Vietnamdefence.com

 

Từ siêu khu trục đến tàu chiến ven bờ (2)

VietnamDefence - Ba xu hướng phát triển của ngành đóng tàu chiến mặt nước: tàu tuần tra ngoài khơi (OPV)...

>> Từ siêu khu trục đến tàu chiến ven bờ (1)


Tàu rẻ tiền cho thời bình

Tàu tuần tra ngoài khơi (OPV) trong những năm gần đây đã trở nên rất phổ dụng và điều đó dễ hiểu. Những tàu này có lượng giãn nước từ 1.200-3.000 tấn và thậm chí lớn hơn có giá khá rẻ, được đóng thường là theo các tiêu chuẩn dân sự, tức là không cần đào tạo đặc biệt và tay nghề cao đối với công nhân viên các xưởng đóng tàu. Sự phổ dụng của tàu tuần tra còn chịu ảnh hưởng của yếu tố như trong mấy chục năm gần đây không có các cuộc xung đột vũ trang lớn trên biển. Bởi lẽ sau cuộc chiến Falklands năm 1982 không hề có chiến tranh trên biển.


Tàu OPV Piloto Pardo của Hải quân Chile


OPV được trang bị vũ khí có tính tượng trưng: 1 và có thể 2 ụ pháo hạng nhẹ cỡ nòng 20-76 mm, các súng máy, các xuồng ngăn chặn khám xét, đôi khi có thêm 1 trực thăng. Chúng có thể tạm coi là các tàu “hòa bình”. Vào thời bình, chúng giải quyết tốt nhiều trong số các nhiệm vụ mà các tàu chiến truyền thống phải gánh vác là: tuần tra ven bờ biển, kiểm soát vùng đặc quyền kinh tế… Chỉ có điều, chúng làm việc đó với ít chi phí.

Phần nhiều các tàu tuần tra của hải quân làm chức năng tàu tuần tra bảo vệ bờ biển. Không phải ngẫu nhiên mà những tàu tuần tra đầu tiên xuất hiện trong Hải quân Anh. Ở Anh, cũng như nhiều nước khác, các tàu tuần tra bảo vệ bờ biển chỉ được giao các nhiệm vụ cứu hộ và bảo đảm dẫn đường ở vùng ven biển. Còn các nhiệm vụ tuần tra do các tàu của hải quân đảm nhiệm.


Các tàu OPV lớp Castle của Anh là nguyên mẫu cho các tàu OPV hiện đại


Có thể coi các tàu cá có vũ trang, từng được sử dụng nhiều năm trong Hải quân Anh, là những tổ tiên xa của OPV, còn tàu tuần tra lớp Castle là nguyên mẫu của tất cả các OPV hiện nay. Hai tàu tuần tra lớp này đã được đóng vào năm 1979-1981 với giá gần 20 triệu USD/chiếc. Chúng có lượng giãn nước 1.427 tấn, chiều dài 75 m, tốc độ tối đa 20 hải lý/h và cự ly hành trình 10.000 hải lý ở tốc độ 10 hải lý/h. Vũ khí thì quá khiêm tốn với 1 pháo tự động 40 mm mà sau đó bị thay bằng pháo 30 mm. Trang bị kỹ thuật vô tuyến điện cũng chẳng có gì đặc biệt. Trong đó có các radar thông thường và 1 trạm thủy âm nhìn bên Simrad RU mà các tàu cá đang sử dụng. Ở đuôi có một bãi đáp trực thăng, cho phép trực thăng khá nặng Sea King đỗ. Thủy thủ đoàn chỉ có 40 người.


OPV Holland, một trong những tàu tốt nhất trong loại tàu OPV


Cả hai tàu tuần tra này vào nửa cuối thập kỷ 2010 đã bị loại khỏi biên chế Hải quân Anh, nhưng đến nay vẫn hoạt động trong Hải quân Bangladesh. Các tàu này được bán cho Bangladesh vào năm 2010 với giá tượng trưng chỉ 4 triệu USD cho 2 tàu. Bangladesh xếp các tàu này là corvette, tức là không phù hợp với chức năng của chúng.

