Chính phủ Trung Quốc đã đạt được thành tựu lớn trong hiện đại hóa và tăng cường khả năng quân đội trong hai thập kỷ qua. Lục quân, không quân và hải quân Trung Quốc đang nhanh chóng đạt được ngang bằng với các đối thủ phương Tây. Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trên con đường dài xây dựng lại quân đội để nó có thể cạnh tranh và vượt trội trên chiến trường hiện đại.
Trung Quốc đã đầu tư lớn vào việc hiện đại hóa hải quân trong thập kỷ qua khi thiết kế và đưa vào biên chế các tàu có tính năng rất cao thuộc tất cả các loại và với số lượng ngày càng tăng. Sự chú ý này đối với việc nâng cao khả năng chiến đấu của hải quân cho thấy chiến lược của Trung Quốc không chỉ nhằm tăng cường phòng thủ lãnh thổ đại lục và các tuyến đường thủy ven biển mà còn nhằm có được khả năng bảo vệ các lợi ích hàng hải ở khu vực xa xôi hơn nhiều và tung sức mạnh ra ngoài cái mà phương Tây đã mô tả như biên giới lãnh thổ của họ.
Người ta đã viết nhiều về chương trình tàu sân bay non trẻ của hải quân Trung Quốc. Với một tàu sân bay thông thường duy nhất trong trang bị là tàu Liêu Ninh và tàu sân bay thứ hai đang đóng, Trung Quốc rõ ràng đã cam kết tham vọng có được ít nhất là khả năng tấn công bằng tàu sân bay quy mô nhỏ. Trung Quốc sẽ sử dụng khả năng mới này như thế nào là đề tài của nhiều đồn đoán.
Một số lượng lớn các tàu bảo đảm tiếp vận và tàu chiến mặt nước hoàn toàn mới để lập thành một cụm tàu sân bay chiến đấu (CBG) hùng mạnh đã và đang được đóng. Trung Quốc sẽ có một CBG thông thường trong vài năm tới.
|
Hoạt động bay trên tàu sân bay đầu tiên lớp Liêu Ninh |
Một phát triển quan trọng và có lẽ ít giật gân, bắt mắt hơn các tàu sân bay là sự phát triển và hiện đại hóa khả năng đổ bộ của cả lục quân và hải quân Trung Quốc. Các chiến lược gia quân sự Trung Quốc nhận ra rằng, sức mạnh hải quân, bao gồm không quân hải quân, có thể tung sức mạnh và cũng có thể đem lại cho Trung Quốc các phương tiện tạo ra sự hiện diện hải quân tinh tế hơn, nhưng rất hiệu quả trong khu vực.
Sự hiện diện của hải quân Trung Quốc trong khu vực có thể tạo ra lợi thế ảnh hưởng trong cuộc đấu tranh chính trị với các nước láng giềng. Cả sự hiện diện hải quân lẫn sức mạnh hải quân và sức mạnh không quân hải quân đều không thể đánh chiếm (hoặc chiếm lại) và giữ vững đất đai, vì thế Trung Quốc đã quyết định rằng, một lực lượng đổ bộ mạnh, hiện đại và có quy mô đủ lớn là một thành tố cần thiết trong chiến lược biển tổng thể của Trung Quốc. Điều quan trọng là lực lượng này đã tăng gấp đôi quy mô trong 5 năm qua và đã được trang bị những vũ khí trang bị mới, công nghệ cao và lực lượng sơ khai của thành phần vận tải biển có thể vận chuyển lực lượng đó đi chiến đấu.
|
Tàu đốc vận tải đổ bộ (LPD) lớp Type 071 LPD và 5 tàu đổ bộ chở tăng (LST) lớp Type 072 trong cuộc tập trận đổ bộ năm 2015 |
GÓC NHÌN LỊCH SỬTrung Quốc bắt đầu quan tâm đến tác chiến đổ bộ từ thời chiến tranh Triều Tiên và khi Trung Quốc nỗ lực đánh bại Quốc dân đảng trong những năm 1950. Không có nghi ngờ gì nữa, cac cuộc đổ bộ đường biển do Hoa Kỳ tiến hành trong chiến tranh Triều Tiên và diễn tiến tiếp theo của cuộc chiến này đã có ảnh hưởng lớn đến các chiến lược gia quân đội Trung Quốc. Thắng lợi của các cuộc đổ bộ quyết định ở Inchon và những phẩm chất chiến đấu tuyệt vời của Thủy quân lục chiến Mỹ thể hiện trong giao tranh ác liệt trong trận Hồ Chosin (Changjin) đã có ảnh hưởng lâu dài đối với các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc. Các bài học kinh nghiệm ở Triều Tiên cùng với bối cảnh cuộc nội chiến Trung Quốc chưa kết thúc giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Quốc dân đảng vẫn chiếm giữ Đài Loan và một số đảo nhỏ hơn. Trung Quốc thiếu khả năng đổ bộ để tấn công các hòn đảo này, cũng như không có sức mạnh hải quân hoặc sức mạnh không quân để yểm trợ một nỗ lực với hy vọng thành công nào đó.
