VietnamDefence -
Trong những chiến công lớn của Cụm Tình báo A20 - H67 và tổ chức cách mạng, dấu ấn của cụm trưởng Sáu Trí được khắc ghi đậm nét.
Cụm tình báo huyền thoại
Cụm tình báo huyền thoại: Trong Tết Mậu Thân
Người mang bí số H3
Ngày về chiến thắng
Cụm trưởng Cụm Tình báo A20 Sáu Trí tên thật là Nguyễn Văn Khiêm, bí danh Phạm Duy Hoàng và Nguyễn Đức Trí, sinh năm 1925, tại Gò Công - Tiền Giang, là anh họ đồng thời cũng là người dẫn dắt điệp viên Nguyễn Văn Lễ (Ba Lễ, mật danh H3) gia nhập Cụm A20.
Dọc ngang giữa lòng địch
Trong Cách mạng Tháng Tám 1945, Sáu Trí là một trong những thành viên của Đội Thanh niên Tiền phong tham gia cướp chính quyền. Cách mạng thành công, Sáu Trí gia nhập ngành quân báo với bí danh Phạm Duy Hoàng, sau đó chuyển địa bàn hoạt động về Sài Gòn và miền Đông Nam Bộ, được phân công giữ chức Trưởng chi Quân báo Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.
|
Thiếu tướng tình báo Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí, bìa phải)
và Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) (Ảnh do nhân vật cung cấp)
|
Một năm trước khi thực dân Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ (1954), ông bí mật vào nội đô Sài Gòn, xin vào làm việc tại Nha Công an Nam phần của chính quyền thân Pháp, thu thập nhiều thông tin tình báo quan trọng phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ cho đến ngày thắng lợi.
Năm 1954, Hiệp định Genève được ký kết. Ngô Đình Diệm trở về miền Nam và thành lập chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Tình thế thay đổi, ông Sáu Trí tiếp tục ở lại miền Nam và chuyển sang làm sĩ quan ở Tổng nha Cảnh sát của chính quyền Ngô Đình Diệm cho đến ngày bị lộ vào cuối năm 1962.
Vào thời điểm ông bị mật vụ chính quyền Sài Gòn theo dõi gắt gao, buộc phải rút vào chiến khu cũng là lúc Cụm A20 được thành lập tại mật khu Bời Lời (Tây Ninh). Với kinh nghiệm hoạt động quân báo thời chống Pháp, đã được thử lửa qua nhiều tình huống thực tế kịch tính, ông Sáu Trí được Phòng Tình báo miền (J22) tin tưởng giao trọng trách làm cụm trưởng Cụm A20.
Qua những chuyến đi về giữa mật khu Bời Lời - căn cứ địa A20 - nội đô Sài Gòn những năm 1962 - 1965, ông Sáu Trí đã xây dựng nhiều cơ sở nội tuyến ngay trong lòng bộ máy chính quyền Việt Nam Cộng hòa, góp phần giúp A20 hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tổ chức cách mạng. Thời gian này, ông lấy bí danh Nguyễn Đức Trí (bí danh này được giữ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng).
Ra Bắc, vào Nam
Tháng 11-1965, ông Sáu Trí được rút về làm Phó Phòng Quân báo Bộ Tổng Tham mưu miền (B2), bộ phận điệp báo của J22. Về sau, ông được cử giữ chức Trưởng Phòng J22, trở thành một trong những nhà chỉ huy tình báo hàng đầu tại miền Nam. Nhiều năm liền, Sáu Trí đã xây dựng, củng cố và chỉ đạo hoạt động tốt các mạng lưới tình báo chiến lược, thu nhận và phân tích tin tức tình báo, phục vụ đắc lực các hoạt động quân sự của quân giải phóng trên chiến trường miền Nam.
