Vietnamdefence.com

 

Năm vũ khí mặt đất đáng gờm của Trung Quốc

VietnamDefence - Bắc Kinh không chỉ tập trung nguồn lực quốc phòng của họ riêng cho vũ khí trang bị hải quân...


Quân đội Trung Quốc đang ở trong một thời kỳ thay đổi rộng lớn. Tiếp sau Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991, quân đội Trung Quốc đã đưa ra quyết định có ý thức chuyển đổi từ một đội quân đông người sang một đội quân công nghệ cao. Từ năm 1980, lục quân Trung Quốc đã giảm 60% quân số.

Đồng thời, quân đội đã trở nên mạnh hơn. Vũ khí trang bị mới đã được đưa vào trang bị phù hợp với môi trường an ninh của Trung Quốc. Các xe tăng, tên lửa và xe lội nước mới đã được đưa vào trang bị, giúp quân đội Trung Quốc trở thành một trong những quân đội được trang bị tốt nhất thế giới.

Đến mức không ai còn nhận ra nó. Thật kỳ lạ, nhiều trong số các hệ thống vũ khí mới hầu như là không thể nhìn thấy đối với thế giới bên ngoài. Quân đội Trung Quốc bảo vệ chặt chẽ đường biên giới của nước này, và không quân và hquân được xem nằm trong đội tiên phong trong tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc, đặc biệt là với Nhật Bản và Mỹ.

Tuy nhiên, có những tình huống mà lực lượng trên bộ của Trung Quốc có thể là yếu tố quyết định trong đó. Xâm lược Đài Loan là một trong những kịch bản có thể. Hành động ở quần đảo Điếu Ngư, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có thể cần đến các lực lượng mặt đất. Với ý nghĩ đó, sau đây liệt kê 5 loại vũ khí mặt đất lợi hại nhất của Trung Quốc


Xe tăng chủ lực ZTZ-99

ZTZ-99 là xe tăng thế hệ 3 của Trung Quốc và hiện là xe tăng hiện đại nhất được trang bị cho quân đội Trung Quốc. Được thiết kế và tạo mẫu vào đầu những năm 1990, ZTZ-99 chịu ảnh hưởng rõ ràng của các thiết kế phương Tây và Nga. Loại xe tăng này được sản xuất với số lượng nhỏ, với khoảng 200-300 đã được chế tạo.

Tháp pháo dường như là một phiên bản góc cạnh của loại tháp pháo hình chảo của tăng Liên Xô T-72. Pháo chính 125 mm chính là bản sao chép của pháo tăng Liên Xô 2A46 và được tiếp đạn bằng máy nạp đạn tự động có tốc độ nạp đạn lên đến 8 viên/phút. Cơ số đạn pháo trên xe là 41 viên, gồm các loại đạn xuyên giáp, chống tăng nổ mạnh và nổ mạnh. Có tin xe tăng còn được trang bị một biến thể của tên lửa chống tăng tầm xa phóng từ nòng pháo tăng AT-11 Sniper của Liên Xô. ZTZ-99 còn được lắp 1 súng máy cao xạ 12,7 mm và 1 súng máy đồng trục 7,62mm.

Tấm giáp đầu xe của ZTZ-99, vị trí của ống xả động cơ và số lượng, hình dáng của bánh lăn cho thấy sự sao chép trực tiếp ít nhiều từ T-72. Động cơ diesel 1.500 mã lực sao chép động cơ của Đức giúp xe có công suất riêng (công suất/trọng lượng) lớn hơn so với tăng M1 Abrams của Mỹ.

Vỏ giáp của ZTZ-99 vẫn là một bí ẩn. Hình dáng tổng thể của ZTZ-99 cho thấy nhiều khả năng nó là một thứ T-72 chôn sâu dưới lớp vỏ giáp tăng cường, đặc biệt là trên tháp pháo và các tấm giáp sườn xe phía trước. Giả định rõ ràng nhất là ZTZ-99 có vỏ giáp cơ bản của T-72 cộng với một lớp giáp phức hợp của Trung Quốc. Biến thể mới nhất của ZTZ-99 được cho là có hệ thống bảo vệ tích cực, nhưng hiện mới có rất ít chi tiết về nó.


