Vietnamdefence.com

 

100 năm xe tăng

VietnamDefence - Diện mạo cỗ máy chiến tranh chủ yếu trong 100 năm qua.

100 năm trước, ngày 15/9/1916, trong trận đánh trên sông Somme, Pháp ở mặt trận phía Tây, quân Anh đã lần đầu tiên đưa vào trận các xe thiết giáp vụng về và quái dị là các xe tăng Mark I. Loại chiến cụ mới thể hiện không tồi mặc dù cũng cho thấy độ tin cậy kém cỏi. Sự khải hoàn thật sự của xe tăng vẫn còn ở phía trước. Dưới đây là đôi nét về những loại xe tăng nổi tiếng nhất trong suốt lịch sử trăm năm của nó.
Mark I (United Kingdom Government / Wikipedia)

Xe tăng Mark I của Anh trên mặt trận. Bức ảnh chụp ở Somme, Pháp vào ngày 25/9/1916, 10 ngày sau cuộc tấn công đầu tiên, chụp biến thể của xe tăng vốn được gọi là “xe đực” (trang bị các khẩu pháo 57 mm ở hai bên sườn xe). Còn có biến thể “xe cái” chỉ trang bị súng máy.

Renault Ft.17 tại bảo tàng xe tăng ở Bovington, Anh (Hohum / Wikipedia)

Renault Ft.17 là một trong những mẫu xe tăng hạng nhẹ phổ biến nhất và thành công nhất. Được chế tạo vào sát cuối Thế chiến I, nó có mặt trong biên chế gần 30 nước trên thế giới trong thời kỳ giữa hai Thế chiến. Đã tham chiến thậm chí cả vào cuối Thế chiến II. Biến thể của Nga của xe tăng này có tên “Renault của Nga” (Chiếc xe tăng nổi tiếng “Chiến sĩ vì tự do, đồng chí Lenin” chính là một chiếc loại này).

Xe tăng Т-26 của Tập đoàn quân số 7 Hồng Quân Liên Xô tại eo đất Karelia, tháng 12/1939 (CAFM / Wikipedia)

Xe tăng hạng nhẹ Т-26 được sản xuất hơn 11.000 chiếc, là xe tăng sản xuất loạt lớn thực sự đầu tiên của Hồng Quân Công nông (loại xe tăng trước đó là Т-18 được sản xuất chưa đến 1.000 chiếc). T-26 dùng để chi viện trực tiếp cho bộ binh, được chế tạo trên cơ sở cải tiến sáng tạo cấu trúc xe tăng Anh Vickers 6-ton. Trở nên lạc hậu vào cuối thập niên 1930, T-26 vẫn tham chiến trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Vào trận lần cuối vào năm 1945, ở Viễn Đông.

Xe tăng BT-2 tại bảo tàng tăng-thiết giáp ở Kubinka, Nga (Mike1979 Russia / Wikipedia)

Các xe tăng dòng BT (BT là viết tắt của “xe tăng cao tốc”) bắt nguồn từ các xe tăng của kỹ sư Mỹ John Walter Christie, với bộ phận vận hành có cấu trúc độc đáo với hệ thống treo độc lập dạng ngọn nến. Liên Xô đã sản xuất hơn 8.000 xe tăng BT, chủ yếu là BT-7 (5.7000 chiếc). Cho đến trước Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Liên Xô, xe tăng BT cùng với T-26 là nòng cốt lực lượng xe tăng của Hồng Quân.

Một xe tăng M3 của quân Anh bị bắn hỏng ở Bắc Phi, năm 1941 (Dorsen / German Federal Archives)

Xe tăng Mỹ M3 được sản xuất với số lượng gần 23.000 chiếc được coi là xe tăng hạng nhẹ có số lượng lớn nhất trong lịch sử. Trong quân đội Anh, nó còn có tên Stuart. Được trang bị vũ khí tương đối yếu, nhưng cực kỳ cơ động, xe tăng này được sử dụng rộng rãi trong Thế chiến II. Liên Xô đã nhận được gần 1.700 xe tăng họ này theo cơ chế thuê.

Xe tăng T-34 kiểu năm 1941 tại Bảo tàng tăng-thiết giáp ở Kubinka, Nga (Vladimir Galin / Wikipedia)

Xe tăng Т-34 lừng danh không cần sự giới thiệu thêm. Được thế giới thừa nhận là loại tăng số 1 trong lịch sử xe tăng, T-34 đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh và xung đột trong nửa cuối thế kỷ XX.

