Vietnamdefence.com

 

Chuyên gia xem giò Su-35

VietnamDefence - Chuyên gia không quân nổi tiếng Piotr Butowski bình phẩm khả năng của tiêm kích đa năng Su-35.

Su-35
Những khác biệt bề ngoài giữa các tiêm kích Su-35 và Su-27 là không lớn: các cánh đứng đuôi của Su-35 ngắn hơn so với Su-27 (mặc dù các cánh lái lớn hơn), còn “cái ngòi” giữa các bầu động cơ thì nhỏ hơn. Trên Su-35 không có tấm phanh lớn ở Su-27, để giảm tốc, máy bay này sử dụng các góc lệch khác nhau của các lái hướng, còn càng trước có 2 bánh thay vì 1 bánh ở Su-27.

Nhưng bên trong máy bay, tất cả đã thay đổi hoàn toàn. Su-35 được trang bị 2 động cơ vector lực đẩy thay đổi AL-41F1S (Izdelie 117S) với lực đẩy mỗi động cơ ở chế độ tăng lực là 142,2 kN, tức là cao hơn 16% so với các tham số ở Su-27. Su-35 được trang bị động cơ phụ ТА14-130-35 để cấp nguồn cho các hệ thống trên khoang. Cấu trúc Su-35 sử dụng các vật liệu mới. Dự trữ nhiên liệu là 11,5 tấn, nhiều hơn 22% so với ở Su-27.

Bên trong buồng lái, phi công có hệ thống điều khiển bay điện tử, gồm 2 màn hình đa năng 380х290 mm MFI-35, 3 màn hình nhỏ và hệ thống hiển thị chính diện với góc nhìn rộng IKSh-1M. Trên Su-35 có lắp hệ thống điều khiển điện từ xa tứ trùng. Oxy được cấp bởi một máy tạo oxy trên khoang, cho phép không phải nạp các bình oxy sau mỗi chuyến bay. Viện thiết kế Sukhoi cũng ứng dụng hình thức bảo dưỡng “theo tình trạng” cho nhiều hệ thống, thay vì thay thế chúng theo các số liệu dự trữ làm việc, điều đó nâng cao đặc tính dễ sửa chữa cho máy bay.

Radar và hệ thống tác chiến điện tử cải tiến

Các hệ thống vô tuyến điện tử trên khoang của Su-35 cũng có những thay đổi lớn. Hệ thống phát hiện mục tiêu chính Sh135 gồm radar N135 Irbis và hệ thống tác chiến điện tử Khibiny. Radar N135 do Viện NIIP mang tên Tikhomirov phát triển và sản xuất loạt tại Nhà máy Dụng cụ quốc gia Ryazan. Radar này là sự phát triển của hệ thống N011M Bars vốn được lắp trên khoang tiêm kích Su-30MKI phát triển theo đơn đặt hàng của Không quân Ấn Độ.

Cũng giống như ở radar Bars, N135 được trang bị anten mạng pha thụ động. Trên Irbis có một số module của Bars, trong đó có hệ thống đồng bộ hóa, các thiết bị thu tần số thấp và siêu cao tần, cũng như bộ khuếch đại công suất. Máy tính số trên khoang của Ấn Độ nguyên bản lắp trên Bars đã được thay bằng các hệ thống của Nga. Solo-35.01 chịu trách nhiệm nhận tín hiệu, còn Solo-35.02 phụ trách xử lý thông tin và điều khiển radar thay cho các bộ xử lý RC1 và RC2 của Ấn Độ ở radar Bars.

So với Bars, radar Irbis sử dụng tập hợp dải tần rộng hơn (nhờ đó mà nâng cao được khả năng chống nhiễu), có góc quan sát rộng hơn theo phương ngang +/-125°, tầm phát hiện xa hơn và độ phân giải cao hơn.

