Vietnamdefence.com

 

Nghịch lý của chiến lược hải quân Trung Quốc

VietnamDefence - Trong thập kỷ qua, Biển Đông đã trở thành một trong những điểm bất ổn nhất ở Đông Á.

Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Trung Quốc và Đài Loan đều khẳng định chủ quyền một phần hoặc toàn bộ vùng biển, và các tuyên bố chủ quyền chồng chéo đã dẫn đến các va chạm ngoại giao và thậm chí quân sự trong những năm gần đây.

Do Biển Đông có rất nhiều chuỗi đảo, phong phú về tài nguyên khoáng sản và năng lượng và có gần 1/3 giao thương hàng hải của thế giới đi qua vùng biển này, Biển Đông hiển nhiên có giá trị chiến lược đối với các quốc gia này là. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc, việc giành quyền kiểm soát Biển Đông còn hơn là một vấn đề thực tế mà đang trở thành trung tâm của sự tiến thoái lưỡng nan trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh: Làm thế nào để khẳng định được cái gọi là “yêu sách chủ quyền biển lịch sử” của họ mà vẫn duy trì được chính sách đối ngoại không đối đầu mà cựu cựu lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã xác lập vào năm 1980.

Trung Quốc đã đưa ra yêu sách hiện nay đòi kiểm soát Biển Đông trong những ngày tàn của cuộc nội chiến ở Trung Quốc. Vì hầu hết các nước có tuyên bố chủ quyền khác đều bị bận rộn với các phong trào độc lập của họ trong những thập kỷ tiếp theo, Trung Quốc đã làm chút ít để bảo đảm yêu sách của họ. Tuy nhiên, khi mà các quốc gia khác đang xây dựng lực lượng hải quân của họ, theo đuổi mối quan hệ mới và có lập trường tích cực hơn trong việc khai phá và tuần tra vùng biển, và với sự phản đối của dân chúng Trung Quốc đối với bất kỳ nhượng bộ lãnh thổ thực sự hoặc cảm nhận được từ phía Bắc Kinh, cách tiếp cận lặng lẽ của Đặng Tiểu Bình đã không còn một lựa chọn nữa.

Sự tiến hoá logic biển của Trung Quốc

Trung Quốc là cường quốc lục địa rộng lớn, nhưng họ cũng có một đường bờ biển dài, kéo dài từ biển Nhật Bản ở phía đông bắc Vịnh Bắc Bộ ở phía nam. Mặc dù đường bờ biển dài, Trung Quốc gần như luôn tập trung chú ý vào bên trong nội địa, với những nỗ lực lẻ tẻ hướng ra biển và tuy nhiên cũng chỉ chỉ trong những thời kỳ tương đối an ninh trên đất liền.

Về truyền thống, các mối đe dọa lớn nhất đối với Trung Quốc không xuất phát từ hướng biển, ngoại trừ nạn cướp biển thỉnh thoảng xảy ra mà là từ tranh giành nội bộ và các lực lượng du mục ở phía bắc và phía tây. Những thách thức địa lý của Trung Quốc đã khuyến khích dựa trên một kinh tế nông nghiệp dựa trên nền tảng gia đình, biệt lập, với một cơ cấu quyền lực mạnh mẽ phân cấp, được thiết kế một phần để giảm thiểu những thách thức liên tục từ các lãnh chúa và vùng địa phương. Phần lớn hoạt động thương mại của Trung Quốc với thế giới được thực hiện thông qua các tuyến đường bộ hoặc hoặc thực hiện bởi người Arab và các thương nhân nước ngoài khác tại các địa điểm ven biển nhất định. Nhìn chung, Trung Quốc đã chủ trương ưu tiên tập trung cho sự ổn định dân số và biên giới đất liền hơn là những cơ hội tiềm năng từ thương mại hoặc thăm dò khai thác trên biển, nhất là vì việc tiếp xúc lâu dài nước ngoài có thể mang lại nhiều khó khăn cũng như lợi ích.

