VietnamDefence -
Các hợp đồng vũ khí giữa Moskva và Bắc Kinh tiếp tục bị phiền phức bởi những lo ngại của Nga về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
|
Hợp đồng tiềm năng bán Su-35 có thể trở thành hợp đồng xuất khẩu đầu
tiên loại máy bay vốn đã được trang bị cho Không quân Nga (Sukhoi.org) |
Theo báo chí Trung Quốc, Trung Quốc sẽ một lần nữa bắt đầu mua vũ khí Nga khi một thỏa thuận khung đã được ký kết về việc bán 24 máy bay chiến đấu Su-35 và 2 tàu ngầm thông thường lớp Lada.
Một nguồn tin RIR am hiểu về hợp tác kỹ thuật quân sự của Nga với nước ngoài đã không thể xác nhận những thông tin này. “Trong chuyến thăm Moskva của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, vấn đề hợp tác quân sự-kỹ thuật với Nga đã hoàn toàn không được nêu ra”, nguồn tin nói.
Trong khi đó, chính việc thông tin này xuất hiện trên báo chí Trung Quốc khiến người ta phải suy nghĩ về các hợp đồng vũ khí Nga-Trung hiện tại và tiềm năng và tự hỏi tại sao rất nhiều các hợp đồng trước đó đã kết thúc trong vụ bê bối và làm thế nào để tránh những tranh cãi mới.
Xét theo ngôn từ trên báo chí Trung Quốc (“thỏa thuận khung”), đây chưa phải là một hợp đồng mà chỉ là một phiên bản mở rộng của một bản ghi nhớ. Tuy nhiên, con số 24 chiếc Su-35 và 4 tàu ngầm lớp Lada được nêu lên đã được thảo luận ồn ào trên báo chí.
Khách hàng đầu tiên
Hợp đồng tiềm năng bán Su-35 có thể là hợp đồng xuất khẩu đầu tiên loại máy bay vốn đã được cung cấp cho Không quân Nga. Khái niệm “khách hàng đầu tiên” là rất quan trọng trong việc bán vũ khí vì thông thường, thành công của thương vụ này quyết định thái độ của các khách hàng đối với sản phẩm này trong nhiều năm tới.
Về tiềm năng, Su-35 có thể được cung cấp cho nhiều khu vực khác nhau. Đó là các nước có khả năng thanh toán và đã mua Su-30MK2 như Trung Quốc, Việt Nam và Indonesia. Ngoài ra, trong một thời gian dài, Nga đã tìm kiếm cơ hội có thêm những khách hàng mới như Brazil. Hợp đồng đầu tay với Trung Quốc sẽ làm cho việc xúc tiến Su-35 ra thị trường nước ngoài nó dễ dàng hơn nhiều.
Với sự giúp đỡ từ người bạn Viễn Đông
Tuy nhiên, câu chuyện với các tàu ngầm còn hấp dẫn hơn. Trước hết, có đồn đoán rằng, thỏa thuận này sẽ không liên quan đến tàu ngầm Lada (tàu ngầm thông thường lớp Projekt 677) mà là biến thể xuất khẩu của nó được gọi là tàu ngầm lớp Amur.
Trên thực tế, tàu ngầm này vẫn chưa phải là sản phẩm hoàn chỉnh mà là một tập hợp những yêu cầu về tính năng kỹ thuật của nó. Và tập hợp các yêu cầu này đang chờ đợi một khách hàng lớn và lắm tiền để có thể biến thiết kế khái niệm thành một thiết kế thực tế và sau đó là đưa vào sản xuất.
Đó chính là lý do vì sao hợp đồng của Trung Quốc có thể coi là quan trọng: nó sẽ giúp phát triển và thử nghiệm các giải pháp công nghệ mới cho Hải quân Nga bằng tiền của Trung Quốc.
Vũ khí Nga trở lại Trung QuốcĐiều đó có nghĩa là gì? Mười năm trước mối tình đam mê của công nghiệp quốc phòng Nga với Trung Quốc đã chứng kiến nếu không phải là một sự kết thúc đột ngột thì cũng là một sự lạnh nhạt đáng kể, nhất là ở lĩnh vực mà ngày nay lại trỗi lên hàng đầu, trong lĩnh vực sản xuất máy bay quân sự.
