Vietnamdefence.com

 

Trung Quốc vạch ranh giới trên đại dương

VietnamDefence - Cùng với sự gia tăng sức mạnh của hải quân Trung Quốc, chu vi phòng thủ trên biển của nó cũng mở rộng và củng cố.

Hải quân Trung Quốc là một trong ba quân chủng độc lập của quân đội Trung Quốc, do một tư lệnh đồng thời là thứ trưởng quốc phòng đứng đầu. Cơ quan chỉ huy chính của hải quân Trung Quốc là bộ tư lệnh hải quân đặt ở Bắc Kinh.

Hạm đội tam hải

Quân số hải quân Trung Quốc năm 2010, theo số liệu của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế London, là 215.000 người. Lực lượng dự bị được tổ chức là 40.000 người. Các binh chủng chính của hải quân Trung Quốc là tàu ngầm, tàu nổi, không quân hải quân, phòng thủ bờ biển và lính thủy đánh bộ. Biên chế hải quân Trung Quốc còn bao gồm lực lượng phòng không, các lực lượng và đơn vị đặc nhiệm, các đơn vị và cơ quan hậu cần.

Về tổ chức, hải quân Trung Quốc gồm 3 hạm đội: hạm đội Bắc hải, hạm đội Đông hải và hạm đội Nam hải. Hạm đội là binh đoàn chiến dịch-chiến lược cơ bản của hải quân Trung Quốc; hải đội là binh đoàn chiến dịch (chiến thuật-chiến dịch); sư đoàn (lữ đoàn, tiểu đoàn) là đơn vị chiến thuật.
Mỗi hạm đội của hải quân Trung Quốc được phân công khu vực hoạt động riêng, bao gồm các vùng biển hay chiến trường khu vực đại dương chiến lược mà trong phạm vi đó hạm đội hàng ngày trong cả thời bình hoặc khi tiến hành các chiến dịch và hoạt động chiến đấu vào thời chiến giải quyết các nhiệm vụ đặt ra.
Thủy binh Trung Quốc không phải vô cớ bắt đầu coi mình là chủ nhân của đại dương (Reuters)
Khu vực hoạt động của hạm đội Bắc hải về chính diện chạy dọc đường bờ biển từ biên giới với CHDCND Triều Tiên (sông Áp Lục) đến thành phố Liên Vân Cảng, tiếp giáp với ranh giới của các đại quân khu Thẩm Dương, Bắc Kinh và Tế Nam, và trải rộng sang phía đông, bao trùm các vùng biển tiếp giáp của vịnh Bột hải và Hoàng hải và bao gồm 9 vùng phòng thủ bờ biển. Căn cứ hải quân chính và bộ tư lệnh hạm đội đặt tại thành phố Thanh Đảo. Hạm đội này cũng có các căn cứ hải quân và cơ sở trú đóng tại các thành phố Lữ Thuận và Uy Hải.
Khu vực hoạt động của hạm đội Đông hải chạy theo đường ranh giới phía nam thành phố Liên Vân Cảng đến thành phố Dongshan, giáp giới với đại quân khu Nam Kinh, và mở rộng sang phía đông, bao trùm các vùng biển biển Hoa Đông, bao gồm 7 vùng phòng thủ bờ biển. Căn cứ hải quân chính và bộ tư lệnh hạm đội Đông hải đặt tại thành phố Ninh Ba. Hạm đội này còn có các căn cứ hải quân và cơ sở trú đóng tại các thành phố Thượng Hải, Hàng Châu, Sâm Châu, Phúc Châu, Hạ Môn...
Khu vực hoạt động của hạm đội Nam hải trải rộng từ ranh giới chạy từ thành phố Dongshan đến biên giới với Việt Nam, bao gồm các tỉnh duyên hải, đặc khu hành chính Hongkong, và bao trùm khu vực Biển Đông, eo biển Đài Loan, mở rộng xa hơn ra các vùng biển cho đến các vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Philippines, trong đó có các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Căn cứ hải quân chính và bộ tư lệnh hạm đội Nam hải đặt tại thành phố Quảng Châu. Hạm đội này có một căn cứ hải quân lớn ở thành phố Tam Á, Hải Nam.
Các văn kiện chiến lược chính
Mục tiêu trong giai đoạn 1 của chương trình hiện đại hóa hải quân Trung Quốc là tạo các điều kiện để phát triển vững chắc năng lực chiến đấu của hải quân, xây dựng các cụm tàu có khả năng bảo đảm môi trường tác chiến thuận lợi trong phạm vi các khu vực hoạt động được giới hạn bởi “chuỗi đảo thứ nhất” - quần đảo Ryukyu, Philippines, cũng như trong khu vực biển Hoàng hải, Hoa Đông và Biển Đông Việt Nam.
Ở giai đoạn 2, dự định đến năm 2016, nâng cao sức chiến đấu của hải quân Trung Quốc đến trình độ có thể tiến hành các chiến dịch hiệu quả trong phạm vụ “chuỗi đảo thứ hai” - quần đảo Kurils, Hokkaido, quần đảo Mariana, Caroline và New Guinea, bao gồm tương ứng các vùng biển Nhật Bản và biển Philippines, cũng như các biển của quần đảo Indonesia.
Chuỗi đảo thứ nhất và chuỗi đảo thứ hai được các nhà lý luận hải quân Trung Quốc xem là nền tảng địa lý đánh dấu chu vi phòng thủ đường biển của Trung Quốc.

