Vietnamdefence.com

 

Đỗ Khắc Chung (1247 - 1330)

VietnamDefence - “Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ ứng đối vẫn tự nhiên; không chịu hạ thấp danh giá của chủ, ấy là Chích; không thèm nịnh ta, ấy là Nghiêu; (ví việc đánh ta thì) nói là chó cắn người lạ, giỏi lắm thay. (Đi sứ mà như thế) thì có thể nói là không làm nhục mệnh vua. Nước họ còn có người tài như vậy thì chưa dễ gì mưu tính được” - Lời tướng giặc là Ô Mã Nhi (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 46 a-b).

Đỗ Khắc Chung tức Trần Khắc Chung. Do lập được nhiều công lao trong hai cuộc chiến tranh chống quân Mông-Nguyên xâm lược lần thứ hai (1285) và thứ ba (1288), cho nên, tháng 4 năm 1289, ông được ban quốc tính là họ Trần, từ đó, sử thường chép họ tên ông là Trần Khắc Chung. Trần Khắc Chung người ở Giáp Sơn. Đất quê ông nay thuộc tỉnh Hải Dương. Sử cũ không cho biết ông sinh năm nào, song căn cứ vào việc ông được bổ làm Chi hậu Cục thủ vào năm Canh Thìn (1280), mà chức Chi hậu Cục thủ là một trong những chức quan văn vào hàng bậc trung, cho nên, cũng có thể tạm ước đoán rằng, Đỗ Khắc Chung chào đời vào khoảng giữa thế kỷ XIII. Năm 1280, ông ở vào độ tuổi trên dưới 30 một chút.

(Tuy nhiên, theo bài "Nhà giáo ĐỖ KHẮC CHUNG (1247 - 1330)" của Lê Kim Thuyên đăng tại địa chỉ website của tỉnh Vĩnh Phúc http://www.vinhphuc.gov.vn/gioithieu/gtvp/lichsu/dokhacchung.html, thì ông sinh ngày 24 tháng 11 năm Đinh Mùi (1247) ở làng Cam Lộ, huyện Giáp Sơn, tỉnh Hưng Yên. Phụ thân ông là Đỗ Nhuận, mẹ là Vũ Thị Hương cùng làng Cam Lộ, đều vốn làm nghề thầy thuốc. Sau khi thi đỗ ông về triều đình làm quan triều Trần trong thời gian tới 50 năm, luôn thăng tiến. Ông có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai với tư cách như bộ trưởng Ngoại giao, ông đã ra vào tổng hành dinh quân Nguyên nhiều lần để đàm phán, điều đình, thực hiện xuất sắc chiến lược vừa đánh vừa đàm của triều đình nhà Trần.

Năm 1280, ông được phong chức Thiếu bảo hành Thánh từ cung (Tể tướng thứ hai). Đỗ Khắc Chung làm quan dưới 4 triều vua Trần:

  1. Trần Nhân Tông:  Từ 1280-1293
  2. Trần Anh Tông:   Từ 1293-1314
  3. Trần Minh Tông:  Từ 1314-1329
  4. Trần Hiến Tông:   Từ 1329 đến tháng 7 năm Canh Ngọ (1330) thì mất, hưởng thọ 84 tuổi.

Hiện nay, ở thôn Quan Tử (làng Gốm) xã Sơn Đông có đền thờ Đỗ Khắc Chung (thường gọi là Miếu Quan Tử) bởi ông được nhân dân tôn vinh làm Thành hoàng làng vì có công mở trường, dạy chữ và lễ nghĩa cho nhân dân ấp Sơn Đông, lộ Tam Đái (xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch ngày nay).

Cổng đền thờ Đỗ Khắc Chung
(MiếuQuan Tử) - xã Sơn Đông, 
Lập Thạch, Vĩnh Phúc
Đền thờ tọa lạc trên nền chính của ngôi trường xưa, có thế đất tựa cỗ nghiên bút như chỉ ra làng này là nơi “đất học”. Trong toà thượng điện, còn có đôi câu đối, giành nhắc đến chiến công của ông trong cuộc đời làm quan dưới triều vua Nhân Tông.

