Vietnamdefence.com

 

Tổng quan sức mạnh không quân Trung Quốc

VietnamDefence - Không quân Trung Quốc trên đường hiện đại hóa và phát triển.

Phi công Trung Quốc muốn bay cao hơn, xa hơn và nhanh hơn tất cả (Reuters)
Phần nhiều nhờ máy bay do Nga cung cấp hoặc triển khai sản xuất theo giấy phép, sau đó là tự lực sản xuất máy bay thế hệ 4 và 4+ do Nga thiết kế, quá trình hiện đại hóa không quân Trung Quốc vào cuối thế kỷ XX-đầu thế kỷ XXI đã được thực hiện với tốc độ nhanh hơn và với hiệu quả cao nhất.

Trong tương lai ngắn hạn và trung hạn, Trung Quốc sẽ hạn chế đội máy bay của không quân ở mức tối ưu cho một cường quốc công nghiệp lớn có tổng số lượng 1.000 máy bay chiến đấu. Trong đó, Trung Quốc chủ yếu tập trung nâng cao tỷ lệ máy bay thế hệ 4+ và 5 trong biên chế không quân lên đến 70-80%.

Hệ thống chỉ huy và cơ cấu tổ chức

Đứng đầu không quân Trung Quốc là tư lệnh, người đồng thời là một trong các thứ trưởng bộ quốc phòng Trung Quốc. Tổng quân số không quân Trung Quốc là khoảng 330.000 người.

Các binh chủng chính của không quân là tiêm kích, tiêm kích-bom, ném bom, vận tải quân sự và trinh sát. Thuộc biên chế không quân Trung Quốc còn có các lực lượng phòng không mặt đất, bao gồm các đơn vị tên lửa phòng không và pháo phòng không, cũng như bộ đội đổ bộ đường không(*).

Đơn vị cấp chiến dịch của không quân Trung Quốc là tập đoàn không quân, bao gồm một số binh đoàn và đơn vị. Đơn vị cấp chiến thuật là sư đoàn không quân, gồm 3 trung đoàn không quân, một trung đoàn không quân gồm 3 phi đội, một phi đội gồm 3 biên đội, một biên đội gồm 4-5 máy bay.

Không quân Trung Quốc được chia thành các lực lượng không quân trực thuộc 7 đại quân khu. Số lượng sư đoàn trong biên chế đại quân khu phụ thuộc vào quy mô của đại quân khu. Ví dụ, trong các đại quân khu lớn nhất là Quảng Châu và Thẩm Dương, có 7 sư đoàn không quân trong mỗi đại quân khu.

Cơ cấu lực lương máy bay

Trong giai đoạn từ năm 1995-2012, quân số của không quân Trung Quốc đã giảm từ 400.000 xuống còn 330.000 người. Tổng số máy bay chiến đấu đã giảm từ 5.300 xuống còn 1.693 chiếc. Số lượng máy bay ném bom đã giảm từ 630 xuống còn 82 chiếc. Những thay đổi lớn về số và chất lượng đã diễn ra trong không quân tiêm kích-bom và không quân cường kích. Các máy bay chi viện đường không (chi viện đường không trực tiếp) Q-5 mà vào năm 1995 có 500 chiếc, còn vào năm 2005, vẫn còn đến 300 chiếc thuộc các biến thể Q-5C/D/E, đã bị loại khỏi biên chế. Năm 2012, không quân Trung Quốc có 99 máy bay trinh sát JZ-8F.

Trong giai đoạn từ năm 1985-2012, không quân tiêm kích chiến thuật Trung Quốc đã bị cắt giảm từ 4.000 xuống còn 890 chiếc. Các máy bay thế hệ 2 và một phần thuộc thế hệ 3 đã bị rút khỏi biên chế chiến đấu. Không quân Trung Quốc có trong biên chế tổng cộng 33 sư đoàn không quân: 3 sư đoàn không quân ném bom, 4 sư đoàn không quân tiêm kích-bom, 24 sư đoàn không quân tiêm kích và 2 sư đoàn không quân vận tải.

