Vietnamdefence.com

 

Chuyện thần thoại: 1 xe tăng Trung Quốc bằng 3 xe tăng Mỹ, Nga

VietnamDefence - Cùng với tàu sân bay của hải quân và máy bay tàng thế hệ 5 của không quân, lục quân Trung Quốc mới đây giới thiệu xe tăng bậc nhất thế giới.

Thập niên thứ hai của thế kỷ 21, để khẳng định sức mạnh của một đất nước đang khát khao vị trí siêu cường, Trung Quốc đã đưa thế giới đi từ hết ngạc nhiên này đến hết ngạc nhiên khác.

Ngay từ đầu năm 2011, những tin tức dồn dập về máy bay tàng hình thế hệ thứ năm J-20 cho đến tầu sân bay Shi Lang đã cho thấy tham vọng vươn ra biển lớn.

Bên cạnh hải quân và không quân, lục quân Trung Quốc, vốn bị coi chậm hiện đại hóa nhất, vẫn lấy số để bù chất, cũng không chịu bị lép vế. Từ cuối năm 2010, những tin tức không chính thống từ báo mạng Trung Quốc đã hé lộ loại xe tăng mới nhất đang thử nghiệm của lục quân Trung Quốc là Type-99KM.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc tự tin giới thiệu: “Một Type-99KM tương đương với 3 xe tăng T-90 hay M1A2”; “Type-99KM đã đi trước thế giới đến cả chục năm”.

VietnamDefence:
Tham vọng chế tạo xe tăng thế hệ mới của Trung Quốc có khả năng là thật. Song mong muốn là một chuyện, khả năng thực hiện là một chuyện hoàn toàn khác. Riêng chuyện khoe khoang 1 chiếc Type-99KM bằng 3 chiếc M1A2 hay T-90, hay những tính năng 'trên trời' là rất hoang đường.

Thứ nhất, Trung Quốc chưa bao giờ là một cường quốc về thiết kế xe tăng. Đến nay, các xe tăng của họ, kể cả những loại hiện đại nhất hiện nay, phần lớn là sao chép các xe tăng T-54/T-55, T-72 của Liên Xô, rồi cải tiến tí chút. Các cường quốc xe tăng như Đức, Mỹ, Nga, Ukraine, Israel... vẫn không dám có hoặc phải từ bỏ chương trình phát triển xe tăng thế hệ mới mà vẫn chỉ là nâng cấp liên tục xe tăng thế hệ 3.

Thứ hai, những điểm yếu cơ bản hiện nay của công nghiệp xe tăng Trung Quốc là động cơ, pháo tăng-đạn pháo tăng, hệ thống điều khiển hỏa lực, vỏ giáp. Các xe tăng hiện đại nhất của Trung Quốc hiện nay vẫn sao chép phần lớn các giải pháp thiết kế của xe tăng Liên Xô (pháo 125 mm, tên lửa phóng qua nòng pháo, máy nạp đạn tự động... sao chép từ T-72 có thể có sự giúp đỡ của Nga, Ukraine), động cơ xe tăng công suất lớn vẫn phải mua từ Ukraine. Vì thế, chuyện Trung Quốc làm được động cơ... 2.100 mã lực, hay pháo tăng 135-155 mm là không thể có. 

Đi sau Nga, Mỹ hay một số nước châu Âu trong cuộc đua chế tạo tàu sân bay hay máy bay thế hệ thứ 5,  lần này, Trung Quốc quyết đi đầu trong việc phát triển xe tăng chiến đấu thế hệ 4. Loại xe tăng thế hệ mới này phải đáp ứng được các yêu cầu như: tàng hình trước các phương tiện trinh sát và dò tìm của đối phương như hồng ngoại, radar; có pháo chính cỡ nòng lớn (135-155 mm), có khả năng bắn các loại đạn xuyên giáp dưới cỡ có cánh ổn định (APFSDS), đạn nổ mạnh (HEAT), cũng như tên lửa chống tăng; có vỏ giáp hỗn hợp (phức hợp, phản ứng nổ...), vỏ giáp phía trước xe phải chống chịu được các loại đạn pháo cũng như tên lửa chống tăng hiện đại); có hệ thống phòng vệ chủ động hiệu quả và cuối cùng là phải có hệ thống điều khiển vi tính hóa với các cảm biến hiện đại, có khả năng nhận dạng mục tiêu từ xa, giành ưu thế khai hỏa trước bất kể ngày đêm, thời tiết.

Từ năm 2008, hình ảnh một mẫu thiết kế xe tăng thế hệ mới của Trung Quốc đã rò rỉ lên internet với ngoại hình bên ngoài khá giống với xe tăng M1 Abrams của Mỹ. Mẫu thiết kế này được cho là có vỏ giáp phức hợp, với giáp trước có khả năng chống chịu được đạn xuyên APFSDS 120 mm với lõi xuyên bằng uran nghèo (DU) hiện đại nhất của Mỹ là M829E3. Không những thế, pháo chính trên xe tăng này với cỡ nòng 140-152 mm có khả năng xuyên phá giáp trước của bất kỳ loại xe tăng nào hiện có trên thế giới.

