>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (1)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (2)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (3)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (4)
Lục quân Mỹ và ASBVai trò then chốt trong soạn thảo ASB được giành cho Không quân và Hải quân Mỹ. Thủy quân lục chiến Mỹ cũng tham gia khá tích cực vào công việc này. Hơi giữ khoảng cách với ASB chỉ còn Lục quân Mỹ. Các quan chức Lầu Năm góc và ASBO nhiều lần nhấn mạnh rằng, bản thân ý tưởng ASB trù tính việc liên kết và tham gia của cả 4 quân chủng quân đội Mỹ và không có mục đích “phân biệt đối xử” đối với Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ. Tuy nhiên, vai trò của Lục quân Mỹ trong công việc của ASBO vẫn khá hạn chế. Chẳng hạn, trong biên chế của bản thân ASBO, theo một số thong tin, chỉ có một đại diện của Lục quân Mỹ.
Nhiều nhà quan sát vẫn tiếp tục nhìn thấy ở trong bản thân ý tưởng ASB cơ bản là cuộc đấu tranh của Không quân và Hải quân Mỹ nhằm nâng cao vai trò, ảnh hưởng và tỷ trọng ngân sách cho mình mà gây bất lợi cho các quân chủng “trên bộ”. Khẳng định này đúng đến đâu vẫn là một câu hỏi. Dẫu sao thì bản thân nguy cơ gia tăng ảnh hưởng của Không quân và Hải quân Mỹ nhờ ASB trong điều kiện cắt giảm ngân sách quân sự không thể không gây ra phản ứng đáp trả của Lục quân Mỹ, nhất là khi xét đến yếu tố quân số Lục quân Mỹ có thể bị cắt giảm từ 564.000 quân hiện nay xuống còn 490.000 vào năm 2015 và 420.000 vào năm 2019.
Sau khi Thủy quân lục chiến Mỹ bắt đầu xích lại gần Hải quân Mỹ và quay lại với các ý tưởng hành động “từ biển” và các chiến dịch đổ bộ đường biển, Lục quân Mỹ rơi vào thế hơi bị cô lập. Lãnh đạo Lục quân Mỹ trong tình thế này đã đồng thời đi theo con đường xây dựng các khái niệm bổ sung cho ASB và hội nhập tích cực hơn vào bản thân ASB bất kể Hải quân và Không quân Mỹ có vai trò áp đảo.
Lục quân Mỹ, cùng với Thủy quân lục chiến Mỹ, đã xây dựng Khái niệm tiến hành các chiến dịch xâm nhập liên quân (Joint Concept for Entry Operations, JCEO), dùng để bổ sung cho khái niệm ASB trong khuôn khổ Khái niệm Bảo đảm tiếp cận tác chiến liên quân (JOAC). Từ phía Lục quân Mỹ, đóng vai trò chủ chốt ở đây là Bộ chỉ huy Huấn luyện chiến đấu và học thuyết (TRADOC) Lục quân Mỹ, cơ quan từng chịu trách nhiệm xây dựng khái niệm Tác chiến không-bộ.
Cùng với việc các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan kết thúc và Mỹ không muốn bị cuốn hút vào các chiến dịch mặt đất quy mô lớn trong tương lai gần, Lục quân Mỹ đã gặp phải cuộc khủng hoảng nhất định về tự định hình bản thân. Trên thực tế, duy trì lực lượng lục quân to lớn và hung mạnh để làm gì nếu như không tiên liệu được các chiến dịch mặt đất có quy mô như thế trong tương lai gần? Ở mức độ nhất định, lối thoát được tìm thấy ở nỗ lực nâng cao vai trò “viễn chinh” của các lực lượng Lục quân Mỹ.