Không quân tiêm kích

Mặc dù trong lực lượng máy bay của không quân tiêm kích còn khá nhiều tiêm kích thế hệ 3 như J-8 (552 chiếc), nhưng nền tảng sức mạnh chiến đấu của nó là các tiêm kích đa năng hạng nhẹ J-10 và hạng nặng Su-27 do Nga và Trung Quốc sản xuất. Loại do Trung Quốc sản xuất được đặt tên J-11. Cũng như các máy bay đa năng Su-30MKK và Su-30MK2 mua của Nga. Su-27SK (J-11) thuộc các biến thể khác nhau là các máy bay thuộc thế hệ 4, còn Su-30MKK và Su-30MK2 là các máy bay thế hệ 4+.

Vào năm 2012, các loại tiêm kích này, Trung Quốc có 340 chiếc, trong đó có: J-10А/S (hơn 200 chiếc), J-11В/ВS (hơn 70), Su-30MKK mua từ Nga (73), Su-27SK mua từ Nga (43 chiếc). Xét về số lượng tiêm kích thế hệ 4+, Trung Quốc đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ, đứng trên Nga chỉ với không quá 230 chiếc.

Tiêm kích đa năng J-10 và J-11

Vào giữa thập niên 1980, Trung Quốc đã thông qua chương trình phát triển tiêm kích thế hệ 4. Sau đó, nhiệm vụ kỹ thuật được điều chỉnh đã hướng các nỗ lực của các công trình sư Trung Quốc theo hướng nghiên cứu chế tạo một máy bay đa năng.

Các chuyên gia Nga cũng đã được huy động tham gia dự án. Tiếp đó, Nga đã bắt đầu cung cấp cho Trung Quốc các động cơ cải tiến AL-31FN có lực đẩy 12.700 kg để trang bị cho J-10 và các biến thể của nó. J-10А thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 22/3/1998.

Sau khi hoàn thành toàn bộ chu trình thử nghiệm nhà nước vào tháng 7/2004, J-10 bắt đầu được nhận vào trang bị của không quân Trung Quốc.

Các tính năng kỹ-chiến thuật và tính năng bay cơ bản của tiêm kích đa năng J-10: Trọng lượng cất cánh tối đa 19.277 kg; tốc độ tối đa 2,2M, bán kính chiến đấu khi được tiếp dầu trên không 1.600 km, khi không được tiếp dầu trên không 550 km. Máy bay có 11 điểm treo, được trang bị nhiều loại vũ khí, có thể mang tải trọng chiến đấu đến 6.000 kg. Được trang bị 1 khẩu pháo tự động lắp trong 30 mm. Máy bay có hệ thống avionics hiện đại: hệ thống điều khiển vũ khí, gồm tổ hợp radar ngắm bắn tích hợp NPIET KL-10 với radar anten mạng pha, một trạm định vị quan gọc. Máy bay có thể được lắp các thùng thiết bị dưới thân có chức năng khác nhau.

Hiện đại nhất trong không quân Trung Quốc là các máy bay họ Su-27 và Su-30 do Nga cung cấp hay được sản xuất theo giấy phép của Nga.

Việc Trung Quốc làm chủ được công nghệ sản xuất các máy bay này đã rút ngắn một thập kỷ chu trình chế tạo máy bay thế hệ 4. Năm 1998, với sự giúp đỡ của chuyên gia Nga và theo thiết kế của Nga, các xưởng của nhà máy chế tạo máy bay ở Thẩm Dương đã được trang bị lại để lắp ráp theo giấy phép các máy bay loại này. Một số nhóm kỹ sư và kỹ thuật viên Trung Quốc đã qua thực tập ở Liên hiệp sản xuất máy bay mang tên Yu.A. Gagarin ở thành phố Komsomolsk trên sông Amur.