Năm 1953, quân đội Trung Quốc đã thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ. Lực lượng nhỏ này đã bị giải tán vào năm 1957 khi Trung Quốc từ bỏ ý tưởng tấn công đảo Đài Loan trong tương lai gần. Lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc được tái lập vào năm 1979, gồm một lữ đoàn lính thủy đánh bộ đóng ở đảo Hải Nam tiếp giáp Biển Đông. Có thể là tại thời điểm đó, Trung Quốc muốn có một lực lượng răn đe và phản ứng tương đối mạnh để tiếp tục xung đột với Việt Nam về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa. Trong những năm 1990 và cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan sau đó diễn ra trong thập kỷ đó, lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc đã được mở rộng về quy mô lên 2 lữ đoàn đủ.
LỰC LƯỢNG LÍNH THỦY ĐÁNH BỘ TRUNG QUỐCVới biên chế chỉ gồm 2 lữ đoàn với khoảng 6.000 sĩ quan và binh lính, Lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc đã trải qua quá trình biến đổi liên tục kể từ khi cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan những năm 1990. Lực lượng này đã được trang bị các loại vũ khí nhỏ và trang bị hiện đại nhất và tính năng tốt nhất của Trung Quốc, và sử dụng các xe bọc thép tấn công đổ bộ thế hệ mới ZBD05/ZBD2000. Có dáng dấp bắt chước mô hình Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC), Lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc được huấn luyện rất tốt trong tất cả các hình thức tác chiến hiện đại. Họ huấn luyện cường độ cao ở mọi vùng khí hậu và điều kiện thời tiết, từ sa mạc đến rừng rậm, và thậm chí cả điều kiện cực lạnh. Họ được coi là thành phần trọng yếu của lực lượng phản ứng nhanh Trung Quốc, vì thế có khả năng cơ động cao và được duy trì lưu ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao.
|
Lính thủy đánh bộ Trung Quốc luyện tập trong mọi môi trường và điều kiện. Trên ảnh: Luyện tập trên cánh đồng tuyết lạnh năm 2015 |
Cơ cấu lực lượng hiện tại của lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc gồm 2 lữ đoàn (Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 1 và Lữ đoàn lính thủy đánh bộ số 164). Mỗi lữ đoàn gồm 1 trung đoàn thiết giáp và 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ và các đơn vị bảo đảm khác:
Vũ khí trang bị biên chế của lữ đoàn lính thủy đánh bộ:+ 1 trung đoàn thiết giáp gồm 1 tiểu đoàn xe bọc thép tấn công đổ bộ/xe tăng hạng nhẹ ZBD (T) 05/2000 và 2 tiểu đoàn xe chiến đấu bộ binh ZBD05.
+ 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ được cơ giới hóa và trang bị xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh ZBD05.
+ 1 tiểu đoàn pháo tự hành được trang bị pháo tự hành có khả năng lội nước PLZ-07B 122mm.
+ 1 tên lửa tiểu đoàn tên lửa chống tăng và phòng không.
+ 1 tiểu đoàn công binh.
+ 1 tiểu đoàn thông tin.
+ 1 tiểu đoàn bảo đảm kỹ thuật dã chiến.
Mặc dù các cuộc diễn tập đổ bộ lớn được tiến hành trong năm 2015 và 2016 đã cho thấy việc sử dụng xe tăng chủ lực Type 96 trong các cuộc tấn công đổ bộ, các đơn vị thiết giáp này nhiều khả năng đến từ một trong 2 sư đoàn bộ binh cơ giới đổ bộ của Lục quân Trung Quốc chứ không phải là các trung đoàn thiết giáp của lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc. Mặc dù các xe bọc thép nặng hơn có thể được vận chuyển nhanh chóng đến các đầu cầu bằng các tàu đệm khí của hải quân Trung Quốc, lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc hiện đang dựa vào tốc độ cao của các xe thiết giáp ZBD05/2000 của mình để chuyển quân từ các phương tiện vận tải xa bờ như tàu đốc đổ bộ Type 071. ZBD05 là là xe bọc thép tấn công đổ bộ có tốc độ cao nhất thế giới, có thể đạt tốc độ tối đa 45 km/h trên mặt nước. Ngoài ra, lính thủy đánh bộ Trung Quốc còn thành thục về các hoạt động đổ bộ đường không, tấn công đổ bộ bằng xuồng nhỏ và các hoạt động lặn ngầm.
