Vietnamdefence.com

 

Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (2)

VietnamDefence - ASB là “chiến lược” chiến tranh với Trung Quốc và Iran?

Hình ảnh giả định của một họa sĩ Trung Quốc về một cuộc tấn công của các đầu đạn tên lửa DF-21D vào các tàu chiến Mỹ


>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (1)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (3)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (4)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (5)

Các quan chức của ASBO, lãnh đạo Không quân và Hải quân Mỹ không ngớt nhắc lại rằng, khái niệm ASB, khác với “Tác chiến không-bộ” của những năm 1980, mang tính chất chung, không trù tính chuẩn bị cho một kịch bản cụ thể nào và không nhằm vào một chiến trường cụ thể hay một địch thủ tiềm tàng nào. Ngoài ra, họ liên tục nhấn mạnh rằng, ASB không phải là một chiến lược, cũng không phải là “một kế hoạch chiến tranh”, không xác định các mục tiêu của chiến lược chính trị-quân sự hay chiến lược quân sự Mỹ, cũng như các phương tiện và cách thức sử dụng chúng để đạt được các mục tiêu đó. Bất chấp tất cả những biện minh đó, nhiều nhà quan sát trong và ngoài nước Mỹ vẫn nhìn thấy ở ASB không gì khác hơn là sự chuẩn bị cho cuộc xung đột với Trung Quốc và/hoặc Iran.
 
Ở Trung Quốc, ý tưởng ASB gây ra phản ứng khá gay gắt. Ví dụ, trong một bài báo trên tờ Global Times (Trung Quốc) có nói rằng, ASB đe dọa các lợi ích của Trung Quốc, quan hệ Trung-Mỹ và có thể kích động sự thù địch trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Còn theo đại tá quân đội Trung Quốc Fan Gaoyue, ASB là một nỗ lực của Mỹ phá vỡ sự ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và có thể biến quân đội Trung Quốc từ đối tác thành địch thủ. Sự đáp trả bắt buộc đối với ASB sẽ là chiến lược “chống ASB” của Trung Quốc. Theo ông Fan Gaoyue, các hệ thống A2/AD của Trung Quốc chỉ nhằm bảo vệ chính sách “một nước Trung Quốc” và bảo đảm Mỹ không can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.

Trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991, xác lập ưu thế trên không và trên biển là cơ sở cho các hành động thành công của quân đội Mỹ

Có phản ứng như vậy, phần nhiều là do các báo cáo của CSBA, khác với phiên bản công khai Khái niệm ASB công bố vào năm 2013, có định hướng hẹp hơn và chủ yếu tập trung nhằm chính vào việc đối phó với các hệ thống A2/AD của Trung Quốc ở tây Thái Bình Dương. Mặc dù CSBA về pháp lý là một tổ chức phi thương mại, tư nhân, quan hệ gần gũi của nó với Bộ Quốc phòng Mỹ lập tức khiến người ta nghĩ rằng, các báo cáo của trung tâm này phần nhiều phản ánh các ý tưởng đang tồn tại bên trong Lầu Năm góc và các quân chủng quân đội Mỹ.

ASB ở phiên bản của CSBA và phiên bản của Lầu Năm góc rất khác nhau. Các báo cáo của CSBA xuất hiện sớm hơn phiên bản công khai của Khái niệm ASB và tạo ra cảm nhận chống Trung Quốc vững chắc (và ở mức độ thấp hơn là chống Iran) của ASB. Góp phần trong việc này là cả sự hiện diện của từ “battle” mà trong ngữ cảnh này gần hơn với khái niệm “chiến dịch”, nhưng nhiều nhà quan sát cảm nhận nó chủ yếu ở ý nghĩa hiếu chiến hơn là “trận đánh, trận chiến”. Điều dễ thấy là việc CSBA và Lầu Năm góc ngay cả thuật ngữ “ASB” cũng viết khác nhau tương ứng là: “AirSea Battle” và “Air-Sea Battle”. Chi tiết mà thoạt nhìn là nhỏ nhặt này cho chúng ta biết rằng, ASB của CSBA và ASB của Lầu Năm góc là hai “sản phẩm” khác nhau.

