Vietnamdefence.com

 

Cuộc chạy đua tốc độ: Những trực thăng bay nhanh nhất

VietnamDefence - Nhờ các giải pháp kỹ thuật mới, quân đội Nga sắp tới có thể đổi mới đội trực thăng chiến đấu Mi với tốc độ tăng lên đến 400 km/h.


Mi-35M, Mi-8AMTSh-V и Mi-17V-5 (Sergei Bobylev/TASS)

Theo Tổng Giám đốc Viện Thủy khí động trung ương mang tên N.Ye. Zhukovsky (TsAGI) Kiril Sypalo, các tính năng tốc độ của máy bay cánh quay (trực thăng) có thể tăng đáng kể nhừ các lá cánh rotor mới nhất giúp giảm các hiệu ứng khí động tiêu cực xuất hiện ở các trực thăng có sơ đồ thiết kế truyền thống ở tốc độ cao. Điều này có thể áp dụng ngay cho các trực thăng Mi đã sản xuất.

“Nếu như trước đây, chúng ta đã bay với tốc độ tối đa đâu đó 320-330 km/h, thì ở đây ranh giới và cao hơn đang có thể đạt được. Các biên dạng đặc biệt và cấu trúc khí động của các lá cánh quay của trực thăng làm giảm ảnh hưởng của tốc độ siêu âm xuất hiện ở các đầu mút lá cánh quay. Đây là một trong những nguồn bảo đảm cho chuyển động với tốc độ cao hơn”.

Từ năm 2016, tờ Expressen (Thụy Điển) đã xếp hạng các trực thăng bay nhanh nhất thế giới với Eurocopter X3 của châu Âu đứng thứ nhất với tốc độ tối đa 472 km/h. Tờ báo này cho rằng, tốc độ là một trong những tính năng quan trọng nhất trong chiến đấu và các chiến dịch cứu hộ.

Lọt vào top 10 trực thăng bay nhanh nhất có 4 trực thăng Nga đang trang bị cho Không quân-vũ trụ Nga. Bay nhanh nhất trong số đó là trực thăng trinh sát-tiến công Kа-52 Alligator (được xếp thứ ba trong bảng xếp hạng thế giới), tiếp đó là trực thăng chiến đấu-vận tải Mi-35, trực thăng tiến công Mi-28 Night Hunter và trực thăng vận tải đa năng hạng nặng Mi-26.

Tuy nhiên, bảng xếp hạng hai năm trước có thể mau chóng bị thay đổi lớn do các sản phẩm độc đáo của các công trình sư Nga trong lĩnh vực lá cánh quay mới. Sau 4 năm nữa, Nga có thể đưa vào sản xuất loạt thêm một loại trực thăng quân sự cao tốc khác là trực thăng chiến đấu tương lai PBV với tốc độ có thể lên đến 500 km/h. Tập đoàn Trực thăng Nga đang phát triển PBV và sau khoảng một năm nữa sẽ bắt đầu công tác thiết kế-thử nghiệm. Được biết, trực thăng này được chế tạo trên cơ sở Mi-24 và phòng thí nghiệm bay đã thực hiện chuyến bay thành công đầu tiên vào tháng 12/2015.

Bên cạnh đó, Mỹ và một số nước châu Âu cũng đang tiến hành nghiên cứu chế tạo trực thăng cao tốc. Các nhà thiết kế dự định đưa tốc độ của các trực thăng của mình lên đến 400 km/h và cao hơn. Hiện tại, bảng xếp hạng trực thăng bay nhanh nhất do báo Thụy Điển thực hiện như sau.

1. Eurocopter X3. Tốc độ tối đa 472 km/h
 

Eurocopter X3 (AP Photo/Francois Mori)

Trực thăng lai thí nghiệm (trực thăng-máy bay) do công ty Pháp-Đức Eurocopter chế tạo. Rotor chính gồm 5 lá cánh quay, trên đầu mút hai cánh bố trí thêm các động cơ cánh quạy đẩy cũng với 5 lá cánh. Hệ thống động lực gồm 2 động cơ Rolls-Royce Turbomeca RTM322 (2x2270 mã lực). Trực thăng này chưa được sản xuất loạt và việc nghiên cứu phát triển đang được tiếp tục. Chuyến bay đầu tiên diễn ra vào năm 2010 ở Pháp. Ngày 7/6/2013, X3 đã lập kỷ lục không chính thức đối với trực thăng khi đạt tốc độ bay bằng đến 472 km/h.

2. AH-64D Apache. Tốc độ tối đa 365 km/h

AH-64D Apache (Chris McGrath/Getty Images)

AH-64 Apache là trực thăng tiến công chủ lực của quân đội Mỹ từ giữa thập niên 1980. Lần đầu tiên tham chiến vào năm 1989 trong cuộc xâm lược Panama của Mỹ. Sau đó, các trực thăng này đã tham gia các chiến dịch ở Cận Đông, Iraq và Afghanistan. Thể hiện đặc biệt xuất sắc trong Chiến tranh Vùng Vịnh 1991. Ah-64 có một số biến thể. Trực thăng được trang bị hệ thống dẫn đường để bay đêm và trong thời tiết xấu ở độ cao dưới 30 m. Tổ lái 2 người.

3. Ka-52 Alligator. Tốc độ tối đa 350 km/h

Ka-52 Alligator (Yuri Smityuk/TASS)

Trực thăng tiến công đa nhiệm Ka-52 là biến thể hiện đại hóa của Kа-50 Black Shark. Thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1997, sản xuất loạt từ năm 2008. Tổ lái 2 người. Là trực thăng chiến đấu duy nhất trên thế giới có cabin với 2 phi công ngồi sát vai nhau, chứ không ngồi trước-sau. Trực thăng được trang bị 2 rotor nâng đồng trục kiểu 3 lá cánh, 2 động cơ turbine khí, cánh thẳng, cánh đứng đuôi và cánh đuôi ngang, bộ càng 3 điểm thu vào được khi bay. Ngoài ra, còn có biến thể trực thăng trên hạm Ka-52K.