|
Lính thủy đánh bộ Trung Quốc thực hành đổ bộ bằng xe chiến đấu bộ binh
ZBD05 và xe tăng hạng nhẹ ZBT05. Các loại xe bọc thép lội nước này có sự
cân bằng về tốc độ, tính linh hoạt và sức mạnh hỏa lực |
MỞ RỘNG CÁC SƯ ĐOÀN BỘ BINH ĐỔ BỘ CƠ GIỚI HÓA Mặc dù Lực lượng lính thủy đánh bộ Trung Quốc là một lực lượng tấn công đổ bộ và phản ứng nhanh có tiềm năng rất mạnh, ban lãnh đạo chính trị-quân sự Trung Quốc nhiều năm trước đã nhận thấy rằng, lực lượng này quá nhỏ để phản ứng với vô số mối đe dọa trên suốt các dải biên giới biển của Trung Quốc, cũng khgoong đủ lớn để mở cuộc tấn công thành công chiếm giữ Đài Loan. Trong khi Trung Quốc tiếp tục mở rộng tầm với đường biển đến các vùng biển xa và tìm kiếm khả năng sử dụng các căn cứ ở nước ngoài như căn cứ đang được mở ở Obock, Djibouti, thì quyết định mở rộng khả năng đổ bộ cho quân đội là một quyết định dễ dàng. Với hơn 30 tỷ USD đã đầu tư ở châu Phi, căn cứ Obock sẽ cho phép Trung Quốc hỗ trợ cho sự hiện diện hải quân liên tục ở vùng Sừng châu Phi, nơi nó sẽ được triển khai để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc trong khu vực. Khả năng tung sức mạnh đủ mạnh dưới hình thức các lực lượng đổ bộ đường biển và đường không được xem là cực kỳ cần thiết để bảo vệ các lợi ích của Trung Quốc ở châu Phi, Ấn Độ Dương, Biển Đông và biển Hoa Đông, đặc biệt là khi Trung Quốc đang đối đầu với những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc.
Kể từ năm 2014, lãnh đạo quân sự cấp cao Trung Quốc đã quyết định mở rộng 2 sư đoàn bộ binh đổ bộ cơ giới hóa đã thành lập (Giữa) lên đến 4 sư đoàn. Các sư đoàn này được đặt dưới quyền chỉ huy của Lục quân Trung Quốc, trong khi Lực lượng lính thủy đánh bộ đặt dưới quyền chỉ huy của Hải quân Trung Quốc. Có lẽ một trong những thách thức lớn nhất phải đối mặt để sử dụng thành công các sư đoàn bộ binh đổ bộ cơ giới hóa trong các chiến dịch quân sự phức tạp là chỉ huy và kiểm soát liên hợp giữa hai quân chủng. Trung Quốc đã sớm nhận thức được việc này nên các cuộc diễn tập đổ bộ phức tạp được tiến hành trong hai năm qua cho thấy những nỗ lực để đương đầu và làm chủ các vấn đề chỉ huy và điều khiển phức tạp này.
Hiện có 4 sư đoàn bộ binh đổ bộ cơ giới hóa được thành lập trong Lục quân Trung Quốc. Các sư đoàn bộ binh đổ bộ cơ giới hóa số 1 và số 86 có sở chỉ huy đặt tại quân khu Nam Kinh (Bộ Tư lệnh chiến khu miền Đông) và các sư đoàn bộ binh đổ bộ cơ giới hóa số 123 và 124 có sở chỉ huy đặt tại quân khu Quảng Châu (Bộ Tư lệnh chiến khu miền nam). Mỗi sư đoàn tương đương một sư đoàn bộ binh cơ giới hóa, nhưng được bổ sung các xe bọc thép lội nước tính năng cao như họ xe ZBD05/2000.
Vũ khí trang bị biên chế của sư đoàn bộ binh đổ bộ cơ giới hóa+ 2 trung đoàn bộ binh đổ bộ cơ giới hóa.
+ 1 trung đoàn thiết giáp đổ bộ.
+ 1 trung đoàn pháo binh.
+ 1 trung đoàn pháo phòng không.
+ Các đơn vị bảo đảm khác, gồm công binh, thông tin và bảo đảm kỹ thuật.
Sự mở rộng các sư đoàn bộ binh đổ bộ cơ giới hóa giúp cho Lục quân Trung Quốc có khả năng đổ bộ mạnh hơn có thể cần thiết trong tương lai gần nhằm răn đe những thách thức khu vực đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở cả Biển Đông và biển Hoa Đông, và khả năng phản ứng hữu hiệu đối với những hành vi vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc. Mặc dù những đề nghị ngoại giao của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã giúp làm dịu bất kỳ sự bùng nổ tranh chấp lãnh thổ có thể có giữa hai nước ở Biển Đông sau phán quyết PCA mùa hè này, Nhật Bản rõ ràng là đã quyết định điền vào chỗ trống của Philippines. Nhật Bản đã công bố kế hoạch hợp tác với Mỹ trong các cuộc tuần tra “tự do hàng hải” trong khu vực. Nhật Bản đã quyết định tự đưa mình vào một cuộc tranh chấp mà trước đó họ không hề quan tâm. Điều này chắc chắn là có liên quan đến sự xấu đi của quan hệ Trung-Nhật xung quanh tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông, tập trung vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhật Bản cũng đang gia tăng khả năng tác chiến đổ bộ đường biển của mình nhằm thách thức tuyên bố của Trung Quốc đối với vùng lãnh thổ mà Nhật coi là thuộc chủ quyền của mình.