OPV lớp Castle đáp ứng đầy đủ hơn các các yêu cầu đặt ra đối với các tàu lớp này là: rẻ tiền khi đóng và khai thác, khả năng đi biển cao và cự ly hành trình xa. Các tàu OPV tiếp theo của Anh là tàu tuần tra lớp River mà Hải quân Anh nhận được 3 chiếc. Ngoài ra, còn có tàu tuần tra Clyde được đóng theo thiết kế sửa đổi. Các tàu này có lượng giãn nước 1.677 tấn, chiều dài 79 m, tốc độ tối đa 20 hải lý/h, cự ly hành trình 7.800 hải lý ở tốc độ 12 hải lý/h. Chúng mang theo 2 xuồng chặn xét dạng bơm hơi vỏ cứng. Toàn bộ vũ khí của các tàu tuần tra này là 1 pháo tự động 20 mm và 2 súng máy. Clyde còn được trang bị một bãi đáp để tiếp nhận 1 trực thăng. Thủy thủ đoàn chỉ có 20 người. Tùy thuộc biến thể, OPV lớp River có giá từ 20-39 triệu bảng Anh (trong khi tàu khu trục lớp Daring của Anh có giá 1 tỷ bảng Anh/chiếc).


Tàu tuần tra lớp River


Sự rẻ tiền này cũng đã thu hút sự chú ý của nhiều nước đối với các tàu này. Khách hàng nước ngoài đầu tiên là quốc gia ở biển Caribe, Trinidad và Tobago. Họ đã đặt mua cho Lực lượng bảo vệ bờ biển của mình 3 tàu tuần tra lớp Port of Spain, sự phát triển tiếp theo của OPV lớp River, với giá 150 triệu bảng Anh. Lượng giãn nước toàn phần của các tàu tuần tra này đã tăng lên đến 2.060 tấn, tốc độ thì tăng lên đến 25 hải lý/h nhờ lắp 2 động cơ diesel MAN 16V28/33D. Thành phần vũ khí cũng có chút thay đổi. Các tàu này được trang bị 1 pháo tự động 30 mm và 1 pháo tự động hai nòng 25 mm, cũng như 2 súng máy 12,7 mm. Thủy thủ đoàn gồm 80 người.

Mỹ tiếp tục đóng hàng loạt tàu khu trục lớp Arleigh Burke

Khi tàu tuần tra đầu tiên của lớp hoàn thành thử nghiệm và chuẩn bị để chuyển giao cho khách hàng, còn 2 chiếc khác đã bắt đầu chạy thử trên biển thì chính quyền Cộng hòa Trinidad và Tobago đã từ chối các tàu này với lý do tính năng của chúng không đáp ứng các yêu cầu đặt ra.

Ở London, người ta khẳng định rằng, chẳng qua Trinidad và Tobago không có tiền để thanh toán với hãng cung cấp. Dẫu sao thì công ty đóng tàu BAE Systems Maritime-Naval Ships đã không kiện ra tòa án trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp mà đi tìm khách hàng mới cho các tàu của mình. Và họ đã tìm được Brazil, quốc gia mới tìm được trữ lượng dầu mỏ lớn trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Nay thì họ chú ý nhất đến việc kiểm soát các vùng biển Đại Tây Dương lân cận.


Tàu OPV Araguari lớp Amazonas của Brazil


Để làm việc đó, Brazil cần một số lượng lớn tàu tuần tra. Chính phủ Brazil đã ký với BAE Systems hợp đồng mua 3 chiếc OPV đã đóng xong cho Trinidad và Tobago với giá 133 triệu bảng Anh. Khoản tiền này bao gồm cả những sửa đổi nhỏ các tàu này theo yêu cầu của khách hàng mới. Brazil cũng có quyền đóng các OPV lớp này với tên gọi lớp Amazonas tại các xưởng đóng tàu của mình.

Thái Lan cũng quan tâm đến các biến thể cải tiến của OPV lớp River. Thái Lan đã đóng theo giấy phép của BAE Systems cho hải quân Thái tàu tuần tra Krabi. Tàu này được đưa vào biên chế trong năm 2013. Vấn đề đóng tiếp các tàu lớp này đang được xem xét.

Tàu khu trục Kongo của Nhật phóng tên lửa chống tên lửa SM-3
Nhưng không phải Anh là nhà cung cấp hàng đầu các tàu chiến “hòa bình” ra thị trường thế giới. Đóng vai trò đó hiện nay là Đức. Hãng Fassmer của Đức đã phát triển một lớp OPV mà các biến thể của nó rất phổ dụng ở các nước Mỹ Latinh và chúng đang được đóng tại các xưởng đóng tàu ở các nước này. Chúng có mặt trong biên chế hải quân Chila, Colombia và Argentine. Các tàu có lượng giãn nước từ 1.728-1.850 tấn.