Radar có thể bám đến 30 mục tiêu bay, trong đó có 8 mục tiêu có thể bám gần như liên tục với độ chính xác đủ để đồng thời tiêu diệt bằng các tên lửa không đối không tầm trung lắp đầu tự dẫn chủ động. Hai mục tiêu có thể bắn đồng thời bằng các tên lửa lắp đầu tự dẫn bán chủ động, nhưng điều đó đòi hỏi radar phải chiếu xạ mục tiêu.

Ở chế độ không đối đất, radar có thể phát hiện 4 mục tiêu mặt đất. Công suất ra trung bình là 5 kW, công suất đỉnh có thể đạt 20 kW. Điều đó cho phép radar sử dụng chế độ phát hiện xa (bị hạn chế ở dải rẻ quạt 100°х100°) cho phép phát hiện mục tiêu dạng tiêm kích ở tầm 350-400 km ở bán cầu trước, hay đến 150 km khi quan sát từ bán cầu sau.

Ở các chế độ sục sạo bình thường (dải rẻ quạt 300°х300°), radar có thể phát hiện các tiêm  kích ở cự ly 200 km khi không có mây hay 170 km ở chế độ quan sát bề mặt bên dưới máy bay. Radar Irbis cũng có thể phân loại các mục tiêu (“lớn”, “vừa” và “nhỏ”), cũng như phân loại theo chủng loại, ví dụ như “trực thăng”, “tên lửa hành trình” hay “tiêm kích” bằng cách so sánh chúng với thư viện mục tiêu lưu trong bộ nhớ.

Hệ thống tác chiến điện tử Khibiny-M đang được Viện Nghiên cứu Kỹ thuật vô tuyến điện Kaluga sản xuất. Hệ thống bao gồm khối trinh sát dùng để ghi nhận bức xạ từ radar trên máy bay hay radar phòng không và khối đối phó vô tuyến điện tử. Một phần hệ thống làm việc ở các tần số cao phổ dụng nhất (băng H và J) và được lắp liền vào khung thân máy bay. Khi cần, Su-35 có thể được gắn treo các thùng cho phép mở rộng khả năng của hệ thống bằng cách bổ sung khả năng làm việc ở các tần số trung (từ E đến G). Trên Su-35 còn có các khối bắn mồi bẫy UV-50 chứa 14 quả mồi bẫy nằm trong “cái ngòi” ở phần đuôi máy bay.

Các hệ thống phát hiện thụ động

Trạm định vị quang học OLS-35 dành cho Su-35 do Tổng công khoa học-sản xuất “Các hệ thống dụng cụ chính xác” (NPK SPK). Đây là sự lựa chọn khác thường đối với Viện thiết kế Sukhoi, trước đây thường sử dụng sản phẩm của Nhà máy Quang-cơ Ural (UOMZ) đang được lắp trên các loại máy bay khác của Sukhoi, kể cả tiêm kích thế hệ 5 Т-50 đang được phát triển.

OLS-35 có camera hồng ngoại và camera quang-điện tử, sử dụng khối quang học chung, cũng như một máy đo xa laser và một thiết bị chiếu xạ mục tiêu. Hệ thống được lắp ở mũi Su-35, vùng bám tự động của nó là +/-90° theo phương vị và 15°/+60° theo góc tà. Một mục tiêu bay có kích thước như Su-30 có thể bị phát hiện ở cự ly 90 km ở bán cầu sau hay 35 km ở bán cầu trước.

OLS-35 có thể bám 4 mục tiêu bay đồng thời, trong khi không hề phát đi tín hiệu nào có thể báo cho các mục tiêu biết có sự chiếu xạ. Phi công Su-35 cũng được trang bị hệ thống chỉ thị mục tiêu gắn trên mũ bay mặc dù chủng loại của nó chưa được công bố.