Cuối tháng 11-1973, tại chiến khu Lộc Ninh (nay thuộc tỉnh Bình Phước), Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà) tổ chức gặp mặt chia tay 20 sĩ quan cấp tá lên đường ra Bắc học tập, chuẩn bị cho kế hoạch đánh lớn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hai sĩ quan của J22 được cử đi học đợt này là thượng tá Nguyễn Văn Khiêm (Sáu Trí) - thủ trưởng và trung tá Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang) - Phó Chính ủy J22. Sáu Trí vào Học viện Quân sự, Tư Cang vào Học viện Chính trị và bắt đầu khóa học 2 năm.
Giữa lúc đó, tình hình chiến trường miền Nam diễn biến ngày càng phức tạp. Bước sang tháng 3-1975, chiến dịch Tây Nguyên nổ ra và không lâu sau đó là chiến dịch Huế - Đà Nẵng kết thúc thắng lợi, quân ta nhanh chóng giải phóng một vùng trung du và duyên hải miền Trung rộng lớn. Tất cả các cánh quân đều hướng về Sài Gòn trong thời cơ lịch sử ngàn năm có một.
Trước tình hình đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong năm 1975. Số cán bộ B2 ra miền Bắc học tập từ cuối năm 1973 được điều động quay trở lại chiến trường miền Nam. Ông Sáu Trí được lệnh lập tức vào nội đô Sài Gòn, nắm bắt các cơ sở điệp báo cấp cao. Ông Tư Cang xuống Củ Chi, gia nhập Lữ đoàn Đặc công Biệt động 316 trong vai trò chính ủy.
Chứng nhân thời khắc lịch sử
Cũng trong thời gian vào nội thành làm công tác đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trưa 28-4, tại nhà H3, thình lình kỹ sư Tô Văn Cang và kỹ sư Lê Văn Giàu (những cơ sở cách mạng) đến xin được gặp mặt thủ trưởng Sáu Trí. Nguyên do là nội các Dương Văn Minh trong cơn lúng túng muốn thông qua 2 kỹ sư này để tìm gặp đại diện của Chính phủ Cách mạng Lâm thời miền Nam Việt Nam để thương lượng.
Ông Sáu Trí đề nghị Tổng thống Dương Văn Minh chấp nhận đầu hàng ngay và đầu hàng vô điều kiện. Ngày 30-4-1975, ông Sáu Trí và điệp viên Ba Lễ cùng một số đồng đội đến Dinh Độc Lập để chứng kiến sự đầu hàng của chính quyền Tổng thống Dương Văn Minh…
Những ngày đầu sau giải phóng, ông Sáu Trí được cử làm Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn, sau đó ông được phong quân hàm Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Làm tốt sứ mệnh đặc biệt
Trở lại căn cứ Lộc Ninh ngày 17-4-1975, ông Sáu Trí được cấp trên phân công nhiệm vụ đặc biệt, đó là phục vụ chiến dịch giải phóng Sài Gòn. Lúc bấy giờ, điệp viên H3, lưới A20-H67 (H67 là tên mới của A20 kể từ năm 1970) đã xây dựng được một cơ sở mới là đại tá Lộc - thành viên Đảng Tân Đại Việt, người được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu giao nhiệm vụ thành lập và chỉ huy một liên đoàn biệt động quân, tăng cường tuyến phòng thủ Sài Gòn. Nhiệm vụ của Sáu Trí là vận động đại tá Lộc làm binh biến tại chỗ, hỗ trợ các cánh quân cách mạng tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Sau khi vào thành để tìm hiểu thông tin về đại tá Lộc qua điệp viên H3, Sáu Trí trở về căn cứ. Sau cuộc họp khẩn cấp trong đêm 25-4, ông được lệnh quay trở lại Sài Gòn ngay, ở tại nhà H3 và bắt đầu tiếp xúc với những điệp viên trong các lưới tình báo nội đô. Kết quả, ngày 30-4, khi 5 cánh quân của quân giải phóng tiến vào Sài Gòn, liên đoàn biệt động quân do đại tá Lộc chỉ huy hoàn toàn bị vô hiệu hóa.
|