Tàu OPV đầu tiên của Chile là Piloto Pardo được trang bị 1 ụ pháo tự động 40 mm và 2 súng máy 12,7 mm. Trên tàu có một bãi đáp trực thăng và hăng-ga chứa 1 trực thăng. Tàu tuần tra này có tốc độ tối đa 22 hải lý/h, cự ly hành trình 8.600 hải lý ở tốc độ 12 hải lý/h.

Người ta còn đang đóng các OPV theo các thiết kế của hãng Đức ThyssenKrupp Marine Systems. Đã đóng cho Hải quân Malaysia, kể cả tại các xưởng đóng tàu nội địa, tổng cộng 6 tàu tuần tra ngoài khơi lớp Kadah (MEKO 100 RMN) có lượng giãn nước 1.650 tấn, là những tàu thành công nhất ở lớp này. Chúng có tốc độ 22 hải lý/h, cự ly hành trình 6.050 hải lý ở tốc độ 12 hải lý/h. Vũ khí tiêu chuẩn gồm 1 ụ pháo tự động 76 mm và 1 ụ pháo tự động 30 mm, 2 súng máy 12,7 mm, 1 trực thăng Super Linx.

Nhưng khi cần, trong một thời gian ngắn, có thể trang bị thêm cho các OPV này 2 bệ phóng x 4 tên lửa chống hạm MM 40 Exocet, hệ thống tên lửa phòng không tầm gần RAM và các ống phóng lôi dùng để phóng ngư lôi chống ngầm. Tức là chúng trở thành tàu corvette thực sự.

Ba tàu tuần tra lớp Darussalam, lượng giãn nước 1.650 tấn và tốc độ 22 hải lý/h do hãng Lurssen (Đức) đóng, của Hải quân Brunei cũng có tiềm lực chiến đấu khá mạnh. Vũ khí của chúng gồm 2 bệ phóng x 2 tên lửa chống hạm MM 40 Exocet, 1 ụ pháo tự động 57 mm và các súng máy. Ở đuôi có một sân đáp rộng cho trực thăng.

Tàu khu trục Đại đế Sejong là người anh em ruột của tàu khu trục Mỹ lớp Arleigh Burke.

Hà Lan đã đóng cho Hải quân của mình 4 tàu tuần tra “hòa bình” lớp Holland. Cùng với các OPV lớp Kadah, đây có lẽ là những tàu tốt nhất ở lớp này. Nhưng chúng cũng không phải rẻ, mỗi tàu có giá gần 150 triệu USD. Tuy nhiên, người ta đã tiết kiệm được khá tiền cho các vỏ tàu vì 3 trong 4 chiếc đã được lắp ráp không phải ở Hà Lan mà ở Rumani tại xưởng đóng tàu thuộc sở hữu của công ty Damen (Hà Lan).

Các tàu tuần tra này có lượng giãn nước đầy đủ 3.750 tấn, chiều dài 108,4 m, tốc độ tối đa 21,5 hải lý/h, cự ly hành trình 5.000 hải lý ở tốc độ 15 hải lý/h. Phần lớn các phương tiện điện tử tiên tiến, trong đó có radar phát hiện mục tiêu bay, rada phát hiện mục tiêu mặt nước, hệ thống phát hiện quang-điện tử được bố trí trong cột tàu tích hợp kín của hãng Thales. Thủy thủ đoàn gồm 54 sĩ quan và thủy binh, nhưng có sẵn chỗ cho 40 người nữa.

Vũ khí tấn công và phòng thủ của các tàu tuần tra lớp Holland tương ứng ở mức bình thường cho các tàu lớp này, nhưng ở giới hạn trên. Bao gồm: 1 ụ pháo tự động 76 mm, 1 pháo tự động 30 mm, 2 súng máy 12,7 mm và 6 súng máy 7,62 mm. Tàu có 1 trực thăng NH90 để trong hăng-ga. Trên boong là cả một “hải đội” xuồng: xuồng cứu hộ, xuồng đặc nhiệm và xuồng chặn xét cao tốc. Có dự trữ lượng giãn nước lớn, OPV lớp Holland cũng hoàn toàn có thể trang bị thêm các hệ thống tên lửa tấn công và phòng thủ, cũng như vũ khí chống ngầm.