Chương trình lắp ráp theo giấy phép dự tính kéo dài 10 năm và lắp ráp 200 máy bay tại Trung Quốc, 105 chiếc trong số đó được lắp ráp bằng các bộ linh kiện do Nga cung cấp. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã vi phạm cam kết trong hợp đồng, sau khi lắp ráp xong lô máy bay đầu tiên, đã từ chối sản xuất tiếp máy bay từ các linh kiện Nga mà triển khai sản xuất hoàn toàn nội địa các máy bay này.

Biến thể sản xuất trái phép này của Su-27SK được Trung Quốc đặt tên là J-11. Tiếp đó, Trung Quốc, sau khi từ chối sự giúp đỡ của chuyên gia Nga, đã bắt đầu phát triển và hiện đại hóa J-11. Tất cả những cải tiến mới cho phép thoạt nhìn liệt tiêm kích đa năng J-11В vào thế hệ 4+.

Từ năm 2007, Trung Quốc đã bắt đầu sản xuất loạt nhỏ J-11B và đưa vào trang bị của không quân Trung Quốc. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề khi khai thác máy bay, chủ yếu liên quan đến động cơ nội địa WS-10 vốn có dự trữ làm việc an toàn cực thấp, Trung Quốc đã quyết định trang bị lại cho cả các máy bay J-11B đã sản xuất trước đó, cũng như đang sản xuất bằng động cơ AL-31F của Nga.

Việc nghiên cứu chế tạo J-10, cũng như triển khai sản xuất J-11A theo giấy phép tại Trung Quốc và sau đó là tự phát triển mẫu máy bay cơ sở đã tạo ra nền tảng vững chắc, cho phép họ bắt đầu nghiên cứu thiết kế tiêm kích đa năng thế hệ 5. Thực hiện thành công dự án này sẽ giúp Trung Quốc có cơ hội lọt vào nhóm các đại cường hàng không thế giới.

Mẫu chế thử tiêm kích thế hệ 5 đã lần đầu tiên được giới thiệu công khai vào tháng 1/2011 trong thời gian chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates. Theo các chuyên gia hàng không, bề ngoài và cấu tạo của tiêm kích đa năng mới J-20 của Trung Quốc rất giống tiêm kích đa năng MFI 1.42 của Tổng công ty chế tạo máy bay Nga RSK MiG.

Người ta dự đoán rằng, các chuyên gia của hãng MiG tham gia chương trình phát triển các tiêm kích FC-1 và J-10 của Trung Quốc, có thể đã để lộ thông tin về MFI 1.42 cho Trung Quốc.

Ngày 31/10/2012, mẫu chế thử của tiêm kích thế hệ 5 loại nhẹ hơn và tương tự F-35 Lightning của Mỹ là J-31 đã lần đầu tiên cất cánh. Máy bay này dùng để giành ưu thế trên không và tiêu diệt mục tiêu mặt đất và trên biển. Dự ssoand, trên cơ sở J-31, Trung Quốc sẽ chế tạo biến thể trên hạm để triển khai trên các tàu sân bay.

Hiện nay, Bắc Kinh đang đàm phán mua một lô 26 tiêm kích đa năng thế hệ 4++ Su-35 của Nga, vốn là mẫu quá độ giữa biến thể cuối cùng của Su-30 và tiêm kích thế hệ 5 tương lai Т-50. Sau khi có được Su-35, Trung Quốc sẽ có thể giải quyết được hai bài toán: một mặt là trước khi nhận J-20 vào trang bị, xây dựng được một lực lượng không quân có khả năng đối kháng gần như ngang ngửa với F-22 và F-35 của Mỹ, mặt khác là sao chép những hệ thống và tổng thành của Su-35 vốn giúp máy bay này tiếp cận thế hệ 5.

Không quân tiêm kích-bom

Sau khi loại khỏi biên chế các máy bay tiêm kích-bom (cường kích) đã lạc hậu cả vô hình và vật chất Q-5 của Nhà máy chế tạo máy bay Nam Xương, đại diện duy nhất của loại máy bay này trong không quân Trung Quốc còn lại là máy bay thế hệ 3+ JH-7 tồn tại ở vài biến thể của nó.