Xe tăng M4A3E8 Sherman của Sư đoàn bộ binh 2 của Mỹ đang bắn từ trận địa chuẩn bị sẵn, Triều Tiên, tháng 5/1952 (U.S. federal government)

Là loại xe tăng đông đảo nhất thời Thế chiến II, M4 Sherman không thể được gọi là đỉnh cao tư duy thiết kế xe tăng. Nhưng đây là xe tăng đơn giản, tin cậy và dễ sản xuất loạt như một xe tăng sản xuất loạt lớn cần có.

Xe tăng Valentine III (United Kingdom Government)

Valentine là xe tăng Anh có số lượng nhiều nhất trong Thế chiến II (hơn 8.200 chiếc), đã kịp tham chiến cả ở mặt trận phía Đông: Liên Xô đã nhận được hơn 3.300 xe tăng họ này theo cơ chế thuê. Tin cậy và có khả năng bảo vệ khá tốt, xe tăng Valentine chỉ có 2 nhược điểm điển hình là vũ khí tương đối yếu và không gian bên trong chật chội gây khó khăn cho hoạt động của kíp xe.

Xe tăng Pz.Kpfw IV Ausf G thu được trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967 từ tay quân Syria, tại Bảo tàng Yad La-Shiryo, Israel (Wikipedia)

Panzerkampfwagen IV là “lao động chính” của Panzerwaffe (binh chủng xe tăng của quân đội Đức quốc xã), loại xe tăng Đức đông đảo nhất thời Thế chiến II (8.600 chiếc). Xe tăng tin cậy này đã tham chiến không ít kể cả sau năm 1945, ví dụ ở Cận Đông.

Xe tăng Pz.Kpfw VI Tiger I thuộc biên chế Tiểu đoàn nặng xe tăng 504, bị quân Anh chiếm được ở Tunisia. Bảo tàng xe tăng ở Bovington, Anh (Hohum / Wikipedia)

Pz.Kpfw VI Tiger I không phải là xe tăng thành công nhất thời Thế chiến II, nhưng lại là một trong những biểu tượng của cuộc chiến này. Là xe tăng hạng nặng có khả năng bảo vệ tốt với pháo uy lực mạnh, nhưng lại không có sức cơ động tốt, khó bảo dưỡng, còn độ tin cậy chỉ đạt mức khá vào cuối chiến tranh.

Xe tăng Т-55 của một nhóm thân chính phủ Libya đang bắn, tháng 8/2016 (Goran Tomasevic / Reuters)

Họ xe tăng Liên Xô Т-54/Т-55 (cùng các xe tăng làm nhái) được coi là họ xe tăng đông đảo nhất trong lịch sử với số lượng sản xuất từ 86.000-100.000 chiếc. Mãi đến năm 1979, Liên Xô mới loại các xe tăng này khỏi sản xuất. Chúng đã và đang được sử dụng cho đến nay ở hơn 50 nước.

Xe tăng M48 của Hàn Quốc đang tập trận, tháng 11/2011 (Lee Jin-man / AP)

Xe tăng hạng trung M48 của Mỹ là một trong những đấu thủ sớm của chiến tranh lạnh, được sản xuất trong những năm 1950 và đã kịp tham chiến nhiều, trong đó có ở Việt Nam, Cận Đông và tiểu lục địa Ấn Độ. So với các địch thủ của mình là Т-55 và Centurion, M48 vẫn có vẻ hơi thua kém, tuy nhiên Mỹ vẫn sản xuất gần 12.000 chiếc xe tăng này.

Xe tăng hạng nhẹ AMX-13 tại Bảo tàng Yad La-Shiryo, Israel (Wikipedia)

AMX-13 là mẫu xe tăng cực kỳ độc đáo của Pháp vào cuối thập kỷ 1940, được sản xuất đến năm 1964 (ở Argentina được sản xuất tận đến năm 1987). Cái gọi là “tháp pháo dao động” đã cho phép áp dụng nạp đạn cơ giới hóa bán tự động từ các hộp đạn kiểu trống. Xe tăng được sử dụng nhiều ở khu vực thế giới thứ ba (quân đội 30 nước đã mua AMX-13), được hiện đại hóa nhiều lần.