|
Nhiều tranh chấp lãnh thổ chồng lấn đang thách thức Trung Quốc và các nước láng giềng trong khu vực |
Không quốc gia nào trong số các kẻ thủ tiềm năng của Trung Quốc trong khu vực, ngoại trừ Hải quân Mỹ, có một lực lượng tác chiến đổ bộ có thể sánh với Trung Quốc. Khi kết hợp với lực lượng lính thủy đánh bộ thuộc hải quân Trung Quốc, các sư đoàn bộ binh đổ bộ cơ giới hóa cung cấp cho ngành ngoại giao Trung Quốc một công cụ phô trương sức mạng thực tiễn rất mạnh mẽ. Các cuộc tập trận đổ bộ được tổ chức thường xuyên phô trương sức mạnh gia tăng của các lực lượng này chỉ củng cố thêm thực tế này. Có lẽ những thách thức rõ ràng nhất đối với lực lượng lính thủy đánh bộ và các sư đoàn bộ binh đổ bộ cơ giới hóa, và cũng là điểm yếu lớn đang trong quá trình khắc phục, là thiếu khả năng vận tải đường biển hạng nặng để vận chuyển các đơn vị trong các chuyến đi biển dài và trong tầm tấn công của các mục tiêu lý thuyết của các lực lượng này.
KHẢ NĂNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BIỂNNhư đã nêu trước đó, lực lượng đổ bộ của Trung Quốc đã trải qua cả sự tăng trưởng về số lượng và năng lực trong hai thập kỷ qua. Quân đội Trung Quốc tiếp tục giảm quân số và điều chỉnh sắp xếp để chuyển từ một lực lượng chủ yếu là lính nghĩa vụ sang một quân đội chuyên nghiệp được huấn luyện tốt. Trung Quốc đã thành công trong việc cải cách các tổ chức quân sự của mình, cũng như đầu tư một cách khôn ngoan vào các hệ thống vũ khí mới công nghệ cao, các hệ thống quản lý thông tin liên lạc và công nghệ thông tin và các radar điều khiển bắn và theo dõi. Tất cả những yếu tố này đã tạo nên một lực lượng tác chiến đổ bộ cực kỳ linh hoạt và mạnh mẽ. Một trong những thành phần hiện còn thiếu, mặc dù đang trong quá trình khắc phục, là thiếu khả năng vận tải đường biển hiện đại bảo đảm cho khả năng đổ bộ mở rộng của Trung Quốc.
Tàu đốc vận tải đổ bộ lớp Type 071Kể từ năm 2006 với việc hạ thủy của tàu đổ bộ Côn Lôn Sơn số 998, Trung Quốc bắt đầu hiện đại hóa khả năng tấn công đổ bộ của mình. Tàu Côn Lôn Sơn, tàu đầu tiên của lớp tàu đốc vận tải đổ bộ Type 071, là tàu đầu tiên trong 6 sáu tàu dự định đóng. Bốn tàu đã được hạ thủy và đưa vào biên chế từ tháng 12/2006. Các tàu đốc vận tải đổ bộ này được trang bị một bãi đáp cho trực thăng và một nhà chứa máy bay để bảo đảm hoạt động của trực thăng, cũng như một sàn đổ bộ cho phép tiến hành các cuộc đổ bộ bằng các xe đổ bộ lội nước (AAV), xuồng đổ bộ hoặc tàu đổ bộ đệm khí (LCAC). Mỗi tàu được biên chế một bệnh viện, một khoang chở hàng rộng để chứa hàng cứu trợ thiên tai và hay xe hạng nhẹ và khoang chở quân quân chứa được khoảng 500-800 quân tùy thuộc vào nhiệm vụ. Các tàu đốc vận tải đổ bộ có sự linh hoạt vốn có để cung cấp khả năng đổ bộ đường không ngoài đường chân trời và tấn công đổ bộ đường biển.
|
Ba trong số 4 tàu đổ bộ lớp Type 071 trong biên chế đang cập cảng ở miền nam Trung Quốc |
Các tàu đốc vận tải đổ bộ là phương tiện hoàn hảo vừa để phản ứng với các cuộc tấn công quân sự vào khu vực đảo tranh chấp như quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa, lẫn làm phương tiện bảo đảm cho căn cứ đảo của Trung Quốc tại các khu vực này. Các tàu đốc vận tải đổ bộ rất phù hợp để ứng phó với các thảm họa nhân đạo trong khu vực nhờ khả năng và tính linh hoạt vốn có của chúng. Các tàu này nhỏ hơn và có mớn nước nông hơn tàu đốc đổ bộ chở trực thăng (LHD) cỡ lớn hơn nên có thể đi vào khu vực có cơ sở hạ tầng hàng hải tối thiểu trong trường hợp ứng phó với thảm họa nhân đạo. Tại các khu vực dễ bị bão lụt như Đông Nam Á, tàu đốc vận tải đổ bộ là một công cụ có giá trị trong các hoạt động cứu trợ nhân đạo thiên tai (HADR).