Dựa trên sự phân tích căn kẽ các hoạt động quâ sự của Mỹ và đồng minh trong cuộc chiến tranh Iraq lần thứ nhất, cũng như trong giai đoạn tiến hành chiến dịch chống Nam Tư, các nhà lý luận quân sự Trung Quốc đã soạn thảo “Các nguyên tắc chỉ đạo chiến lược quân sự cho giai đoạn mới”. Một trong những bộ phận cấu thành của văn kiện này là chương nói về phòng thủ tích cực mà thành tố hải quân của nó có tên gọi “Phòng thủ tích cực trên biển”.

Theo nội dung của chương này, hải quân Trung Quốc được giao các nhiệm vụ sau: đối phó cuộc xâm lược chống Trung Quốc từ các hướng đại dương (biển); bảo đảm phòng không và chống đổ bộ cho bờ biển; không để các lực lượng đối phương khống chế các vùng biển giáp giới Trung Quốc; bảo vệ chủ quyền quốc gia và các quyền chủ quyền trên biển (tạo và duy trì các điều kiện bảo đảm an toàn cho hoạt động kinh tế và các loại hình hoạt động khác ở vùng biển chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, cũng như các khu vực xa xôi trên đại dương thế giới); tạo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các quân chủng khác của quân đội Trung Quốc trên các hướng duyên hải; bảo vệ các tuyến đường giao thông trên biển/đại dương quan trọng sống còn, bảo đảm an ninh cho các tàu bè dân sự và các cơ sở của Trung Quốc trên biển.

Các lực lượng hạt nhân chiến lược thuộc biên chế hải quân Trung Quốc có nhiệm vụ thực hiện răn đe hạt nhân tin cậy nhằm ngăn chặn một cuộc xâm lược hạt nhân và chiến tranh quy mô lớn có sử dụng các vũ khí thông thường, kể cả vũ khí chính xác cao, có hiệu quả chiến đấu gần với vũ khí hủy diệt lớn.

Các nguyên tắc chỉ đạo còn có những điều quy định việc tiến hành các chiến dịch đường biển gồm các loại hoạt động chiến đấu tiến công và phòng ngự sau, cụ thể là: tổ chức phong tỏa đường biển và các hoạt động phong tỏa, phong tỏa và chiếm giữ các lãnh thổ đảo, tiến hành các chiến dịch đổ bộ; phá vỡ các tuyến giao thông trên biển/đại dương; tấn công các mục tiêu đối phương từ các hướng biển/đại dương; tiêu diệt các cụm tàu của hải quân đối phương tiềm tàng; phòng thủ các khu vực trú đóng lực lượng/quân đội bên mình; tiến hành các chiến dịch phòng không và chống đổ bộ; bảo vệ hoạt động vận chuyển đường biển (các tàu vận tải) của mình.

