Vietnamdefence.com

 

Cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất (1258)

VietnamDefence - “Đằng Giang tự cổ huyết do hồng”

(Sông Bạch Đằng từ xưa máu vẫn còn đỏ)

Giang Văn Minh (Vế đối đáp lại vế đối láo xược của vua Minh Sùng Trinh)

Vào đầu thế kỷ XIII, trên đất nước Mông Cổ ngày nay hình thành một quốc gia quân sự độc tài của cư dân du mục, thạo cưỡi ngựa, bắn cung, quen sống du mục hoang sơ trên vùng thảo nguyên rộng lớn. Với lực lượng quân sự mạnh, dựa trên những đạo kỵ binh thiện chiến, các vua chúa Mông Cổ đã lao vào cuộc chiến tranh chinh phục khủng khiếp. Trong vòng nửa thế kỷ, Thành Cát Tư Hãn và các vua chúa Mông Cổ với đoàn quân viễn chinh khét tiếng tàn bạo, cách tấn công ào ạt, chớp nhoáng đánh đâu thắng đó đã chinh phục hết quốc gia này đến quốc gia khác, thành lập một đế quốc Mông Cổ rộng lớn từ bờ biển Đông Á Thái Bình Dương đến tận Hắc Hải. Cả châu Á và châu Âu bao trùm bóng đen xâm lược của Mông Cổ. Nước Đại Việt cũng không nằm ngoài bối cảnh chung đó.

Từ năm 1226, triều Trần được thiết lập, chấm dứt cuộc khủng hoảng suy tàn cuối triều Lý. Triều Trần đảm nhận sứ mệnh đẩy mạnh công cuộc dựng nước và chăm lo quốc phòng đối phó với nạn ngoại xâm.

Năm 1252, chúa Mông Cổ sai Hốt Tất Liệt và Ngột Lương Hợp Thai đánh chiếm nước Đại Lý (Vân Nam, Trung Quốc). Năm 1257, Ngột Lương Hợp Thai được lệnh đem một đạo quân từ Vân Nam đánh chiếm Đại Việt để mở rộng gọng kiềm vu hồi đánh vào phía nam nước Nam Tống. Trước khi xuất quân, Hốt Tất Liệt là em trai chúa Mông Cổ Mông Kha và là tổng chỉ huy đạo quân phía Nam sai sứ sang đòi vua Trần đầu hàng. Vua Trần Thái Tông và triều đình đã tống giam kẻ đại diện đế quốc Mông Cổ và tổ chức quân dân ta gấp rút chuẩn bị kháng chiến. Trần Quốc Tuấn dẫn một lực lượng lên bố trí ở vùng biên giới. Đại quân ta do vua Trần Thái Tông trực tiếp chỉ huy lên lập phòng tuyến ở Bình Lệ Nguyên (Việt Trì, Vĩnh Yên) chặn đường tiến quân của địch từ Vân Nam theo đường Lào Cai xuống Thăng Long.

Cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất (năm 1258)
Đầu năm 1258, quân Mông Cổ vượt biến giới vào nước ta. Đạo quân dịch gồm khoảng 3 vạn tên, có lực lượng kỵ binh thiện chiến làm nòng cốt nhanh chóng tiến được xuống Bình Lệ Nguyên. Sau một trận đấu ác liệt, quân ta “thất lợi”, không thể ngăn chặn được quân giặc. Theo mưu kế của Lê Tần, quân ta rút về Phù Lỗ (Đông Anh, Hà Nội), phá cầu Phù Lỗ và lập trận tuyến phòng ngự ở bờ Nam sông Cà Lồ để chặn địch. Quân Mông Cổ tiếp tục tấn công mạnh. Vua Trần cùng đại quân phải rút về Thăng Long.

Trước thế mạnh của giặc, triều Trần thực hiện cuộc rút lui chiến lược để bảo toàn lực lượng, triều đình và đại quân rút về vùng Thiên Mạc (Khoái Châu, Hưng Yên). Nhân dân Thăng Long cũng rời kinh đô, tản cư về vùng nông thôn. Quân giặc vào được thành Thăng Long, một tòa thành trống rỗng, không người không của. Chúng tàn phá Thăng Long nhưng không dám tiến công tiếp vì không biết chủ lực quân ta ở đâu, mở rộng chiếm đóng thì quân số có hạn. Lương thực mang theo đã hết, nguồn tiếp tế vốn không được phòng bị cho cách đánh nhanh thắng nhanh, trông chờ cướp lương để ăn thì không có. Tình thế khó khăn bế tắc, kế hoạch rút lui chiến lược phát huy hiệu quả. Thời cơ phản công đã đến.

Ngày 29/1/1258, quân ta ngược sông Hồng bất ngờ tiến công quyết liệt vào Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng ở Thăng Long). Quân giặc bị thiệt hại nặng vội rút chạy khỏi Thăng Long theo con đường ven sông Hồng mà chúng vừa tiến xuống. Chạy đến Quy Hóa (Phú Thọ, Yên Bái), bị bộ phận quân chủ lực bố trí chặn địch từ đầu cuộc chiến tranh còn ém tại đây phối hợp cùng dân binh địa phương do tù trưởng Hù Bỏng chỉ huy đón đánh bị thiệt hại thêm, Ngột Lương Hợp Thai cùng đám tàn quân không dám đánh lại chỉ lo chạy tháo thân về Vân Nam.

Cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất thắng lợi.

  • Nguồn: Từ điển bách khoa Tri thức quốc phòng toàn dân.-H.: Chính trị Quốc gia, 2002.

Print Print E-mail Print