        Ô tưởng hùng phong tam thoái xá
        Long vương hồng huống vạn tư niên.

        (Tướng ô trước gió mạnh, lui về 3 sá.
        Long Vương gặp sóng cả, sợ đến vạn năm )

Chữ “Ô” là một lối chơi chữ: Ô vừa là để chỉ tưởng quạ (giặc - nghĩa đen) vừa là chỉ tướng, nguyên có tên là Ô Mã Nhi trong cuộc hai người gặp gỡ biện thuyết nổi tiếng trên sông nước ở Đông Bộ Đầu trưa ngày 12 tháng giêng năm Ất dậu (1285)).

Đỗ Khắc Chung chưa bao giờ là tướng trực tiếp cầm quân, nhưng, ông thực sự có dũng khí của một vị tướng quân, và dũng khí đó đã khiến cho cả những viên tướng giặc khét tiếng như Ô Mã Nhi cũng phải thán phục. Tên tuổi của Đỗ Khắc Chung nổi lên kể từ mùa xuân năm Ất Dậu (1285). Bấy giờ, hai đạo quân Nguyên, một từ Chiêm Thành tiến ra do Toa Đô chỉ huy và một từ đất Trung Quốc tràn xuống do chủ tướng Thoát Hoan trực tiếp cầm đầu, cùng nhất loạt đánh phá ta, hòng bóp nát nước Đại Việt. Tướng nhà Trần chịu trách nhiệm cản bước tiến của Toa Đô là Trần Kiện đã hèn nhát đầu hàng. Tình hình chiến sự diễn biến một cách rất phức tạp và hoàn toàn bất lợi cho ta. Triều Trần muốn nắm được chính xác thực lực của quân Nguyên, nhưng bối rối vì không biết ai có thể thực hiện được nhiệm vụ khó khăn này. Đúng lúc đó, Đỗ Khắc Chung xin tình nguyện đảm nhận. Sử cũ chép sự kiện này như sau:

“Ngày 12 (tháng giêng năm Ất Dậu, 1285 - NKT), giặc đánh vào Gia Lâm (ngoại thành Hà Nội, giáp với Bắc Ninh ngày nay - NKT), Vũ Ninh (thuộc Bắc Ninh ngày nay - NKT), Đông Ngàn (nay thuộc Bắc Ninh - NKT), bắt được quân ta. Bởi thấy người nào cũng thích vào cánh tay hai chữ sát Thát - nghĩa là giết giặc Thát-đát (tức giặc Nguyên - NKT) bằng mực, chúng tức giận nên giết hại rất nhiều. Chúng kéo đến Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than, đầu cầu Long Biên của Hà Nội ngày nay - NKT) và dựng một lá cờ rất lớn. Vua muốn sai người đi dò xét tình hình giặc nhưng chưa tìm được ai. Quan giữ chức Chi Hậu Cục Thủ là Đỗ Khắc Chung bước lên thưa rằng:

- Thần tuy là kẻ hèn mọn bất tài nhưng xin được đi.

Vua mừng vui, nói rằng:

- Ngờ đâu trong đám ngựa kéo xe chở muối (chỉ chung những loài ngựa thường, không thể dùng vào chiến trận được - NKT) lại có ngựa Kỳ, ngựa Ký như thế. (Ngựa Kỳ và ngựa Ký là từ chỉ chung những loài ngựa quý và ngựa tốt - NKT).

Xong, sai (Đỗ Khắc Chung) đem thư đi, (vờ) xin giặc giảng hòa. (Đỗ Khắc Chung) đến nơi, Ô Mã Nhi hỏi:

- Quốc vương ngươi vô lễ, sai người thích chữ Sát Thát, khinh nhờn cả thiên binh, lỗi ấy nặng lắm.