NPK SPK cũng sản xuất cho Su-35 thùng máy ngắm không đối đất được trang bị các kênh quang-điện tử, hồng ngoại và laser, cũng như một thiết bị laser chỉ thị mục tiêu, cho phép phi công điều khiển các vũ khí hàng không đến các mục tiêu được chiếu xạ từ bên thứ ba. Thùng máy ngắm có thể đồng thời bám đến 4 mục tiêu mặt đất.

Su-35 được trang bị hệ thống phòng vệ trên khoang hoàn thiện hơn cũng do NPK SPK sản xuất. Hệ thống hồng ngoại báo động tên lửa tiếp cận gồm 6 sensor bố trí ở phần trước thân máy bay để bảo đảm khả năng bao quát mọi góc độ. Hệ thống có thể phát hiện việc phóng tên lửa phòng không mang vác ở cự ly 10 km, tên lửa không đối không ở cự ly 30 km, tên lửa diện đối không cỡ lớn ở cự ly 50 km. Hai sensor phát hiện chiếu xạ laser được bố trí ở hai bên phần mũi máy bay. Chúng có thể phát hiện các máy đo xa laser ở cự ly 30 km.

Hệ thống phát hiện chiếu xạ radar trên Su-35 gồm hệ thống L150-35 Pastel do công ty TsKBA ở Omsk phát triển, hiện đang được lắp trên các máy bay chiến đấu hiện đại của Nga. L150 cũng cung cấp các tọa độ mục tiêu cho các tên lửa chống radar.

Khả năng tiêu diệt mục tiêu cao hơn

Su-35 sẽ có khả năng sử dụng tất cả các loại tên lửa chiến thuật hiện có trong trang bị của Không quân Nga hay sẽ được nhận vào trang bị. Su-35 lần đầu tiên phóng một tên lửa có diều khiển vào ngày 27/7/2012. Mặc dù, Nga không tiết lộ chi tiết nào về vụ phóng này, nhưng xem ra đó là một tên lửa không đối không tầm ngắn R-73. Các loại tên lửa mới hiện đang được đưa vào sản xất ở Nga gồm có tên lửa tầm trung R-77-1 và tên lửa tầm ngắn R-74M. Các biến thể tiếp theo K-77М và K-74М2 đang được phát triển.

Người ta cho rằng, Su-35 cũng có thể sử dụng tên lửa tầm xa K-37М vốn đang được thử nghiệm. Nga không dự định trang bị cho Su-35 tên lửa K-100 do Viện thiết kế Novator phát triển vốn từng được trưng bày công khai với Su-35, việc phát triển tên lửa này cũng đã bị đình chỉ từ đó.

Trong số các tên lửa không đối diện, Su-35 có thể sử dụng các tên lửa chống radar Kh-31PM và Kh-58USh, các tên lửa chống hạm Kh-31AM, Kh-35U và KH-59MK, tên lửa vạn năng Kh-38M với các đầu tự dẫn khác nhau, cũng như các loại bom có điều khiển cỡ 250 kg, 500 kg và 1.500 kg. Các tài liệu quảng cáo năm 2005 cho biết, Su-35 có thể được trang bị các tên lửa chống hạm hạng nặng Kalibr-A và Yakhont.

Loại tiêm kích “bổ sung” cho PAK FA T-50

Chương trình Su-35BM được phát động 10 năm trước nhằm sản xuất một máy bay dành cho xuất khẩu. Chương trình hoàn toàn do công ty Sukhoi và các đối tác đầu tư kinh phí, một mẫu máy bay mới đã được trưng bày ở triển lãm hàng không Dubai vào tháng 11/2003.

Người ta từng cho là Su-35 sẽ sẵn sàng vào năm 2007 và được xem là loại tiêm kích “quá độ” để công ty Sukhoi có việc làm cho đến khi bắt đầu tiêm kích thế hệ 5 PAK FA (Т-50). Nhưng tương lai và vai trò của Su-35 trong công ty đã thay đổi hẳn so với kế hoạch ban đầu.