Trong các báo cáo của CSBA đặc biệt nhấn mạnh rằng, ASB không phải là sự chuẩn bị cho chiến tranh với Trung Quốc, không đặt ra mục tiêu “gạt bỏ” hay “ngăn chặn” (containment) Trung Quốc. ASB là công cụ xây dựng một quân đội mà bản than sự tồn tại của nó sẽ là yếu tố răn đe (deterrence) đối với chính sách đối ngoại của Bắc Kinh và Tehran, cho phép duy trì cán cân sức mạnh hiện hữu, được hiểu là ưu thế quân sự của Mỹ và khả năng tự do tung sức mạnh quân sự Mỹ.

Trong mọi trường hợp, sẽ là ngây thơ nếu cho rằng, trong Lầu Năm góc không tồn tại các kế hoạch tác chiến cho tình huống chiến tranh với Trung Quốc hay Iran. Khái niệm ASB sẽ có ảnh hưởng lớn đến các kế hoạch tác chiến này bất kể tính chất “chung” của nó.


Các hệ thống chống tiếp cận

Trong quá trình chiến dịch Bão táp sa mạc, Mỹ đã có thể trong thời gian ngắn và hầu như không bị tổn thất đánh tan quân đội Iraq mà hồi đó đa số các nhà quan sát đã đánh giá là được huấn luyện và trang bị tốt. Điều đó đã cho các địch thủ tiềm tang của Washington thấy được sự vô vọng của việc đối đầu quân sự trực tiếp với người Mỹ. Như Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc Jonathan Greener và Tư lệnh Không quân Mỹ khi đó Tướng Norton Schwartz đã nhấn mạnh trong bài báo đăng năm 2012 trên tạp chí “The American Interest”: “Các đối thủ [của Mỹ] có ý chí và khả năng đang dần chuyển từ việc chuẩn bị tác chiến với quân đội Mỹ sau khi nó xuất hiện trên chiến trường sang việc ngăn chặn chống Mỹ tiếp cận chiến trường”.
 
Bão táp sa mạc đã trở thành cú hích để các nước như Trung Quốc và Iran nghiên cứu và ứng dụng ở hình thức nào đó chiến lược chống tiếp cận. Cần lưu ý rằng, cách tiếp cận này không phải là điều gì hoàn toàn mới. Theo nhà nghiên cứu Mỹ Sam Tangredi, trong lịch sử đã có nhiều trường hợp sử dụng thành công và không thành công chiến lược chống tiếp cận. Có thể liệt vào các ví dụ thành công là các hành động của quân Hy Lạp trong cuộc hành binh của Xerxes năm 480 TCN, của quân Anh trong tác chiến chống Đại hạm đội Vô địch của Tây Ban Nha trong cuộc chiến tranh Anh-Tây Ban Nha và trong Trận chiến giành nước Anh trong Thế chiến II, Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian chiến dịch Dardanelles năm 1915-1916. Thuộc loại không thành công là các hành động của quân Nhật trên chiến trường Thái Bình Dương và của quân Đức ở Normandie trong Thế chiến II, cũng như của quân Argentine trong chiến tranh Malvinat (Falklands).

Ban đầu, các địch thủ tiềm tàng của Mỹ đã coi vũ khí hủy diệt lớn là phương tiện chống tiếp cận chủ yếu. Tuy nhiên, các nỗ lực sở hữu vũ khí hủy diệt lớn dẫn đến hang loạt các vấn đề khó giải quyết. Việc nghiên cứu chế tạo vũ khí hủy diệt lớn, loại vũ khí không thể dễ dàng mua trên thị trường bên ngoài, đòi hỏi nhiều thời gian và nguồn lực vật chất. Điều còn quan trọng hơn là việc phổ biến vũ khí hủy diệt lớn gây ra phản ứng cực kỳ mạnh mẽ của Mỹ và cộng đồng quốc tế nói chung và bản thân nó có thể tạo ra lý do hay cớ cho các biện pháp trừng phạt và can thiệp quân sự. Cuối cùng, ngoại trừ vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt lớn không thật hiệu quả và không tiện dụng.
Trong tình thế đó, các hệ thống A2/AD hiện đại trở nên một công cụ dễ kiếm hơn, rẻ hơn và dễ chấp hơn về chính trị. Ví dụ, nếu Iran nghiên cứu chế tạo và thử nghiệm bom hạt nhân hầu như chắc chắc, nó sẽ gây ra phản ứng quân sự tức thì từ phía Mỹ và Mỹ sẽ dễ dàng có được sự ủng hộ từ nhiều nước khác. Nhưng việc Iran mua sắm và nghiên cứu chế tạo vô số tên lửa chống hạm, các hệ thống phòng không và các vũ khí A2/AD khác chưa chắc gây ra phản ứng như thế.

