Vietnamdefence.com

 

J-31 - mạnh, yếu ở đâu?

VietnamDefence - Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Trung Quốc FC-31 (J-31) vừa ra mắt tại triển lãm China Airshow 2014 ở Chu Hải. Hãy xem những ưu, nhược điểm của nó là gì.

Tiêm kích J-31 (TASS)

Một trong những điểm đáng nhớ nhất của triển lãm Airshow China 2014 là chuyến bay trình diễn của tiêm kích tàng hình tối tân của Trung Quốc được biết đến ở nước ngoài với tên gọi J-31. Trong tương lai, nó có thể gia nhập đội ngũ các dự án tiêm kích thế hệ 5 như F-35 của Mỹ và PAK FA T-50 của Nga.

Bức màn bí mật bao phủ máy bay này đã chỉ được hé mở trong thoáng chốc - sau chuyến bay trình diễn, chiếc tiêm kích sơn màu đen đã không được trưng bày tại sân trưng bày nào mở cửa cho công chúng ở triển lãm.

Ngay tên gọi của chiếc máy bay do Tổng công ty Chế tạo máy bay Thẩm Dương (Shenyang Aircraft Corporation) thuộc Tổng công ty quốc doanh AVIC phát triển này cũng vẫn còn là vấn đề tranh cãi. Các tiêm kích Trung Quốc thường có ký hiệu J (Jian - Tiêm) khi có kế hoạch trang bị chúng cho không quân Trung Quốc. Nhưng trong chương trình triển lãm ở Chu Hải, tiêm kích này đã không được gọi là J-31 mà là FC-31 (Fighter China-31, tức là Tiêm kích Trung Quốc 31) - ký hiệu này cho thấy, máy bay này là dành cho xuất khẩu.

Ngoài ra, các ấn phẩm quân sự thường gọi nó là Cốt ưng (Gyrfalcon). Tiêm kích tương lai này là sự đáp trả của Trung Quốc đối với chương trình Tiêm kích tiến công liên quân JSF chế tạo tiêm kích tàng hình F-35, Tổng biên tập tuần san “Kỹ thuật hàng không và tên lửa” (Nga), chuyên gia về máy bay quân sự Ivan Kudishin nói. Ông cho hay, một nhân viên của tuần san đã quan sát chuyến bay trình diễn của Cốt ưng và lưu ý 2 yếu tố quan trọng trong thiết kế của nó.

“Nó có một khoang tải lớn, nơi chứa 4 tên lửa chống hạm, nhưng lại không có các khoang tải bên sườn cho tên lửa không chiến. Rất khó hiểu các bộ hút khí của nó được làm như thế nào. Có lẽ, người Trung Quốc đã học mót người Ấn Độ loại ống dẫn khí ngoằn ngoèo lượn khắp các cấu trúc bên trong - kết quả là một thứ mê cung quanh co. Điều đó rất quan trọng cho đặc tính tàng hình của máy bay ở phổ radar, bởi lẽ nó che chắn tầng 1 của máy nén động cơ trước bức xạ trực tiếp. Cách tiếp cận đó còn cho phép “cấu trúc” máy bay một cách hợp lý, mà không coi đường đi của các kênh của các bộ hút khí là quan trọng nhất”, ông Kudishin nêu những ấn tượng của người chứng kiến J-31. Ông cũng nói rằng, J-31 được định vị là một máy bay trên hạm.

Theo chuyên gia này, Cốt ưng có được có thể không thua kém, mà thậm chí còn tốt hơn nhiều F-35. “Ngoài, một khoang tải hai khối, máy bay có 2 động cơ, khiến nó tin cậy hơn F-35 một động cơ. Tất nhiên là chúng tôi biết ít về hệ thống avionics của nó. Chúng ta thậm chí không biết người ta đã cho chúng tôi xem cái gì: một mẫu trình diễn công nghệ, một mẫu chế thử, một máy bay tiền sản xuất loạt. Nhưng ngay cả nhìn bề ngoài trông nó cũng rất ổn và không tạo ra cảm giác một thứ làm vội vã, cẩu thả. Rõ ràng là nó được làm trong một thời gian dài và cẩn thận”.

Đây là tiêm kích thế hệ 5 đầu tiên của Trung Quốc, hoàn toàn định hướng ra thị trường bên ngoài, vị chuyên gia nói: “Nếu trên máy bay sẽ lắp hệ thống thiết bị trên khoang đơn giản hóa, điều đó sẽ tác động đến giá một cách tích cực nhất, chắc chắn là dưới 100 triệu USD. Lúc đó, các nước đang phát triển có thể cho phép mình sở hữu thế hệ 5”.
Chuyên gia Trung tâm Phân tích chiến lược và công nghệ (Nga) Vasily Kashin, người cũng quan sát chuyến bay của J-31, cũng nhất trí rằng, máy bay này có tiềm năng lớn. “Chắc chắn không thể gọi nó là “thứ để trưng bày”. Người Trung Quốc rất sợ mất thể diện công khai nên việc trình diễn J-31 cho thấy, họ tin tưởng vào các hệ thống chính đảm nhiệm chuyến bay của nó. Trong quá trình bay trình diễn, tôi không thấy có gì đặc biệt, còn trên mặt đất thì không có cơ hội xem nó dù là từ xa - điều này không có gì ngạc nhiên vì đây là thiết kế mật”, ông Kashin nói.

Gyrfalcon có thể cạnh tranh với các tiêm kích cùng loại khác, kể cả khi nó sao chép một phần các công nghệ của các máy bay khác, ông Kashin nhận định.