Hai yếu tố góp phần vào các thí nghiệm của Trung Quốc trong phát triển hải quân là chiến tranh chuyển từ từ miền bắc xuống miền nam Trung Quốc và những thời kỳ đất nước tương đối ổn định. Trong suốt triều đại nhà Tống (960-1279), đối phó với các đội kỵ binh của các bình nguyên phía bắc là lực lượng thủy quân nội địa lớn ở miền nam nhiều sông hồ và đầm lầy. Việc chuyển dịch sang các lực lượng hải quân trên sông cũng lan rộng đến bờ biển, và triều đình Tống đã khuyến khích người Trung Quốc mở rộng giao thông ven biển và thương mại hàng hải để thay thế cho các thương nhân nước ngoài dọc theo bờ biển. Trong khi vẫn chủ yếu hướng nội trong suốt triều đại nhà Nguyên (1271-1368) của người Mông Cổ, Trung Quốc đã thực hiện ít nhất hai cuộc viễn chinh đường biển lớn vào cuối thế kỷ XIII - chống lại Nhật Bản và Java và cả hai đều thất bại. Thất bại của hai cuộc chiến tranh xâm lược này đã góp phần vào quyết định của Trung Quốc một lần nữa quay lưng lại với biển. Cuộc phiêu lưu hàng hải lớn cuối cùng xảy ra vào đầu triều đại nhà Minh (1368-1644), khi nhà thám hiểm người Hồi giáo Trịnh Hòa thực hiện 7 chuyến hành trình nổi tiếng của mình, đến được tận châu Phi, nhưng đã không sử dụng cơ hội này để thiết lập quyền lực lâu dài của Trung Quốc ở nước ngoài.

Hạm đội quý giá của Trịnh Hòa đã bị dẹp bỏ khi nhà Minh thấy những khó khăn nổi lên trong nước, trong đó có nạn cướp biển ở ngoài khơi và Trung Quốc lại một lần nữa hướng nội. Gần như cùng thời điểm Magellan bắt đầu chuyến thám hiểm toàn cầu của mình vào đầu những năm 1500, Trung Quốc tiếp tục chính sách biệt lập của họ, hạn chế thương mại và giao tiếp với bên ngoài và hầu như đình chỉ tiến hành các hoạt động phiêu lưu hàng hải. Trọng tâm chú ý của hải quân Trung Quốc đã chuyển sang phòng vệ bờ biển hơn là tung sức mạnh. Sự xuất hiện của pháo thuyền châu Âu vào thế kỷ XIX đã làm sụp đổ hoàn toàn tư duy biển thông thường của chính quyền Trung Quốc, và một cách muộn màng, họ đã chỉ tiến hành một chương trình hải quân dựa trên công nghệ phương Tây.

Ngay cả điều này đó cũng chưa cho thấy nó được tích hợp đầy đủ vào tư duy chiến lược rộng lớn hơn của Trung Quốc. Sự thiếu nhận thức về biển góp phần vào việc triều đình nhà Thanh quyết định nhượng hải cảng quan trọng của Trung Quốc ở cửa sông Tumen cho Nga vào năm 1858, vĩnh viễn đóng lại khả năng tiếp cận vùng biển Nhật Bản từ khu vực đông bắc.

Chưa đến 40 năm sau, mặc dù đã xây dựng một hạm đội lớn nhất khu vực, hải quân Trung Quốc đã bị Hải quân Nhật Bản mới nổi đánh tan.

Trong gần một thế kỷ sau đó, người Trung Quốc một lần nữa lại tập trung gần như hoàn toàn vào đất liền, còn các lực lượng hải quân chỉ được giao nhiệm vụ phòng thủ bờ biển đơn thuần. Từ những năm 1990, chính sách này đã dần thay đổi khi như sự liên kết kinh tế của Trung Quốc với thế giới được mở rộng. Đối với Trung Quốc, việc bảo đảm sức mạnh kinh tế của mình và tạo ra ảnh hưởng toàn cầu mạnh mẽ hơn, thì việc phát triển của một chiến lược hải quân tiên phong đã trở thành bắt buộc.

Diễn giải “đường 9 đoạn” (đường “lưỡi bò)

Để hiểu logic về biển hiện nay của Trung Quốc và các tranh chấp lãnh thổ của họ với các nước láng giềng, trước hết cần phải hiểu cái gọi là “đường 9 đoạn”, một đường biên giới lỏng lẻo xác định yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.