Các nhiệm vụ đối ngoại

Cùng với sự phát triển của lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển của Trung Quốc và tổ chức tuần tra chiến đấu thường xuyên cho lực lượng này, việc bảo vệ các tàu ngầm nguyên tử mang tên lửa đường đạn (SSBN) và bảo đảm độ bền vững chiến đấu của chúng trong các khu vực triển khai để thực hiện phóng các tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm (SLBM) trở thành một trong những chức năng chủ yếu của hải quân Trung Quốc.

Với sự gia tăng uy tín và ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới, tiếng nói của Trung Quốc ở Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, các nhiệm vụ hỗ trợ Liên Hiệp Quốc tiến hành các chiến dịch kiến tạo hòa bình và cưỡng chế hòa bình, cũng như bổ sung nội dung thực tế cho các hiệp định, điều ước quốc tế được ký ở dạng song phương lẫn đa phương được đặt ra cho hải quân Trung Quốc.

Chức năng quốc tế này của hải quân Trung Quốc được hiện thực hóa ở việc tiến hành các cuộc tập trận chung với hạm tàu của các nước khác, trong đó các cuộc tập trận và tập luyện các biện pháp cứu hộ trên biển, các biện pháp sơ tán nạn nhân từ các khu vực bị thiên tai và thảm họa công nghiệp, vận chuyển hàng hỗ trợ nhân đạo, phương tiện kỹ thuật hạng nặng để khôi phục hạ tầng bị và nhà cửa bị thiệt hại. Giữ vị trí quan trọng là việc tổ chức phối hợp khi tiến hành các hoạt động chống hải tặc và tiến hành các chiến dịch chống hải tặc độc lập...

Với sự gia tăng sức mạnh tổng hợp của Trung Quốc và sự định vị Trung Quốc như đại cường có tầm quan trọng và ảnh hưởng thứ hai của thế giới đương đại, nhiệm vụ “phô trương sức mạnh” được đặt ra với hải quân Trung Quốc. Nó được thực hiện dưới hình thức bảo đảm sự hiện diện hải quân của Trung Quốc ở các khu vực trên đại dương thế giới có tầm quan trọng với lợi ích quốc gia nhằm thực hiện các hành động phi quân sự (diễn tập, tập trận, thăm viếng...) để thể hiện đường lối chính trị của mình và gây áp lực đối với một quốc gia khác hay một nhóm quốc gia ở khu vực đó.

Một trong những hình thức “phô trương sức mạnh” với yếu tố đe dọa sử dụng vũ lực rõ rệt hơn để gây tác động đối với một quốc gia hay nhóm quốc gia nhằm ép buộc họ có những nhượng bộ nào đó là “tung sức mạnh” mà các nhà lý luận hải quân Trung Quốc không loại trừ khả năng sử dụng nó trong tương lai.

Để loại bỏ tính chất can thiệp của khái niệm “tung sức mạnh”, các nhà hoạt động chính trị và quân sự Trung Quốc hay đánh tráo ý nghĩa của nó khi đặt trọng tâm không phải vào việc bảo đảm sự hiện diện quân sự lâu dài mà vào khả năng tung quân/lực lượng đến một khu vực xác định trên trái đất, che giấu kết quả cuối cùng của nó, cũng như các mục tiêu chính trị và quân sự.

Các nhà phân tích Mỹ trong báo cáo thường niên gửi Quốc hội Mỹ về tình hình quân sự Trung Quốc lưu ý rằng, trong các tài liệu của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (quốc hội Trung Quốc) diễn ra tháng 3.2009 Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng, khả năng tung sức mạnh là phong vũ biểu quan trọng của sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong đó có sức mạnh quân sự. Trong đó, trọng tâm nhấn vào sự cần thiết sử dụng mọi phương tiện sẵn có nhằm tăng cường nhanh nhất khả năng của quân đội tiến hành cơ động nhanh lực lượng và phương tiện trên tất cả các hướng, cả bằng đường biển, đường bộ và đường không.

