Vietnamdefence.com

 

Bại lộ xe tăng ‘ngoài hành tinh’ của Nga

VietnamDefence - Hình ảnh một loạt xe tăng, thiết giáp tiên tiến của Nga, trong đó có một loại tăng mới rất hiện đại được cho là siêu tăng Armata đã bị tiết lộ gây ra nhiều đồn đoán.

Ngày 20/7/2012, Phó Thủ tướng Nga D. Rogozin đã có chuyến thăm làm việc ở Perm. Ông đã thăm các cơ sở sản xuất của nhiều xí nghiệp quốc phòng Nga. Chuyến thăm này lẽ ra chẳng có gì khác với hàng chục chuyến thăm khác nếu không có bản tin của công ty truyền hình địa phương Rifei-Perm.

Phó Thủ tướng Nga D. Rogozin bên cạnh mô hình siêu tăng tương lai.
Ảnh: Rifei-Perm

Trong bản tin này, có lẽ do sự thiếu hiểu biết của bên truyền hình mà các maket tuyệt mật của một loạt xe tăng, xe thiết giáp tương lai của Nga được giới thiệu cho ông Rogozin đã bị bại lộ. Giới chuyên gia lập tức phát hiện ra và có một số nhận xét từ bề ngoài của các mô hình này.

Mấy năm trước, Nga đã quyết định thay thế các mẫu tăng-thiết giáp hiện có bằng các loại xe mới dựa trên các bệ mang chiến đấu chuẩn hóa hạng nhẹ (đến 15 tấn), hạng trung (đến 25 tấn) và hạng nặng (45-65 tấn).

Bệ mang hạng nặng sẽ được sử dụng để chế tạo tăng chủ lực, xe chiến đấu bộ binh và xe cứu kéo-sửa chữa có tên là Armata. Bệ mang hạng trung bánh xích là Kurganets-25, còn bệ mang hạng trung bánh lốp là Bumerang. Cũng đang được nghiên cứu chế tạo là các bệ mang vận tải-chiến đấuTaifun - đó là các xe ô tô có khả năng bảo vệ cao dùng để vận chuyển binh lính, đạn dược, hàng hóa ở dải tiền duyên mặt trận và lắp đặt vũ khí.

Các maket bí mật

Trong số các mô hình xe tăng-thiết giáp mới được giới thiệu với ông Rogozin và phát trong bản tin truyền hình có: xe chiến đấu bộ binh bánh lốp Bumerang và xe chiến đấu bộ binh bánh xích Kurganets-25 trang bị pháo tự động 57 mm lắp trên các module tháp không người ngồi, xe tăng hạng nhẹ Kurganets-25 lắp pháo tăng 125 mm, các cối tự hành 120 mm lắp trên các bệ mang Bumerang, Taifun của KAMAZ và thậm chí của xe ô tô bọc thép Tigr-M; các pháo tự hành 152 mm lắp trên bệ mang ô tô bánh lốp và bệ mang bánh xích, ụ pháo tàu 100 mm А-190, và cuối cùng có thể là tăng chủ lực trên bệ mang Armata (của hãng Uralvagonzavod).

Các mô hình xe tăng, xe thiết giáp thế hệ mới của Nga được giới thiệu. Ảnh: bmpd.livejournal.com

Người ta không giới thiệu tất cả các mẫu xe sẽ được chế tạo dựa trên các bệ mang mới, song là gần như tất cả các mẫu xe sẽ được trang bị pháo do hãng Motovilikhinskye Zavody và Nhà máy số 9 sản xuất. Tất cả các mẫu pháo lắp cho các mẫu xe tăng, thiết giáp này đều do hãng TsNII Burevestnik ở Nizhny Novgorod phát triển.

Pháo tự động 57 mm là điểm đặc biệt ở các xe chiến đấu bộ binh bánh lốp Bumerang và xe chiến đấu bộ binh bánh xích Kurganets-25. Pháo này mang lại nhiều ưu thế vì các đạn xuyên giáp dưới cỡ của nó cho phép tiêu diệt chắc chắn các xe tăng hiện đại khi bắn vào bất cứ vị trí nào của xe, trừ khu vực giáp đầu xe. Dựa trên đó, có thể có được các loại đạn pháo phòng không có điều khiển rất tốt. Còn các loại đạn phá-mảnh bắn thành loạt cũng nghiền nát bộ binh không kém một quả đạn pháo tăng.

Các xe chiến đấu bộ binh (có nguồn nói là pháo tự hành)
trang bị pháo tự động 57 mm (ở giữa). Ảnh: Rifei-Perm


Thực ra, cũng có ý kiến cho rằng, các tháp pháo được giới thiệu được lắp các loại pháo tự động khác, cỡ 45 mm. Người ta cho rằng, chính pháo này được chọn làm pháo chính cho loại tháp tiêu chuẩn của các xe chiến đấu bộ binh hạng trung và hạng nặng mới. Pháo này sẽ bắn các loại đạn gọi là đạn ống lồng. Ưu thế của phát bắn kiểu ống lồng là sự nhỏ gọn khi quả đạn được “chôn giấu” vào vỏ đạn, nên cho phép xếp được cơ số đạn lớn hơn trong một không gian nhỏ.