“Đường 9 đoạn” được dựa trên yêu sách lãnh thổ trước đó là “đường 11 đoạn” được chính quyền Quốc dân đảng cầm quyền ở Trung Quốc lúc đó đưa ra vào năm 1947 mà không có nhiều sự tính toán chiến lược do chế độ Quốc dân đảng đang bận giải quyết hậu quả của sự chiếm đóng của Nhật Bản ở Trung Quốc và cuộc nội chiến đang diễn ra với phe cộng sản.

Sau khi sự chiếm đóng của Nhật Bản kết thúc, chính phủ Quốc dân đảng đã cử các sĩ quan hải quân và các đội khảo sát tới Biển Đông để lập bản đồ các đảo và đảo nhỏ. Bộ Nội vụ Trung Hoa dân quốc đã công bố một bản đồ kèm theo “đường 11 đoạn” vươn xa ra ngoài bờ biển Trung Quốc và bao trùm hầu hết Biển Đông.

Mặc dù thiếu các tọa độ cụ thể, bản đồ này đã trở thành cơ sở cho các yêu sách lãnh thổ hiện đại của Trung Quốc, và sau khi nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, bản đồ đã được chính phủ mới ở Bắc Kinh chấp nhận. Năm 1953, có lẽ như là một cách để giảm thiểu xung đột với nước láng giềng Việt Nam, “đường 9 đoạn” hiện nay ra đời khi Bắc Kinh loại bỏ 2 đoạn. 

Yêu sách "đường 9 đoạn" (màu đỏ) của Trung Quốc

Bản đồ mới của Trung Quốc gặp phải ít sự phản đối hoặc khiếu nại của các nước láng giềng mà nhiều trong số đó hồi đó đang tập trung vào các phong trào độc lập dân tộc của mình. Bắc Kinh diễn giải sự im lặng này như là sự tán thành ngầm của các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế, và sau đó cơ bản họ im lặng về vấn đề này để tránh tạo ra những thách thức. Bắc Kinh đã tránh xa việc chính thức tuyên bố “đường 9 đoạn” là một đường biên giới bất khả xâm phạm, và nó không được quốc tế công nhận, mặc dù Trung Quốc coi “đường 9 đoạn” như là cơ sở lịch sử cho các yêu sách trên Biển Đông của họ.

Giống như các nước khác có tuyên bố chủ quyền như Việt Nam và Philippines, mục tiêu dài hạn của Trung Quốc là sử dụng khả năng hải quân đang gia tăng để kiểm soát các hòn đảo và đảo nhỏ ở Biển Đông và từ đó là các nguồn tài nguyên thiên nhiên và vị trí chiến lược của chúng.
Khi còn yếu về quân sự, Trung Quốc ủng hộ khái niệm gác lại mối quan tâm về chủ quyền để cùng hợp tác khai thác nhằm giảm bớt những xung đột tiềm năng từ sự chồng lấn các yêu sách chủ quyền, trong khi tranh thủ thời gian để phát triển hải quân của họ. Trong khi đó, để tránh phải đối phó với một khối thống nhất của các nước có yêu sách lãnh thổ khác, Bắc Kinh chọn phương pháp tiếp cận đàm phán với từng quốc gia về tuyên bố chủ quyền mà không làm gây nguy hại cho toàn bộ yêu sách “9 đoạn” của họ. Điều này cho phép Bắc Kinh duy trì được ưu thế trong các cuộc đàm phán song phương, vì họ lo sợ sẽ thua trong một diễn đàn đa phương.