Máy bay này được phát triển và nhận vào trang bị không quân Trung Quốc trong giai đoạn hợp tác kỹ thuật-quân sự với phương Tây phát triển mạnh nhất. Xét về bề ngoài, cấu tạo và vũ khí, biến thể cơ sở của máy bay này tương tự loại Jaguar của liên doanh Pháp-Anh SEPECAT. Mẫu thử nghiệm đầu tiên của máy bay cất cánh vào tháng 12/1988. Năm 2003, sau khi được hoàn thiện lớn, các máy bay loại này cải tiến có ký hiệu Block 2 đã được nhận vào trang bị của không quân Trung Quốc.

Biến thể mới nhất là JH-7А có khả năng sử dụng vũ khí chính xác cao, được đưa vào biên chế các đơn vị thường trực không quân Trung Quốc vào năm 2004. Xét về khả năng chiến đấu, JH-7А gần tương đương Tornado của hãng Panavia. Người ta cho rằng, JH-7 không thể đối địch ngang ngửa các tiêm kích hiện đại. Chúng tham gia hầu như tất cả các cuộc tập trận “Sứ mệnh hòa bình” của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, trong đó có cuộc tập trận gần nhất diễn ra vào tháng 8/2013.

Không quân trinh sát

Binh chủng này của không quân Trung Quốc được đại diện bởi loại máy bay trinh sát duy nhất JZ-8F. Năm 2012, số lượng các máy bay này là 99 chiếc. Ngoài ra, Trung Quốc cũng nhận vào trang bị 8 máy bay chỉ huy/báo động sớm, cụ thể là 4 chiếc KJ-2000 và 4 chiếc KJ-200. Hệ thống KJ-200 sử dụng phương tiện mang là máy bay vận tải quân sự Il-76MD của Liên Xô.

Không quân ném bom

Không quân ném bom là phương tiện tiến công chủ yếu của không quân Trung Quốc. Sau khi rút khỏi biên chế chiến đấu các máy bay ném bom chiến thuật H-5 của hãng chế tạo máy bay Tây An (bản sao chép máy bay Liên Xô Il-28 của Trung Quốc), đại diện duy nhất của không quân ném bom là máy bay ném bom hạng trung H-6 của hãng Tây An, mà một cách ước lệ có thể gọi là máy bay ném bom tầm xa. H-6 đã bị dừng sản xuất vì lý do không có khả năng đột phá hệ thống phòng không hiện đại và đưa bom đến mục tiêu một cách chắc chắn. Một phần các máy bay H-6 ở các biến thể ném bom đã được cải tiến để sử dụng làm máy bay tiếp dầu.

Cùng với việc Trung Quốc phát triển các loại tên lửa hành trình, các máy bay H-6 đã có thêm khả năng sử dụng làm phương tiện mang tên lửa hành trình, có khả năng phóng tên lửa mà không phải bay vào khu vực hoạt động của phòng không và tiêm kích của đối phương. Ở phương án chống hạm, các máy bay này có thể tấn công các hạm tàu nằm trong thành phần cụm tàu sân bay xung kích.

Năm 2006, Trung Quốc đã triển khai sản xuất loạt các máy bay chống hạm có ký hiệu H-6М. Chúng được trang bị radar sục sạo Type 245 và 4 điểm treo dưới cánh để lắp tê lửa chống hạm YJ-83/YJ-62 (C-803/C-602). Theo một số nguồn tin, máy bay loại này được trang bị hệ thống bay bám địa hình và có khả năng bay ở độ cao cực nhỏ để đột phá hệ thống phòng không. Để tăng bán kính chiến đấu, H-6M được lắp thêm một thùng nhiên liệu ở vị trí khoang bom. Ở biến thể H-6Н, máy bay có thể được trang bị 2 tên lửa chống hạm KD-63 hay các tên lửa hành trình tương lai KD-88.

Tháng 1/2007, máy bay ném bom mang tên lửa hành trình mới nhất H-6K cất cánh với 6 điểm treo dưới cánh. Nhờ lắp 2 động cơ turbine phản lực D-30KP-20 do Liên hiệp NPO Saturn (Nga) sản xuất, máy bay có bán kính chiến đấu lớn hơn, lên tới 3.500 km, cũng như tải trọng chiến đấu lớn hơn.