“Ở chừng mực có thể đánh giá, các gián điệp công nghiệp Trung Quốc đã đánh cắp được nhiều Terabyte dữ liệu của công ty sản xuất F-35 và đã sao chép tối đa nếu như không phải là các bộ phận bên trong, thì cũng là hình dánh khung thân (phần kết cấu máy bay không có động cơ và thiết bị). Một phi công Trung Quốc nổi tiếng cũng nói rằng, J-31 đã sử dụng tối đa các giải pháp của các tiêm kích thế hệ 4 tối tân nhất như J-10B và J-16. Nhưng máy bay có độc đáo đến đâu cũng không quan trọng khi mà đã có sản phẩm hoàn chỉnh” ông Kashin nói.

Ông Kashin nhấn mạnh, Nga cũng có thể tác động đến dự án J-31 khi chuẩn bị cung cấp các động cơ RD-93 cho Cốt ưng, và cho biết thêm: “Nhiều thứ phụ thuộc vào việc Trung Quốc phát triển động cơ nội địa - hiện thời họ còn phụ thuộc vào động cơ Nga, nhưng họ cần thứ gì đó mạnh hơn nữa. Dù sao, họ vẫn có thị trường Pakistan và thêm 2-3 thị trường như thế nữa”.

Ở ví dụ J-31 Cốt ưng, ta thấy rõ là công nghiệp hàng không Trung Quốc đã rút ngắn khoảng cách tồn tại trước đó so với các nước dẫn đầu trong lĩnh vực này, ông Kashin nhận xét. “Rõ ràng là không còn sự tụt hậu nhiều thế hệ so với cả Nga và châu Âu. Khoảng cách lớn chỉ còn tồn tại so với Mỹ, quốc gia đã bắt đầu sản xuất loạt tiêm kích thế hệ 5”, ông Kashin kết luận.

J-31 (airwar.ru)

Có tin Pakistan đã tính mua đến 40 chiếc J-31. Hãng Jane’s dẫn lời một quan chức chính phủ Pakistan đưa tin, Không quân Pakistan đã đàm phán với Trung Quốc về việc mua 30-40 FC-31 (J-31) tại triển lãm Airshow China 2014 ở Chu Hải. Như vậy, Pakistan có thể trở thành khách hàng đầu tiên của J-31.

Theo Jane’s, đây là biến thể xuất khẩu của J-31 được giới thiệu với công chúng hai năm trước đó.  Theo quan chức chính phủ Pakistan nêu trên, Không quân Pakistan quan tâm đến FC-31 vì nó có trọng lượng và bán kính chiến đấu lớn. Ngoài ra, còn hấp dẫn đối với Pakistan nhờ có động cơ RD-93 vốn cũng đang được sử dụng trên các tiêm kích JF-17 Thunder đang được công ty Pakistan Aeronautical Complex hợp tác với Chengdu Aerospace Corporation của Trung Quốc sản xuất.

J-31 (airwar.ru)

Hồ sơ kỹ thuật

Shenyang J-31 là tiêm kích đa nhiệm thế hệ 5 của Trung Quốc, do tổng công ty Shenyang Aircraft Corporation phát triển và có tên là Cốt ưng (Gyrfalcon), còn trước đó, các blogger gọi nó là J-21.

Sau khi các bức ảnh xuất hiện trên mạng chụp máy bay với số hiệu 31001, tương tự cách đánh số các mẫu chế thử máy bay J-20 thì máy bay này được giới blogger gọi là J-31 hay Đề án 310. Tại triển lãm China Airshow 2012, người ta chỉ nhắc đến mật danh của nó.

J-31 (airwar.ru)

Ngày 23-25/9/2011, trong cuộc thi International UAV Innovation Grand Prix do AVIC tổ chức tại bảo tàng hàng không Bắc Kinh, các sinh viên đã Đại học Hàng không-vũ trụ Beihang - BUAA (còn theo nguồn khác là Đại học Hàng không-vũ trụ Nam Kinh - NUAA, bởi vì các bức ảnh đầu tiên xuất hiện tại triển lãm với dòng chữ NUAA) đã trưng bày mô hình cỡ lớn của F-60 (một tên gọi khác của J-31).

Ngày 21/6/2012, đã xuất hiện các bức ảnh chụp cảnh vận chuyển một máy bay được bao bọc giống với mô hình F-60. Theo công ty vận chuyển (hợp đồng ký ngày 29/12/2011), máy bay đã được vận chuyển từ Nhà máy số 112 của Shenyang Aircraft Corporation đến Viện 623 ở thành phố Tây An chuyên về thử nghiệm tĩnh độ vững chức.

Ngày 15/9/2012. xuất hiện những bức ảnh đầu tiên chụp mẫu chế thử 31001.
Ngày 31/10/2012, máy bay thực hiện chuyến bay đầu tiên cùng với J-11BS hai độngu cơ.
 
J-31 (airwar.ru)

Tính năng chiến-kỹ thuật công bố

Tổ lái, người: 1

Chiều dài × sải cánh × chiều cao, m: 16,9 × 11,5 × 4,8

Trọng lượng, kg: 17.500

Tốc độ tối đa, М: 1,8

Bán kính chiến đấu, km: 1.250 (không thùng dầu phụ); 2.000 (có thùng dầu phụ)

Chiều dài chạy đà cất cánh/hạ cánh, m: 400 / 600

J-31 (airwar.ru)

Nguồn: vpk.name, arms-expo, 17.11, Rusplt, 18.11.2014.

Print Print E-mail Print