Vietnamdefence.com

 

Lục quân Mỹ thử nghiệm công nghệ biến rác thành nhiên liệu

VietnamDefence - Lục quân Mỹ đã thử nghiệm một công nghệ cho phép xử lý rác thành năng lượng trong điều kiện dã chiến.

Đưa nhiên liệu đến và đưa chất thải khỏi trận địa là những công việc cực kỳ tốn kém và nguy hiểm. Để làm việc đó cần những người lính và phương tiện vận tải, đồng thời họ phải chịu nguy cơ bị tấn công và bị hút khỏi việc thực hiện nhiệm vụ tác chiến trực tiếp.

Vấn đề này sẽ được giải quyết nhờ thiết bị TGER có khả năng biến rác thành năng lượng. Công tác thử nghiệm công nghệ mới trong 3 tháng ở Iraq đã hoàn tất.
TGER là công nghệ hybrid, có khả năng biến nhiều loại chất thải thành nhiên liệu. Ban đầu, rác được nghiền nhỏ, còn những vật liệu như nhựa, giấy, carton và nhựa xốp thì được tán nhỏ và nung nóng. Kết quả là chúng phân rã thành những hydrocarbon đơn giản có đặc tính của propan chất lượng thấp. Bằng cách lên men từ chất thải vật liệu sinh học, ví dụ như thực phẩm, người ta sản xuất ra dung dịch ethanol. Người ta thêm vào gas và ethanol 10% nhiên liệu diesel, sau đó hỗn hợp này được đưa vào máy phát điện diesel để phát ra điện năng.

TGER có mức phát thải carbon bằng 0 và cho phép giảm lượng rác 30 lần, từ 23 m3 rác chỉ còn lại có 0,7 m3 tro. Tro lại không độc và có thể dùng làm phân bón.

Một đơn vị quân đội 500 người hằng ngày thải ra gần 1.000 kg rác. Nếu chuyển hóa lượng chất thải lớn này thành năng lượng, ta có thể giảm nhiều được việc chuyên chở nhiên liệu và không cần phải chở chất thải đi nữa. Đơn vị sẽ ít phụ thuộc hơn vào việc cung cấp nhiên liệu và gây tác động tối thiểu đến môi trường xung quanh. Thiết bị TGER nặng 4 tấn xử lý được gần 1 tấn rác/ngày đêm và có thể bảo đảm nhiên liệu cho máy phát công suất 60 kW.

Công nghệ TGER có thể ứng dụng không chỉ trong quân đội, bởi vì rác thì có ở bất nơi đâu có con người. Tuy vậy, trước hết công nghệ mới có ưu điểm trước hết trong những điều kiện phức tạp của các vụ thiên tai, tình huống khẩn cấp và thảm họa sinh thái. Các máy phát điện dựa trên TGER có thể tiêu thụ ở các nước có hạ tầng, đường giao thông kém phát triển và tại những khu định cư tạm thời, như các trại tị nạn, nơi việc cấp điện và tiêu hủy rác thải là cực kỳ khó khăn.

  • Nguồn: rnd.cnews.

Print Print E-mail Print