Các máy bay mang tên lửa H-6K và H-6М dùng để thực hiện 2 nhiệm vụ chính: tấn công hạt nhân vào các mục tiêu chiến lược nằm trong phạm vi chiến trường; và tiêu diệt các cụm tàu sân bay tiến công của Hải quân Mỹ trên các đường tiếp cận xa đến vùng biển Đài Loan. Trung Quốc dự tính, các máy bay này sẽ tấn công đối phương theo đội hình tốp có số lượng từ một phi đội đến một trung đoàn. Hoạt động của chúng sẽ được bảo đảm bởi các máy bay chỉ huy/báo động sớm và được yểm trợ bởi các máy bay gây nhiễu. Các tên lửa hành trình trên máy bay sẽ được phóng từ ngoài tầm hoạt động của các phương tiện phòng không và không quân tiêm kích đối phương.

Vào cuối năm 2012, trong biên chế không quân Trung Quốc có 82 chiếc H-6 thuộc các biến thể mới nhất. Song song với việc hiện đại hóa và phát triển H-6, các chuyên gia Trung Quốc đang ráo riết nghiên cứu chế tạo các máy bay chiến lược mang tên lửa H-8 và H-10. Theo các nguồn tin Mỹ, trong thiết kế của cả 2 loại máy bay ném bom này có vay mượn nhiều yếu tố của các máy bay B-2 Spirit và F-117 của Mỹ. Đó là vì các công trình sư Trung Quốc đã sao chép được một số nghiên cứu công nghệ tàng hình Stealth của Mỹ, nhờ các tài liệu thiết kế, bản vẽ của B-2 mà tình báo và các đơn vị tình báo mạng Trung Quốc thu thập được В-2, cũng như nghiên cứu các mảnh xác máy bay tiêm kích tàng hình F-117 mà phòng không Nam Tư bắn rơi, sau đó được chuyển cho Trung Quốc.

Không quân vận tải

Các nhà lý luận quân sự Trung Quốc đã đi đến kết luận rằng, cùng với sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Trung Quốc trên thế giới, các lợi ích quốc gia của nước này cũng có phạm vi toàn cầu. Và vai trò của quân đội Trung Quốc cũng mở rộng tương ứng, ngoài việc bảo đảm an ninh quốc gia Trung Quốc bằng các phương tiện quân sự, còn phải có khả năng bảo vệ các lợi ích này cả ở những khu vực xa xôi trên địa cầu. Ngoài ra, Trung Quốc cần có những khả năng đó còn để thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và các nhiệm vụ khác. Có thể bảo đảm giải quyết tất cả các nhiệm vụ này trong thời hạn nhanh nhất chủ yếu với sự hỗ trợ của máy bay vận tải mà một phần đáng kể nằm trong biên chế không quân vận tải Trung Quốc.

Vào giữa năm 2012, không quân vận tải Trung Quốc có hơn 320 máy bay. So với năm 1995, khi lực lượng này có nhiều máy bay nhất, 600 chiếc, số lượng máy bay của không quân vận tải đã giảm đi 280 chiếc do loại bỏ các máy bay thế hệ 1 và 2 đã quá cũ kỹ như An-12, Li-2, Il-14, Il-18 của Liên Xô, BAe Trident 1E/2E của Mỹ. Do đó, trong biên chế không quân vận tải Trung Quốc chủ yếu còn lại các máy bay thế hệ 3 do Nga và Trung Quốc sản xuất, trong đó có các máy bay vận tải hạng nặng Il-76 (10 chiếc), Y-8 các kiểu loại (53 chiếc); hạng trung Tu-154 (12 chiếc), Tu-154MD (4 chiếc); hạng nhẹ Y-11 (20 chiếc), Y-12 (8 chiếc), Y-5 (17 chiếc).

