VietnamDefence -
Sự xuất hiện của tàu sân bay Nga có ngăn được cuộc chiến tranh chống Syria hay không vẫn là một câu hỏi lớn.
|
Tàu sân bay Nga Đô đốc Kuznetsov được trang bị tên lửa và ngư lôi sẽ bỏ neo tại cảng Tartus, Syria (Trên ảnh là tiêm kích Su-33 trên boong tàu Đô đốc Kuznetsov) |
Tàu sân bay Nga Đô đốc Kuznetsov được trang bị tên lửa và ngư lôi sẽ bỏ neo tại cảng Tartus, Syria. Tờ Izvestia (Nga), ngày 27.11 đưa tin, căn cứ duy nhất ở hải ngoại của Nga tại cảng Tartus (Syria) vào mùa xuân năm 2012 sẽ tiếp đón một binh đoàn tàu Nga do tàu sân bay duy nhất của Hải quân Nga Đô đốc Kuznetsov dẫn đầu.
Đầu tháng 12.2011, tàu Đô đốc Kuznetsov sẽ rời biển Barents với sự hộ tống của tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko. Các chiến hạm sẽ đi vòng qua lục địa châu Âu từ phía tây và đi qua eo biển Gibraltar tiến vào Địa Trung Hải. Từ hướng khác, tàu tuần tra Ladny thuộc Hạm đội Biển Đen, sau khi ghé vào cảng La Valetta của Malta, sẽ băng qua eo biển Bosphorus và Dardanelles, hội quân với các tàu trên.
Phi đội trên tàu Đô đốc Kuznetsov sẽ gồm 8 tiêm kích trên hạm Su-33, một số tiêm kích mới MiG-29K sản xuất cho Ấn Độ, lần đầu tiên tham gia một cuộc hành binh xa trên tàu sân bay, và 2 trực thăng chống ngầm Ка-27. Các phi công Nga sẽ thực hiện các chuyến bay ngoài khơi, cách xa bờ biển Syria.
|
Các chuyên gia tin rằng, các chiến hạm Nga sẽ là công cụ kiềm chế xung đột quân sự ở Syria. |
Ngoài các máy bay, tàu Kuznetsov còn được trang bị 12 bệ phóng tên lửa chống hạm Granit, hệ thống tên lửa phòng không 6 ống phóng Kinzhal, 8 hệ thống phòng không Kortik, 6 ụ pháo 6 nòng АК-630М, 2 hệ thống rocket chống ngầm RBU-12000 Udav và các vũ khí khác.
Tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov là tàu thứ 5 thuộc lớp Projekt 1143.5 và là tàu sân bay duy nhất trong biên chế Hải quân Nga. Tàu đã thực hiện 4 chuyến đi biển đến Địa Trung Hải và Bắc Đại Tây Dương. Tàu đã trải qua 3 lần sửa chữa lớn, kéo dài tổng cộng 6 năm. Sau cuộc hành quân sắp tới, tàu sẽ lại được sửa chữa.
Các tàu khác cùng loại đã được bán cho nước ngoài là tàu Varyag bán cho Trung Quốc, tàu Đô đốc Gorshkov bán cho Ấn Độ. Tàu Varyag đang được Trung Quốc đóng hoàn thiện. Nga đang hiện đại hóa tàu Gorshkov cho Ấn Độ và sẽ được trang bị MiG-29K.
Tàu Kuznetsov đã từng ở Tartus hai lần vào năm 1995 và 2007 trong các chuyến đi biển đến Địa Trung Hải-Đại Tây Dương. |
Đáng chú ý là bản thân tàu Kuznetsov sẽ không thể cập cảng do có mớn nước lớn. Nó sẽ phải bỏ neo ở ngoài biển, còn các tàu Đô đốc Chabanenko và Ladny sẽ vào căn cứ để lấy nước, nhiên liệu, hậu cần.
Ngoài Tartus, nơi các chiến hạm Nga có thể được sửa chữa nhỏ, bổ sung nhiên liệu, nước ngọt và rau quả, tàu Kuznetsov cùng đoàn tàu hộ tống dự định ghé thăm Beirut (Li-băng), Genoa (Italia) và Síp.