Mẫu thiết kế xe tăng thế hệ 4 của Trung Quốc lộ diện năm 2008,
với ngoại hình khá giống xe tăng M1 Abrams của Hoa Kỳ

Không giống như năm 2008, khi mà loại xe tăng mới chỉ xuất hiện ở dạng những hình ảnh và phỏng đoán, đầu năm 2011, Type-99KM đã được loan báo với các thông số kỹ thuật khá rõ ràng.

Theo đó, Type-99KM có khối lượng 75 tấn, nặng hơn cả phiên bản xe tăng nặng nhất thế giới hiện nay là M1A2 SEP đã trang bị hệ thống bảo đảm khả năng sống sót trong tác chiến đô thị TUSK (70 tấn). Type-99KM sử dụng pháo chính cỡ nòng lên tới 155 mm, có khả năng bắn được các loại đạn APFSDS có sơ tốc cao hơn (do nạp được liều thuốc phóng lớn hơn) và các loại tên lửa chống tăng có phần chiến đấu uy lực hơn.

Type-99KM sẽ được trang bị loại giáp phức hợp thế hệ mới nhất với các tấm gia cố làm bằng corundum - nhôm oxit dạng tinh thể, có độ cứng hầu như chỉ thua kim cương. 

Type-99KM (xuất hiện năm 2011) có các thông số kỹ thuật được công bố vượt xa các loai xe tăng hiện đại đang được vận hành trên thế giới?

Không những thế, điểm nổi bật của Type-99KM là hệ thống phòng vệ laser JD-4 dùng để đối phó các khí tài trinh sát quang học, tên lửa dẫn bằng hồng ngoại hay laser của đối phương.

Theo lý thuyết, khi bị chiếu xạ laser, tháp pháo của Type-99KM sẽ quay ngay lập tức về phía nguồn chiếu xạ, JD-4 sẽ phát một tia laser năng lượng thấp để xác định vị trí chính xác nguồn phát laser của đối phương, tiếp đó JD-4 sẽ phát một tia laser năng lượng cực cao để phá hủy mọi khí tài trinh sát quang học hay dẫn đường, thậm chí có thể làm mù ngay lập tức người vận hành các khí tài này của đối phương.

Type-99KM còn được trang bị cả hệ thống phòng vệ chủ động (APS) có khả năng bắn hạ tên lửa đang bay tới xe tăng tương tự như hệ thống Arena của Nga hay Trophy của Israel.

Hệ thống phòng vệ laser trên tăng Type-99, tiền thân của JD-4 hiện đại hơn nhiều trên Type-99KM

Cũng theo thông tin từ các trang mạng Trung Quốc, Type-99KM được trang bị động cơ công suất 2.100 mã lực, mạnh hơn rất nhiều so với động cơ của các loại xe tăng hiện đại ngày nay (1.500 mã lực của M1A2, Leclerc, 1.100 mã lực của T-90 hay 1.200 mã lực của Challenger-2).

Type-99KM có thể đạt tốc độ tối đa trên đường tới 80 km/h (vượt xa cả “xe tăng bay T-80U” vốn “chỉ” có tốc độ 70 km/h). Với dự trữ nhiên liệu lớn, Type-99KM có bán kính hoạt động tới 870 km, cũng vượt xa các loại xe tăng hiện đại khác.

Dự kiến đến năm 2015, Trung Quốc sẽ sản xuất 200 chiếcType-99KM

Tuy nhiên, dù cho thông số kỹ thuật của Type-99KM được giới thiệu có thể hoàn toàn chính xác và "áp đảo" mọi đối thủ trên thế giới thì loại xe tăng này cũng chưa hẳn là bất khả xâm phạm.

Lớp giáp trước dày cũng không thể bảo vệ xe tăng trước các loại tên lửa cá nhân tấn công từ nóc xe như FGM-148 Javelin của Mỹ hay các loại tên lửa khác bắn từ trực thăng khác.

JD-4 cũng không thể bảo vệ xe tăng trước các loại tên lửa dẫn bằng laser mới như AT-14 Kornet hay AT-16 Vikhr vì chùm laser được chiếu vào cảm biến ở đuôi tên lửa để điều chỉnh độ lệch chứ không chiếu trực tiếp vào xe tăng.

Hệ thống phòng vệ chủ động APS cũng “bó tay” trước những loại súng chống tăng thế hệ mới với đạn mồi giả như RPG-30.

Theo kế hoạch, có khả năng đến năm 2015, Trung Quốc sẽ sản xuất lô Type-99KM đầu tiên với 200 chiếc để bổ sung cho lực lượng lục quân khổng lồ của mình. Tới lúc đó, mới có thể bình luận thêm về khả năng thực chiến của Type-99KM.

  • Nguồn: ĐV, 25.4.11.

Print Print E-mail Print