(Đỗ) Khắc Chung đáp:

- Chó nhà nếu có cắn người lạ thì lỗi không phải ở chủ của nó. Quân dân (nước tôi) vì lòng trung phẫn mà tự thích chữ vào cánh tay đó thôi. Quốc vương của tôi không biết việc đó. Tôi là trung thần, há lại không có hai chữ đó hay sao?

Nói xong thì đưa cánh tay cho Ô Mã Nhi xem. Ô Mã Nhi liền nói:

- Đại quân của ta từ xa tới, sao nước ngươi không chịu quay giáo đến nhận mệnh mà lại còn chống trả. Lấy càng bọ ngựa ra mà chống xe thì sự thể liệu sẽ ra sao?

(Đỗ) Khắc Chung nói:

- (Ấy là bởi) hiền tướng không noi theo kế sách của Hàn Tín (danh tướng Trung Quốc người đời Hán - NKT) đi đánh dẹp nước Yên (tên một tiểu vương quốc ở Trung Quốc thời cổ đại - NKT), đóng quân ở nơi biên ải, gởi thư báo tin trước. (Bấy giờ), nếu nước tôi không chịu thông hiếu mới là có lỗi (Đỗ Khắc Chung muốn nhắc chuyện Lý Tả Xa đã bày mưu cho Hàn Tín khi đi đánh nước Yên, rằng trước khi tiến đánh, hãy viết thư gởi cho vua nước Yên. Hàn Tín nghe theo, quả nhiên, nước Yên vừa nhận thư đã xin hàng). Nay bức bách lẫn nhau, có khác gì lời cổ nhân nói rằng, thú cùng đường thì sẽ cắn lại, chim cùng lối thì sẽ mổ lại, huống chi là con người?

Ô Mã Nhi nói:

- Đại quân ta mượn đường để đi đánh Chiêm Thành, Quốc vương của người nếu đến hội kiến thì cõi bờ đâu bị xâm phạm, dân tình sẽ được yên ổn. Nay nếu cứ cố chấp thì chỉ trong khoảnh khắc, núi non sẽ hóa thành đất bằng, vua tôi các ngươi sẽ hóa thành cỏ nát.

Khi (Đỗ) Khắc Chung về rồi, Ô Mã Nhi nói với các tướng tả hữu rằng:

- Người này ở vào lúc bị uy hiếp mà lời lẽ ứng đối vẫn tự nhiên; không chịu hạ thấp danh giá của chủ, ấy là Chích (Tên một kẻ ăn trộm nổi tiếng của Trung Quốc. Tích này chưa rõ nghĩa, xin được khảo cứu sau); không thèm nịnh ta, ấy là Nghiêu (một vị vua của huyền sử Trung Quốc, được nho gia hết lời ca ngợi); (ví việc đánh ta thì) nói là chó cắn người lạ, giỏi lắm thay. (Đi sứ mà như thế) thì có thể nói là không nhục mệnh vua. Nước họ còn có người tài như vậy thì chưa dễ gì mưu tính được.

Nói rồi, sai người đuổi theo (Đỗ) Khắc Chung, nhưng không kịp” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 5, tờ 45-b và tờ 46 a-b).

Tháng 4 năm 1289, triều đình định công ban thưởng, Đỗ Khắc Chung được ban quốc tính là họ Trần. Từ đó trở đi, đường danh vọng của ông ngày một rộng mở. Tháng 12 năm 1293, ông được bổ chức An Phủ sứ ở kinh đô. Tháng 10 năm 1303, ông được thăng chức Nhập nội Hành khiển. Chức này ngang với Tể tướng và ông là bậc sĩ phu đầu tiên được trao chức ấy.