Tên lửa phòng không Hồng Kỳ 9 (Hongqi-9, HQ-9)

Hồng Kỳ 9 (HQ-9) là tên lửa đất đối không, được đưa vào trang bị từ năm 1997 thay thế cho các tên lửa cổ lỗ HQ-2, vốn là biến thể do Trung Quốc sản xuất của tên lửa Liên Xô SA-2 Gudeline.

Là hệ thống tên lửa một tầm xa, tầng cao, HQ-9 được thiết kế để bắn hạ tên lửa hành trình, máy bay và tên lửa đường đạn chiến trường. HQ-9 có tầm bắn 100 km và được bố trí thành cụm 4 tên lửa trên xe  bệ phóng. Hệ thống tên lửa và radar HQ-9 tương tự như Patriot của Mỹ với khả năng “bám-qua-tên lửa” (track-via-missile): tên lửa phát ra bức xạ điện tử của riêng nó, làm cho máy bay khó phát hiện ra nó.

Hệ thống radar mạng pha HT-233 của HQ-9 tương tự như hệ thống radar của Patriot và được cho là có khả năng bám và đánh chặn cùng lúc nhiều mục tiêu. Đại đội HQ-9 cũng có thể được kết nối với các radar thiết kế để sục sạo, tìm kiếm các mục tiêu bay thấp và tàng hình.

Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã tạo ra một sự chấn động khi chọn hệ thống FD-2000, biến thể xuất khẩu của HQ-9, cho hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa quốc gia của họ. FD-2000 đã đánh bại các đối thủ cạnh tranh như Patriot (Mỹ), SAMP/T Aster (châu Âu) và S-300 (Nga). Các lợi thế chính của hồ sơ chào hàng HQ-9 là giá rẻ hơn 1 tỷ USD so với các đối thủ phương Tây và cam kết chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, thương vụ này chưa được ký và việc cuộc đàm phán đã gặp khó khăn về vấn đề chuyển giao công nghệ.


Tên lửa chống tăng Hồng Tiễn 8 (HJ-8)

HJ-8 là tên lửa chống tăng thế hệ 2, được phát triển để tiêu diệt xe tăng-thiết giáp của đối phương. Lần đầu tiên triển khai vào giữa những năm 1980, HJ-8 hiện là tên lửa chống tăng chủ lực của quân đội Trung Quốc. Mặc dù công nghệ của tên lửa này đã khá lỗi thời, nhưng nó là một thiết kế hiệu quả và đang được quân nổi loạn sử dụng ở Syria.

HJ-8 là tên lửa chống tăng hạng trung, cùng lớp với TOW-II của Mỹ hoặc Milan của châu Âu, và có lẽ đã lấy cảm hứng từ cả hai. Nó có tầm bắn của TOW-II và khả năng mang vác cơ động của Milan. Hệ thống phóng mặt đất gồm 4 bộ phận: thiết bị đo góc hồng ngoại, giá ba chân, thiết bị bám và và 1 quả tên lửa, với tổng trọng lượng chỉ hơn 70 kg.

HJ-8 có tầm bắn hiệu quả từ 100-6.000 m và sử dụng hệ dẫn lệnh bán tự động theo đường ngắm. Sau khi tên lửa được bắn đi, tên lửa thả ra một dây dẫn nối về bệ phóng. Để dẫn tên lửa, xạ thủ giữ vạch ngắm chữ thập trong kính ngắm ở giữa mục tiêu cho đến khi tên lửa chạm mục tiêu.

Nhược điểm của HJ-8 và nhiều tên lửa chống tăng cũ hơn là xạ thủ bị bộc lộ trong khi tên lửa đang bay. Trong các cuộc chiến tranh Arab-Israel, quân Israel phát hiện ra rằng, tên lửa chống tăng khi phóng đi tạo ra một đám mây bụi lớn, và một loạt đạn súng máy bắn về hướng đám mây bụi có thể làm xạ thủ tên lửa chống tăng mất khả năng ngắm dẫn tên lửa. Xạ thủ HJ-8 sẽ phải đứng im trong đám mây bụi do tên lửa tạo ra trong 9 giây trước khi tên lửa chạm mục tiêu ở xa 2.000 m.

Không giống như các loại vũ khí khác trong danh sách này, tên lửa HJ-8 đã từng được sử dụng trong chiến đấu. HJ-8 đã lộ diện ở Syria, nơi quân nổi dậy đã dùng nó để tiêu diệt xe tăng-thiết giáp và các lô cốt của quân chính phủ. Phiến quân Syria đã đăng một số đoạn video quay cảnh HJ-8 hoạt động trên YouTube. Dự đoán, HJ-8 được lấy từ kho vũ khí của Sudan và được Qatar tuồn vào Syria.