Trong những năm gần đây, có sự gia tăng mâu thuẫn giữa Trung Quốc và các nước đơn lẻ ở Đông Á về chủ quyền đối với các hòn đảo trong vùng biển khu vực và các khu vực thềm lục địa giáp giới với chúng, cũng như do mong muốn của các nước này không chỉ giành sự ủng hộ của Mỹ, mà còn có được sự bảo đảm bảo vệ quân sự từ phía Mỹ.

Điều đó được tính đến khi xác định các khu vực hoạt động cho các hạm đội Trung Quốc. Ranh giới của các khu vực đó có thể thay đổi cùng với những thay đổi về tình hình chính trị-quân sự, kinh tế trên thế giới và tại các khu vực, với sự thay đổi đường lối đối ngoại của quốc gia, sự xuất hiện của những chủ trương, phương hướng có tính khái niệm mới, với sự gia tăng khả năng chiến đấu của vũ khí trang bị hải quân và phát triển các phương pháp mới sử dụng chúng...

Vịnh Bột hải, biển Hoàng hải và eo biển Đài Loan

Vịnh Bột hải với vị trí địa lý, kích thước lớn và hình dáng của nó là một vùng biển được bảo vệ tốt, hầu như không thể tiếp cận đối với lực lượng tàu nổi và tàu ngầm của đối phương tiềm tàng và là khu vực lý tưởng để phóng SLBM. Các lối vào Hoàng hải thuận tiện cho phép các tàu của hạm đội Bắc hải thực hiện kiểm soát hoạt động của Hải quân phòng vệ Nhật Bản, Hải quân Hàn Quốc và các tàu chiến Mỹ đóng tại căn cứ hải quân ở Nhật Bản trong các vùng biển giáp ranh Hoàng hải.

Cùng với việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường của Mỹ-Nhật và khả năng tham gia hệ thống này của Hàn Quốc, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các lực lượng và phương tiện hạm đội Bắc hải là ngăn cản các chiến hạm của các nước trên được huy động tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường tiến vào các vùng biển cho phép đánh chặn tên lửa đường đạn và tên lửa hành trình có tầm bắn khác nhau của Trung Quốc.

Vấn đề Đài Loan với tư cách một vấn đề chung của một đất nước bị chia cắt vẫn tiếp tục là đối tượng chú ý và quan ngại thường xuyên của ban lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc. Sự quan ngại này vẫn còn mặc dù căng thẳng trong quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan sau khi quốc dân đảng quay lại nắm quyền ở Đài Bắc và Mã Anh Cửu được bầu làm tổng thống Đài Loan, người không chia xẻ ý tưởng độc lập cho Đài Loan mà chính quyền trước tuyên bố đã giảm rõ rệt.

Mặt khác, làm gia tăng sự lo ngại là những tuyên bố của các quan chức chính quyền Tổng thống Barack Obama về ý định của Mỹ cung cấp cho Đài Loan vũ khí trang bị phòng thủ, trong đó có các trực thăng đa nhiệm UН-60 Black Hawk, các hệ thống tên lửa phòng không/phòng thủ tên lửa Patriot РАС-3, các tên lửa huấn luyện Harpoon tổng trị giá 6,4 tỷ USD.

Để hỗ trợ kỹ thuật cho các chuyên gia Đài Loan chế tạo hệ thống chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, trinh sát và quan sát Poshan, Mỹ đã chuyển giao cho Đài Bắc thành phần tinh vi nhất về kỹ thuật của nó là hệ thống phân phối thông tin đa năng. Các tàu quét lôi hiện đại cũng được chuyển giao miễn phí cho hải quân Đài Loan.