4. NH90. Tốc độ tối đa 324 km/h

NH90 (Alexander Koerner/Getty Images)

Trực thăng đa nhiệm NH90 do liên doanh Pháp-Đức Eurocopter phát triển với 2 biến thể TTH (Tactical Transport Helicopter) để chở quân và NFH (NATO Frigate Helicopter) là trực thăng trên hạm. Thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1995. NH90 được sử dụng trong những điều kiện khắc nghiệt nhất, cả ngày lẫn đêm, trên đất liền và trên biển. Thể hiện xuất sắc trong các chiến dịch hải quân. Tổ lái gồm 1-2 phi công. Chở được đến 20 lính.

5. CH-47 Chinook. Tốc độ tối đa 315 km/h

CH-47 Chinook (EPA/SYED JAN SABWOON)

Ch-47 là trực thăng vận tải quân sự hạng nặng của hãng Boeing, Mỹ với thiết kế 2 rotor nâng. Được sử dụng từ đầu thập niên 1960 và có trong trang bị hơn 20 nước. Ngoài Mỹ, CH-47 đã được sản xuất ở Italia và Nhật Bản từ năm 1970. Đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam, sau đó các biến thể hiện đại hóa đã tham chiến ở Iraq, Afghanistan và quần đảo Malvinas. Biến thể CH-47D chở được 33 lính và 3 người tổ lái, CH-47F lắp 55 ghế hành khách.

6. Mi-35M. Tốc độ tối đa 310 km/h

Mi-35M (Tina Shaposhnikova/TASS)

Là biến thể cải tiến của Mi-24, dùng để tiêu diệt tăng-thiết giáp, đổ quân và chi viện hỏa lực cho các đơn vị lục quân. Có thể chở đến 8 lính hoặc 4 thương binh trên cáng. Tổ lái 2-3 người. Được sản xuất loạt từ năm 2005. Ngoài Nga, Mi-35M còn được trang bị cho quân đội Venezuela, Iraq, Brazil, Nigeria, Mali, Pakistan, Azerbaijan và Kazakhstan.

7. AgustaWestland AW101 Merlin (EH101 до 2007 года). Tốc độ tối đa 309 km/h

AgustaWestland AW101 Merlin (Max Mumby/Indigo/Getty Images)

AW101 Merlin là trực thăng trọng tải trung bình, được sử dụng cho mục đích quân sự và dân sự. Trong quân đội Anh, Đan Mạch và Bồ Đào Nhao, AW101 còn được đặt tên là Merlin. Tổ lái 1-2 người (cộng với 2 nhân viên vận hành ở các biến thể chống ngầm), có thể chở 30 lính hoặc 16 thương binh trên cáng. Cất cánh lần đầu tiên vào năm 1987. 10 năm sau, đã ký hợp đồng đầu tiên sản xuất trực thăng này cho quân đội Anh. Các biến thể của AW101 đã được sản xuất ở 4 nước: Anh, Italia, Mỹ và Nhật Bản.

8. AgustaWestland AW139. Tốc độ tối đa 306 km/h

AgustaWestland AW139 (Stanislav Krasilnikov/TASS)

AW129 là trực thăng đa nhiệm 2 động cơ do hãng AgustaWestland của Anh-Italia phát triển và sản xuất. Trực thăng có các biến thể quân sự và dân dụng, và được sử dụng cả cho các chiến dịch cứu hộ trên biển. Biến thể quân sự có thể chở đến 10 lính trang bị đầy đủ hoặc 50 người. Chuyến bay đầu tiên diễn ra vào năm 2001. AW139 được lắp ráp ở một số nước, trong đó có ở Mỹ (Philadelphia) và Nga. Hiện nay, công ty AgustaWestland hoạt động ở Anh và Italia.

9. Mi-28N Night Hunter. Tốc độ tối đa 324 km/h

Mi-28N Night Hunter (Rotislav Koshelev/TASS)

Trực thăng tiến công Mi-28 lần đầu tiên cất cánh vào ngày 14/11/1996, được sản xuất loạt từ năm 2006. Mi-28 có sức cơ động cao và uy lực tấn công mạnh, đã được sử dụng ở Syria. Hiện nay, Nga đã chế tạo biến thể mới Mi-28NМ có thể sử dụng vũ khí chính xác cao và được trang bị hệ thống điều khiển mới. Mi-28NМ cũng có thể hoạt động theo “bầy” và tương tác nhanh với các máy bay, trực thăng và máy bay không người lái khác trên chiến trường.

10. Mi-26. Tốc độ tối đa 295 km/h

Mi-26 (Vadim Savitsky/BQP Nga/TASS)

Mi-26 (NATO gọi là Halo) là trực thăng sản xuất loạt lớn nhất thế giới. Được trang bị 2 động cơ (2x 11.400 mã lực), có chiều dài thân 40 m, đường kính rotor 32 m. Mi-26 có khả năng nâng một máy bay chở khách. M-26 được sử dụng từ năm 1977. Tháng 8/2018, biến thể cải tiến Mi-26T2V với khả năng sống còn được nâng lên đáng kể nhờ lắp hệ thống phòng vệ trên khoang hiện đại đã thực hiện chuyến bay đầu tiên.

Nguồn: TASS, 21.11.2018.

Print Print E-mail Print