Trước đó, site flot.com thông tin, tàu tuần dương hạng nặng chờ máy bay Đô đốc Hạm đội Liên Xô Kuznetsov thuộc Hạm đội Phương Bắc và tàu chống ngầm cỡ lớn Đô đốc Chabanenko vào tháng 12.2011 sẽ ra khơi “để thực hiện nhiệm vụ ở vùng biển xa của đại dương thế giới”.
Các thủy thủ đoàn các tàu này vừa hoàn thành các bài tập tại các trường bắn ở biển Barents và đã trở lại Severomorsk để bổ sung vật tư hậu cần. Tàu Kuznetsov đã tiếp nhận lên boong các tiêm kích Su-33, cường kích Su-25UTG và trực thăng chống ngầm Ка-27.
Giới quân sự Nga khẳng định, cuộc hành quân này của tàu sân bay Kuznetsov và các chiến hạm Nga sang Syria không hề liên quan đến tình hình chính trị-quân sự ở khu vực này. “Việc các chiến hạm Nga ghé vào Tartus không nên xem như một cử chỉ nào đó đối với các sự kiện đang diễn ra ở Syria. Cuộc hành quân này đã được lên kế hoạch từ năm 2010, khi mà chưa hề có sự kiện gì ở đó, nó đã được chuẩn bị tích cực và không có lý do nào để hủy bỏ nó hay trì hoãn”, một quan chức Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga giải thích.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng, các chiến hạm Nga sẽ là công cụ kiềm chế xung đột quân sự ở Syria.
|
Sự xuất hiện của tàu sân bay Nga có làm Mỹ và phương Tây chùn tay?
|
Liệu một cử chỉ phô trương này của Nga có thể ảnh hưởng đến diễn biến tình hình? Nếu như đây sẽ là phô trương sức mạnh quốc gia thì nó có đủ mạnh chưa?
Thời Liên Xô, sự xuất hiện của các tàu Liên Xô ở bờ biển Cận Đông đã nhiều lần làm nguội những cái đầu nóng trong khu vực và ở Mỹ. Nhưng những chuyến thăm thi thoảng đến Địa Trung Hải của các chiến hạm Nga không thể sánh nổi với sức mạnh của Hải đoàn 5 của Liên Xô từng đóng quân liên tục mấy chục năm ở vùng biển này. Tuy nhiên, Đô đốc Kuznetsov ở bên bờ biển Syria dẫu sao vẫn oách hơn nhiều tàu trinh sát Liman không có vũ khí.
Dẫu sao thì khi bình luận về thông tin các chiến hạm Nga đến Tartus, tờ báo Israel Haaretz đã viết: “Bước đi này là thông điệp rõ ràng cho phương Tây là Moskva sẽ chống lại bất kỳ sự can thiệp nước ngoài nào vào tình hình hỗn loạn dân sự ở Syria”.
Đô đốc Viktor Kravchenko, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Nga nhận định: Sự hiện diện của bất kỳ lực lượng quân sự nào, ngoài lực lượng của NATO, đều rất có lợi cho khu vực này vì nó sẽ không cho phép khai diễn một cuộc xung đột quân sự, Ông Kravchenko nhắc lại là thời Liên Xô, để kiềm chế lực lượng quân sự của phương Tây, Liên Xô đã thành lập riêng Hải đoàn 5 ở Địa Trung Hải và lập căn cứ ở Tartus để bảo đảm, sửa chữa và cung ứng hậu cần cho hải đoàn này. Nay căn cứ này sử dụng làm trạm bảo dưỡng kỹ thuật hạm tàu, chủ yếu của Hạm đội Biển Đen. Các tàu chiến Nga có thể ghé vào Tartus để sửa chữa nhỏ, bổ sung dự trữ nhiên liệu, nước ngọt và rau quả. Hiện nay, tại căn cứ này có gần 600 quân nhân và nhân viên dân sự của Bộ Quốc phòng Nga. Song ông Kravchenko cũng khẳng định hiện ở Tartus không có tàu nào của Nga.
- Dĩ nhiên là các lực lượng tàu chiến Nga sẽ không sánh được với khả năng chiến đấu của Hạm đội 6 của Hải quân Mỹ ở Địa Trung Hải mà trong biên chế có 1-2 tàu sân bay, một số tàu hộ tống, nhưng rõ ràng là hiện nay chẳng ai nói đến khả năng va chạm quân sự bởi vì tấn công bất cứ tàu nào của Nga cũng bị coi là tuyên chiến với tất cả những hậu quả phát sinh từ đó, vị đô đốc lý giải.