Trung Quốc đang rất chú trọng việc chế tạo các máy bay vận tải quân sự hạng nặng, máy bay tiếp dầu đa nhiệm và máy bay chuyên dụng tự phát triển và sản xuất. Để chế tạo các máy bay này, họ đã huy động các chuyên gia của hãng ANTK mang tên O.K. Antonov (Ukraine), họ đang hỗ trợ kỹ thuật cho chuyên gia Trung Quốc trong việc phát triển máy bay vận tải quân sự hạng nặng Y-9. Máy bay này có tính năng bay và chiến-kỹ thuật cao hơn nhiều các máy bay hiện có trong không quân Trung Quốc và được xuất khẩu là họ Y-8 trang bị 4 động cơ turbine cánh quạt WJ-6C, cũng như các máy bay C-130 Hercules của Mỹ vốn vẫn còn được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

Các trung đoàn trực thăng là sự tăng cường mạnh mẽ cho không quân Trung Quốc (Reuters)
Các nhà thiết kế Trung Quốc đã đạt được những thành công lớn trong phát triển máy bay vận tải quân sự dùng động cơ turbine phản lực lưỡng mạch. Họ đã bắt đầu thử nghiệm mẫu chế thử đầu tiên của máy bay vận tải quân sự hạng nặng Y-20, máy bay này thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 26/1/2013. Y-20 có trọng lượng cất cánh hơn 200 tấn, tải trọng hữu ích 66 tấn, chiều dài thân 47 m, sải cánh 45 m, chiều cao 15 m.

Thiết kế của máy bay có sự tương đồng nhất định với С-17 Globemaster của Boeing (Mỹ) và Il-76 (Nga). Trên nhiều báo chí phương Tây có đăng tải thông tin nói rằng, cấu trúc cánh của Y-20 và công nghệ sản xuất cánh là do hãng Antonov của Ukraine phát triển. Theo các chuyên gia Nga, cơ sở để phát triển Y-20 là dự án máy bay vận tải quân sự hạng nặng không được thực hiện của Liên Xô An-170.

Theo báo chí Trung Quốc, Y-20 vượt trội các máy bay Il-76MD của Nga về tất cả các tham số, và tương đương máy bay hiện đại hóa sâu Il-76MD-90А của Nga về các tính năng chính, thậm chí vượt trội về một số tính năng.

Đồng thời, các chuyên gia Trung Quốc cũng đang tích cực nghiên cứu chế tạo các động cơ turbine phản lực lưỡng mạch mới có lực đẩy mạnh hơn như WS-18 và WS-20. Cho đến khi chế tạo được các động cơ đó, Y-20 sẽ được trang bị động cơ D-30KP2 của Nga.

Vũ khí hàng không

Quá trình nghiên cứu phát triển và sản xuất các tên lửa không đối không nội địa khá hiện đại có được xung lực mạnh khi các chuyên gia Trung Quốc được tiếp cận các loại vũ khí tên lửa trang bị cho các tiêm kích Su-27 lắp ráp ở Trung Quốc theo giấy phép của Nga và các máy bay đa năng Su-30MKK và Su-30MK2 nhập khẩu từ Nga mà cụ thể là tên lửa không đối không R-27R1 (ER1), R-27P (EP), R-27T1 (ET1), R-27P (EP), R-73E và RVV-АE (R-77).

Bằng cách tổng hợp các công nghệ phương Tây có được từ trước và các sản phẩm của Nga, các công trình sư Trung Quốc đã chế tạo được một series các tên lửa hàng không nội địa hiện đại tầm ngắn, tầm trung và tầm xa như PL-5 với các biến thể А, D, C, E có tính năng chiến-kỹ thuật tương đương các tên lửa Mỹ AIM-9H, AIM-9L hay AIM-9P, PL-8. Tên lửa có thiết kế và tính năng chiến-kỹ thuật giống với AIM-132 của Mỹ do МВDА sản xuất.