Tàu đổ bộ chở tăng lớp Type 072AHải quân Trung Quốc hiện có 15 tàu đổ bộ chở tăng (LST) lớp Type 072A trong biên chế. Không rõ, họ dự định đóng tàu cổng bao nhiêu tàu lớp này, nhưng dự đoán Type 072A được dùng để thay thế các lớp tàu đổ bộ chở tăng cũ hơn là Type 072 và Type 072II. Giống với thiết kế với loại tàu đổ bộ chở tăng lớp Type 072III trước đó, lớp tàu Type 072A cấu trúc thượng tầng hợp lý hơn và một sàn đổ bộ được thiết kế để chứa một tàu đổ bộ đệm khí. Tàu này có bãi đáp nhỏ có thể chứa 1 trực thăng và boong dưới có không gian đủ để chứa tối đa 10 xe tăng chủ lực, hoặc các xe hạng nhẹ và hàng có tổng trọng lượng 500 tấn. Tàu có thể chở khoảng 250-300 quân.
Trong biên chế của hải quân Trung Quốc hiện có tổng cộng 32 tàu đổ bộ chở tăng các kiểu của lớp Type 072. Các tàu đổ bộ chở tăng truyền thống này nhận tải qua cửa dốc ở đuôi và cập bãi biển bằng mũi tàu khi đổ bộ. Các cánh cửa ở mũi tàu mở ra, hạ cầu dốc để xe và binh sĩ rời tàu. Type 072A có thể thả và thu hồi các tàu đổ bộ đệm khí ngay trên biển nhờ nó có sàn đổ bộ ướt tương tự như các tàu đốc đổ bộ, tàu đổ bộ (LSD) hoặc tàu đốc đổ bộ chở trực thăng. Thiết kế của tàu đổ bộ chở tăng và áp dụng phương pháp cập bãi để đổ bộ phương tiện người và hàng nên tàu mớn nước rất nông, chỉ 2,8 m ở Type 072A.
|
Tàu đổ bộ chở tăng lớp Type 072III đang đổ bộ xe đổ bộ lội nước ZBT05 qua cầu dốc ở mũi tàu |
Tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr và các tàu đổ bộ đệm khí của Trung QuốcTrung Quốc đã rất nỗ lực để sở hữu tàu đổ bộ đệm khí cỡ lớn kể cả chế tạo nội địa lẫn từ nước ngoài. Năm 2009, chính phủ Trung Quốc đã ký thỏa thuận với một công ty Ukraine để mua 2 tàu đổ bộ đệm khí hạng nặng lớp Zubr và giấy phép đóng thêm 2 chiếc ở Trung Quốc. Bốn tàu này đã được bổ sung bằng 4 tàu cùng loại mua của Hải quân Hy Lạp. Là tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới, Zubr có thể chở tải trọng 150 tấn đi xa 300 hải lý ở tốc độ 40 hải lý/h.
Ưu điểm của các tàu đổ bộ đệm khí là chúng có thể chở quân và xe từ biển vào trong đất liền, vượt qua bãi biển và đi sâu vào đất liền. Khả năng này cho phép các nhà hoạch định quân có nhiều lựa chọn hơn khi kết hợp với các hoạt động đổ bộ đường biển truyền thống và đổ bộ đường không. Với trọng tải lớn, Zubr có thể chở tối đa 3 xe tăng chủ lực Type 96 nhanh chóng đến chiến trường và triển khai phía sau các phòng tuyến của kẻ thù.
|
Tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr đang đổ bộ xe tăng chủ lực Type 96 trong cuộc tập trận đổ bộ năm 2015 |
Tàu đổ bộ đệm khí lớp Type 726 YuyiTrung Quốc đã sản xuất một tàu đổ bộ đệm khí có thiết kế giống với tàu đổ bộ đệm khí của Hải quân Mỹ, nhưng nhỏ hơn và chở được tải trọng nhỏ hơn. Type 726 Yuyi được thiết kế để bố trí trong sàn đổ bộ ướt của tàu đốc đổ bộ lớp Type 071 (có thể chứa 4 tàu đệm khí loại này). Các tàu lớp Yuyi có thể chở tải trọng 60 tấn với tốc độ 60 hải lý/h. Trung Quốc mới chỉ sản xuất các tàu đổ bộ đệm khí này trong vài năm gần đây nên chưa rõ tổng số lượng các tàu này hiện có trong biên chế. Tuy nhiên, có thể giả định hải quân Trung Quốc sẽ yêu cầu trang bị 4 tàu đổ bộ đệm khí cho mỗi tàu Type 071 hiện có trong trang bị. Nhiều khả năng, hải quân Trung Quốc sẽ yêu cầu bổ sung tàu đổ bộ đệm khí cho các tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Type 075 vốn đang ở giai đoạn lập kế hoạch phát triển.
Tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Type 075/Type 081Trung Quốc đã giới thiệu công khai một số khái niệm và mô hình, cho thấy hải quân Trung Quốc muốn triển khai trường một loại tàu đốc đổ bộ chở trực thăng trong tương lai gần. Tính đa dụng và linh hoạt của loại phương tiện này đã được thừa nhận rộng rãi và được tất cả các lực lượng hải quân lớn trên thế giới chấp nhận. (Có thể tham khảo bài viết “Miltiary Analysis: Multirole Naval Platforms of the 21st Century” [Phân tích quân sự: Các phương tiện hải quân đa nhiệm của thế kỷ 21] phân tích chi tiết về xu hướng này). Tất cả các kẻ thù tiềm tàng của Trung Quốc trong khu vực, gồm Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Mỹ, đều có các phương tiện hải quân đa nhiệm (MNP) cỡ lớn trong biên chế. Một tàu đốc đổ bộ chở trực thăng, tàu đổ bộ chở trực thăng (LHA) hay tàu khu trục chở trực thăng (DDH) cỡ lớn đem lại tính linh hoạt cao hơn và những lựa chọn bổ sung cho các nhà hoạch định quân sự, và buộc các kẻ thù tiềm tàng phải thay đổi tính toán chiến lược của mình cho phù hợp.