Mặc dù không có sự thừa nhận pháp lý đối với “đường 9 đoạn” và sự va chạm liên tục mà nó gây ra, Bắc Kinh ít có khả năng từ bỏ yêu sách này. Với sự quan tâm quốc tế tăng cao và sự cạnh tranh khu vực trên Biển Đông, công chúng Trung Quốc vốn coi các vùng nước biển nằm trong “đường 9 đoạn” là vùng biển thuộc chủ quyền của họ - đang gây sức ép để Bắc Kinh có những hành động quyết liệt hơn. Điều này đã đặt Trung Quốc vào một tình thế nan giải: Khi Bắc Kinh cố gắng miêu tả việc hợp tác khai thác là bằng chứng cho thấy các quốc gia khác công nhận yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc, các nước đối tác không chấp nhận; khi Trung Quốc cố gắng để giảm nhẹ những yêu sách để dàn xếp quan hệ quốc tế thì các dân chúng Trung Quốc lại phản đối (và trong trường hợp của ngư dân Trung Quốc, họ thường hoạt động trên vùng lãnh thổ tranh chấp, buộc chính phủ Trung Quốc phải hỗ trợ họ bằng lời nói và đôi khi bằng cả hành động). Bất kỳ nỗ lực nào của Bắc Kinh để thu hút cử tri trong nước sẽ có nguy cơ làm xấu thêm quan hệ với các đối tác nước ngoài, hoặc ngược lại.

Phát triển một chính sách biển

Những phức tạp do “đường 9 đoạn”, những diễn biến tình hình trong nước của Trung Quốc và hệ thống quốc tế đang chuyển dịnh đã góp phần định hình thành chiến lược biển đang tiến triển của Trung Quốc.
Dưới thời cố lãnh đạo Mao Trạch Đông, Trung Quốc tập trung hướng nội và bị hạn chế bởi lực lượng hải quân yếu. Những yêu sách trên biển của Trung Quốc bị để mơ hồ và Bắc Kinh không tích cực tìm cách khẳng định quyền của họ và cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước láng giềng cơ bản làm cho Trung Quốc tránh đưa ra một lập trường về biển mạnh mẽ hơn. Sự phát triển hải quân của Trung Quốc vẫn nhằm mục đích phòng thủ, tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ bờ biển Trung Quốc chống xâm lược. Cùng với các cải cách kinh tế trong nước vào cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, Đặng Tiểu Bình đã tìm kiếm sự hợp tác khai thác kinh tế thực dụng hơn ở biển Hoa Đông và Biển Đông, trong khai gác lại yêu sách chủ quyền lãnh thổ. Chi phí quân sự của Trung Quốc tiếp tục tập trung vào lục quân (và các lực lượng tên lửa), còn hải quân được dành cho vai trò chủ yếu là phòng thủ ven bờ biển Trung Quốc.

Để một mức độ lớn, các chính sách của Đặng Tiểu Bình vẫn được duy trì trong qua hai thập kỷ tới. Đã xảy ra những bùng nổ xung đột lẻ tẻ ở Biển Đông, nhưng nói chung, chiến lược tránh đối đầu công khai vẫn là một nguyên tắc cốt lõi trên biển. Hải quân Trung Quốc không ở vị thế có thể thách thức vai trò thống trị của Hải quân Mỹ hoặc thực hiện bất kỳ hành động quyết đoán chống các nước láng giềng, đặc biệt là vì Bắc Kinh đã tìm cách tăng cường ảnh hưởng của họ trong khu vực thông qua các phương tiện kinh tế và chính trị hơn là thông qua lực lượng quân sự.

Tuy nhiên, các đề xuất của Trung Quốc về việc hợp tác khai thác đối với Biển Đông phần lớn đã thất bại. Sức mạnh kinh tế gia tăng của Trung Quốc cùng với sự gia tăng đồng thời chi tiêu quân sự của họ - và gần đây hơn là việc Trung Quốc tập trung phát triển hải quân - đã dấy lên những nghi ngờ và lo ngại trong các nước láng giềng, với việc nhiều nước đang kêu gọi Mỹ đóng một vai trò tích cực hơn trong khu vực để đối trọng với sự trỗi dậy Trung Quốc. Vấn đề “đường 9 đoạn” và các yêu sách lãnh thổ nổi lên một phần đáng kể là vì các nước đã phải đệ trình các yêu sách trên biển của họ theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đưa các tuyên bố chủ quyền cạnh tranh nhau một bước gần hơn sự phân xử của quốc tế. Trung Quốc, nước đã ký Công ước Luật Biển phần lớn là do những lợi ích biển tiềm năng của họ ở biển Hoa Đông, nay lại buộc phải đưa ra nhiều yêu sách ngược lại ở Biển Đông và như vậy đã rung chuông báo động đối với các nước láng giềng về cái được xem như là một hành động công khai của Trung Quốc nhằm giành quyền bá chủ khu vực.