Trao đổi với Svpressa, Đô đốc Valentin Selivanov, cựu Tư lệnh Hải đoàn 5 Địa Trung Hải, cựu Tham mưu trưởng, cựu Phó Tư lệnh thứ nhất Hải quân Nga cũng khẳng định hiện không có các tàu Hải quân Nga ở Tartus, nhưng đúng là vào tháng 12, các tàu Kuznetsov và Chabanenko sẽ đến khu vực này.
Svpressa: Năm 1983, trong cuộc xung đột tiếp theo giữa Israel và Syria, Liên Xô đã phái đến Tartus cả một hải đoàn, điều đó quả thực đã buộc người ta phải tính đến sức mạnh của Nga và ảnh hưởng tới tương quan lực lượng trong khu vực. Tàu tuần dương hạng nặng chở máy bay Kuznetsov và tàu chống ngầm cỡ lớn Chabanenko cũng chẳng phải chuyện bỡn, nhưng liệu việc chúng ở gần bờ biển có gây mang lại hiệu quả gì vào thời nay không?
- Nếu các tàu chiến của ai đó đang ở đâu đó thì dĩ nhiên là không thể cứ đơn giản bay trên đầu chúng tôi, ném bom… được. Người ta cũng không thể không tính đến chuyện một biên đội tàu Nga đến bờ biển Syria. Dù đó là người Mỹ. Mặc dù, có lẽ để ngăn chặn cả một cuộc chiến tranh thì chiếc tàu sân bay duy nhất của chúng tôi và tàu Chabanenko không có khả năng.
Hiện nay ở Cận Đông một nút thắt rắc rối nữa đang được gỡ ra, nguy cơ đang treo trên đầu Syria, mà đây là quốc gia thân thiết với chúng tôi nhất. Việc các tàu chiến của chúng tôi lên đường đến đó là sự hậu thuẫn tinh thần lớn cho nhân dân Syria. Còn những nhiệm vụ nào sẽ được đặt ra cho các thủy thủ một khi tình hình đột nhiên căng thẳng thì trong điều kiện kiện nay, tôi không thể phỏng đoán. Năm 1999, khi Nam Tư bị không kích, chúng tôi không có lấy một tàu chiến ở gần bờ biển Nam Tư. Đơn giản là chẳng có lấy sự giúp đỡ đáng kể nào từ phía Nga. Còn năm 1986, khi Mỹ ném bom Libya, tôi đang chỉ huy Hải đoàn Địa Trung Hải. Tôi phái đến Tripoli tàu chỉ huy Taman. Đồng thời các tàu thuộc Hải đoàn của tôi theo dõi tất cả các tàu sân bay Mỹ và gửi đến tàu Taman thông tin về mỗi lần máy bay trên hạm Mỹ xuất kích. Thủy thủ đoàn tàu Taman lại thông báo những tin tức này cho các phương tiện phòng không Libya. Nghĩa là chúng tôi đã trợ giúp ít ra là về thông tin, chứ không phải là quân sự. Sự ủng hộ từ phía Hạm đội Nga trong điều kiện hiện nay sẽ như thế nào? Dĩ nhiên là rất mong là biên chế của biên đội tàu được hoành tráng hơn. Nhưng dẫu sao thì sự xuất hiện của nó ở Đông Địa Trung Hải cũng sẽ là dấu hiệu cho cả thế giới thấy rằng, Nga có những lợi ích của mình ở đây và người ta không thể tính đến những lợi ích đó để mà tàn phá, hủy hoại, giết chóc tự do được.