Có thể dự đoán hải quân Trung Quốc sẽ cố gắng triển khai 1 hoặc 2 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng ở cả chiến khu miền Nam và chiến khu miền Đông với nhiệm vụ đối phó với hành động khiêu khích lãnh thổ hoặc xâm phạm chủ quyền. Các tàu đốc đổ bộ chở trực thăng cũng cực kỳ hữu ích trong việc thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo thiên tai. Với kích thước lớn và thời gian hoạt động dài, các tàu này có thể vận chuyển số lượng lớn viện trợ vật chất và hỗ trợ nhân đạo trong các sự kiện khủng hoảng. Trung Quốc có thể giành được những thắng lợi chính trị trong khu vực bằng cách giúp đỡ các nước láng giềng khi xảy ra thảm họa nhân đạo bằng một công cụ giá trị như vậy.
Các kích thước và và tính năng dự kiến của các thiết kế khác nhau được giới thiệu công khai cho thấy, Trung Quốc trù tính sở hữu một loại tàu đốc đổ bộ chở trực thăng có lượng giãn nước rất lớn. Với lượng giãn nước 36.000-40.000 tấn, tàu này lớn hơn nhiều tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Canberra của Hải quân Hoàng gia Australia với lượng giãn nước 27.500 tấn. Nó cũng lớn hơn tàu khu trục chở trực thăng lớp Izumo với 27.000 tấn của Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản. Tàu của Trung Quốc có lượng giãn nước gần hơn với tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Wasp của Hải quân Mỹ với 41.000 tấn. Trừ khi hải quân Trung Quốc quyết tâm trang bị máy bay cánh cố định cất/hạ cánh thẳng đứng/đường băng ngắn (VSTOL) từ các tàu mới giống như lớp Wasp hiện nay, kích thước lớn như vậy cũng cho thấy, tàu có khả năng đổ bộ đường không bằng trực thăng mạnh hơn và tầm xa hơn so với các thiết kế tàu đốc đổ bộ chở trực thăng hiện đại, hoặc một khả năng chở hàng và đổ bộ đường biển lớn. Với thiên hướng cạnh tranh với các thiết kế của Mỹ, các công trình sư hải quân Trung Quốc có thể trù tính một tàu đổ bộ có thiết kế và năng lực gần với lớp Wasp, hoặc thậm chí như là một tàu đổ bộ chở trực thăng lớp America của Mỹ nhưng thu nhỏ lại.
|
Khái niệm tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Type 075 của Trung Quốc
(trên) và tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp Wasp hiện trong biên chế Hải
quân Mỹ (dưới) |
ĐỘNG LỰC ĐỂ TRUNG QUỐC TĂNG CƯỜNG KHẢ NĂNG TÁC CHIẾN ĐỔ BỘTrung Quốc có một danh sách lý do ngày càng dài để theo đuổi việc mở rộng khả năng tác chiến đổ bộ của mình. Trung Quốc không chỉ đối mặt với những thách thức đối với toàn vẹn lãnh thổ từ nhiều nước láng giềng, mà còn bị thách thức ráo riết hơn về địa-chính trị từ phía Mỹ. Mỹ đang cố gắng ngăn chặn một Trung Quốc ngày càng quyền lực hơn tại thời điểm khi mà các lợi ích toàn cầu ngày càng tăng và ảnh hưởng của Trung Quốc đang ở chiều hướng đi lên. Một sự kết hợp như vậy chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột chính trị và ngoại giao, nếu không phải là xung đột quân sự vào một lúc nào đó trong tương lai không xa. Trung Quốc phải tự chuẩn bị cho tình huống này và phát triển các phương tiện để bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình ở phạm vi địa lý lớn hơn. Đồng thời hỗ trợ cho các yêu sách lãnh thổ trong thực tế bằng cách phát triển các khu định cư, các căn cứ quân sự và các trạm cảnh báo sớm trên một nhóm đảo trong vùng biển tranh chấp, Trung Quốc phải có khả năng tác chiến đổ bộ răn đe mạnh và các phương tiện để giành lại quyền kiểm soát đối với bất kỳ cơ sở nào kể trên bị chiếm giữ từ tay các lực lượng xâm lược.