Không chỉ các quốc gia khác cũng có yêu sách lãnh thổ được những động thái của Trung Quốc là đáng lo ngại. Nhật Bản và Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào Biển Đông với tư cách một hành lang vận chuyển năng lượng, còn Mỹ, Australia và Ấn Độ nằm trong số những nước khác phụ thuộc vào Biển Đông về mặt quá cảnh thương mại và quân sự. Tất cả các quốc gia này coi các động thái của Trung Quốc như một khúc dạo đầu tiềm tàng cho việc thách thức quyền tự do tiếp cận vùng biển này. Trung Quốc đã phản ứng với giọng điệu ngày càng quyết đoán, cũng như dành vai trò lớn hơn cho quân đội Trung Quốc trong các quyết định chính sách đối ngoại. Chính sách không đối đầu cũ đã nhường bước cho một cách tiếp cận mới.

Tranh luận về chính sách đối ngoại

Năm 1980, Đặng Tiểu Bình đã định hình chính sách đối ngoại của Trung Quốc, theo đó Trung Quốc cần phải quan sát thế giới, giữ vị trí của mình, bình tĩnh đối phó với các vấn đề đối ngoại, che giấu khả năng của mình và tranh thủ thời gian, náu mình và không bao giờ đòi hỏi quyền lãnh đạo. Những nguyên lý cơ bản này vẫn là cốt lõi của chính sách đối ngoại Trung Quốc, cũng như là phương châm cho hành động hoặc sự biện minh cho việc không hành động. Tuy nhiên, môi trường khu vực và trong nước của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể so với những ngày đầu của cuộc cải cách của Đặng, và sự bành trường kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã bỏ qua lời răn “giấu mình chờ thời” của Đặng.

Bắc Kinh hiểu rằng, chỉ thông qua một chính sách chủ động hơn, Trung Quốc mới có thể mở rộng từ một cường quốc lục địa đơn thuần thành một cường quốc biển và định hình lại khu vực một cách có lợi cho lợi ích an ninh của họ. Nếu không được làm như vậy, điều đó có thể cho phép các nước khác trong khu vực và các đồng minh của họ, cụ thể là Hoa Kỳ, kiềm chế hoặc thậm chí đe dọa các tham vọng của Trung Quốc.
Ít nhất có 4 yếu tố của các chính sách của Đặng đang bị tranh cãi hoặc thay đổi: sự chuyển đổi từ không can thiệp sang dính líu một cách sáng tạo; sự chuyển đổi từ ngoại giao song phương sang ngoại giao đa phương; sự chuyển đổi từ ngoại giao có tính phản ứng sang ngoại giao phòng ngừa; và chuyển từ nguyên tắc không liên kết cứng nhắc sang hướng các bán liên minh.

Sự dính líu sáng tạo được mô tả như là một cách để Trung Quốc chủ động hơn trong việc bảo vệ lợi ích của họ ở nước ngoài bằng cách tham gia nhiều hơn vào chính trị đối nội của các nước khác - một sự thay đổi từ không can thiệp đến một cái gì đó linh hoạt hơn. Trung Quốc đã sử dụng tiền và các công cụ khác để định hình diễn biến trong nước ở các nước khác trong quá khứ, nhưng một sự thay đổi chính thức trong chính sách sẽ đòi hỏi phải có sự dính líu sâu hơn của Trung Quốc vào các vấn đề sở tại. Tuy nhiên, điều này sẽ làm suy yếu các nỗ lực của Trung Quốc thúc đẩy ý tưởng rằng, đó chỉ là chuyện một quốc gia đang phát triển giúp các nước đang phát triển khác đối phó với chủ nghĩa đế quốc và sự bá quyền phương Tây. Sự thay đổi trong nhận thức có thể làm xói mòn một số lợi thế của Trung Quốc trong việc đối phó với các nước đang phát triển vì lợi thế đó dựa trên cam kết không can thiệp chính trị để đối lại những chào mời cung cấp công nghệ tốt hơn hoặc các nguồn lực phát triển nhiều hơn đi kèm với những yêu cầu thay đổi chính trị từ phương Tây.

