Vietnamdefence.com

 

Cụm TB huyền thoại: Trong Tết Mậu Thân

VietnamDefence - Để chuẩn bị cho đòn tiến công Tết Mậu Thân 1968, Cụm A20 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đặc biệt là cụm trưởng Bảy Vĩnh và điệp viên mang bí số H3.

Sự kiện Tết Mậu Thân có ý nghĩa lịch sử đặc biệt quan trọng, trở thành bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh Việt Nam. Từ mùa khô năm 1967, phía Mỹ và Việt Nam Cộng hòa liên tiếp mở những chiến dịch hành quân tìm diệt trên quy mô lớn như Cedar Falls, Attleboro, Junction City nhưng đều thất bại thảm hại.

Chuyến trinh sát đặc biệt


Trong bối cảnh đó, tháng 7-1967, Bảy Vĩnh nhận được điện phải về J22 để chuẩn bị cho một nhiệm vụ đặc biệt, đó là thực hiện chuyến thị sát công khai tiểu khu Phước Long - mục tiêu phía ta đã nhiều lần thâm nhập nhưng đều bất thành. Theo con đường bí mật của trinh sát, yêu cầu là phải nắm được sơ đồ bố trí binh - hỏa lực của tiểu khu, ty công an, cảnh sát, trận địa pháo, phòng thủ chung của thị xã, đặc biệt là bố trí phòng thủ của tiểu khu trưởng và mục tiêu quan trọng chi khu Phước Bình. Bảy Vĩnh thoáng chút lo lắng vì lần cuối cùng ông vào Sài Gòn mới đó mà đã 14 năm...

Khoảng 15 giờ, theo đúng lịch hẹn, H3 đến. Dưới vỏ bọc nghị viên Viện Dân biểu Sài Gòn, H3 đã đưa Bảy Vĩnh vào thành an toàn. Tuy nhiên, đường bộ từ Sài Gòn đi Phước Long đã bị cắt. H3 bèn nghĩ cách lên máy bay do phi công Mỹ lái để thị sát Phước Long. H3 kể lại: “Không ngờ sĩ quan Mỹ lái máy bay cho sĩ quan Việt cộng đi thị sát chiến trường”. Đến nơi, H3 tìm gặp tỉnh trưởng Phước Long, trình bày lý do muốn đến Sở Cao su Bù Đăng để tính kế hoạch phục hồi và khai thác. Tỉnh trưởng phân trần: “Hôm nay moi (tôi) bận, các toi (ông) cứ ở lại đây chơi, chiều moi về nói chuyện… Xe Jeep của moi, các toi cứ lấy đi”. Chớp thời cơ, H3 và Bảy Vĩnh liền lên xe tỉnh trưởng, do H3 lái, chạy thẳng đến chi khu Phước Bình để thị sát sơ đồ bố trí binh lực và hệ thống phòng thủ tại đây.

Các chiến sĩ tình báo Cụm A20 tại nhà điệp viên mang bí số H3 ở Sài Gòn
trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968 (Ảnh tư liệu của Lê Phong Lan)

H3 đưa Bảy Vĩnh vào gặp và trò chuyện với chi khu trưởng Phước Bình, tranh thủ cơ hội quan sát việc bố phòng tại đây. Sau đó, cả hai tạt vào “thăm” tiểu đoàn cơ động của tỉnh, điều nghiên hoạt động của tiểu đoàn này. Những ngày sau đó, H3 tiếp tục đưa Bảy Vĩnh đi “dạo” quanh tiểu khu Phước Long, tạo quan hệ và viếng thăm nhiều vị trí, sở, ngành. Tỉnh trưởng còn hồ hởi mời H3 và Bảy Vĩnh lưu lại qua đêm ở tư dinh, mời dự tiệc chiêu đãi. Nhờ đó, Bảy Vĩnh có điều kiện quan sát, chụp hình, ghi nhớ toàn bộ cách bố phòng và binh lực phòng thủ tại dinh tỉnh trưởng cũng như nhiều vị trí quan trọng khác. Kết thúc đợt thị sát, Bảy Vĩnh vẽ sơ đồ và điều nghiên binh lực phòng thủ tại tiểu khu Phước Long, phục vụ đợt tấn công Tết Mậu Thân và cả cuộc tổng tiến công mùa Xuân 1975 sau này.

Vào thành

Cuối tháng 9-1967, Bảy Vĩnh lại vào Sài Gòn làm nhiệm vụ tình báo để phục vụ chiến dịch. Địa điểm lưu trú, làm việc, liên lạc của Bảy Vĩnh chính là nhà của H3. H3 đã đưa Bảy Vĩnh đi nghiên cứu các mục tiêu và hoàn thành các báo cáo của mình. 