Tranh chấp ở Biển ĐôngĐể hỗ trợ và phòng thủ chuỗi các đảo nhỏ ở cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Trung Quốc sẽ cần phải phát triển một lực lượng tác chiến đổ bộ mạnh mẽ và linh hoạt có thể phản ứng nhanh chóng với các mối đe dọa từ các bên khác tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này và thách thức ngày càng nhiều khả năng và rõ ràng từ phía Mỹ. Thông báo chính thức gần đây rằng, Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản sẽ tham gia các cuộc tuần tra “tự do hàng hải” trong tương lai cùng với Hải quân Mỹ chỉ tạo thêm động lực cho điều đó. Trung Quốc rõ ràng là tiến tới việc thiết lập một khả năng chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (AD/A2) mạnh mẽ tại Biển Đông. Việc xây dựng một cụm lực lượng sẵn sàng đổ bộ phản ứng nhanh (ARG) là bước tiếp theo trong việc bảo vệ tuyên bố chủ quyền của họ trong khu vực.
Tranh chấp ở quần đảo Senkaku/Điếu NgưTranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã lại nóng lên trong năm nay, nhất là sau phán quyết PCA trong tháng 7/2016. Trung Quốc đã cử các đội lớn tàu khảo sát không vũ trang và tàu cá tiến vào lãnh hải của quần đảo này, cũng như một số lượng nhỏ tàu Hải cảnh có vũ trang kể từ khi phán quyết được công bố. Nhật Bản đã buộc phải điều động tàu Cảnh sát biển của mình để đối phó. Các quan chức Nhật Bản đã thông báo ý định phát triển một hệ thống tên lửa mới để bảo vệ các đảo trong tháng 8/2016 và đang tiếp tục tăng cường khả năng đổ bộ của Nhật Bản. Trung đoàn bộ binh thuộc Quân đoàn miền Tây, Lực lượng Phòng vệ mặt đất Nhật Bản đã huấn luyện cùng với Thủy quân lục chiến Mỹ về tác chiến đổ bộ bắt đầu từ năm 2014 và sẽ là nòng cốt của lực lượng phản ứng nhanh được triển khai từ các tàu đổ bộ chở tăng và tàu khu trục chở trực thăng của Lực lượng Phòng vệ trên biển Nhật Bản. Nhật Bản dự định thành lập một lữ đoàn đổ bộ trên cơ sở Trung đoàn bộ binh của Quân đoàn miền Tây, được trang bị 52 xe chiến đấu đổ bộ lội nước và 17 máy bay cánh quạt lật V-22 Osprey.
Trung Quốc đã phản ứng bằng việc tiến hành tập trận trên không trong khu vực, phái các toán lớn máy bay tiêm kích, máy bay tiếp dầu và máy bay do thám bay vào không phận trên quần đảo tranh chấp. Trung Quốc đã thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trong khu vực vào cuối năm 2013 để phản ứng với việc chính phủ Nhật Bản mua một trong các hòn đảo từ tay chủ sở hữu tư nhân. Trong khi tranh chấp trở nên gay gắt hơn, cả hai bên sẽ tiếp tục đặt lực lượng đổ bộ của mình ở trạng thái sẵn sàng như một phương án dự phòng.
Vấn đề Đài LoanTranh chấp chủ quyền lãnh thổ dai dẳng nhất giữa Trung Quốc với một bên khác chính là vấn đề Đài Loan. Trung Hoa Dân quốc (Đài Loan) được một số nước công nhận là một quốc gia độc lập, còn các nước khác lại coi đây là bộ phận không thể tách rời của Trung Quốc, còn đa số các nước thì coi là một phần của Trung Quốc, nhưng thực chất tự trị. “Chính sách Một nước Trung Quốc” đã tồn tại trong tất cả sự mơ hồ của nó trong nhiều thập kỷ mà không có hồi kết dứt khoát ở một lúc nào đó trong tương lai gần. Trong những thập kỷ gần đây, các chính phủ kế tiếp của Trung Quốc và Đài Loan đã làm việc chủ yếu nhằm duy trì hiện trạng. Ngay cả các vị tổng thống ủng hộ độc lập của Đài Loan cũng đã thấy sự vô ích của việc chính thức tuyên bố độc lập.
Mặc dù Trung Quốc hiện nay chưa có khả năng xâm lăng và chiếm giữ đảo Đài Loan bằng quân sự, nhưng xu hướng hiện nay không phải là điềm tốt cho nền độc lập của Đài Loan. Trong khi hải quân Trung Quốc mở rộng, triển khai với số lượng lớn hơn các hạm tàu có tính năng mạnh hơn, đặc biệt là khả năng đổ bộ đường biển mình, sẽ đến một thời điểm trong tương lai không xa khi Trung Quốc sẽ có khả năng đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Một hành động như vậy sẽ rất cực kỳ tổn hại cho cả hai bên. Một lực lượng tác chiến đổ bộ mạnh nhiều khả năng nhất là sẽ được sử dụng làm đòn bẩy ngoại giao trong nỗ lực thống nhất hòa bình của hai nước Trung Quốc.
|
Lính thủy đánh bộ Trung Quốc và Nga tiến hành cuộc tập trận đổ bộ chung
trong cuộc tập trận “Hợp tác trên biển 2015” gần Vladivostok, Nga. Cuộc
tập trận tương tự đã được tiến hành vào tháng 8/2016 ở Biển Đông |
Những thách thức đối với ảnh hưởng quân sự, kinh tế và chính trị của Trung Quốc trên toàn thế giới rất lớn. Trong khi sức mạnh của Trung Quốc đang tăng lên, nước Mỹ đang suy yếu vẫn hy vọng cản trở và kiềm chế cái mà họ coi là một thách thức khó chịu. Sau khi tuyên bố “Xoay trục sang châu Á” trong nhiệm kỳ đầu của mình, Tổng thống Mỹ Obama đã làm cho điều đó trở nên khá rõ ràng. Trong những năm qua, đặc biệt là trong hai năm gần đây, Mỹ đã làm việc không mệt mỏi nhằm tạo ra sự bất hòa trong khu vực, tận dụng tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng và ngày càng quân sự hoá khu vực.