Yêu cầu của Không quân Nga trang bị 30 phi đội, mỗi phi đội được biên chế 12 tiêm kích Т-50 hiện được xem là không thể đạt được, trước hết do giá của tiêm kích thế hệ 5. Nếu Không quân Nga muốn có 30 phi đội, họ sẽ cần một máy bay đơn giản và rẻ hơn với tư cách loại máy bay bổ sung cho Т-50. Loại máy bay thứ hai này cũng phải đáp ứng các yêu cầu của Không quân Nga, kể cả tầm bay 3.000 km, điều đó loại trừ khả năng mua một tiêm kích hạng nhẹ.

Sự thay đổi của các kế hoạch của Nga đã được phản ánh ở số phận của Su-35 vốn được chọn làm máy bay tăng cường, bổ trợ cho Т-50, điều đó mở ra con đường dẫn đến những đơn đặt hàng lớn trong nước.

Khi Chủ tịch Tổng công ty Chế tạo máy bay thống nhất OAK Mikhail Pogosyan mới đây được hỏi về tương lai của Su-35, ông đã xác nhận Su-35 sẽ được hiện đại hóa và sản xuất trong nhiều năm cùng với PAK FA với tư cách một phương án rẻ tiền hơn. Ông Pogosyan đã từ chối tiết lộ sự chênh lệch giá cả giữa hai loại máy bay, nhưng theo lời ông, PAK FA sẽ “không đắt hơn 100 triệu USD”, trong khi Su-35 sẽ “rẻ hơn để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường”.

Khái niệm xây dựng một lực lượng máy bay hỗn hợp loại đắt và loại rẻ đã dấn đến việc vào tháng 8/2009, Không quân Nga đã đặt mua 48 Su-35 với giá 1,4 tỷ rúp (45 triệu USD)/chiếc, bàn giao xong vào năm 2015. Tiếp sau hợp đồng là những than phiền từ phía công nghiệp hàng không Nga rằng, giá của máy bay là rẻ hơn giá thành. Theo Chương trình vũ khí nhà nước Nga, sau đó, người ta đã đặt mua thêm 1 lô 48 chiếc Su-35, bàn giao vào năm 2016-2020.

Phi công thử nghiệm Sergei Bogdan đã thực hiện chuyến bay đầu tiên trên Su-35 (số hiệu 901) vào ngày 19/2/2008 từ sân bay của Liên hiệp KnAAPO. Chiếc thứ hai (902) bắt đầu thử nghiệm ngày 2/10/2008, tiếp đó là chiếc thứ ba (904, máy bay số hiệu 903 dùng để thử nghiệm tĩnh), nhưng vào ngày 26/4/2009, máy bay bị cháy trên đường băng cất cánh. Đây một đòn nặng đối với chương trình vì máy bay số hiệu 904 là bản được trang bị đầy đủ đầu tiên, nên việc mất máy bay đã làm chậm nhiều tháng công tác thử nghiệm.

Ngày 3/5/2011, chiếc Su-35S-1 đã cất cánh tại KnAAPO. Mẫu bay thứ ba này của Su-35 là máy bay đầu tiên ở cấu hình mà Không quân Nga đặt mua. Su-35S-1 số hiệu 01 đã được gửi đến Trung tâm thử nghiệm ở Akhtubinsk vào ngày 28/5/2011 để thử nghiệm nhà nước. Chiếc thứ hai (Su-35S-2 số hiệu 02) cất cánh vào ngày 2/12/2011, tiếp đó là Su-35S-3 (số hiệu 03) - ngày 17/1/2012 và Su-35S-4 (số hiệu 04) - 19/2/2012.