Tháng 12-1967, H3 và Bảy Vĩnh lại nhận mệnh lệnh đưa một cán bộ cao cấp vào Sài Gòn, đó là Năm Truyện (Nguyễn Thế Truyện) - Tư lệnh Sư đoàn 9 - để chuẩn bị chiến trường tại mục tiêu Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu. H3 trực tiếp lái xe đến đón ông Năm Truyện và Bảy Vĩnh tại Trảng Bàng - Tây Ninh đưa vào thành.

Để thuận lợi cho đợt công tác đặc biệt này, H3 mượn chiếc xe “màu máu” của Sáu Hoa - thiếu tá tình báo Việt Nam Cộng hòa. Giải thích về “màu máu”, Sáu Hoa thường vỗ ngực rằng: “Màu sơn xe tao là màu máu cộng sản. Không một đứa nào ở Sài Gòn này giết cộng sản giỏi hơn tao nên chưa có chiếc xe thứ hai nào ở Sài Gòn có màu sơn như xe tao”. Nào ngờ chính chiếc xe “khét tiếng” đó lại là tấm bình phong đưa các sĩ quan Việt cộng đi điều nghiên chiến trường.

Sau khi thị sát khu vực phía Bắc Sài Gòn, Bộ Tổng Tham mưu và vành đai Tân Sơn Nhất, ông Năm Truyện đề nghị vào tận sân bay để khảo sát. Tình cờ, cùng thời gian này, một thượng nghị sĩ Đài Loan - bạn của H3 - đến Sài Gòn. Nhân cơ hội, H3 liên lạc với chỉ huy phó phi trường Tân Sơn Nhất đề nghị hỗ trợ nghi thức nghênh tiếp. Lịch bay buổi chiều nhưng H3 cố ý đến vào buổi sáng, lấy cớ nhầm giờ bay để Năm Truyện và Bảy Vĩnh có nhiều thời gian quan sát mục tiêu. Chuyến thị sát đã thành công ngoài mong đợi.

Cuối tháng 1-1968, J22 tổ chức hội nghị tại Thanh An (Tây Ninh), phân chia nhiệm vụ cho các cụm tình báo trong đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân. Ngoài nhiệm vụ chính thu thập và cung cấp tin tức tình báo, A20 được lệnh sẽ phối hợp với cánh quân dẫn đường, tấn công vào Tổng nha Cảnh sát và diệt ác ôn, phối hợp với nhân dân trong thành phố nổi dậy. Ngay từ chiều 27 Tết Mậu Thân, Bảy Vĩnh và Trung Tuyến - nhân viên cụm - bắt đầu kế hoạch bí mật chuyển vũ khí vào thành. H3 đưa xe đến nhận hàng và chở về nhà đúng ngày 29 Tết. Chỉ huy sở Cụm A20 được đặt tại nhà H3. Vào phút cuối, Bảy Vĩnh nhận được lệnh từ cấp trên: Kế hoạch tham gia chiến đấu vũ trang bị hủy bỏ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho A20 tồn tại và hoạt động lâu dài trong lòng địch.

Tình huống nghẹt thở

Ông Bảy Vĩnh không thể nào quên một tình huống nghẹt thở trong Tết Mậu Thân khiến H3 có nguy cơ bị lộ, khiến Cụm A20 chịu tổn thất lớn. Ngày mùng 2 Tết, lính Việt Nam Cộng hòa phát hiện có Việt Cộng ở gần hẻm vào nhà H3. Sự kiện này cũng dẫn đến hàng loạt vụ khám xét, lùng sục nhà dân trong khu phố.

Tình hình khá căng thẳng, H3 quyết định đưa cả gia đình ra Vũng Tàu tạm lánh, chỉ để lại một vài người thân của H3, Bảy Vĩnh và Trung Tuyến. Sáng sớm mùng 3 Tết, một tốp lính thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hòa đập cửa nhà H3 đòi khám xét. Lính tràn vào nhà, cuộc khám xét nghẹt thở bắt đầu.

Cửa các phòng lần lượt được mở tung, xong lầu 1 đến lầu 2. Tốp lính đang hướng lên sân thượng, nơi cất giấu số vũ khí đã được chuyển đến từ chiều 29 Tết. Chỉ còn vài bước chân nữa thôi là toán lính sẽ nhìn thấy số vũ khí đó. Thình lình, tên chỉ huy quay sang hỏi có gì ở trên đó không; sau khi nhận được câu trả lời sân thượng bỏ trống, tên chỉ huy ra lệnh rút lui.

Bảy Vĩnh thoát, tiếp tục làm nhiệm vụ và sử dụng 2 máy vô tuyến đã được chuyển vào thành trước đó để báo cáo tin tức kịp thời về cụm, phục vụ cho các trận đánh trong dịp Tết Mậu Thân.

  • Nguồn: Đạo diễn Lê Phong Lan // NLĐ, 26.4.2011.

 

Print Print E-mail Print