Lục quân Mỹ đang xem xét các phương án đạt đến sự cân bằng giữa các lực lượng trang bị nhẹ (Sư kỵ binh bay 82) và trang bị nặng của mình. Cụ thể, người ta nêu ra ý tưởng trang bị cho lực lượng đổ bộ đường không xe chiến đấu bọc thép cho phép thả xuống đất bằng dù và bảo đãm việc cơ động nhanh lực lượng trang bị nặng (huy động máy bay vận tải quân sự, tàu đổ bộ và Bộ chỉ huy Vận chuyển đường biển). Điều này đã được một số nhà quan sát xem là nỗ lực xâm nhập vào lĩnh vực truyền thống của Thủy quân lục chiến Mỹ. Trái lại, các đại diện Lục quân Mỹ lại cho rằng, các kế hoạch đó không nhằm cạnh tranh mà trái lại là nhằm liên kết hơn nữa các quân chủng, điều rất hợp với các ý tưởng ASB. Theo lãnh đạo Lục quân Mỹ, chính sự hợp tác của Lục quân, Thủy quân lục chiến và Bộ chỉ huy Tác chiến đặc biệt Mỹ với nhau, cũng như với Không quân và Hải quân Mỹ, vốn là hai quân chủng bảo đảm các phương tiện cơ động và sức mạnh đột kích cần để phát huy thành phần lục quân trong quân đội Mỹ.
Giai đoạn đầu xây dựng Khái niệm tiến hành các chiến dịch xâm nhập liên quân (Joint Concept for Entry Operations, JCEO) là việc Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ thông qua vào năm 2012 Khái niệm hợp tác giành/giữ khả năng tiếp cận và đối phó với A2/AD (Gaining and Maintaining Access Concept, GMAC). Bản thân khái niệm JCEO đã trở thành văn kiện chỉ đạo, quy định việc tiến hành các chiến dịch xâm nhập của quân đội Mỹ trong điều kiện có sự đối kháng từ phía các hệ thống A2/AD của đối phương. Giống như ASB, khái niệm này trù định sự tham gia nhất định của Hải quân và Không quân Mỹ, nhưng điều hoàn toàn hợp lý và Lục quân Mỹ giữ cho mình vai trò then chốt.
Lãnh đạo Lục quân Mỹ tính toán rằng, trong trường hợp cả hai khái niệm này thực sự sẽ trở thành bình đẳng với nhau và sẽ trở thành các bộ phận bổ trợ lẫn nhau của một nền tảng khái niệm hoạch định và xây dựng quân sự chung thì sự đe dọa đối với ảnh hưởng và vị thế của Lục quân Mỹ từ phía Hải quân và Không quân Mỹ sẽ bị vô hiệu hóa đáng kể. Đồng thời, như đã nêu ở trên, hàng loạt lý do khách quan có tính đối ngoại, đối nội và kinh tế đang làm cho việc tiến hành các chiến dịch mặt đất quy mô lớn trở nên cực kỳ bất lợi và không mong muốn đối với Washington. Điều này phá vỡ ngay từ đầu ý tưởng JCEO trong thực tế có thể trở thành sự bổ sung bình đẳng cho ASB.
Đương kim Tư lệnh Lục quân Mỹ, Tướng Raymond Odierno cũng tích cực thúc đẩy ý tưởng thành lập Văn phòng Lực lượng mặt đất chiến lược (Office of Strategic Landpower) mà nhiều người đánh giá như một nỗ lực tập hợp các lực lượng thuộc thành phần mặt đất của quân đội Mỹ để tạo ra một “trung tâm lực hút” cạnh tranh với ASBO. Dự án này đang được xây dựng cùng với Thủy quân lục chiến và Bộ chỉ huy Tác chiến đặc biệt Mỹ (USCOSOM) vốn đôi khi được gọi là “quân chủng thứ 5 của quân đội Mỹ” (không tính Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ đứng biệt lập).
Dựa vào kinh nghiệm các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan, khi mà quân đội Mỹ land đầu tiên trong lịch sử hiện đại đụng phải yêu cầu phải tác chiến quy mô lớn với một địch thủ phi chính quy, Lục quân Mỹ, cũng cùng với Thủy quân lục chiến Mỹ và USSOCOM, đã đưa vào sử dụng khái niệm “không gian con người”, được hiểu là toàn bộ dải hoạt động phối hợp của quân đội Mỹ với dân chúng địa phương. Nếu như một số nước khác như Nga có kinh nghiệm phong phú trong đối phó với địch thủ phi chính quy, trong đó có các đơn vị vũ trang bất hợp pháp, thì quân đội Mỹ lại hoàn toàn không sẵn sàng cho tình huống không có sự ngăn cách rõ rang giữa các lực lượng đối phương với dân chúng của đối phương. Tình thế trở nên nghiêm trọng hơn do sự phổ biến rộng rãi của công nghệ thông tin vì chúng đã cho phép tạo thuận lợi về chất cho hoạt động của các mạng lưới khủng bố và nổi dậy, cũng như cho việc tương tác của chúng với dân chúng.