Đặc điểm của tên lửa này là nhiên liệu hầu như không khói và không để lại dấu vết nê rất khó phát hiện tên lửa bằng mắt. Thuộc loại tên lửa không đối không tầm trung có PL-11 và biến thể cải tiến của nó PL-11B dùng đầu tự dẫn radar chủ động AMR-1, cũng như PL-12 với các biến thể khác nhau. Biến thể cơ sở của PL-12 có hệ dẫn giai đoạn cuối radar chủ động và tầm bắn tối đa đến 60-80 km.

PL-12 có các biến thể B/C/D. PL-12D là biến thể hoàn thiện nhất và là tên lửa tự dẫn radar chủ động, được tối ưu hóa để lắp trên các mấu treo bên trong các máy bay tàng hình thế hệ 5 tương lai đang được nghiên cứu phát triển.

Về tên lửa tầm xa có tên lửa đa nhiệm không đối không và chống radar PL-15. Tên lửa này có các thông số kích thước-trọng lượng giống như các biến thể mới nhất của PL-12, được trang bị đầu tự dẫn chủ động-thụ động và thiết bị bảo đảm truyền dữ liệu hai chiều với máy bay mang. PL-15 có tầm bắn tối đa gần 100 km. Đang ở giai đoạn phát triển cuối cùng là tên lửa tầm siêu xa PL-21 lắp động cơ tên lửa dòng thẳng tiên tiến, cho phép đạt tầm bắn đến 150-200 km.

Vũ khí không đối diện trang bị cho các tiêm kích đa năng J-11В có tên lửa có điều khiển KD-88, vốn là sự phát triển của tên lửa Nga cùng loại Kh-29TE. Thuộc về các vũ khí tiêu diệt mục tiêu mặt đất còn có bom không điều khiển và bom có điều khiển cỡ đến 500 kg dùng hệ dẫn laser và các loại bom chùm nằm trong hệ thống vũ khí của J-11.

Vũ khí tên lửa của không quân ném bom gồm có các loại tên lửa chống hạm YJ-6 (С-601), KD-63, С-301, С-101, YJ-82, YJ-83/YJ-62 (C-803), C-602 dùng để trang bị cho các máy bay ném bom H-6 thuộc các đời cuối. Các nhà thiết kế Trung Quốc rất chú trọng phát triển tên lửa hành trình các loại phóng từ máy bay. Hiện đại nhất trong số đó hiện là tên lửa hành trình tầm xa phóng từ máy bay CJ-10A (tầm bắn 2.500 km). Tên lửa này có thể mang đầu đạn hạt nhân.

Huấn luyện chiến đấu

Các mục đích và nhiệm vụ đào tạo và huấn luyện chiến đấu trong các điều kiện mới đã được cụ thể hóa “Các nội dung chính huấn luyện quân sự và đánh giá” được thông qua năm 2009. Trong văn kiện này, nhấn mạnh rằng, công tác huấn luyện chiến đấu cán bộ quân sự dựa chủ yếu vào việc tiến hành các chiến dịch phối hợp, với sự tham gia cảu các đơn vị thuộc tất cả các quân/binh chủng/lực lượng, đào tạo chung, tập luyện chung, nhằm đào tạo các quân nhân (chỉ huy) kiểu mới, có tư duy chiến lược linh hoạt và tài năng chiến thuật, cho phép tiến hành các chiến dịch phối hợp hiệu quả trong các cuộc chiến tranh lấy mạng làm trung tâm.

Trong văn kiện “Các nội dung chính” có nêu ra 4 nguyên tắc chỉ đạo: thích ứng với các thay đổi có tính cách mang đang diễn ra trong lĩnh vực quân sự; chuẩn bị cho nhiệm vụ ngăn cản bằng vũ lực việc Đài Loan tuyên bố độc lập; tích cực tích hợp các vũ khí trang bị tiên tiến; trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức và tiến hành tập trận (tập luyện), không được giảm tính thực tế của chúng để bảo đảm an toàn hơn.

Người ta đã soạn thảo các chương trình đào tạo mới cho các học viện không quân và trường bay, cũng như các khóa ngắn hạn nâng cao trình độ mà hiện có tới 60% quân số theo học. Theo các chương trình này, thời gian dành cho huấn uyện bay, cũng như độ dài các bài tập chiến thuật trong một chuyến bay được tăng lên.