Các tàu tuần tra lớp Holland được nghiên cứu và thiết kế từ lâu trước khi cộng đồng quốc tế triển khai chiến dịch chống hải tặc quy mô lớn ở gần bờ biể Somalia. Nhưng chính các tàu này thích hợp một cách lý tưởng cho các nhiệm vụ như vậy.

Tàu khu trục lớp 052D do Trung Quốc làm nhái tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ.

Khác với các OPV lớp Kadah và Holland, tàu tuần tra được quảng cáo rầm rộ L’Adroit có lượng giãn nước 1.500 tấn sử dụng bệ mang cơ sở Gowind của hãng DCNS (Pháp) xem ra khá mờ nhạt. Đó không phải chỉ vì nó mang vũ khí yếu (1 pháo tự động 20 mm và 4 súng máy), mà vì các tính năng chiến thuật tổng hợp kém hơn nhiều.

Để kết luận câu chuyện về các tàu tuần tra ngoài khơi, cần thừa nhận rằng, ngoại trừ các OPV lớp Kadah, Darussalam và có lẽ cả Holland, cũng như các tàu tuần tra lớp Knud Rasmussen và Thetis của Đan Mạch vốn đang hoạt động chủ yếu ở vùng biển quanh Grenland, tất cả những tàu còn lại thuộc lớp này phần nhiều khó có thể coi là tàu chiến. Một khi xảy ra chiến tranh trên biển, chúng sẽ hoàn toàn vô dụng.

Truyền thống cộng với công nghệ mới

Những tai họa kinh tế chấn động thế giới thập niên gần đây, làm tăng vọt chi phí các chương trình quốc phòng, đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành đóng tàu quân sự. Do cắt giảm kinh phí, khối lượng đơn đặt hàng từ hải quân các nước giảm đi. Nhưng dù sao lực lượng này vẫn được bổ sung những đơn vị tàu chiến mới. Các siêu khu trục hạm lớp Zumwalt là ngoại lệ hiếm hoi trong số đó. Cơ bản, người ta vẫn đang đóng các tàu truyền thống, nhưng liên tục ứng dụng thêm các cải tiến mới. Xu hướng phát triển kiểu tiến hóa vẫn là chủ đạo.

Các frigate lớp 054А của Trung Quốc sao chép hình dáng của các tàu chiến tàng hình lớp La Fayette của Pháp

Điều đó cũng liên quan đến cường quốc hải quân hàng đầu là Mỹ. Do chi phí quá mức của các siêu khu trục hạm thế hệ mới, lãnh đạo Hải quân Mỹ đã quyết định tiếp tục đóng các tàu khu trục lớp Arleigh Burke (trong giai đoạn từ năm 1991-2012, Hải quân Mỹ đã đưa vào biên chế 62 tàu chiến lớp này). Thêm 10 tàu lớp này nữa sẽ được đóng trong những năm tới tại các xưởng đóng tàu của các công ty BIW và Huntington Ingalls.

Sau đó sẽ đến đóng đóng biến thể mới của lớp tàu này là series Flight III. Các tàu này dự kiến được lắp radar thế hệ mới AMDR dùng để phát hiện không chỉ tên lửa đường đạn chiến dịch-chiến thuật, mà cả tên lửa đường đạn xuyên lục địa, cũng như dẫn đường cho các tên lửa phòng không đánh chặn vào các tên lửa này. Hiển nhiên, các tàu Arleigh Burke Flight III sẽ ứng dụng một số công nghệ mới đã được kiểm nghiệm trên tàu khu trục lớp Zumwalt.

Các tàu khu trục lớp Arleigh Burke với hệ thống tự động hóa chỉ huy chiến đấu Aegis thành công đến mức trở thành hình mẫu để các nước khác bắt chước. Theo các thiết kế giống như vậy, Nhật Bản đã đóng 6 tàu khu trục và dự định trong thời gian tới bổ sung thêm 2 tàu này cho Hải quân Nhật, còn Hàn Quốc đã đóng 3 chiếc. Hải quân các nước này chủ yếu sử dụng các tàu này làm tàu chiến phòng thủ tên lửa.

Frigate De Ruyter lớp De Zeven Provinsien của Hà Lan

Trung Quốc cũng đi theo con đường bắt chước Mỹ. Các tàu khu trục “chủ lực” đóng loạt lớn của hải quân Trung Quốc thuộc các lớp 052С và 052D rõ ràng là sao chép Arleigh Burke, cả về cấu trúc thiết kế, sử dụng radar mạng pha lắp chìm trong phần thượng tầng và cả về thành phần vũ khí.

