|
Challenger 2 |
Theo Defense Aerospace, các công ty QinetiQ và BAE Systems của Anh sẽ lắp đặt MUSS lên mẫu tăng thử nghiệm để thử nghiệm và hoàn thiện dự án tích hợp MUSS với thiết bị trên xe tăng.
Trong trận đánh hiện đại, tăng-giáp có thể đối mặt với nhiều loại đe dọa, trong đó có tên lửa và đạn lựu phản lực. Hiện có một số loại phòng vệ chủ động cho xe tăng, cho phép bảo vệ xe tăng trước tên lửa bằng cách tác động trực tiếp vào chúng. Các nhà thiết kế khác nhau cũng giải quyết vấn đề này một cách khác nhau. Chẳng hạn, hệ thống Trophy của Israel bắn những viên bi nhỏ vào tên lửa chống tăng.
Đồng thời, các hệ thống phòng vệ chủ động phải tương đối nhỏ nhẹ và tiết kiệm năng lượng. Do đa số các tên lửa chống tăng hiện có sử dụng các đầu tự dẫn hồng ngoại hay laser nên các hệ thống phòng vệ chủ động hồng ngoại là giải pháp đơn giản nhất và khá nhỏ gọn.
MUSS gồm một số phân hệ: hệ thống cực tím phát hiện tên lửa AN/AAR-60, sensor chiếu xạ laser LWR và các thiết bị gây nhiễu chống các hệ dẫn hồng ngoại. Hệ thống do công ty Airbus DS của Pháp sản xuất, có thể kết nối với các ống phóng lựu khói trên xe tăng.
Khi hệ thống cực tím phát hiện được tên lửa, nhưng sensor laser không phản ứng, MUSS sẽ bật thiết bị gây nhiễu hồng ngoại. Nó chính là một đèn chiếu hồng ngoại dùng những chớp sáng cường độ khác nhau để tê liệt hoặc làm mù lóa hệ dẫn của tên lửa.
Trong trường hợp, sensor chiếu xạ laser phản ứng, MUSS sẽ bắn ra một đạn lựu khói và màn khói sẽ cản trở bức xạ laser ở một số dải phổ đi qua. Do tác động của khói mà việc dẫn tên lửa theo tia laser trở nên rất khó khăn hay hoàn toàn không thể. Hiện nay, MUSS chỉ được lắp hàng loạt trên xe chiến đấu bộ binh Puma.
Tăng chủ lực Challenger 2 được Nga sản xuất từ năm 1998. Thân và tháp xe tăng được làm bằng hợp kim độ cứng cao Dorchester mà thành phần được bảo mật.
Giới quân sự Anh khẳng định, nó vững chắc hơn thép làm vỏ giáp xe tăng thông thường. Để bảo vệ tốt hơn, xe có thể được lắp giáp phản ứng nổ với các hộp chứa thuốc nổ và được kích nổ để tác động vào đạn chống tăng đang bay đến.
Challenger 2 được lắp hàng loạt mỗi xe 5 ống phóng lựu khói ở mỗi bên tháp. Khi các hệ thống trên xe phát hiện được bức xạ laser, trưởng xe có thể bắn ra mấy đạn lựu. Xe tăng cũng được trang bị hệ thống tạo màn khói bằng dầu diesel: khi xe đang hành tiến, dầu diesel được phun vào ống xả nóng, tạo ra nhiều khói. Hiện chưa biết MUSS có sử dụng cả hệ thống tạo màn khói bằng dầu diesel hay không.
Liên Xô cũng đã phát triển một hệ thống tương tự MUSS vào cuối thập niên 1980. Từ năm 1991, nó được lắp lên một số loại tăng giáp BMP-3M, tăng chủ lực Т-72 và Т-90 của Nga, cũng như xe tăng Т-80 của Ukraine. Tại Nga, hệ thống này có tên Shtora-1, còn ở Ukraine thì có tên Varta.
Hệ thống gồm có 4 sensor phát hiện bức xạ laser, sensor phát hiện kênh điều khiển tên lửa xe tăng, 2 thiết bị gây nhiễu hồng ngoại với các bộ điều biến và 12 ống phóng lựu khói. Tuy nhiên, hệ thống Shtora-1 không có hệ thống cực tím phát hiện tên lửa. Shtora-1 có thể chế áp các hệ dẫn tên lửa ở cự ly đến 2,5 km.
Cần lưu ý rằng, Shtora-1 không thể hoạt động ở chế độ hoàn toàn tự động vì nó không có hệ thống phát hiện bức xạ cực tím của động cơ tên lửa. Việc kích hoạt các thiết bị gây nhiễu hồng ngoại thực hiện bằng tay, còn cả hệ thống sẽ hoạt động đến khi không còn ghi nhận được nguồn bức xạ. Điều đó có thể làm bộc lộ xe tăng.
Các hệ thống phòng vệ hồng ngoại không đối phó được các tên lửa có thiết bị phát xạ hồng ngoại của mình. Tên lửa chống tăng TOW-2A của Mỹ được trang bị thiết bị phát xạ đó với bộ điều biến riêng. Nhờ bức xạ hồng ngoại được điều biến từ các tên lửa này, hệ dẫn trên bệ phóng không để mất dấu tên lửa trên phông nhiễu hồng ngoại và tiếp tục dẫn tên lửa.