VietnamDefence -
Các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu tạo ra một giống bọ cánh cứng-sinh vật điều khiển học.
|
Getty Images/Fotobank.ru
|
Hiện nay, các nhà nghiên cứu của Đại học Michigan đã giải quyết được vấn đề cấp nguồn cho thiết bị được cấy vào các côn trùng và định sử dụng các vật cấy neuron để điều khiển các sinh vật của họ.
Vấn đề bảo đảm nguồn điện cho các thiết bị được cấy vào các sinh vật điều khiển học là vấn đề then chốt cho lĩnh vực này, bởi lẽ không có nguồn thì các sensor, các hệ thống liên lạc và các bộ phận nhân tạo của sinh vật này sẽ không thể hoạt động.
Các nhà khoa học đã lập tức loại bỏ phương án sử dụng các panel pin mặt trời vì chúng không hiệu quả về ban đêm và thậm chí trong thời tiết u ám. Bởi vậy, họ quyết định cấp nguồn cho các thiết bị từ máy phát bằng gốm áp điện. Nó là một lò xo xoắn ốc 3 lớp mà các bề mặt ngoài của nó làm bằng chất PZT-5H tạo ra điện khi có biến dạng cơ học. Để tăng độ vững chắc, một lõi bằng đồng thau liên kết 2 lớp gốm áp điện.
Trong quá trình thí nghiệm, mỗi con bọ cánh cứng được lắp 2 máy phát, mỗi máy phát được gắn một đầu vào cơ thể côn trùng, đầu kia được gắn vào gốc cánh mà khi đôi cánh rung động sẽ tạo ra năng lượng cho máy phát. Với trọng lượng dưới 0,2 g, cả hai thiết bị tạo ra 45 micro Watt năng lượng khi bọ cánh cứng bay.
Bước tiếp theo để tạo ra bọ cánh cứng điều khiển học sẽ là phát triển các vật cấy neuron để điều khiển sinh vật này, thiết bị liên lạc, các micro và các sensor khác. Tất cả máy móc này dự kiến được lắp trên lưng trong một “ba lô” tí hon.
Người ta dự tính sử dụng các bọ cánh cứng cải tiến này thành “các đội quân” bằng cách thả những số lượng lớn các sensor bay này vào những nơi nguy hiểm hoặc khó tiếp cận sau những thảm họa công nghiệp hay thảm họa thiên nhiên. Thông tin do chúng thu thập được sẽ được chuyển đến các cơ quan cứu hộ để giúp họ tìm hiểu tình hình.