Điều khiến ban lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc đặc biệt lo ngại là Đài Loan được đưa vào khu vực hoạt động của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường Mỹ-Nhật. Trung Quốc đã xây dựng và tiếp tục hoàn thiện cả một tổ hợp các biện pháp nhằm ngăn chặn sự can thiệp của “thế lực thứ ba” rõ ràng là hàm ý chỉ Mỹ trong bất kỳ kịch bản diễn biến tình hình xung đột xung quanh Đài Loan.

Để đối phó với mối đe dọa này, các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng, cần phải mở rộng các nỗ lực trước hết là trong lĩnh vực hải quân. Trong đó, sự chú ý chính được dành cho việc tăng tầm tấn công, đặt ra nhiệm vụ bảo đảm khả năng tiêu diệt các cụm tàu đối phương đang trên đường tiếp cận chiến trường ở tây Thái Bình Dương; đồng thời, dự định xây dựng các cụm tàu sẵn sàng chiến đấu của mình.

Các lực lượng có mục đích không để cho bên thứ ba can thiệp vào tình huống xung đột xung quanh Đài Loan được giới quân sự Trung Quốc gọi là “các lực lượng ngăn chặn” hay theo thuật ngữ Nga là “các lực lượng và phương tiện dùng để tiến hành các hành động phong tỏa”. Nội hàm của các hành động đó áp dụng với chiến dịch bảo đảm quyền kiểm soát đối với Đài Loan có thể là ngăn chặn các cụm tàu chiến Mỹ tiến vào khu vực tác chiến dự kiến hay đang tác chiến.

Để giải quyết nhiệm vụ “ngăn chặn”, Trung Quốc dự tính sử dụng tổ hợp các lực lượng và phương tiện. Các hệ thống trên không, mặt nước, tàu ngầm, vũ trụ, phòng không, phòng thủ vũ trụ, thông tin-chỉ huy, các hệ thống tác chiến điện tử và đối kháng điện tử… có thể được huy động. Các khái niệm sử dụng tác chiến các lực lượng và phương tiện này đang được xây dựng và hoàn thiện mà mục đích cuối cùng là xây dựng một hệ thống nhiều tầng, tổ hợp với các thành phần chống lấn nhau mà khu vực hoạt động của nó được mở rộng tới phần tây Thái Bình Dương, nghĩa là chiều sâu hơn 1.500 km.

Hải quân cùng với không quân Trung Quốc trong những thập niên tới sẽ vẫn là công cụ chủ yếu tác động đến chính quyền Đài Loan. Giáo sư Bernard Cole của Học viện Quốc phòng Mỹ ở Washington cho rằng, “nếu Trung Quốc chỉ triển khai được 10 tàu ngầm đa năng ở một khu vực đã định ở biển Hoa Đông để tiến hành tuần tra trong một tháng, chính quyền Đài Loan tất yếu sẽ kết luận rằng, tiến hành đàm phán với Bắc Kinh sẽ tốt hơn là phát động giao chiến quy mô lớn”.

Các nhà lý luận quân sự Trung Quốc không loại trừ cả khả năng thiết lập sự kiểm soát vũ lực quân sự đối với Đài Loan. Trong trường hợp đó, họ đang xem xét một chiến dịch hiệp đồng nhằm đổ bộ một lực lượng hỗn hợp không-hải lên bờ biển Đài Loan và bảo đảm mọi mặt cho nó. Hải quân được dành cho vai trò quyết định trong tiến hành chiến dịch này, mặc dù tham gia chiến dịch ngoài các lực lượng của hải quân Trung Quốc còn trù tính cả các đơn vị lục quân và đổ bộ đường không, cũng như không quân.
Tàu sân bay cũ Varyag của Liên Xô đã được bán rẻ mạt cho Trung Quốc, nhưng nó đã được sửa chữa, hiện đại hóa và đưa vào biên chế chiến đấu của hải quân Trung Quốc (Reuters)
Hải quân Trung Quốc sẽ phải bảo đảm cho việc đưa quân lên các phương tiện vận tải, đổ bộ và đưa tới các khu vực đổ bộ, tiến hành đánh chiếm và giữ các khu vực (các tuyến) đổ bộ của lực lượng chủ lực của lực lượng đổ bộ hỗn hợp không-hải, tiến hành đổ lực lượng chủ lực của lực lượng đổ bộ đường biển lên bờ biển.

