Vietnamdefence.com

 

Phương Tây ‘bao biện’ khi can thiệp vào Libya

VietnamDefence - Phương Tây đang lừa dối nhiều người, cũng như chỉ gây thêm đau khổ cho người dân Libya... nhà nghiên cứu Doug Bandow nhận định.


Sau khi bài báo có tiêu đề Đường tới hòa bình của Libya (do TT Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Anh David Cameron và TT Pháp Nicolas Sarkozy cùng viết) được đăng tải, nhà nghiên cứu Doug Bandow nhận định đây là sự lừa dối tập thể.

Theo ông, liên minh đang ủng hộ quân nổi dậy chống lại một Chính phủ hợp pháp, được công nhận. Và con đường đưa Libya tới hòa bình mà ba nhà lãnh đạo trên đưa ra chỉ là chiến tranh; với hậu quả là sự chết chóc, tàn phá và rối loạn.

Ngay cả mục đích của việc can thiệp quân sự vào Libya cũng không phải bảo vệ dân thường như phương Tây khẳng định; mà chỉ là buộc ông Moammar Gaddafi phải ra đi.

Nói cách khác, phương Tây nhấn mạnh là các chiến dịch quân sự của họ chỉ nhằm bảo vệ dân thường nhưng trên thực tế, chúng đặt mục tiêu thay đổi cán cân quân sự ở Libya theo hướng bất lợi cho ông Gaddafi.

Ngay cả lý lẽ rằng, phương Tây phải hành động vì “Libya đang rơi vào rối loạn do ông Gaddafi tấn công nhân dân của mình”, cũng không đủ sức thuyết phục. Nguyên nhân là phe chống đối mới là lực lượng nổi loạn trước và cũng chính họ đẩy Libya vào rối loạn chứ không phải ông Gaddafi.

Và trước tình cảnh rối loạn trên, ông Gaddafi cũng chỉ hành động như bao nhiêu nhà lãnh đạo khác trước đó. Ông dùng sức mạnh quân sự để khôi phục lại quyền kiểm soát chế độ chứ không tiến hành các cuộc thảm sát hay diệt chủng.

Theo ông Bandow, đây là điều bình thường và hợp lý nếu so sánh với Mỹ, Anh hay Pháp bởi trong lịch sử, bản thân các nước này cũng có nhiều chiến dịch chống lại quân nổi dậy trong và ngoài nước mình.

Đơn cử như Mỹ có cuộc nội chiến, Anh “kiểm soát” Ai Len hay Pháp chống quân phản cách mạng ở Vendee. Hay như ngay trong thời hiện đại, ba nước trên cũng làm ngơ với những vụ việc tương tự ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Bahrain…

Một bằng chứng khác chống lại phương Tây chính là việc Bộ Ngoại giao Mỹ từ lâu cáo buộc Libya vi phạm nhân quyền, thường xuyên có hành động tra tấn, bắt và giam vô cớ… Nếu phương Tây thực sự muốn tạo ra con đường tới hòa bình cho Libya thì tại sao họ không tấn công nước này từ nhiều năm trước mà phải đợi tới thời điểm hiện tại, khi nội bộ Libya bùng phát mâu thuẫn.

Hay như việc phương Tây cứ rao giảng rằng, ông Gaddafi sẽ trả thù, tạo ra nhiều "bể máu" nhưng thực tế đang chứng minh điều ngược lại. Bằng chứng là dù tấn công dữ dội phe nổi dậy nhưng khi tái chiếm các thành phố, chẳng có "bể máu" nào được tạo ra, quân đội Gaddafi chưa “tắm máu” người nổi loạn tại các thành phố này.

Do đó, có thể nói viễn cảnh trả thù, "bể máu" ở Libya cũng chỉ là những cảnh báo lừa dối, giống như việc chính quyền Bush khi nói về vũ khí hạt nhân ở Iraq có thể tạo ra mây phóng xạ, lan tỏa khắp châu Mỹ.

Còn về việc phương Tây cho rằng, rocket của quân đội Libya đang dội “mưa đạn” xuống những dân thường đang tự vệ cũng không đúng. Về bản chất, quân đội Gaddafi chỉ đang cố gắng chiếm lại các thành trì của Chính phủ. Và do họ không có vũ khí hiện đại như máy bay ném bom chính xác, tên lửa... như phương Tây nên phải dùng tới pháo mà thôi.

Còn nhiều cơ sở nữa có thể được đưa ra để phản bác lại lý do phương Tây can thiệp vào Libya nhưng lý lẽ mạnh nhất chính là việc liên minh đang vi phạm nghị quyết 1973 của Liên Hiệp Quốc.

Theo đó, nghị quyết khẳng định là chiến dịch quân sự tập trung bảo vệ dân thường, không nói tới việc người dân Libya được chọn lãnh đạo mới, ông Gaddafi phải ra đi và cũng chẳng khẳng định là liên minh có quyền thay đổi chế độ.

Ấy vậy mà phương Tây nhiều lần tuyên bố là ông Gaddafi phải ra đi hay có nhiều nguồn tin khẳng định phương Tây đang huấn luyện, vũ trang cho phe nổi dậy…

Tất cả những điều đó cho thấy cơ sở cho các hành động của phương Tây ở Libya có nhiều điểm không hợp tình, hợp lý.

Và ngay cả mục đích thực sự của phương Tây là lật đổ ông Gaddafi cũng rất mơ hồ, thiếu tầm nhìn chiến lược bởi Libya là tập hợp của nhiều khu vực tách biệt và bộ lạc khác nhau. Ông Gaddafi chỉ là đại diện cho một nhóm lợi ích và phe nổi dậy cũng chỉ là một cái gì đó khác ông Gaddafi mà thôi; gồm nhiều thanh niên thành thị (người tốt), quân Gaddafi đào ngũ (không tốt lắm) và nhiều chiến binh Hồi giáo cực đoan (kẻ xấu).

Trong trường hợp mà phương Tây hy vọng là phe nổi dậy thắng lợi thì Libya sẽ lại bắt đầu cuộc tranh giành quyền lực mới giữa các phe phái. Điều đáng buồn hơn nữa là thông thường thì những người tốt lại thua trong các cuộc chiến như vậy.

Hay như trong trường hợp ông Gaddafi ra đi, không ai dám chắc rằng đó sẽ là sự khởi đầu cho con đường hòa bình của Libya bởi ông Gaddafi chỉ là đại diện cho nhiều bộ lạc và nhóm lợi ích, những người không dễ từ bỏ quyền lực của mình; đó là chưa tính tới việc liệu người kế nhiệm ông Gaddafi có chấp nhận phe nổi dậy hay không.

Do đó, khi cân nhắc mọi khả năng có thể xảy ra, phương Tây đang "bao biện", hướng tới nhiều mục tiêu khác chứ không phải bảo vệ dân thường, lực lượng bị tổn thương nghiêm trọng nhất tại Libya.

  • Nguồn: Trần Lâm (tổng hợp) / ĐV, 20.4.11.

Print Print E-mail Print