VietnamDefence -
Mỹ đang đóng chiến hạm “tiên tiến nhất trong lịch sử” là khu trục hạm DDG-1000 lớp Zumwalt mà Lầu Năm góc gọi là “viên đạn bạc siêu tàng hình”.
Tàu có thể di chuyển một cách vô hình dọc theo bờ biển, kể cả ở vùng nước nông, tấn công các mục tiêu của đối phương bằng pháo ray (một loại pháo điện từ), trong khi đánh lừa được các radar đối phương.
|
Như vậy, người Mỹ định trang bị các chiến hạm “từ phim viễn tưởng khoa học” trước hết cho hạm đội của họ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Trong khuôn khổ chiến lược quân sự mới, đến năm 2020, Lầu Năm góc dự định điều chuyển 60% lực lượng tàu chiến đến khu vực này, tiếp cận bờ biển Trung Quốc vốn đang có sức mạnh quân sự gia tăng đáng sợ.
Các tàu khu trục mới đang được đóng ở bang Maine, chiếc đầu tiên sẽ được hạ thủy vào năm 2014. Khi đi thăm các xưởng đóng tàu ở địa phương vào tháng 4, Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greenert đã ca ngợi các chiến hạm này và nói rằng, trên các tàu đó sẽ là toàn bộ niềm hy vọng trong tương lai. Ông Greenert đã liệt kê các ưu điểm chính của DDG-1000: khả năng tàng hình, hệ thống thủy âm tiên tiến, sức mạnh tấn công khó tưởng tượng và thủy thủ đoàn ít hơn 2 lần.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta. khi thông báo về sự thay đổi chiến lược quân sự Mỹ tại diễn đàn an ninh khu vực ở Singapore, đã nói rằng, các chiến hạm mới công nghệ cao sẽ cấu thành một bộ phận đáng kể trong lực lượng Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
|
Các khu trục hạm tàng hình sẽ có thể hữu ích cả ở những khu vực khác như vịnh Persique, song giới quân sự Mỹ cho rằng, chúng sẽ đắc dụng nhất chính là ở châu Á. Đó là vì các chiến hạm mới sẽ có khả năng thực hiện các nhiệm vụ trên vùng biển xa, cũng như dọc theo bờ biển. Mà ở châu Á thì có nhiều quốc gia quần đảo, còn Trung Quốc thì có đường bờ biển dài giáp Thái Bình Dương.
Washington lo ngại trước việc Trung Quốc ráo riết hiện đại hóa hải quân, Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo các tàu sân bay tin cậy, tên lửa, tàu ngầm có thể đe dọa quyền tiếp cận của tàu Mỹ đối với các tuyến đường biển chiến lược gần Trung Quốc. Mỹ cho rằng, Bắc Kinh đang định ngăn cản Mỹ can thiệp vào các cuộc xung đột vì tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hoặc hậu thuẫn cho Đài Loan.
Hiện Mỹ có ưu thế lớn trên vùng biển xa, nhưng Trung Quốc bằng cách hiện đại hóa hạm đội sẽ giành được ưu thế ở các vùng biển nông hơn, ven bờ. Các tàu chiến tàng hình mới của Mỹ có nhiệm vụ giải quyết thách thức này.
Trung Quốc cười cợt siêu chiến hạm Mỹ
Tuy nhiên, giới quân sự Trung Quốc chẳng hề sợ hãi “những viên đạn bạc” thần kỳ của Mỹ. Về chính thức, họ không bình luận các kế hoạch của Mỹ. Nhưng khi phát biểu trên truyền hình địa phương, một đô đốc Trung Quốc bình luận công khai mỉa mai rằng, mọi câu chuyện về các chiến hạm vô địch của Mỹ chẳng qua là chuyện quảng cáo lừa dối, còn trên thực tế, bất kỳ chiến hạm “công nghệ cao” nào của Mỹ cũng có thể dễ dàng nhấn chìm bằng các tàu cá thô sơ nhồi đầy chất nổi.
Ở Mỹ cũng có khá nhiều người chỉ trích và hoài nghi, mặc dù điều họ hoảng sợ trước hết là bởi ngân sách cho dự án DDG-1000. Chi phí đóng một tàu DDG-1000 là 3,1 tỷ USD, cao gần gấp đôi chi phí đóng một tàu khu trục hiện nay. Còn nếu như cộng thêm chi phí nghiên cứu phát triển thì đơn giá một khu trục hạm tàng hình sẽ tăng lên đến 7 tỷ USD.
Những người chỉ trích tin rằng, dự án này của Lầu Năm góc đang hút cạn ngân sách, trong khi bỏ số tiền đó để hỗ trợ hạm đội thông thường sẽ hiệu quả hơn. Nhiều chuyên gia an ninh đặt câu hỏi liệu các nhà thiết kế có bị quá mê muội bởi “các công nghệ tương lai” gần như viễn tưởng đó không.
Họ nhắc lại câu chuyện với những vấn đề của tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-22 Raptor. Được nhất tề tung hô như máy bay tiên tiến nhất từng có, song mới đây đã phát hiện ra rằng, nó không phải là an toàn đối với phi công.
Trước đó, Mỹ đã phải quyết định dừng chương trình sản xuất F-22 vì giá quá cao. Còn loại kế nhiệm F-22 là F-35 cũng đã trở thành dự án tốn kém nhất lịch sử Lầu Năm góc.
Bộ chỉ huy Hải quân Mỹ trấn an rằng, chi phí cho tàu khu trục tàng hình là hoàn toàn đích đáng vì các công nghệ áp dụng cho tàu sẽ đáp ứng những yêu cầu cao nhất và trong những thập niên tới sẽ dần được áp dụng cho các loại tàu khác.
DDG-1000 và các tàu khu trục tàng hình khác lớp Zumwalt có thân tàu dạng “xuyên sóng”, hầu như không để lại dấu vết. Các tàu này được trang bị động cơ điện, các hệ thống thủy âm tiên tiến và tên lửa tối tân.
Các tàu này dài và nặng hơn các tàu khu trục hiện đại, nhưng các hệ thống tự động hóa mà chúng được trang bị sẽ cho phép giảm một nửa thủy thủ đoàn. Ngoài ra, các radar đối phương sẽ không “nhìn thấy” DDG-1000 như một tàu chiến mà chỉ thấy một chiếc tàu nhỏ, chỉ lớn hơn tàu cá nhỏ một chút.
Các khu trục hạm tàng hình sẽ được trang bị pháo điện từ, dùng từ trường và dòng điện để phóng đạn đi với tốc độ cao gấp mấy lần tốc độ âm thanh.
Nhưng dẫu có tính năng thần kỳ đến đâu, tàu khu trục mới gần như đã bị “đánh đắm” ở Quốc hội Mỹ. Ban đầu, Hải quân Mỹ đặt hàng đóng 32 tàu này, nhưng sau đó số lượng giảm xuống còn 24, tiếp đó là chỉ còn 7. Còn nay, chỉ có vẻn vẹn 3 tàu đang được đóng.
Chi phí tăng lên nên không có gì ngạc nhiên khi dự án tự nó bị “sụp đổ”, chuyên gia an ninh ở Đại học Công nghệ Singapore Richard Bitzinger đánh giá. “Về ý tưởng, DDG-1000 là hay, nhưng người ta quyết định ứng dụng cho nó quá nhiều công nghệ chưa hề chứng minh được hiệu quả”, ông Bitzinger nói.
Nguồn: Newsru, 5.6.2012.