Việc ngăn chặn tiếp cận có thể được thực hiện không chỉ nhờ sức mạnh quân sự, mà còn có thể bằng các biện pháp ngoại giao và kinh tế, công nghệ thông tin. Áp lực chính trị và kinh tế, việc tạo phản ứng dư luận và thậm chí các biện pháp như tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không như Trung Quốc đã làm vào tháng 11/2013, có thể được xem như những hình thức A2/AD đặc biệt. Nhìn chung, cần xem xét chiến lược chống tiếp cận không phải từ góc độ các hệ thống vũ khí trang bị riêng lẻ, mà như một mạng lưới thống nhất, bao goomf một phổ rộng các biện pháp A2/AD quân sự và phi quân sự.

Duy trì được vị thế cường quốc quân sự toàn cầu duy nhất trong một thời gian dài và tiến hành các hoạt động quân sự chống các địch thủ yếu hơn nhiều, nước Mỹ đã quen với các điều kiện “dễ chịu” trên chiến trường. Tiêu chuẩn tiến hành các chiến dịch quân sự của Mỹ trù định việc giành và giữ ưu thế trên biển, trên không, trong không gian vũ trụ và không gian mạng. Điều đó bảo đảm khả năng cơ động và tập trung nhanh chóng các lực lượng và phương tiện, khả năng bảo vệ tin cậy các tuyến giao thông, các căn cứ quân sự và hậu phương, giành quyền chủ động, sự tiếp cận tối đa của các lực lượng và phương tiện (cụ thể là các hạm tàu) tới lãnh thổ đối phương, cũng như điều động một số lượng tối đa các lực lượng và phương tiện để thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu địch.

Các hệ thống A2/AD, nhất là với các cường quốc khu vực lớn, đặt ra mục tiêu phá hủy lối tiến hành chiến tranh đã quen thuộc đối với Mỹ. Các hệ thống phòng không, tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đường đạn chống hạm, vũ khí chống vệ tinh, tàu ngầm và các vũ khí A2/AD khác đang đặt các tuyến giao thông và căn cứ của Mỹ vào tầm tấn công, cản trở việc tăng cường cụm lực lượng, đe dọa các hệ thống vũ trụ và thông tin thiết yếu đối với Mỹ, buộc Mỹ phải điều động một số lượng lớn hơn lực lượng và phương tiện để bảo vệ cụm lực lượng và các cơ sở.

Trong phiên bản công khai của Khái niệm ASB có nêu ra một số đặc điểm của các kịch bản tham gia có thể của Mỹ vào một cuộc xung đột có sử dụng A2/AD.
  1. Trù dự tính các địch thủ của Mỹ có thể phát động cuộc xung đột với thời kỳ đe dọa ngắn tối thiểu hoặc hoàn toàn không có thời kỳ đó.

  2. Các lực lượng của Mỹ và các đồng minh được triển khai trong khu vực sẽ buộc phải hành động trong điều kiện có sự đối kháng từ phía các hệ thống A2/AD ngay từ đầu cuộc xung đột.

  3. Đối phương sẽ tấn công trực tiếp không chỉ các lực lượng của Mỹ và đồng minh, mà cả các căn cứ quân sự, cả hạ tầng bảo đảm các hoạt động của chúng.

  4. Trù tính đối phương sẽ sử dụng các vũ khí A2/AD đồng thời ở tất cả các môi trường: không trung, biển, mặt đất, vũ trụ và không gian mạng. Trong khi đó, để mất vị trí dù chỉ ở một không gian cụ thể cũng sẽ đe dọa các lực lượng Mỹ và đông minh ở các không gian khác, điều cuối cùng có thể dẫn đến thất bại.
Như vậy, việc sử dụng ồ ạt các vũ khí A2/AD có thể hạn chế mạnh hoặc làm cho Mỹ không thể tung sức mạnh, làm tăng mạnh các rủi ro và mức độ tổn thất có thể. Đồng thời, cần nhấn mạnh rằng, cả chiến lược chống tiếp cận, lẫn chiến lược đối kháng với nó đều không phải là mục đích, mà chỉ là phương tiện và không thể tư duy tách rời mục đích cụ thể của cuộc đối kháng vũ trang.

(Còn tiếp)

>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (1)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (3)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (4)
>> Bí ẩn học thuyết Tác chiến không-biển (5)

Nguồn: "Tác chiến không-biển" bí ẩn / Prokhor Tebin, Aleksandr Ermakov // Oborona, N.6.2014.

Print Print E-mail Print