Nếu như ASB xem xét trước hết việc bảo đảm tiếp cận và các hành động trên không, trên vũ trụ, trên biển và trong không gian mạng, thì điểm gần như mấu chốt trong nghị trình đối với “các lực lượng mặt đất chiến lược” lại là các hành động trong “không gian con người” và mối lien hệ tương quan của chúng với các hành động trong không gian mạng và trên bộ. Từ các cuộc tấn công cụ thể nhằm vào binh lính Mỹ và các hành động khủng bố ở cấp độ chiến thuật cho đến việc điều khiển dư luận xã hội và ảnh hưởng tới tình hình chính trị-xã hội ở một nước nào đó ở cấp độ chiến lược - các hành động của đối phương trong “không gian con người”, theo nhiều người trong giới quân sự Mỹ, có thể không kém phần nguy hiểm hơn trong các không gian khác.
Đồng thời, Lục quân Mỹ cũng không định từ bỏ việc tham gia vào công việc của bản thân ASBO mà trái lại, họ đang tìm cách nâng cao vai trò của mình. Đáng chú ý là, các quan chức Lục quân Mỹ đã không được mời dự các buổi điều trần chuyên ngành về chủ đề ASB tại Quốc hội Mỹ diễn ra vào ngày 10/10/2013. Nhưng vào phút cuối, Thiếu tướng Gary Cheek vẫn tham gia điều trần cùng với các đồng nghiệp từ Hải quân Mỹ, Không quân Mỹ và Thủy quân lục chiến Mỹ. Sau này, viên tướng này đã nói với giới phóng viên rằng, Lục quân Mỹ là một thành viên đầy đủ của ASB và việc tham gia xây dựng khái niệm này và công việc của ASBO đáp ứng các mục tiêu chiến lược của họ.
Trong thời gian điều trần, Tướng Cheek đã nhấn mạnh sự đóng góp của Lục quân Mỹ vào việc đối phó với A2/AD. Cụ thể, ông nói đến vai trò quan trọng của các hệ thống phòng không/phòng thủ tên lửa, các hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật (ATACMS) của Lục quân. Ngoài ra, ông Cheek cũng đề cập đến những thành công trong việc liên kết các lực lượng của Lục quân Mỹ và các quân chủng khác. Ông đã nêu ví dụ sử dụng trực thăng tiến công AH-64 Apache từ các hạm tàu сủa Hải quân Mỹ với sự hiệp đồng chặt chẽ với Không quân Mỹ và dưới sự chỉ huy chiến thuật trực tiếp của Hải quân Mỹ (ngoài AH-64, thực hiện hạ cánh lên boong các hạm tàu gần đây còn có các trực thăng lục quân OH-58D Kiowa Warrior và СH-47 Chinook).
Cách làm này không phải là hoàn toàn mới vì chẳng hạn Lục quân Mỹ đã có Điều lệnh các hoạt động trên hạm tàu FM 1-564 được thông qua từ năm 1997, nhưng Lục quân Mỹ dự định đẩy mạnh hợp tác với Hải quân Mỹ và tham gia tích cực hơn vào các hoạt động trên biển. Điều đó sẽ cho phép tác chiến hiệu quả chẳng hạn chống các xuồng chiến đấu cao tốc của đối phương. Đồng thời, sự không thích hợp của các trực thăng lục quân với các hoạt động trên boong tàu (một phần liên quan đến khả năng chống ăn mòn thấp, không có các lá cánh quay gấp được, không có phanh rotor nâng và không có các cơ cấu neo buộc, khó tương thích với các hệ thống tiếp dầu và chỉ huy bay trên tàu) gây ra những nghi ngờ nhất định về mức độ hiệu quả việc sử dụng chúng như thế. Ví dụ cụ thể này minh họa rõ những hạn chế mà Lục quân Mỹ đang vấp phải trong các nỗ lực của mình phối hợp chặt chẽ hơn với Hải quân Mỹ.