Năm 2003 Trung Quốc, lợi dụng các quy định của hợp đồng hiện có lắp ráp theo giấy phép 200 máy bay chiến đấu Su-27SK (Trung Quốc đặt tên là J-11),đã phá vỡ các thỏa thuận đã có, làm cho Nga mất toi một nửa doanh thu dự kiến.
Tranh cãi nổ ra bởi vụ bê bối xung quanh biến thể J-11B của máy bay. Phía Nga cho rằng, Trung Quốc đã có những thay đổi đối với mẫu Su-27SK và sản xuất một biến thể máy bay riêng của họ dựa trên tài sản trí tuệ của Nga mà không phải trả khoản bồi thường nào. Còn nay, Nga lại sẵn sàng để trở lại thị trường máy bay chiến đấu Trung Quốc. Do đó, có lý do để nghi vấn: những gì lần này sẽ được làm khác đi thế nào để tránh những vấn đề tương tự?
Điều đầu tiên mà ta nên chú ý đến là số lượng máy bay được bán ra. Nếu nhà cung cấp quá lo ngại Trung Quốc sẽ mua số lượng máy bay tối thiểu và sẽ chấm dứt thỏa thuận, thì các việc đàm phán sẽ là về số lượng máy bay tối đa có thể do công ty Nga cung cấp.
Thái độ rắn của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán về số lượng Su-35 vốn đã diễn ra trong một thời gian dài là rất ấn tượng. Lúc đầu, có tin đồn số lượng sẽ là 70-75 máy bay như phía Nga muốn, trong khi đó, Trung Quốc chỉ muốn mua không quá 10-12 chiếc. Vào thời điểm đó, một số chuyên gia tiết lộ riêng là “không có chuyện bán dưới 100 chiếc”.
Một năm trước, con số được thảo luận đã là 48, với hàm ý đó là giới hạn thấp nhất có thể. Nhưng nay thì nó cũng đã bị giảm một nửa. Từ góc độ hình thức, chiến thắng trong cuộc chiến đua tranh mặc cả này thuộc về Trung Quốc.
Cách làm mới hoặc những sai lầm cũ?
Hiện chưa rõ rõ Nga sẽ có thể bảo vệ bí quyết công nghệ của mình trong các giao dịch đã được công bố này đến mức nào. Về nguyên tắc, vấn đề ở đây không hẳn là chuyện bảo đảm sự “toàn vẹn” (rõ ràng là loại máy bay được bán sẽ bị Trung Quốc nghiên cứu chi tiết và sao chép nếu có thể và cần thiết) mà là chuyện bồi thường cho sự vi phạm như vậy. Do đó, trị giá của hợp đồng nên bao gồm cả sự đánh giá rủi ro liên quan đến việc sao chép trái phép.
Tuy nhiên, đáng quan tâm hơn nhiều là một khía cạnh khác của hợp đồng này – thực tế dự án hợp tác Nga-Trung phát triển tàu ngầm thông thường là gì. Ở đây, Nga đang bắt đầu sử dụng phương pháp đã được thử nghiệm thành công trong hợp tác với Ấn Độ chẳng hạn. So với việc mua các mẫu vũ khí có sẵn hoặc mua giấy phép lắp ráp, đây là một bước tiến mới trong sự hợp tác quân sự-kỹ thuật đang phát triển.
Câu hỏi đặt ra là liệu những lợi ích có thể có từ việc hợp tác phát triển công nghệ tàu ngầm thông thường có bù đắp được những rủi ro liên quan đến bán máy bay chiến đấu tối tân nhất của Nga sang Trung Quốc hay không. Không phải là sự trùng hợp khi cả hai giao dịch đã được công bố trong một gói hợp đồng duy nhất. Các hợp đồng này có lẽ nên được xem như như một sự thỏa hiệp ràng buộc nhau.
Nhiều điều trong chiến lược đối ngoại của công nghiệp quốc phòng Nga trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc liệu điều này có phát triển thành một cách làm mới trong hợp tác quân sự-kỹ thuật hoặc một sự lặp lại những sai lầm cũ.
Nguồn: Konstantin Bogdanov // RIR, 29.3.2013.