Điều đó cũng có liên quan đến các frigate thuộc các lớp 054 và 054А, những tàu chiến chủ lực đóng mới số lượng lớn nhất của Trung Quốc. Nhưng lần này, mẫu để bắt chước là các frigate tàng hình lớp La Fayette của Pháp, nhưng vũ khí của các tàu này gần như hoàn toàn có nguồn gốc Nga.

Gần như là cùng một loại, mặc dù chúng được đóng theo các thiết kế khác nhau và ở các xưởng đóng tàu khác nhau là các frigate lớp De Zeven Provinsien (4 chiếc) của Hà Lan, lớp Sachsen (3 chiếc) của Đức và lớp Iver Huitfeld (3 chiếc) của Đan Mạch. Với lượng giãn nước đầy đủ ở khoảng 5.600-6.645 tấn, chúng được trang bị các hệ thống vũ khí gần giống nhau gồm tên lửa, pháo và vũ khí chống ngầm, còn quan trọng nhất là được trang bị các radar giống nhau APAR và SMART-L có khả năng theo dõi một số lượng lớn mục tiêu mặt nước và trên không, và dẫn đường cho vũ khí tới các mục tiêu này. Chính các tàu này sau khi hiện đại hóa được bộ chỉ huy NATO dự định sử dụng làm lực lượng của châu Âu đóng góp cho hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của Mỹ.

Frigate Sachsen của Hải quân CHLB Đức

Xem ra cũng có vai trò đó là các tàu khu trục lớp Daring (6 chiếc) của Anh và các frigate Pháp-Italia gần giống các tàu trên lớp Horizon (4 chiếc). Trên các tàu của Hải quân Anh có ứng dụng hệ thống động cơ tích hợp mới, bảo đảm công suất cần thiết cho các các động cơ điện quay chân vịt và các thiết bị dùng điện khác của tàu khu trục. Daring có thể tăng tốc từ 0 lên đén 29 hải lý/h trong vòng 70 s; cự ly hành trình 7.000 hải lý ở tốc độ 18 hải lý/h. Radar SAMPSON với anten mạng pha chủ động cũng có các chức năng như các trạm radar APAR và SMART-L trên các tàu chiến của Hà La, Đức và Đan Mạch.

Các friagte Pháp-Italia được trang bị hệ thống động lực kết hợp diesel-turbine khí truyền thống hơn, nhưng các radar đa năng anten mạng pha EMPAR của chúng chẳng thua kém mấy các radar SAMPSON, APAR và SMART-L. Các hệ thống tên lửa phòng không của các tàu Anh, Pháp và Italia giống nhau và chỉ khác tên gọi. Ở Anh, chúng được gọi là Sea Viper, còn Pháp và Italia gọi là PAAMS (Principal Anti Air Missile System).


Frigate Iver Huitfeld của Đan Mạch

Dĩ nhiên là người ta cũng đang đóng cả các tàu chiến đơn giản hơn. Tất cả chúng đều là sự cải tiến của các tàu chiến đã đóng. Tháng 10/2013, Hải quân Brazil đã giới thiệu tính năng của các corvette tương lai CV03. Người ta dự kiến đóng 4 tàu lớp này. Thiết kế này dựa trên corvette Barroso (một tàu lớp này đã được đóng cho Hải quân Brazil) vốn là bước phát triển của lớp Inhauma (4 chiếc).


Các corvette lớp CV03 là biến thể cải tiến của corvette lớp Barroso.

Các corvette lớp CV03 khác với các tàu cơ sở trước hết về hệ thống động cơ. Nếu như trên các corvette Barroso và Inhauma, hệ thống động lực kết hợp diesel-turbine khí, còn trên CV03 chỉ dùng động cơ diesel, bởi vì thực tế khai thác các corvette của Brazil cho thấy, động cơ turbine khí chỉ được sử dụng trong 4% thời gian tàu chạy.  Nay thì 4 động cơ diesel tiết kiệm MTU 16V 1163 sẽ bảo đảm cự ly hành trình 6.000-hải lý khi chạy ở tốc độ 12 hải lý/h.