Tên lửa phòng không mang vác Tiền Vệ 1 (QW-1)

Tiền Vệ 1 (QW-1) là hệ thống tên lửa mang vác, phóng từ vai (MANPADS) có khả năng đánh chặn các mục tiêu bay ở độ cao nhỏ và tầm gần. Tên lửa do Công ty Xuất nhập khẩu máy chính xác Trung Quốc (China Precision Machinery Import and Export Company) sản xuất và tương tự như hệ thống Stinger của Mỹ.

QW-1 có thể chặn đánh mục tiêu ở tầm từ 500-5.000 m bay ở độ cao từ 30-4.000 m. Nó có tầm bắn tối đa khoảng 5.000 m. Biến thể QW-1 cơ sở sử dụng một đầu tìm hồng ngoại để khóa và bám đuổi mục tiêu, trong khi các biến thể sau này sử dụng công nghệ đầu tìm tia cực tím vốn được sử dụng đầu tiên cho Stinger. Khả năng nhận dạng địch-ta để phân biệt các mục tiêu của ta hay địch đã được trang bị thêm cho biến thể mới của tên lửa, cũng như các biện pháp đối phó điện tử để tránh bị gây nhiễu. Nhà sản xuất tuyên bố QW-1 có xác suất diệt mục tiêu là 70%.

QW-1 được thiết kế cho 1 xạ thủ mang vác và vận hành, với ống phóng dài 1,45 m và trọng lượng chỉ 17 kg. Biến thể gắn trên xe là FB-6A được lắp cụm 8 ống phóng lắp trên loại xe của Trung Quốc tương đương với Humvee của Mỹ.

Biến thể xuất khẩu của QW-1 là Phi Nỗ 6 (FeiNu-6, FN-6) đã được sử dụng rộng rãi ở Syria để đánh chặn máy bay bay thấp. Một số đoạn video quay cảnh các xạ thủ FN-6 tiêu diệt các trực thăng và máy bay cánh cố định của Syria.


Họ xe lội nước Z

Năm 2006, lực lượng lính thủy đánh bộ quân đội Trung Quốc hé lộ một họ xe lội nước bánh xích mới. Mẫu xe chính - ZBD-2000 là xe chiến đấu bộ binh (IFV) có khả năng bơi trên biển. Cao và có dáng hình hộp, ZBD-2000 có kíp xe 3 người và có thể chở 8 lính thủy đánh bộ Trung Quốc.

ZBD-2000 là xe có khả năng bơi hoàn toàn, được đẩy bằng các ống dẫn tiến phụt nước lắp trên thân xe với tốc độ lên đến 45 km/h giờ. Xe được trang bị các tấm điều khiển bằng thủy lực ở mũi và đuôi có thể mở ra cho phép xe bơi trên mặt nước. Xe cũng có khả năng chạy với tốc độ lên đến 65 km/h trên cạn.

ZBD-2000 được lắp tháp gắn 1 pháo 30 mm và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm. Xe cũng được lắp 2 tên lửa chống tăng Hồng Tiễn 73 (HJ-73) trên ray phóng, mỗi bên tháp lắp 1 quả. Pháo 30 mm có thể tác xạ trong khi xe đang bơi.

Biến thể xe tăng hạng nhẹ là ZTD-05 có kíp xe 4 người và được lắp 1 pháo nòng rãnh 105 mm. Pháo có thể tác xạ khi xe đang bơi và có khả năng bắn tên lửa chống tăng dẫn bằng laser.

Họ xe lội nước Z có tầm quan trọng đặc biệt bởi vì chúng có thể được sử dụng không chỉ cho kịch bản xâm lược Đài Loan, mà cả ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Một tàu đốc đổ bộ Type 071 có thể chở một lực lượng ZBD-2000, thả bơi trên biển và đổ bộ lên một hòn đảo tranh chấp. Một lực lượng như vậy được trang bị các khí tài thông tin liên lạc, ảnh nhiệt và tên lửa chống tăng có điều khiển sẽ là sự hiện diện đáng gờm, kể cả đối với các tàu bè của đối phương.

Nguồn: China's Five Deadliest Weapons of War: Land Edition / Kyle Mizokami // The National Interest, 5.8.2014.

Print Print E-mail Print