Trung Quốc từ lâu đã dựa vào quan hệ song phương như là phương pháp ưa thích của họ để dàn xếp lợi ích của họ về mặt quốc tế. Khi Trung Quốc đã hoạt động trong một diễn đàn đa phương, họ thường định hình các diễn biến bằng cách trở thành một kẻ phá rối chứ không phải là một người lãnh đạo. Ví dụ, Trung Quốc có thể ngăn chặn các biện pháp trừng phạt trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng hiếm khi đưa ra được một con đường khác cho cộng đồng quốc tế đi theo. Đặc biệt là trong suốt những năm 1990, Bắc Kinh sợ rằng, vị trí tương đối yếu của họ khiến họ giành được ít lợi ích từ các diễn đàn đa phương mà còn đặt Trung Quốc dưới ảnh hưởng của các thành viên mạnh mẽ hơn. Nhưng sức mạnh kinh tế gia tăng của Trung Quốc đã làm thay đổi phương trình này.

Trung Quốc đang theo đuổi các mối quan hệ đa phương hơn như là một cách để bảo đảm quyền lợi của mình thông qua các nhóm nước lớn hơn. Mối quan hệ của Trung Quốc với ASEAN, sự tham gia của họ vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải và theo đuổi các hội nghị thượng đỉnh ba bên tất cả đều là nhằm giúp Bắc Kinh tác động đến phương hướng chính sách của các khối này. Bằng cách chuyển sang cách tiếp cận đa phương, Trung Quốc có thể làm cho một số trong những quốc gia yếu hơn cảm thấy an toàn hơn và do đó ngăn cản họ chuyển sang cầu cứu sự ủng hộ của Mỹ.

Theo truyền thống, Trung Quốc có chính sách đối ngoại tương đối thụ động khi đối phó với các các cuộc khủng hoảng khi chúng xuất hiện, nhưng thường không thể nhận biết hoặc hành động để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng trước khi chúng xảy ra. Ở những nơi mà Bắc Kinh tìm kiếm khả năng tiếp cận đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, họ thường bị bất ngờ trước những thay đổi tình hình sở tại và không có sẵn chiến lược phản ứng. (Việc chia cắt của Sudan và Nam Sudan là một ví dụ mới đây). Hiện nay, Trung Quốc đang cân nhắc thay đổi chính sách này để tìm cách hiểu rõ hơn các thế lực đằng sau và các vấn đề có thể nổi lên thành cuộc xung đột và hành động một mình hoặc với cộng đồng quốc tế để giải tỏa các tình huống biến động. Tại Biển Đông, điều đó sẽ có nghĩa là minh bạch các yêu sách biển của họ thay vì tiếp tục sử dụng “đường 9 đoạn” mơ hồ, cũng như theo đuổi tích cực hơn các ý tưởng về một cơ chế an ninh châu Á, trong đó Trung Quốc sẽ đóng một vai trò lãnh đạo tích cực.

Lập trường của Trung Quốc về các liên minh vẫn giữ nguyên như đã được Đặng Tiểu Bình định ra trong những năm 1980: Đó là Trung Quốc không tham gia các cấu trúc liên minh nhằm chống lại các nước thứ ba. Điều đó vừa cho phép Trung Quốc giữ vững quan điểm đối ngoại độc lập vừa tránh được những vướng mắc quốc tế do liên minh của họ với các quốc gia khác. Ví dụ, các kế hoạch của Trung Quốc nhằm chiếm lại Đài Loan đã bị dẹp bỏ bởi sự tham gia của Trung Quốc vào cuộc chiến tranh Triều Tiên, và từ đó khiến quan hệ với Mỹ bị đẩy lùi hàng thập kỷ. Sự sụp đổ của hệ thống chiến tranh lạnh và sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc đã khiến họ phải xem xét lại chính sách này. Bắc Kinh đã thận trọng theo dõi khi NATO mở rộng về phía đông và Mỹ tăng cường các liên minh quân sự của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chính sách không liên minh của Bắc Kinh khiến Trung Quốc có khả năng phải đơn độc đối mặt với các nhóm nước này, điều mà Trung Quốc không có cả sức mạnh quân sự lẫn kinh tế để đối phó có hiệu quả.