Số lượng các máy bay huấn luyện và huấn luyện-chiến đấu từ năm 2005 đã tăng khoảng 2,5 lần. Trong quá trình huấn luyện bay, đã bắt đầu tích cực sử dụng máy bay huấn luyện-chiến đấu mới L-15 được phát triển với sự tham gia của chuyên gia Nga. Giờ bay hàng năm của phi công trong các đơn vị thường trực của không quân tiêm kích, tiêm kích-bom và ném bom đã lên tới 150 giờ, còn của không quân vận tải là hơn 200 giờ bay. Đồng thời, số lượng bài tập thực hiện trong một chuyến bay tập cũng tăng lên. Nếu như trước đây chỉ đặt ra 1-2 bài tập thì nay là 3-4 bài tập. Chẳng hạn, tập dượt các khoa mục của trận không chiến tầm xa bằng tên lửa và không chiến cơ động tầm gần bằng tên lửa và pháo; tập dượt các kỹ năng đối phó các phương tiện phòng không bằng hỏa lực, nhiễu và cơ động; thao luyện các kỹ năng sục sạo, phát hiện các mục tiêu mặt đất (trên biển) cơ động và cố định, thực hiện ngắm bắn và sử dụng vũ khí hàng không có điều khiể và không điều khiển.

Để huấn luyện chiến đấu và đào tạo, không quân Trung Quốc còn tích cực sử dụng các cuộc tập trận chung với các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cũng như các cuộc diễn tập, tập trận song phương. Trong tất cả các cuộc tập trận “Sứ mệnh hòa bình” của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, kể từ năm 2003, Trung Quốc đã huy động tham gia lực lượng không quân, ngoài các trực thăng lục quân Z-9 và Mi-17, một đơn vị tiêm kích-bom JH-7А Flying Leopard. Trong cuộc tập trận gần đây nhất diễn ra ở Nga từ ngày 27/7-15/8/2013, còn có sự tha gia của các máy bay tiêm kích-bom JH-7A của trung đoàn không quân số 31 thuộc sư đoàn không quân 11 của đại quân khu Thẩm Dương.

Hệ thống sân bay, căn cứ

Không quân Trung Quốc có mạng lưới sân bay rộng khắp, gồm hơn 400 sân bay, trong đó có 350 sân bay có mặt đường băng cứng. Lưu lượng hoạt động của chúng cho phép bảo đảm dư thừa việc trú đóng thường xuyên của các đơn vị/binh đoàn không quân phiên chế và phân tán chúng khi có nguy cơ địch tấn công, mà còn cho phép phân tán các cụm không quân sau khi triển khai tác chiến chúng. Ở mỗi sân bay thường trú đóng 1 trung đoàn không quân, ít hơn là một sư đoàn không quân được biên chế phần lớn một loại máy bay. Điều đó giúp đơn giản hóa công tác bảo dưỡng máy bay và chuẩn bị trước khi bay.

Một sân bay chính và 2-3 sân bay sơ tán cùng với hạ tầng của chúng cấu thành một căn cứ không quân, đồng thời là bộ phận cấu thành của hệ thống bảo đảm hậu cần. Lực lượng nhân sự của các căn cứ bảo đảm khả năng sẵn sàng hoạt khai thác của các sân bay, giải quyết các nhiệm vụ bảo đảm hậu cần, kỹ thuật và các loại hình bảo đảm chiến đấu.

Với mạng lưới sân bay rộng khắp, cho phép các lực lượng và phương tiện không quân cơ động, hiện nay, Trung Quốc đã có ưu thế không quân gấp hơn 2 lần về số lượng trước bất cứ đối thủ tiềm tàng nào và trên bất kỳ hướng chiến lược nào dọc theo chu vi đường biên giới quốc gia.

Nguồn: Trung Quốc đấu tranh giành quyền thống trị bầu trời / Aleksandr Shlyndov // NVO, 13.12.2013.

Print Print E-mail Print