Để làm thế, cần phải bảo vệ lực lượng đổ bộ chống các đòn tiến công của đối phương từ hướng biển và tham gia bảo vệ chống các đòn tấn công đường không ở các khu vực tập kết binh lực để lên tàu, trên đường hành quân trên biển và ở các khu vực đổ bộ, chế áp lực lượng chống đổ bộ và yểm trợ lực lượng đổ bộ trên bờ, thực hành bảo đảm chống ngầm và chống thủy lộ trên đường hành quân trên biển, bảo đảm tiếp vận cho lực lượng được đổ bộ bằng đường biển và sơ tán thương binh.
 

Biển Hoa Đông - cánh cửa trên biển của Trung Quốc

Chương trình dài hạn hiện đại hóa và phát triển hải quân Trung Quốc được thực hiện nhằm mục đích tăng cường và hoàn thiện về chất các khả năng chiến đấu (tiềm lực) của hải quân để bảo đảm ngăn chặn chắc chắn sự can thiệp của Mỹ một khi xảy ra “tình huống bất trắc xung quanh Đài Loan”. Đó là khi khả năng sử dụng phương án vũ lực quân sự giải quyết vấn đề Đài Loan được Trung Quốc xem xét. Quan trọng và thực tế hơn là nhiệm vụ ngăn cản Mỹ tiến hành “tung sức mạnh” đến biển Hoa Đông, ngăn chặn Mỹ tiếp cận các vùng biển (khu vực) có tầm quan trọng sống còn để bảo đảm các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Giới lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc liệt biển Hoa Đông vào hàng các khu vực này, nhất là phần vùng biển bao quanh Đài Loan và các đảo nhỏ lân cận Đài Loan.

Vùng biển Hoa Đông được Trung Quốc từ lâu gọi là “cánh cửa trên biển của đất nước”. Giới lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc hiện nay coi biển này là khu vực quan trọng nhất, có ý nghĩa cơ bản đối với việc bảo đảm an ninh quân sự. Trong vùng biển Hoa Đông hội tụ những tuyến đường biển (đại dương) trọng yếu nhất, tập trung những nguồn tài nguyên cá và hải sản lớn. Ở đáy biển của vùng thềm lục địa, theo những dự báo của các nhà khoa học, còn có các trữ lượng hydrocarbon quy mô công nghiệp và kim loại đất hiếm.

Quyền tài phán đối với dãy đảo nằm trong vùng biển này mà Nhật gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, cho phép xác lập vùng đặc quyền kinh tế, bảo đảm các quyền ưu tiên tiến hành hoạt động kinh tế trên thềm lục địa. Chủ quyền đối với các hòn đảo đang bị tranh chấp bởi một bên là Nhật Bản và bên kia là и Trung Quốc và Đài Loan. Điều đó thỉnh thoảng lại dẫn đến những sự cố nghiêm trọng.

Sự cố mới nhất xảy ra mùa hè năm 2010 đã làm cho quan hệ hai nước xấu đi trầm trọng. Hồi đó, các tàu chiến của Cục An ninh trên biển của Nhật đã dùng vũ lực ngăn chặn và buộc một tàu cá Trung Quốc phải đi vào một hải cảng Nhật để điều tra, sau đó con tàu cùng thủy thủ đoàn đã bị bắt giữ tại đây.

Các chiến hạm Trung Quốc và Nhật Bản di chuyển gần nhau sát sạt khá thường xuyên trong các khu vực tranh chấp. Cần lưu ý rằng, sự hiện diện của các chiến hạm Trung Quốc ở vùng biển Hoa Đông, tiếp giáp quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) quy mô hơn là của Nhật. Hơn nữa, các chiến hạm của hải quân Trung Quốc thực tế đang ở đó một cách thường xuyên, còn sự hiện diện của Nhật thể hiện bằng các tàu của Cục An ninh trên biển Nhật Bản chỉ thỉnh thoảng.