Cơ cấu bán liên minh được đề xuất được thiết kế nhằm khắc phục nhược điểm này mà không khiến Trung Quốc phải chịu ơn các đối tác bán liên minh của mình. Việc Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ đối tác chiến lược (thậm chí cả với các quốc gia mà bề ngoài là đối thủ của Trung Quốc) và các cuộc diễn tập quân sự và cứu trợ thảm họa nhân đạo gia tăng với các quốc gia khác là một phần của chiến lược này. Chiến lược này không hẳn là xây dựng một cơ cấu liên minh chống lại Mỹ mà là phá vỡ các cấu trúc liên minh có thể được xây dựng nhằm chống lại Trung Quốc bằng cách xích lại gần hơn các đối tác truyền thống của Mỹ, làm cho họ do dự hơn trong việc có những hành động mạnh mẽ chống lại Trung Quốc. Trong chiến lược biển của mình, Bắc Kinh đang làm việc cùng với Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc trong các hoạt động chống cướp biển, tham gia nhiều hơn vào các hoạt động trao đổi hải quân và mời chào thực hiện các cuộc tập trận và diễn tập chung.
Nhìn về phía trước

Thế giới của Trung Quốc đang thay đổi. Sự nổi lên của Trung Quốc với tư cách một đại cường kinh tế buộc Bắc Kinh phải tư duy lại chính sách đối ngoại truyền thống của mình. Ở gần Trung Quốc nhất, vấn đề Biển Đông là một mô hình thu nhỏ của cuộc tranh luận rộng lớn hơn về chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Sự mơ hồ trong yêu sách biển của Trung Quốc là hữu dụng khi khu vực yên tĩnh, nhưng nó không còn đáp ứng các mục đích của Trung Quốc, và cùng với việc bành trướng tự nhiên lợi ích biển hàng hải của Trung Quốc và hoạt động hải quân, nó làm căng thẳng thêm trầm trọng. Các công cụ chính sách cũ như cố gắng để giữ tất cả các cuộc đàm phán đều chỉ là song phương hay tuyên bố quan điểm không can thiệp không còn đáp ứng nhu cầu của Trung Quốc. Chính sách hợp tác phát triển (khai thác) kế thừa từ Đặng đã không thể mang lại bất kỳ sự hợp tác đáng kể nào với các nước láng giềng ở Biển Đông, và việc khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” giữa các hồ sơ hiệp ước biển của Liên Hợp Quốc đồng thời làm gia tăng chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa trong nước, cũng như các phản ứng của các nước láng giềng.

Mặc dù sự thiếu rõ ràng về chính sách biển, Trung Quốc đã thể hiện ý đồ của họ tiếp tục củng cố các yêu sách của họ dựa trên “đường 9 đoạn”. Bắc Kinh thấy rằng, những thay đổi về chính sách là cần thiết, nhưng bất kỳ sự thay đổi nào cũng có những hậu quả đi cùng của nó. Con đường thay đổi chứa đầy nguy hiểm, từ các thành phần bất mãn trong nước cho đến những phản ứng mạnh mẽ từ các nước láng giềng của Trung Quốc. Tuy nhiên, thay đổi đang xảy ra một cách có chủ định và đương nhiên, và việc cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại diễn ra như thế nào sẽ có hậu quả lâu dài như thế nào đối với chiến lược biển của Trung Quốc và vị thế quốc tế của họ nói chung.

Nguồn: The Paradox of China's Naval Strategy / Rodger Baker and Zhixing Zhang // Stratfor, 17.7.2012. (http://www.stratfor.com/weekly/paradox-chinas-naval-strategy#ixzz21RKfw0U7)

Print Print E-mail Print