Vietnamdefence.com

 

Vũ khí siêu mật Yu-71 - bay đến New York trong 40 phút

VietnamDefence - Phương tiện bay siêu mật này mà báo chí gọi tên là Yu-71 là bộ phận của dự án 4202 liên quan đến chương trình tên lửa Nga.

Theo tin tức có được, nó có thể đạt tốc độ bay trên 11.000 km/h, có khả năng siêu cơ động, sử dụng kiểu bay liệng và khi cơ động có thể bay vào vũ trụ gần.

Việc thử nghiệm vẫn đang được tiếp tục, nhưng kết quả thử nghiệm cho phép nói đến thành công hiển nhiên của ý tưởng kỹ thuật Nga này. Dự kiến, đến năm 2025, Nga với loại vũ khí mới này sẽ có con bài hạt nhân mạnh mẽ trong đàm phán với Mỹ.

“Cuộc chạy đua vũ trang vào cuối thế kỷ trước đã cho phép Nga vượt trước đáng kể các nước NATO về mặt kỹ thuật quân sự và chế tạo vũ khí thế hệ 4. Nói một cách khách quan, thế hệ 5 vì nhiều nguyên nhân liên quan đến sự sụp đổ của Liên Xô mà vẫn dừng ở mức các viện thiết kế. Nhiệm vụ hiện nay của tổ hợp công nghiệp quốc phòng không chỉ là lấy lại những gì bị bỏ lỡ và hoàn thiện vũ khí thế hệ 5 mà còn tiến bước vào tương lai - phát triển vũ khí thế hệ 6 và 7. Phải nói rằng, những kết quả như thế rất thành công, hiện đã có. Đó là vũ khí hoàn toàn mới, không thể tiên đoán”, Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin nói.

Ông Rogozin không nêu rõ các dự án nghiên cứu mà chỉ nói về các xu hướng phát triển kỹ thuật, nhưng tất nhiên là ông ám chỉ cả phương tiện bay siêu vượt âm có thể mang đầu đạn hạt nhân Yu-71.

Nga đã phát triển phương tiện này với khả năng tiêu diệt chắc chắn mục tiêu bằng một tên lửa và mấy năm nay đã tiến hành một số lần thử nghiệm thành công. Nhưng thông tin chỉ bị tiết lộ vào tháng 2/2015. Các viên tướng ở Lầu Năm góc đã không chỉ chán nản mà còn hoàn toàn tuyệt vọng vì vũ khí mới của Nga không chỉ xóa tan mọi kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa xung quanh nước Nga mà còn làm cho bản thân nước Mỹ hoàn toàn không được bảo vệ.

Trong số các khả năng kỹ thuật của Yu-71 không chỉ có khả năng thực hiện các đòn tấn công chớp nhoáng và chết người. Vũ khí siêu vượt âm này được trang bị hệ thống tác chiến điện tử có khả năng trong vài phút bay qua lãnh thổ Mỹ và trên đường đi của mình loại khỏi vòng chiến tất cả các trạm phát hiện vô tuyến điện tử.

Theo thông tin của NATO, từ năm 2020-2025, Nga có thể triển khai đến 24 tên lửa siêu vượt âm tại một trung đoàn của Sư đoàn tên lửa 13 của Bộ đội Tên lửa chiến lược RVSN (tỉnh Orenburg), dự đoán là ở làng Dombarovsky. Yu-71 có khả năng bay đến Washington trong vòng 45-50 phút, đến New York trong 40 phút, đến London trong 20 phút. Hơn nữa, các vũ khí này vừa không thể phát hiện lẫn bắn hạ.

Ở Nga, kế hoạch trang bị vũ khí 4202 chưa được thông báo, nhưng các nguồn tin công khai cho biết, NPO Mashinostroenia bắt đầu phát triển vũ khí này từ trước năm 2009. Bên đặt hàng chính thức dự án 4202 là Cơ quan Vũ trụ liên bang Nga, nhưng Bộ Quốc phòng Nga rất quan tâm. Năm 2004, Bộ Tổng tham mưu Nga đã tiết lộ việc thử nghiệm một thiết bị vũ trụ có thể bay với tốc độ siêu vượt âm có khả năng cơ động cả về hướng và độ cao.

“Ngay các đầu đạn hiện nay của các tên lửa đường đạn Nga ở giai đoạn bay thụ động cũng có tốc độ siêu vượt âm. Nhưng sự khác biệt với đầu đạn siêu vượt âm tương lai chắc chắn là ở chỗ nó hoạt động không đơn giản như một đầu đạn đường đạn mà bay theo quỹ đạo khá phức tạp, tức là cơ động như máy bay với tốc độ bay cao”, viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm khoa học tên lửa và pháo binh Nga (RARRAN), Tiến sĩ Khoa học quan sự Konstantin Sivkov nói.

Và nếu như RVSN vào năm 2025 quả thực sẽ nhận vào trang bị các tên lửa mang đầu đạn siêu vượt âm thì đây sẽ là con bài nặng ký. Ngay hiện giờ, Mỹ và châu Âu đã gọi các phương tiện siêu vượt âm của Nga là con bài của Moskva trong đàm phán với Washington. Thực tế cho thấy, chỉ có một cách để buộc Mỹ ngồi vào bàn đàm phán là đưa vào trang bị các hệ thống khiến Lầu Năm góc lo sợ.

Chuyên gia quân sự Viktor Murakhovsky cho biết, Nga liên tục hoàn thiện đầu đạn tên lửa xuyên lục địa của mình. Khi Tổng thống Putin tại diễn đàn Army-2015 nói rằng, trong năm 2015 sẽ nhận vào trang bị hơn 40 tên lửa xuyên lục địa mới “có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa dù là hoàn thiện nhất về mặt kỹ thuật”.

Nga cũng đang phát triển các tên lửa hành trình siêu vượt âm có thể bay đến mục tiêu ở độ cao nhỏ. Ngay cả các hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất cũng hầu như không thể bắn hạ chúng vì thực chất đó là các mục tiêu khí động. Ngoài ra, các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại còn có hạn chế về tốc độ tiêu diệt mục tiêu - đó là chỉ có thể chặn đánh trong khoảng tốc độ 700-800 m/s. Hơn nữa, tên lửa phải có cả khả năng cơ động với quá tải lớn. Đó là những thứ mà NATO hiện chưa có.

Trung Quốc và Mỹ cũng đang tiến hành phát triển vũ khí siêu vượt âm như Yu-71. Theo các chuyên gia, chỉ có Wu-14 của Trung Quốc có thể là đối thủ đáng gờm của Yu-71. Wu-14 cũng là phương tiện bay liệng và đã được thử nghiệm một lần vào năm 2012. Wu-14 cũng có thể cơ động với tốc độ 11.000 km/h. Hiện chưa biết nó có thể mang vũ khí gì.

Còn kết quả của các kỹ sư Mỹ thì khiêm tốn hơn so với Nga và Trung Quốc. Mấy năm trước, phương tiện bay siêu vượt âm không người lái Falcon HTV-2 khi bay thử đã mất điều khiển và nổ tung ở phút bay thứ 10.



Nguồn: tvzvezda, 9.11.2015.

Print Print E-mail Print