Vietnamdefence.com

 

Siêu vũ khí dành cho Thế chiến III

VietnamDefence - Tổng công ty Chế tạo dụng cụ thống nhất OPK (Nga) đang phát triển pháo điện từ thiên hạ vô địch thủ.

Tại Diễn đàn kỹ thuật quân sự Army-2016 diễn ra ở Kubinka, ngoại ô Moskva, công nghiệp quốc phòng Nga đã giới thiệu các sản phẩm mới trong lĩnh vực vũ khí trang bị.

Đại diện OPK đã tiết lộ việc phát triển vũ khí nguyên lý mới: “Đặc điểm của các phương tiện sát thương này là ở chỗ chúng có khả năng vô hiệu hóa phương tiện kỹ thuật đối phương mà không sử dụng các loại đạn truyền thống mà là bằng năng lượng định hướng, nghĩa là nó gây tác động vật lý trực tiếp lên thiết bị trên khoang của máy bay, máy bay không người lái và vô hiệu hóa vũ khí chính xác cao”.

Ở đây không nói về một nghiên cứu với triển vọng mờ mịt mà là về các sản phẩm cụ thể. Chúng đã được trưng bày kín để giới thiệu với Bộ Quốc phòng Nga tại Diễn đàn Army-2016 diễn ra trong tháng 9/2016.

Ngày hôm sau, Tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva, chuyên gia kỹ thuật quân sự nổi tiếng Viktor Murakhovsky đã chỉ trích gay gắt thông tin về vũ khí điện tử mới của Nga. Nhưng thực chất các ý kiến chỉ trích của ông là về khía cạnh thuật ngữ chứ không hẳn là về kỹ thuật. Không bác bỏ khả năng chế tạo loại vũ khí đó, ông tuyên bố rằng, đây hoàn toàn chẳng phải là các nguyên lý vật lý mới. Chẳng có những nguyên lý vật lý mới nào mà đó là vũ khí hoạt động trên nguyên lý cổ xưa lan truyền các sóng điện từ trong không gian.

Quả thực là thuật ngữ đã được thừa nhận “vũ khí nguyên lý mới” không phản ánh đầy đủ thực tế. Đúng hơn là sử dụng những nguyên lý mà trước đây chưa được ứng dụng cho vũ khí.

Đại diện OPK nói đến năng lượng định hướng, nguyên lý đã được Michael Faraday phát minh từ lâu, nhưng không hé một lời về cách thức năng lượng tác động đến phương tiện kỹ thuật đối phương. Một mặt, đó là bí mật, mặt khác là các nhà chế tạo phương tiện tác chiến điện tử Nga tỏ ra cởi mở hơn khi nói đây là siêu vũ khí, thiên hạ vô địch thủ.

Các phương tiện tác chiến điện tử Nga dựa trên việc sử dụng các thuật toán đặc biệt hiệu quả để nghiên cứu bức xạ điện từ của phương tiện kỹ thuật quân sự đối phương (radar, khí tài thông tin liên lạc, máy tính) và tạo ra tác động thông tin nhằm vào các phương tiện đó để làm tê liệt chúng. Trong khi đó, lại không cần công suất tác động lớn mà như các chuyên gia phát triển khí tài tác chiến điện tử giải thích, thiết bị của Nga chỉ đưa vào yếu tố bóp méo cần thiết vào thông tin lưu hành trong các mạng của đối phương. Nhưng không gây nhiễu chế áp nó, việc sẽ đòi hỏi công suất chỉ có được ở các thiết bị tĩnh tại. Kiểu đối phó đó gọi là “nhiễu phi năng lượng”.

Cách tiếp cận này của Nga đã cho thấy hiệu quả xuất sắc vào mùa xuân năm 2014, khi một máy bay ném bom Su-24 mang khí tài tác сhiến điện tử đã làm tắt ngóm toàn bộ thiết bị điện tử trên tàu khu trục USS Donald Cook của Mỹ trên Biển Đen. Chiến hạm này đã bị mù hoàn toàn khi tất cả các phương tiện phát hiện mục tiêu, điều khiển, liên lạc và dẫn đường đều không hoạt động. Trong khi chính chiến hạm này và các tàu cùng lớp được trang bị hệ thống thông tin-điều khiển chiến đấu Aegis và tên lửa chống tên lửa SM-3, trụ cột trên biển của hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu. Su-24 đã thực hiện mô phỏng 12 lượt bay vào công kích tàu chiến Mỹ, nhưng thủy thủ đoàn của tàu này không thể làm gì. Không lâu sau, 27 thủy binh Mỹ đã nộp đơn xin nghỉ việc vì họ nói, “chúng tôi không muốn chịu sự mạo hiểm tính mạng như thế”.

Về sản phẩm mới của OPK, dựa trên lượng thông tin nghèo nàn có được, các chuyên gia đã lập tức bắt đầu đưa ra những giả thiết khác nhau.