Để khẳng định đặc quyền của mình đối với khu vực thềm lục địa của biển Hoa Đông, gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh thăm dò và nghiên cứu đáy biển. Về mặt chính thức, các hoạt động này được tiến hành nhằm phát hiện các mỏ hydrocarbon mới. Tuy nhiên, có thể đồng ý với những giả định rằng, cùng lúc Trung Quốc còn tiến hành công việc phục vụ cho việc lập các bản đồ chi tiết đáy biển vùng thềm lục địa, đo đạc độ sâu các khu vực khác nhau của biển này..., điều có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm hoạt động của tàu ngầm.

Ví dụ, mùa xuân năm 2010, đã xảy ra hàng loạt sự cố nguy hiểm: một nhóm 10 chiến hạm của hải quân Trung Quốc, bao gồm các tàu khu trục, đã tiến vào vùng biển phía tây hòn đảo cực nam của Okinotorisima của Nhật, đã có 2 vụ trực thăng trên hạm của Trung Quốc bay qua ở khoảng cách nguy hiểm một tàu khu trục Nhật.

Nếu cuộc xung đột Nhật-Trung Quốc không thể giải quyết nhanh thì Mỹ có thể bị lôi cuốn vào. Ở kịch bản diễn biến đó, tồn tại một nguy cơ thực sự để nó leo thang thành một cuộc chiến tranh khu vực. Sức nóng căng thẳng tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) càng lên cao bởi việc phát hiện ra trên thềm lục địa của nó 4 mỏ dầu và khí đốt lớn.

Theo dự báo của các chuyên gia, tại khu vực quần đảo này tập trung trữ lượng hydrocarbon vốn có thể đóng vai trò to lớn trong thời gian dài trong việc bảo đảm năng lượng cho các nước kinh tế phát triển như Nhật Bản và Trung Quốc.

Mặc dù giữa Nhật và Trung Quốc vào tháng 6.2006 đã đạt được thỏa thuận khai thác kinh tế chung khu vực quần đảo Senkaku (Điếu Ngư), trong quá trình hoạt động của hai bên tiếp tục xảy ra những tình huống xung đột nghiêm trọng. Nhật Bản đòi áp dụng nguyên tức khoảng cách bằng nhau tính từ lãnh thổ của hai nước khi các vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn lên nhau. Trong khi đó, Trung Quốc cho rằng, vùng đặc quyền kinh tế của họ phải rộng hơn và được quy định bởi thềm lục địa vì coi nó là sự tiếp tục của dải đất chìm chạy từ lãnh thổ lục địa Trung Quốc.

Bắc Kinh không chấp nhận lập trường của Nhật Bản tính vùng đặc quyền kinh tế của mình từ dải đất chìm chạy dài từ đảo Okinawa của Nhật. Tokyo đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản được tính từ quần đảo Senkaku.

Đầu năm 2009, Nhật Bản cáo buộc Trung Quốc vi phạm thỏa thuận hai bên đã ký về việc khai thác chung các vỉa dầu mỏ và khí đốt tại các khu vực tranh chấp và tuyên bố Bắc Kinh đã tiến hành khoan nghiêng bất hợp pháp bên ngoài phạm vi đường phân giới tạm thời và hút lấy hydrocarbon từ khu vực của Nhật.