|
Sự kết thúc của các chiến dịch ở Iraq và Afghanistan, nơi Mỹ đã tiến
hành cuộc chiến tranh mặt đất quy mô lớn, đã đẩy Lục quân Mỹ vào cuộc
khủng hoảng về tự định hình bản thân |
Lục quân Mỹ cũng đang tỏ ra ngày càng quan tâm đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tướng Vincent Brooks đã trở thành Tư lệnh Bộ chỉ huy Lục quân Mỹ tại Thái Bình Dương (USARPAC) và là “tướng 5 sao” duy nhất trong số các tư lệnh bộ chỉ huy lục quân khu vực cảu Lục quân Mỹ. Tướng Brooks đã đề xuất sáng kiến “Các con đường Thái Bình Dương” (Pacific Pathways), trù tính tăng cường khả năng của các lực lượng Lục quân Mỹ phản ứng nhanh chóng với các cuộc xung đột cục bộ và các mối đe dọa phi quân sự trên chiến trường rộng lớn Thái Bình Dương.
Tướng Brooks đề xuất cử các đội quân nhỏ (đến 700 quân, gần 150 đơn vị binh khí kỹ thuật và 11 trực thăng) của Lục quân Mỹ luân phiên đến các nước châu Á để tiến hành các cuộc tập trận chung và để binh sĩ làm quen với tình hình và đặc điểm khu vực. Mỗi đội quân như vậy trong vòng 2-6 tháng sẽ có thể ghé thăm mấy nước thân hữu với Mỹ, sau đó trở về căn cứ của mình, nhường chỗ cho đội quân mới. Phó Tư lệnh Thủy quân lục chiến Mỹ, Tướng John Paxton đã tuyên bố rằng, “ở Thái Bình Dương có đủ chỗ cho tất cả”. Tuy nhiên, sáng kiến của Tướng Brooks đã bị nhiều người trong giới quân sự Mỹ và chuyên gia chỉ trích là một mưu toan mới của Lục quân Mỹ làm chức năng trùng lặp với Thủy quân lục chiến Mỹ bằng cách xây dựng “các tiểu đoàn lính thủy đánh bộ viễn chinh không có tàu bè, kinh nghiệm và học thuyết”.
Năm 1862, trong thông điệp thường niên thứ hai gửi Quốc hội Mỹ, Abraham Lincoln đã nói: “Những giáo điều của quá khứ bình lặng không thể ứng dụng cho hiện tại bão táp... Khi gặp phải nhiệm vụ mới, chúng ta phải tư duy theo lối mới và hành động theo lối mới. Chúng ta phải tự giải thoát khỏi những ảo tưởng và khi đó, chúng ta sẽ có thế cứu đất nước chúng ta”. Không có gì ngạc nhiên khi phát biểu về chức năng của ASB trong thời gian điều trần tại Quốc hội Mỹ, Chuẩn đô đốc James Foggo đã nhớ lại chính câu nói này của Lincoln.
Trên thực tế, chức năng của ASB là một lần nữa xác định “tư duy mới” của quân đội Mỹ trong điều kiện một “hiện tại bão táp” mới. Đồng thời, ASB cũng đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Liệu nó có thể thúc đẩy sự liên kết sâu giữa Hải quân và Không quân Mỹ không? Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ tham gia thế nào vào quá trình này? Liệu ASB có trở thành công cụ mới cho cuộc chiến tranh giành tiền bạc ngân sách và ảnh hưởng giữa các quân chủng? Nhưng câu trả lời cho câu hỏi có lẽ là chủ yếu là các kịch bản xung đột với Trung Quốc hay Nga đóng vai trò nào trong quá trình nghiên cứu xây dựng ASB vẫn được giấu kín trong các phiên bản mật của học thuyết này.
Các tác giả:
- Prokhor Tebin, PTS Khoa học chính trị, chủ blog prokhor-tebin.livejournal.com;
- Aleksandr Ermakov, chuyên gia quân sự độc lập, chủ blog sandrermakoff.livejournal.com
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (1)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (2)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (3)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (4)