KẾT LUẬNTrung Quốc đang xây dựng lực lượng vũ trang của mình cho thế kỷ 21. Điều đó đòi hỏi phải có một đánh giá lại tổng thể về ý định sử dụng quân đội trong tương lai gần và trong thế kỷ tới. Một nhà quan sát am hiểu đã nhìn thấy một nỗ lực có phương pháp nhằm sắp xếp, hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa một quân đội tuyển quân nghĩa vụ nặng nề thành một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp, hùng mạnh. Những thách thức đối với ảnh hưởng quân sự, kinh tế và chính trị của Trung Quốc trên toàn cầu là rất nhiều. Trong khi sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng, sức mạnh của Mỹ đang suy yếu hy vọng để cản trở và chứa những gì mà họ coi là một thách thức không được hoan nghênh. Sau khi công bố một "Pivot đến châu Á" trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Tổng thống Obama đã thực hiện điều này khá rõ ràng. Trong những năm qua, đặc biệt là như vậy qua hai qua, Hoa Kỳ đã làm việc không mệt mỏi để kích động sự bất hòa trong khu vực, tận dụng các tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, và ngày càng quân sự hóa khu vực.
Bộ máy chính trị của Trung Quốc và giới lãnh đạo hải quân nước này hiểu sự cần thiết của một lực lượng tác chiến đổ bộ mạnh cả với tư cách sức mạnh răn đe lẫn như một công cụ để bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Những lợi ích quốc gia đó bao gồm việc bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và bảo vệ lợi ích quốc gia ở xa biên giới nước này. Rất có thể là với tốc độ hiện tại của hải quân Trung Quốc trong việc xây dựng và làm chủ các hoạt động hải quân phức tạp, nên thế giới sẽ chứng kiến việc triển khai một cụm tàu sân bay chiến đấu của Trung Quốc hoặc một binh đoàn đổ bộ liên hợp được tăng cường bằng tàu sân bay sẵn sàng hoạt động vào năm 2025.
Nhiều khả năng Mỹ sẽ tiếp tục những nỗ lực hiếu chiến nhằm kiềm chế đối thủ Trung Quốc vốn không thừa nhận tính tất yếu của sự trở lại với sự cân bằng sức mạnh đơn cực của thế giới. Khi các tỷ lệ nợ/GDP của của Mỹ gia tăng, hệ thống chính trị tham nhũng của Mỹ tiếp tục phung phí tài sản khó khẳn mới có được vào các hệ thống vũ khí ngày càng lãng phí và không hiệu quả gây thiệt hại cho quốc gia và chỉ có lợi cho tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Giới tinh hoa chính trị Mỹ nhiều khả năng sẽ làm cho chính sách sai lầm này gây tổn hại hơn nữa khi duy trì chính sách tiền tệ thất bại và phiêu lưu quân sự trong mấy thập kỷ qua vốn chẳng có ích gì trừ việc gây tổn hại cho an ninh quốc gia và nền kinh tế Mỹ. Điều này có nghĩa chính sách quân sự cân bằng trên miệng hố chiến tranh tiếp tục ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và một cuộc đối đầu rất có thể xảy ra với Trung Quốc.
Trung Quốc, Mỹ và các chư hầu trong khu vực là Nhật Bản, nhiều khả năng đang tiến tới một cuộc xung đột quân sự. Trừ khi một cái gì đó được thực hiện để hạ nhiệt tình hình, thế giới có thể sẽ chứng kiến một cuộc đối đầu quân sự ở Biển Đông hay xung quanh quần đảo Senkaku trong tương lai gần. Một cuộc đối đầu như vậy sẽ xác định xem liệu Trung Quốc có thể lật đổ trật tự thế giới cũ và giành lấy sự độc lập hành động thực sự trên thế giới hay không. Dù sao chăng nữa thì Trung Quốc cũng phải khai thác sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự của mình để đảm bảo sự độc lập và thực hiện mục tiêu toàn cầu của họ trong thế kỷ 21. Xây dựng khả năng tác chiến đổ bộ mạnh mẽ sẽ có vai trò quan trọng trong cuộc đấu sắp tới này.
* Tác giả: Brian Kalman, chuyên gia quản lý trong ngành công nghiệp
vận tải biển, từng là sĩ quan trong Hải quân Mỹ trong 11 năm, hiện sống
và làm việc tại khu vực Caribbe.