Vietnamdefence.com

 

Ngô Quyền đánh quân Nam Hán: Chiến thắng Bạch Đằng lần thứ nhất (938)

VietnamDefence - “Nếu không có trận đại thắng này thì nhuệ khí của bọn Lưu Nghiễm vẫn còn, và cái cơ bị ngoại thuộc lại dần dần nổi lên. Cho nên, trận Bạch Đằng chính là gốc rễ của sự khôi phục quốc thống. Sau này, các đời Đinh, Lê, Lý, Trần... cũng được nhờ ở dư âm của sự oanh liệt ấy. Võ công hiển hách của Ngô Quyền, thực sự là để tiếng thơm đến muôn đời chứ đâu phải chỉ sáng rỡ trong nhất thời đâu” - Ngô Thì Sĩ, Việt sử tiêu án.

Đằng Giang tự cổ huyết do hồng - Bạch Đằng ngàn năm đỏ máu thù
(Giang Văn Minh)

Cuối năm 938, vua Nam Hán sai Hoằng Thao đem quân sang xâm lược nước ta. Quân Nam Hán chủ yếu là thủy quân và đi theo đường biển vào sông Bạch Đằng.

Ngô Quyền là một vị tướng người Đường Lâm (Ba Vì, Hà Nội) được nhân dân ủng hộ giết chết Kiều Công Tiễn, tên bán nước cầu viện quân Nam Hán đưa quân vào nước ta, nắm quyền cai quản đất nước, kiên quyết tổ chức đánh giặc bảo vệ chủ quyền dân tộc.

Được tin Hoằng Thao sắp đem quân sang xâm lược nước ta, Ngô Quyền nói với các tướng lĩnh rằng: “Hoằng Thao là một đứa trẻ dại, đem quân từ xa đến, quân lính mệt mỏi lại được nghe tin Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta sức mạnh đối địch với quân mệt mỏi, ta phá được song họ có lợi ở thuyền, nếu ta không phòng bị trước thì chuyện được thua chưa thể biết trước được. Nếu ta sai người đem cọc lớn đóng ngầm ở của biển trước, vạt nhọn đầu mà bịt sắt, thuyền của họ nhân khi nước triều lên, tiến vào bên trong hàng cọc, bấy giờ ta sẽ dễ bề chế ngự. Không kế gì hơn kế ấy cả.”

Theo lệnh Ngô Quyền, quân dân ta đã đóng cọc gỗ đầu bịt sắt nhọn ngang sông Bạch Đằng nơi hiểm yếu gần cửa biển thành một trận địa ngầm. Quân thủy, bộ của ta mai phục ở phía trong.

Quân Nam Hán nhân lúc nước triều lên vào sông dễ dàng đã ồ ạt kéo vào cửa sông đội hình tề chỉnh. Quân ta dùng thuyền nhẹ ra khiêu chiến rồi vờ rút chạy. Hoằng Thao hạ lệnh đuổi đánh, nhưng thuyền nhẹ đi nhanh, quân địch không đuổi được. Chờ cho đoàn quân địch vượt vào trong bãi cọc, đội hình dồn lại và nước thủy triều rút, Ngô Quyền cho tất cả lực lượng từ phía trên đánh quật lại, từ hai bên bờ đánh dạt vào hai bên sườn đội hình địch. Thuyền ta nhẹ, cơ động, linh hoạt, lại nhân lúc nước rút đánh rất mãnh liệt. Quân địch thuyền to khó cơ động, đội hình lại dồn lại, nước thủy triều rút. Ba phía bị đánh mạnh rút chạy ra biển bị đâm vào bãi cọc ngầm. Đội hình tan tác, nhiều thuyền bị vỡ, bị đắm, tướng sĩ hoảng loạn, phần bị giết, phần chết đuối, phần lớn quân Nam Hán bị tiêu diệt, trong đó có cả chủ tướng Hoằng Thao.

Vua Nam Hán là Lưu Cung đang điều quân tiếp viện cho con rể Hoằng Thao nhận được tin thất trận, ý chí xâm lược tan rã, phải thu nhặt tàn quân bãi binh.

Trận Bạch Đằng (năm 938) là một trận quyết chiến chiến lược lớn trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Chỉ trong một trận, một ngày đã đánh tan, tiêu diệt phần lớn đạo quân xâm lược kể cả tên tổng chỉ huy, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh chống ngoại xâm.

Chiến thắng Bạch Đằng đã kết thúc hơn 1.000 năm nước ta bị phương Bắc đô hộ, mở ra thời kỳ phát triển quốc gia phong kiến độc lập.

Bạch Đằng, một địa danh lần đầu tiên xuất hiện ngời sáng trong lịch sử giữ nước của dân tộc ta.

Nguồn: Từ điển bách khoa Tri thức quốc phòng toàn dân.-H.: Chính trị Quốc gia, 2002.

Print Print E-mail Print