Trả lời câu hỏi liệu Nga có sẵn sàng sử dụng vũ lực để bảo vệ Syria không, Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự, PTS Khoa học quân sự, Đại tá Anatoly Tsyganok nói: Cần lưu ý một vấn đề quan trọng để hiểu rõ tình hình: hiện nay sống trên lãnh thổ nước này có hơn 100.000 công dân Nga. Thời Liên Xô, họ có chừng 70.000-75.000. Thêm 20.000-25.000 đã đến trong hai thập kỷ gần đây, phần nhiều là các phụ nữ Nga lấy chồng người Syria. Chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ các công dân của mình. Có lẽ hai tàu chiến dù khá mạnh là không đủ cho việc đó. Tôi nghĩ chúng ta sẽ không hạn chế ở đó. Có thể, đồng thời ở dạng này hay dạng khác, với sự trợ giúp của các chuyên gia Nga, hệ thống phòng không ở Syria sẽ được tổ chức lại. Nếu như chúng ta sẽ cung cấp cho họ các hệ thống S-300, S-400, thì nó sẽ bảo đảm bầu trời Syria sẽ đóng kín đối với mọi chiến dịch đường không. Tôi không chắc một trung đoàn bộ binh hải quân Nga sẽ được đổ bộ xuóng. Nhưng có lẽ các toán đặc nhiệm sẽ được cử đến trước. Ngoài sự cần thiết bảo vệ các công dân của chúng ta, còn cần phải hiểu rõ là nếu mất Syria, chúng ta sẽ mất 10-15% các hợp đồng của công nghiệp quốc phòng Nga.
Hiện nay, một cụm tàu sân bay tiến công do tàu sân bay hạt nhân mới nhất USS George H.W. Bush của Mỹ cùng 2 tàu tuần dương tên lửa và 2 tàu khu trục tên lửa đang tuần tiễu gần bờ biển Syria.
Tàu sân bay USS George H.W.Bush được hạ thủy năm 2006 và đưa vào biên chế Hải quân Mỹ mùa thu năm 2009. Tàu có khả năng mang đến 90 máy bay và trực thăng, tốc độ đến 30 hải lý/h, thủy thủ đoàn 3.200 người cộng với 2.480 người thuộc phi đoàn trên tàu.
Ngày 22.11, Ủy ban Nhân quyền LHQ đã thông qua nghị quyết lên án Syria sử dụng vũ lực đàn áp biểu tình với 122 nước bỏ phiếu thuận, 13 nước bỏ phiếu chống, 41 nước, trong đó có Nga bỏ phiếu trắng.
Xét theo những thông tin mới nhất, Nga đã quyết định bằng mọi cách ngăn chặn kịch bản Libya tái diễn đối với Syria.
Kênh truyền hình Al Arabia ngày 21.11, 3 chiến hạm của Hải quân Nga đã tiến vào hải phận Syria ở khu vực cảng Tartus, nơi có trạm bảo dưỡng vật chất-kỹ thuật duy nhất của Hải quân Nga. Bộ Quốc phòng Nga từ chối bình luận thông tin này. Do tại thời điểm đó, không có các tàu chiến mang cờ Andreyev (cờ Hải quân Nga) ở Địa Trung Hải, nên có phỏng đoán là ít nhất có một trong các tàu Nga tiến đến Syria là tàu trinh sát. Chính một tàu như vậy, cụ thể là tàu Liman của Hạm đội Biển Đen vào tháng 4-5.1999 đã thu thập thông tin về hoạt động tấn công Nam Tư của NATO.
Hạm đội 6, Hải quân Mỹ
Căn cứ: Napoli, Italia. Tư lệnh: Phó Đô đốc: Harry B. Harris
Biên chế trang bị: Kỳ hạm: Tàu tham mưu-đổ bộ Mount Whitney; 1-2 tàu sân bay, mỗi tàu chở 65-85 máy bay và được 5-6 tàu tuần dương và tàu khu trục bảo vệ; 2-4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn; 2-3 tàu đổ bộ.
Gần 20.000 lính thủy đánh bộ được trang bị xe tăng, trực thăng và pháo. |
Hạm đội Biển Đen của Nga
Căn cứ: Sevastopol. Tư lệnh: Chuẩn đô đốc Aleksandr Fedotenkov.
Biên chế trang bị: 5 tàu chống ngầm, 7 tàu đổ bộ, 2 tàu ngầm, 4 tàu chống ngầm cỡ nhỏ, 4 tàu quét lôi, Tiểu đoàn tàu tên lửa cỡ nhỏ 166 (4 tàu), tiểu đoàn xuồng tên lửa 295 (5 chiếc), Tiểu đoàn tàu chống ngầm ở Novorossyisk (5 tàu chống ngầm cỡ nhỏ. 8 tàu quét lôi). |
|
Kuznetsov đang hành quân
|
|
-
Nguồn: SVP, 23.11.11, Izvestia, 27.11.11, Dni, 28.11.11.