Tuy nhiên, cũng từ đây, lý lịch cuộc đời của Đỗ Khắc Chung có không ít điều khiến cho người đương thời cũng như hậu thế phải đàm tiếu. Xin được kể 3 sự kiện tiêu biểu sau đây:

  • Sự kiện thứ nhất là mối quan hệ giữa ông với Công chúa Huyền Trân. Tháng 6 năm 1306, vua Trần Anh Tông gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm Thành là Chế Mân. Đa số quan lại trong triều đều phản đối, duy chỉ có Đỗ Khắc Chung và Trần Đạo Tái (con của Trần Quang Khải) là ủng hộ. Công chúa Huyền Trân về đất Chiêm Thành, hương lửa chưa nồng thì tháng 10 năm 1307, Chế Mân qua đời. Theo tục lệ của Chiêm Thành, hễ Hoàng đế qua đời thì Hoàng hậu phải lên giàn hỏa thiêu với thi thể của Hoàng đế. Vua Trần sai Đỗ Khắc Chung vào tìm cách để cứu Công chúa Huyền Trân. Đỗ Khắc Chung được ủy thác thực hiện nhiệm vụ này. Ông đã thành công, tiếc là khi cùng Công chúa Huyền Trân trở về Thăng Long, ông đi lòng vòng quá lâu, khiến cho nhiều người rất dị nghị, thậm chí là coi khinh ra mặt.
  • Sự kiện thứ hai xảy ra vào tháng 6 năm Ất Mão (1315). Bấy giờ, trời làm hạn hán, các quan ở Ngự Sử đài dâng sớ lên Vua, cho rằng, trăm sự chẳng qua là do Đỗ Khắc Chung, lúc này đang giữ chức Tể tướng mà không biết cách điều khiển âm dương, tức là làm quan mà chẳng nên công trạng gì. Đỗ Khắc Chung cãi nói rằng: “Tôi lạm giữ chức Tể tướng, chỉ biết cố sức làm tất cả những gì phận sự buộc phải làm, còn như hạn hán thì phải hỏi ở Long Vương, (Đỗ) Khắc Chung này đâu phải là Long Vương mà bắt tội được” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển 6, tờ 32-b và tờ 33-a). Sau, lại có lũ lụt, vua Trần thân đi đắp đê, các quan can ngăn, cho đó là việc nhỏ nhặt, nhưng Đỗ Khắc Chung lại cho là việc lớn, làm việc lớn ấy cũng chính là tu thân sửa đức. Lời ấy khiến cho các quan càng ghét ông hơn.
  • Sự kiện thứ ba xảy ra vào tháng 3 năm Mậu Thìn (1328). Bấy giờ, Đỗ Khắc Chung đã được phong tới hàm Thiếu bảo, được giao trách nhiệm xét xử trọng án. Bị cáo của vụ án này lại chính là Trần Quốc Chẩn (con của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, thân sinh của Hoàng hậu vua Trần Minh Tông). Đây là một vụ vu oan, nhưng Đỗ Khắc Chung xét án không kỹ, khiến Trần Quốc Chẩn bị chết oan. Việc này khiến ông bị nhiều người cho là kém cỏi.

Ngoài 3 sự kiện nói trên, Đỗ Khắc Chung còn nhiều lần bị khiển trách. Tính ông ưa vui đùa, và cả khi vui đùa như vậy ông cũng bị coi là khiếm nhã, dẫu sự thực không đến nỗi ấy.

Ông qua đời năm Canh Ngọ (1330), hưởng thọ 84 tuổi. Như trên đã nói, ông thuộc hàng quan văn, nhưng, cái bất diệt mà ông để lại cho đời lại chính là dũng khí trước kẻ thù hung bạo. Ông xứng đáng được xếp vào hàng các bậc danh tướng của nước nhà.

Nguồn:

1 - Danh tướng Việt Nam - Tập 1 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 1996.
2 - Nhà giáo ĐỖ KHẮC CHUNG (1247 - 1330) / của Lê Kim Thuyên // http://www.vinhphuc.gov.vn/gioithieu/gtvp/lichsu/dokhacchung.html (2/4/2004).

Print Print E-mail Print