Tôi yêu cầu tôn trọng danh dự của tôi như một sĩ quan”. Ngay trong sáng đó, Thủ tướng Brandt đã được thông báo về lời thú nhận của Guillaume.
Vụ xì-căng-đan gián điệp rùm beng nhất trong lịch sử nước Đức thời hậu chiến nổ ra, làm rung chuyển chính trường Tây Đức. Thủ tướng Willy Brandt, công trình sư của “chính sách phía Đông” (chính sách nhích lại gần Liên Xô và các nước Đông Âu) và Chủ tịch BfV Günther Nollau phải từ chức, còn vợ chồng Guillaume phải vào tù.
Điều khiến giới tình báo và dư luận tò mò trong mấy chục năm qua là nguyên nhân nào đã làm bại lộ siêu điệp viên Guillaume, 47 tuổi, thư ký riêng của Thủ tướng Đức Willy Brandt, điệp viên lâu năm của tình báo đối ngoại CHDC Đức. Đây quả lực là một câu chuyện rất thú vị.
Thực tế, trước đó một nguồn tin của Tổng cục I/KGB Liên Xô đã cảnh báo với lãnh đạo CHDC Đức là một điệp viên của họ trong giới thân cận Brandt đang gặp nguy hiểm và có nguy cơ bị lộ, nhưng phía Đông Đức đã không áp dụng biện pháp nào và Guillaume đã bị loại khỏi cuộc chơi.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Trud (Lao động) của Nga năm 2003, Tướng Markus Wolf, nguyên chỉ huy tình báo Đông Đức trong 34 năm và là cấp trên của Guillaume, cho rằng, Willy Brandt từ chức không phải vì Guillaume bị phát giác làm gián điệp, tuy vụ Guillaume đã ảnh hưởng không nhỏ tới sự nghiệp của Brandt.
Theo Markus Wolf, Günther Guillaume bị lộ là do sai lầm nghiêm trọng của Stasi. Trước hết, Guillaume bị lọt vào vòng nghi ngờ của phản gián Tây Đức là do cái họ đặc thù của Pháp và rất lạ ở Đức của ông. Guillaume đã dùng họ tên thật để xâm nhập Tây Đức và leo cao trong bộ máy nhà nước Tây Đức. Phản gián Tây Đức đã có những nghi vấn nên thỉnh thoảng lại tiến hành kiểm tra đối với Guillaume song đều vô hiệu.
Trong một cuộc điều tra, phản gián Tây Đức đã bắt được một người, trong sổ tay của người này lại thấy ghi tên và số điện thoại của Guillaume. BfV đã xác định được rằng, họ quan hệ với nhau hoàn toàn công khai, nhưng rõ ràng việc này đã để lại dấu ấn. Một nhân viên phản gián Tây Đức còn có nghi ngờ mơ hồ là trong đảng XHDC Đức đang có một điệp viên có tên và họ bắt đầu bằng chữ “G”.
Trong giai đoạn đầu phái khiển Guillaume (năm 1956-1958) ở Tây Đức, ông không làm việc gì lớn mà chỉ làm cho bà mẹ vợ và chỉ làm vai trò tổ trưởng để làm việc với các điệp viên khác, đồng thời chuẩn bị cho những nhiệm vụ quan trọng hơn.
Hồi đó, Stasi sử dụng loại mật mã do tình báo Liên Xô cung cấp để gửi các bức mật điện một chiều thông báo các chỉ thị và giao nhiệm vụ cho các điệp viên...
Stasi rất chu đáo nên thường chúc mừng các điệp viên của mình và thân nhân họ. Đôi khi, họ đã dùng điện mã để chúc mừng ngày lễ, ngày vui của họ. Trong vụ Guillaume, kẽ hở chết người lại là ngày sinh của con trai ông, điện mừng vợ ông cũng góp phần nào đó.
Cuối thập niên 1950, Stasi đã biết rằng, loại mật mã do tình báo Liên Xô cung cấp đã bị tình báo Anh giải phá, nhờ đó phản gián Tây Đức BfV đã nắm được bí mật của loại mã này. Họ đã có sẵn trong tay các số nhận dạng và các nhóm số, tức là có thể giải mã và tìm ra người nhận điện. Điều đó đã buộc Stasi phải thay đổi hoàn toàn mật mã liên lạc và từ đó không còn xảy ra vụ giải phá điện mã nào nữa.
Stasi đã nghiên cứu tất cả các bức mật điện đã gửi cho các điệp viên và cho rằng chúng không gây nguy hiểm cho Guillaume. Trong hồ sơ chỉ đạo điệp viên cũng không thấy ghi có những bức điện chúc mừng đã gửi. Gần 20 năm trôi qua mà Gullaume vẫn không hề hấn gì. Nhưng nhân viên phản gián Tây Đức, người đã phát hiện họ tên Guillaume trong sổ điện thoại và biết việc đang có nghi ngờ là có một điệp viên đang hoạt động trong đảng XHDC Đức có họ bắt đầu bằng chữ “G”, một lần đã liên hệ với một đồng nghiệp ở bộ phận khác để xin tiếp cận hồ sơ lưu các bức điện đã giải mã, nhưng chưa xác định được người nhận mà anh này lưu giữ.
Họ so sánh các bức điện chúc mừng với ngày sinh của con trai và vợ Guillaume, và lập tức, mọi chuyện trở nên rõ ràng. Tháng 4/1973, Giám đốc BfV đã biết chính xác Guillaume và vợ anh là điệp viên của Stasi và ngày 29/5/1973, ông ta đã báo cáo với Bộ trưởng Nội vụ CHLB Đức Dieter Genscher. Nhưng do không có bằng chứng để đưa ra tòa, họ đã quyết định cứ để Günther ở bên cạnh Willy Brandt để tiếp tục theo dõi và thu thập chứng cớ hoạt động gián điệp. Họ đã để Guillaume tiếp tục làm cố vấn cho Thủ tướng cả năm nữa.
Khi Guillaume và em trai đi nghỉ ở Sсandinavia, họ đã tóm được quả tang Günther Guillaume cùng các tài liệu mật. Các tài liệu này đã được đưa ra làm bằng chứng tại các phiên tòa xử Guillaume và phiên tòa xử Markus Wolf sau này. Như vậy, nguyên nhân đích thực khiến Guillaume bại lộ là do Stasi sơ suất với các bức điện mã.
Ngày 15/12/1975, Guillaume bị kết án 13 năm tù, Christel, 45 tuổi, vợ ông và là cộng sự của ông bị kết án 8 năm tù vì tội phản quốc, làm gián điệp và đồng lõa làm gián điệp. Trước khi tuyên án, quan tòa Herman Muller đã tuyên bố rằng, “tên gián điệp này bằng những hành động có tính toán đã đặt toàn bộ liên minh phòng thủ phương Tây dưới sự đe dọa...”.
Tháng 10/1981, Guillaume đã được thả để đánh đối lấy 8 điệp viên Tây Đức bị kết án ở CHDC Đức, còn Christel vợ ông đã được thả trước đó để đổi lấy 6 điệp viên bị bại lộ của CHLB Đức. Trước khi về hưu, Guillaume giảng dạy tại trường tình báo của Stasi, năm 1995, ông qua đời sau một cơn nhồi máu.