Tổng biên tập Tạp chí National Defense, ông Igor Korotchenko cho rằng, đây là nói về “sự tác động của các xung siêu cao tần siêu mạnh vào các mục tiêu đối phương nhằm loại khỏi vòng chiến các thiết bị vô tuyến điện tử của đối phương, dẫn tới chúng mất hoàn toàn khả năng hoạt động và sử dụng trong chiến đấu. Vũ khí đó có thể sử dụng để loại khỏi vòng chiến các máy bay không người lái ngay trên chiến trường”.

PGS Aleksandr Perendzhiev còn mở rộng hơn nữa phạm vi ứng dụng pháo siêu cao tần: “Đó là vũ khí rất hiệu quả vì khó bảo vệ trước nó - không thể trốn khỏi sóng điện từ. Kết hợp các phương pháp tác động từ xa vào thiết bị điện tử đối phương và các phương pháp tác chiến điện tử, chẳng hạn, có thể làm kẹt cứng máy tự động nạp đạn của xe tăng và làm cho đạn pháo nổ tung trong tháp xe, tiêu diệt xe tăng”. Quả thực, để làm thế thì xe tăng phải làm bằng nhựa vì sóng điện tử không xuyên qua được giáp thép.

Cần phải nói rằng, đây là chủ đề không mới, nhưng vì sao đó mà thông tin về các nghiên cứu đó với thời gian không được mở rộng mà lại thu hẹp lại. Cũng Tổng công ty OPK một năm rưỡi trước đã thông tin cho báo chí về pháo siêu cao tần cơ động lắp trên khung gầm của hệ thống tên lửa phòng không Buk. Pháo này dùng để loại khỏi vòng chiến các thiết bị của máy bay bay thấp và máy bay không người lái, cũng như các hệ dẫn của vũ khí chính xác cao của đối phương. Hệ thống cho phép phòng thủ vòng tròn 360 độ với tầm hoạt động 10 km.

Nhưng con số 10 km có vẻ là phóng đại nếu tính đến việc mức tín hiệu điện từ suy hao tỷ lệ nghịch với bình phương khoảng cách từ anten phát. Rõ ràng đó chỉ có thể là gây nhiễu, chứ không phải phá hủy thiết bị điện tử đối phương.

Mỹ cũng đã có nghiên cứu như thế vào cuối thế kỷ XX, nhưng nhiệm vụ của pháo siêu cao tần Active Denial System lại khác, đó là khiến kẻ địch bỏ chạy, với tầm hoạt động 500 m. Họ đã thử nghiệm với 10.000 người tình nguyện. Khi bị chiếu xạ trong 3 s, con người có cảm giác rất đau đớn. Còn sau 5 s, sự đau đớn trở nên không thể chịu đựng và con người sẽ tìm cách thoát nhanh khỏi vùng chiếu xạ. Trong một số trường hợp, còn ghi nhận có những vết bỏng nhỏ. Nghĩa là không hề có hậu quả nào đối với sức khỏe con người sau khi tắt tín hiệu đi.

Vũ khí điện từ không phải là vũ khí duy nhất ứng dụng nguyên lý mới. Cả Nga và Mỹ đều đang ráo riết phát triển vũ khí laser và đã đạt được những thành tựu nhất định, song còn sớm để nói đến việc đưa vào trang bị cho quân đội.

Vũ khí chùm hạt là máy gia tốc hạt cơ bản, có thể triển khai trên mặt đất và vũ trụ. Các hạt sẽ được gia tốc đến năng lượng rất cao, mà theo khẳng định của các nhà lý thuyết kỹ thuật quân sự, là để kích nổ các loại đạn dược và làm tan chảy thiết bị nổ hạt nhân trong đầu đạn tên lửa đường đạn xuyên lục địa. Tuy nhiên, việc chế tạo vũ khí này không phải là việc của một thập kỷ.

Cuối cùng là vũ khí địa-vật lý. Bản chất của nó là với sự hỗ trợ của những tác động cực mạnh, chẳng hạn như các vụ nổ hạt nhân, có thể kích động gây ra những thảm họa thiên nhiên như động đất, lũ lụt, sóng thần. Trong thập kỷ 1960, ý tưởng này đã khiến nhà lãnh đạo Liên Xô Khrushchev say mê. Ông đã giao nhiệm vụ nghiên cứu khả năng tạo ra làn sóng khổng lồ có thể nhấn chìm bờ biển phía Đông nước Mỹ. Liên Xô đã tiến hành các thí nghiệm, trong đó sử dụng một khối lượng lớn thuốc nổ thông thường, song kết quả nghiên cứu đã làm cho Nikita Khrushchev rất chán nản.

Nguồn: SP, 15.10.2016.

Print Print E-mail Print