Các xe chiến đấu bộ binh (có nguồn nói là pháo tự hành) lắp pháo tự động 57 mm (ở giữa)
và các cối tự hành. Ảnh: RIA Novosti


Đáng chú ý là thân xe Kurganetz rất giống biến thể công nghệ cao, cải tiến lớn của xe chiến đấu bộ binh Trung Quốc ZBD 04. Ở đây, chẳng có gì là vì ZBD 04 được chế tạo với sự hợp tác chặn chẽ của các công trình sư Nga từ thành phố Kurgan và được trang bị module tháp Bakhcha-U của Nga. Có thể là các chuyên gia ở Kurgan chỉ tập dượt thông qua dự án hợp tác với Trung Quốc, sau đó thì áp dụng thực tế các ý tưởng này trên xe thiết giáp dành cho quân đội Nga. Còn xe Bumerang cùng lúc giống với mấy mẫu xe cùng loại của phương Tây và xe bọc thép chở quân mới ZBL-09 của Trung Quốc. Chắc chắn đó chỉ là sự tương đồng bề ngoài của các giải pháp bị quy định bởi những yêu cầu giống nhau.

Bại lộ siêu tăng

Tâm điểm chú ý trong các maket là xe tăng có kiểu dáng tương lai, ngoài hành tinh được trang bị pháo 125 mm uy lực mạnh. Vũ khí bổ trợ trên tháp xe là ụ vũ khí điều khiển từ xa, có dáng thuôn mà dự đoán có thể dùng để gắn súng máy cỡ nòng lớn, hoặc pháo hoặc súng phóng lựu tự động hoàn toàn mới 57 mm. Về hình dáng, mẫu xe lạ này rất giống với những miêu tả về loại tăng bí ẩn Armata sắp xuất hiện trong thực tế. Ít nhất, thân xe tăng rất giống với chiếc siêu tăng được mô tả. 

Mô hình được cho là của siêu tăng Armata, mặc dù được giới thiệu là xe chiến đấu pháo binh
dùng khung gầm chuẩn hóa Armata. Ảnh: otvaga2004.mybb.ru 

Xe có 7 bánh lăn mỗi bên, module chiến đấu gắn pháo 125 mm được bọc giáp vững chắc và súng phóng lựu tự động 57 mm. Tháp xe dường như là thiết kế không có người ngồi, còn kíp xe ngồi trong một cáp-xun tách biệt trong thân xe giống như ở thiết kế của dự án tăng Objekt 195. Hình như phần lớn tháp xe là phần vỏ giáp bao bọc giá pháo trung tâm. Trên mô hình xe tăng, pháo được đặt trong một áo bọc giáp, một giải pháp rất hữu ích bởi vì nhiều khi đạn rocket chống tăng cá nhân hay đạn pháo tạo mảnh không xuyên thủng được vỏ giáp, nhưng mảnh đạn lại làm hỏng pháo.

Các chuyên gia Nga chưa thống nhất ý kiến trong việc khẳng định mô hình này chính là mẫu tăng chủ lực tương lai Armata được đồn đại lâu nay.

Liệu đây có phải là một trong các maket thiết kế của dự án tăng này nhưng đã bị loại bỏ và lãng quên, song vẫn được giới thiệu cho Phó Thủ tướng Rogozin để cho có, hoặc đây mới đúng là xe tăng tương lai, còn những mô tả trước đó là sai.

Theo biển giới thiệu phía trước mẫu xe này thì đây là “xe chiến đấu pháo binh trên khung gầm cơ sở chuẩn hóa Armata”. Nghĩa là đây không phải là mẫu tăng chủ lực dùng bệ mang Armata.

Còn theo chuyên gia tăng-giáp Aleksei Khlopotov, đây là thiết kế “xe tăng đột kích” với pháo chính là pháo nòng rãnh 120 mm.

Blog bmpd thì dẫn các nguồn tin của mình nói rằng, đây không phải là mô hình của xe tăng Armata.

Việc hình ảnh các xe chiến đấu tương lai của quân đội Nga bị tiết lộ đúng vào lúc này là tốt hay xấu? Dĩ nhiên, chẳng có thảm họa nào xảy ra ở đây cả. Các xe được giới thiệu mà không nêu rất nhiều chi tiết cực kỳ quan trọng mà các chuyên gia có thể qua đó đưa ra được các kết luận. Còn bảo mật hình dáng ngoài ở giai đoạn thiết kế này không còn nhiều ý nghĩa vì chẳng mấy nữa sẽ xuất hiện các maket vận hành và các mẫu thử nghiệm.

Không lâu nữa, các xe tăng-thiết giáp tiên tiến của Nga sẽ xuất hiện và cùng lắm là vào giữa thập kỷ này, chúng ta sẽ nhìn thấy chúng trong các cuộc duyệt binh hay triển lãm. Lúc đó, chúng ta sẽ có câu giải đáp rõ ràng hơn.

Nguồn: bmpd, 1/8/12; AN, N.29 (321), 2/8/12.

Print Print E-mail Print