Bốn mẫu Su-35 đầu tiên đang được dùng để thử nghiệm, các máy bay số hiệu 01 và 04 hiện đang ở Zhukovsky, ngoại ô Moskva, còn cặp thứ hai đang ở Akhtubinsk. Cả 4 máy bay này sơn ngụy trang 3 sắc xám và xanh da trời. Chuyến bay thứ 100 theo chương trình Su-35 được thực hiện vào ngày 23/3/2009, chuyến bay thứ 300 - ngày 19/9/2010 và chuyến bay thứ 500 - 4/4/2012. Đến đầu năm 2013, các máy bay đã thực hiện 1.000 chuyến bay.

Sáu chiếc Su-35 khác đã được chuyển giao cho Không quân Nga vào tháng 12/2102 và đã bay chuyển sân đến Akhtubinsk vào cuối tháng 1 (số hiệu 06, 07 và 08) và giữa tháng 2/2013 (số hiệu 09, 10 và 11). Chúng được sơn màu ngụy trang xám sẫm với phần dưới bụng sơn màu xám nhạt. Một số chiếc trong số này đã được gửi đến Trung tâm huấn luyện tác chiến không quân ở Lipetsk.

Đến cuối tháng 4/2013, Nga đã sản xuất được 12 chiếc Su-35, trong đó có 2 mẫu chế thử và chiếc Su-35S sản xuất loạt. Năm 2013 và 2014, KnAAPO sẽ sản xuất mỗi năm 12 máy bay, và 14 chiếc vào năm 2015 để hoàn thành hợp đồng đầu tiên cung cấp 48 chiếc.

Triển vọng xuất khẩu

Bất chấp thành công của Su-35 trên thị trường nội địa, máy bay này vẫn chưa được bán ra ngoài lãnh thổ Nga. Su-35 đã được chào bán cho Trung Quốc từ năm 2006 và nước này được Nga xem là khách hàng mở hàng Su-35, nhưng Trung Quốc không quan tâm đến việc mua số lượng lớn các biến thể của Su-27 (do họ đã bắt đầu sản xuất các biến thể Su-27 không giấy phép). Thay vào đó, Trung Quốc muốn mua một lô nhỏ Su-35 (4-6 chiếc), hoặc thậm chí là một số hệ thống lắp trên Su-35 như radar Irbis hay động cơ AL-41FS. Phía Nga tuyên bố sẵn sàng bán cho Trung Quốc không dưới 48 chiếc.

Đến trước ngày 25/3/2013, người ta đã tưởng Trung Quốc không còn quan tâm đến Su-35 thì có tin Nga ký hợp đồng bán cho Trung Quốc 24 máy bay. Điều đó đã làm phía Nga kinh ngạc và lên tiếng rằng, họ mới chỉ ký “hợp đồng khung” bán Su-35. Những thông tin đầu tiên về hợp đồng đã xuất hiện trên báo chí Trung Quốc, trong khi thông tin về các hợp đồng bán tiêm kích Sukhoi trước đó cho Trung Quốc thường xuất hiện từ các nguồn tin Nga. Có lẽ bằng cách rò rỉ như thế, Trung Quốc muốn gây áp lực với Nga vì họ muốn mua 24 chứ không phải 48 chiếc Su-35.

Việc đàm phán bán 12 Su-35 cho Libya đã tiến đến giai đoạn sâu vào năm 2009, khi Su-35 được giới thiệu cho một phái đoàn Libya. Nhưng việc thay đổi chế độ ở nước này đã làm giảm cơ hội ký hợp đồng. Su-35 cũng bị loại khỏi cuộc đấu thầu của Brazil mua tiêm kích đa năng mới.

Năm 2013, Sukhoi và OAK đã đẩy mạnh nỗ lực bán Su-35 ra nước ngoài. Theo lời các quan chức của hai hãng này, họ đang đàm phán với 10 quốc gia, còn sự xuất hiện của Su-35 tại triển lãm hàng không ở Farnborough có thể xem như sự bắt đầu của chiến dịch tiếp thị.

Nguồn: Telegrafist, 22.10.2013.

Print Print E-mail Print