Xe tăng Centurion Mk.III tại Bảo tàng quân sự Eastbourne, Anh (Ksimisk / Wikipedia)

Centurion là xe tăng hạng trung của Anh, được phát triển vào gần cuối Thế chiến II. Tin cậy và có sức sống còn cao với tiềm năng hiện đại hóa lớn, nó được sản xuất cho đến năm 1962. Được Israel sử dụng rộng rãi trong các cuộc chiến tranh Arab-Israel đến thập niên 1980.

Lần ra mắt công chúng đầu tiên của các xe tăng T-72 tại cuộc duyệt binh ngày 7/11/1977 tại Moskva, Liên Xô (Boris Yurchenko)

T-72 cũng là xe tăng có số lượng lớn nhất thế giới nhưng ở lớp xe tăng chủ lực: tổng cộng đã sản xuất gần 30.000 chiếc ở tất cả các biến thể. Được thiết kế như một xe tăng rẻ tiền để “động viên” một khi nổ ra chiến tranh lớn (các xe tăng tuyến của Liên Xô hồi đó là Т-64, sau đó là Т-80), Т-72 là xe tăng cực kỳ thành công. Nó trở thành cơ sở cho xe tăng xuất khẩu của Liên Xô sau Т-55 và Т-62. Cuối cùng, họ T-72 được cải tiến lớn đã sản sinh ra Т-90.

Các xe tăng Leopard 2 của Canada ở gần Kandahar, Afghanistan, tháng 5/2010 (Nikola Solic / Reuters)

Xe tăng chủ lực Leopard 2 của CHLB Đức được sản xuất từ năm 1979. Chiếc xe tăng đắt tiền, chắc chắn của trường phái chế tạo xe tăng Đức có vũ khí mạnh và vỏ giáp vững chắc. Nhiều nước trong và ngoài NATO đã mua Leopard 2.

Xe tăng Merkava III thuộc Lữ đoàn xe tăng 188 trên cao nguyên Golan, tháng 3/2008 (Israel Defense Forces)

Các xe tăng họ Merkava được Israel sản xuất từ năm 1979. Xe này có nhiều đặc điểm cấu trúc đặc trưng, trong đó có việc bố trí khoang động cơ-truyền động ở phía trước. Xe tăng được thiết kế nhằm đạt được khả năng bảo vệ cao nhất có thể dù phải hy sinh các tính năng khác.

Xe tăng Т-90 trưng bày tại Nizhny Tagil, tháng 7/2002 (Reuters)

T-90 Vladimir là sự phát triển sáng tạo của thiết kế thành công của tăng T-72B, có sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến Irtysh của tăng T-80U. Xe tăng này thực sự là mặt hàng hot của Nga cuối những năm 1990-đầu những năm 2000, một trong những xe tăng bán chạy nhất hiện tại trên thế giới.

e tăng Challenger 2 thuộc Trung đoàn xe tăng hoàng gia đang bắn (Cpl Si Longworth RLC (Phot) / Wikipedia)

Challenger 2 được sản xuất từ năm 1994 và theo đánh giá của các chuyên gia thì nó sẽ phục vụ trong quân đội Anh ít nhất đến năm 2035. Được trang bị giáp phức hợp Chobham thế hệ 2, cũng như giáp Dorchester.

Xe tăng M1A2 thuộc Sư đoàn kỵ binh 1 của Mỹ tập trận ở Đức, tháng 11/2014 (Michael Dalder / Reuters)

M1 Abrams cũng không cần giới thiệu nhiều vì đây là một trong những biểu tượng của quân đội Mỹ đương đại. Được sản xuất từ năm 1980. Các biến thể cuối được tăng cường về khả năng bảo vệ và các hệ thống điện tử tinh vi.

Xe tăng Т-14 Armata trong cuộc duyệt binh ngày 9/5/2015 ở Moskva, Nga (Grigory Dukor / Reuters)

Т-14 Armata là cú đột phá của ngành sản xuất xe tăng Nga, hiện tại là xe tăng bán thử nghiệm, đồng thời là xe tăng hiện đại nhất về các giải pháp kết cấu và công nghệ trên thế giới.

Nguồn: Lenta, 15.9.2016.

Print Print E-mail Print