Frigate Forbin lớp Horizon của Pháp

CV03 có thiết kế tàng hình. So với Barroso, lượng giãn nước đầy đủ sẽ tăng từ 2.350-2.480 tấn. Tàu có chiều dài 103,4 m, chiều rộng 11,4 m, vỏ tàu bằng thép, còn phần thượng tầng làm bằng hợp kim nhôm. Vũ khí pháo gồm 1 ụ pháo 114 mm Vickers Mk8 của Anh và 1 pháo tự động40 mm, còn vũ khí tên lửa tiến công là 4 tên lửa chống hạm Exocet. Nhiệm vụ chống ngầm do 2 cụm x 3 ống phóng lôi chống ngầm 324 mm và 1 trực thăng MH-16 Seahawk của Sikorsky, Mỹ, đảm nhiệm. Lần đầu tiên, các corvette do Brazil đóng sẽ được trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm gần hay tầm trung. Nhưng lựa chọn cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Các ứng viên cho vai trò này là các hệ thống tên lửa phòng không Barak (Israel), ESSM (Mỹ), MICA VL (Pháp) và Umkhonto (Nam Phi). Các bệ phóng thẳng đứng của hệ thống tên lửa phòng không được bố trí hai bên sườn hăng-ga chứa trực thăng.

Tàu khu trục Diamond giống như tất cả các tàu lớp Daring có hệ thống động cơ tích hợp

Các corvette đa nhiệm lớp CV03, như ta thấy, không nổi bật ở những cái gì mới, nhưng làm được nhiều nhiệm vụ thường được giao cho các tàu lớp này. Và dần dần, chúng sẽ trở thành mẫu cơ sở cho những tàu chiến hoàn thiện hơn của hạm đội Brazil.

* * *

Trong khi ở Nga có thể nghe thấy những ý kiến kêu gọi tiết kiệm tiền chi cho hạm đội vì cần ưu tiên trước hết cho việc củng cố các lực lượng chiến lược và phòng không-vũ trụ. Song như ta đã biết, có thể cắt giảm cái gì cũng được, trừ cái cổ của con hươu cao cổ. Không ai tranh cãi về chuyện Bộ đội Tên lửa chiến lược và Phòng không-vũ trụ là các thành phần quan trọng nhất bảo vệ đất nước. Nhưng Hải quân cũng không kém phần quan trọng. Bởi vì hiện giờ, đối phương có thể tấn công Nga từ cự ly như “bắn súng ngắn” từ các vùng biển bao quanh nước Nga. Tại các vùng biển này, không khó triển khai các tàu trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa có khả năng vô hiệu hóa ở mức độ đáng kể các lực lượng chiến lược của Liên bang Nga. Cuối cùng, phương tiện hiệu quả nhất để tạo ra mối đe dọa ngược trở lại đối với kẻ thù tiềm tàng, răn đe các ý đồ của đối phương lại chính là hạm đội. Điều đó đã nhiều lần được lịch sử chứng minh.


Corvette lớp CV03 sẽ là biến thể cải tiến của corvette lớp Barroso

Việc đình hoãn các chương trình đóng tàu quân sự đe dọa gây ra những thảm họa khác. Trong một bài báo đăng trên tạp chí hải quân Mỹ hàng đầu Proceedings, đại tá hải quân Mỹ về hưu John S. Heffron, giám đốc chương trình đóng tàu ngầm lớp Virginia giai đoạn 2001-2005 đã chia xẻ kinh nghiệm tổ chức đóng tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới. Theo ông, quá trình thiết kế và đóng các tàu ngầm này phải là liên tục, nếu không sẽ xảy ra suy thoái trình độ các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực này. Ông Heffron dẫn ra một ví dụ điển hình: nếu như tại xưởng đóng tàu Electric Boat sau khi kết thúc chiến tranh lạnh mà tiếp tục đóng tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf dù là với nhịp độ thấp, thì ở xưởng đóng tàu Newport News Shipbuilding đã bắt đầu một thời kỳ tạm dùng 10 năm. Khi cần đặt hàng cả hai hãng đóng tàu ngầm hạt nhân lớp Virginia thì Newport News Shipbuilding đã mất mấy năm để có được năng lực cần thiết và bắt đầu sản xuất sản phẩm chất lượng. Quy luật này cũng hoàn toàn đúng với đóng tàu mặt nước quân sự.

Nguồn: Aleksandr Mozgovoi // National Defense, N.11.2013.

Print Print E-mail Print