Biển Đông và eo biển Malacca

Cùng với sự phát triển của Trung Quốc như một “công xưởng toàn cầu” và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nguồn cung nguyên liệu từ bên ngoài, nhất là hydrocarbon, cũng như thiết bị, linh kiện…, đã tăng mạnh. Bởi lẽ, các tuyến đường biển (đại dương) chính mà qua đó hơn 80% nhu cầu dầu mỏ được vận chuyển từ các nước Vùng Vịnh về Trung Quốc là đi qua vùng Biển Đông và đi qua eo biển Malacca (một phần lớn hàng xuất khẩu sản xuất ở Trung Quốc cũng được đưa ra thị trường thế giới qua tuyến đường này), nên khu vực này cũng có tầm quan trọng sống còn đối với Trung Quốc.
Khả năng quyền tự do thông thương của tàu bè qua Biển Đông có thể bị phá vỡ do việc phong tỏa eo biển Malacca tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của kinh tế Trung Quốc, điều đó nói cho cùng có thể đe dọa sự bền vững bên trong quốc gia. Giới lãnh đạo Trung Quốc xuất phát từ việc Mỹ vì cố bảo vệ lợi ích của vị thế siêu cường duy nhất của thế giới đương đại sẽ làm mọi việc có thể để ngăn chặn quá trình trỗi dậy của Trung Quốc. Ở giai đoạn nhất định của quá trình này, những vị thế đặc quyền trên thế giới cho phép Mỹ thu được siêu lợi nhuận nhờ các nước khác, chủ yếu là các nước đang phát triển và phát triển trung bình, trong đó có Trung Quốc, sẽ bị đe dọa.

Để bảo đảm cho các cụm lực lượng hải quân Trung Quốc ở các khu vực hoạt động rộng lớn hơn, hệ thống căn cứ trú đóng cho chúng đang được hoàn thiện: các căn cứ hải quân hiện có đang được hiện đại hóa, các căn cứ hải quân mới, kể cả các căn cứ tiền phương được thiết lập. Căn cứ hải quân lớn nhất đang được xây dựng ở đảo Hải Nam, trong vịnh Yalong, cách không xa thành phố Tam Á.

Căn cứ này được bảo vệ tốt và có khả năng cho phép mấy SSBN và tàu ngầm nguyên tử đa năng, cũng như các tàu chiến mặt nước lớn, kể cả các tàu sân bay, trú đóng và ra vào. Căn cứ có các công trình ngầm, từ đó có 3 đường hầm ngầm dưới nước dẫn ra hướng biển, cho phép các tàu ngầm đa năng xuất kích tiếp cận các tuyến giao thông đường biển (đại dương) quan trọng sống còn. Theo báo Japan Times, điều đó không chỉ bảo đảm khả năng sống còn và độ bền vững chiến đấu cao cho các tàu ngầm, mà còn cho phép bí mật triển khai lực lượng tàu ngầm xung kích ở những khu vực quan trọng nhất, đặc biệt là ở Biển Đông.

Gần đây, giới lãnh đạo chính trị và quân sự Trung Quốc rất chú ý xây dựng các điểm trú quân cho hải quân ở Ấn Độ Dương. Để củng cố vị thế của mình ở Ấn Độ Dương, Trung Quốc đã ký thỏa thuận với Sri Lanka về việc viện trợ tài chính cho Sri Lanka để xây dựng khu vực phát triển ở Hambantota, trong đó có xây dựng một cảng container, cơ sở hạ tầng tương ứng và một nhà máy lọc dầu.

Việc Trung Quốc tham gia xây dựng cảng nước sâu Gwadar đang thu hút sự chú ý sát sao của Mỹ, Nhật Bản và nhất là Ấn Độ: vì cảng này có vị trí chiến lược quan trọng, nằm cách biên giới Pakistan-Iran 70 km và cách eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển hydrocarbon chủ yếu từ các nước vùng vịnh Persique, 400 km về phía đông.

Các tàu hải quân Trung Quốc đóng ở cảng này sẽ cho phép kiểm soát việc cung cấp hydrocarbon đến Nhật Bản và các nước khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và ở độ nào đó hạn chế quyền tự do hành động của hải quân Mỹ.
  • Nguồn: Aleksander Vasilevich Shlyndov (Nghiên cứu viên chính Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đại tá dự bị). Nikolai Petrovich Tebin (Nghiên cứu viên cao cấp Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Viễn Đông, Viện Hàn lâm Khoa học Nga) // NVO, 3.11.2011.

Print Print E-mail Print