Đó là trận chiến Đại Tây Dương thứ nhất và thứ hai mà các tàu ngầm U của Đức chống lại các tàu hộ tống và máy bay của Anh và Mỹ. Người Đức đã rất gần chiến thắng trong Thế chiến I với chiến dịch đầu tiên, và đã làm tổn hao nặng nề các nguồn lực của đồng minh trong chiến dịch thứ hai.
Trong đại chiến dịch thứ ba, các tàu ngầm của Hải quân Mỹ đã phá hủy gần như toàn bộ đội tàu thương mại của Nhật Bản, đánh gục nền kinh tế Nhật. Tàu ngầm Mỹ cũng đã tàn phá Hải quân Thiên hoàng của đế quốc Nhật, đánh chìm nhiều đại hạm trọng yếu nhất của Tokyo.
Nhưng thời gian gợi nhiều liên tưởng nhất đến suy nghĩ hiện đại của chúng ta về chiến tranh tàu ngầm chắc chắn là trận đấu 40 năm giữa các tàu ngầm Liên Xô và các tàu ngầm của hải quân các nước thuộc NATO.
Trong suốt chiến tranh lạnh, tính chất chiến lược của tàu ngầm đã thay đổi; nó đã chuyển từ một sát thủ giá rẻ, hiệu quả để diệt tàu lớn thành một tàu lớn theo đúng nghĩa của nó. Điều này đặc biệt đúng với các tàu ngầm khổng lồ mang vũ khí hạt nhân đủ để giết chết hàng triệu người trong vài phút.
Việc xếp loại các tàu ngầm xuất sắc nhất ở đây dựa trên các tham số, tập trung vào chức năng chiến lược của các lớp tàu ngầm cụ thể, thay vì chỉ dựa vào các khả năng kỹ thuật của chúng.
- Tàu ngầm đó có phải là giải pháp chi phí/hiệu quả cho một vấn đề chiến lược quốc gia không?
- Tàu ngầm đó có lợi thế so sánh với các loại tàu cùng thời không?
- Thiết kế của tàu ngầm có tính mới không?
Và theo các tiêu chí đó, dưới đây là 5 tàu ngầm tốt nhất mọi thời đại.
U-31
11 tàu ngầm lớp U-31 đã được đóng từ năm 1912-1915. Chúng đã hoạt động trong cả hai giai đoạn tàu ngầm U của Đức hoạt động mạnh, hồi đầu cuộc chiến tranh trước khi đình chỉ chiến tranh không hạn chế, và một lần nữa vào năm 1917 khi Đức quyết định phong tỏa làm tê liệt đế quốc Anh. 4 trong số 11 tàu này là U-35, U-39, U-38 và U-34 là 4 sát thủ hàng đầu trong Thế chiến I.
Quả thực đây là là 4 trong số 5 tàu ngầm dẫn đầu mọi thời đại về tổng trọng tải tàu bè mà chúng đã đánh chìm (Tàu ngầm U-48 Type VII chiếm vị trí thứ ba). U-35, sát thủ đầu bảng, đã đánh chìm 224 tàu có tổng trọng tải lên tới hơn nửa triệu tấn.
Các tàu ngầm U-31 có tính tiến hóa, chứ không phải là tính cách mạng; chúng đại diện cho công nghệ tàu ngầm mới nhất của Đức trong thời gian này, nhưng không quá khác biệt so với các tàu ngầm ngay trước đó hay những tàu kế tiếp. Các tàu này có tầm hoạt động tốt, một khẩu pháo trên boong để tiêu diệt các tàu nhỏ và tốc độ nổi lên nhanh hơn so với tốc độ lặn xuống. Những đặc điểm này cho phép lớp U-31 và các tàu ngầm khác tấn công tàn phá đối phương, trong khi nhanh hơn khi tránh cácđơn vị tàu mặt nước hùng mạnh hơn. Chúng là một công cụ an toàn và tàng hình để thực hiện một chiến dịch suýt buộc Anh phải rút khỏi cuộc chiến.
Chỉ nhờ Mỹ nhảy vào tham chiến, kết hợp với sự phát triển của chiến thuật hộ tống sáng tạo của Hải quân Hoàng gia Anh mới kiềm chế được cuộc tấn công của tàu ngầm Đức. 3 trong số 11 tàu U-31 đã sống sót qua chiến tranh và cuối cùng đã đầu hàng đồng minh.
Balao
Tiềm năng cho một chiến dịch tàu ngầm chống lại đế quốc Nhật Bản là rõ ràng từ đầu cuộc chiến. Để tồn tại, công nghiệp Nhật phụ thuộc vào các tài nguyên thiên nhiên của khu vực Đông Nam Á. Chia cắt Nhật Bản với các nguồn tài nguyên có thể giúp giành chiến thắng. Tuy nhiên, binh chủng tàu ngầm Mỹ trước chiến tranh khá nhỏ và hoạt động theo học thuyết dở và những quả ngư lôi tồi. Các tàu gầm được đóng trong thời gian chiến tranh, bao gồm chủ yếu là các lớp Gato và Balao, cuối cùng sẽ phá hủy gần như toàn bộ hoạt động thương thuyền của Nhật Bản.
Lớp Balao gần như là đỉnh cao của loại tàu ngầm nguyên bản. Cuộc chiến tranh ở Thái Bình Dương đòi hỏi tàu phải có cự ly hành trình xa hơn và điều kiện sinh hoạt tốt hơn so với Đại Tây Dương. Giống như lớp tàu ngầm trước đó Gato, các tàu lớp Balao ít cơ động hơn so với tàu ngầm Type VII của Đức, nhưng bù lại, chúng có thân tàu vững chắc hơn và chất lượng đóng cao hơn. So với các tàu Type VII, tàu ngầm Balao có cự ly hành trình xa hơn, một khẩu pháo lớn hơn, nhiều ống phóng lôi hơn và tốc độ cao hơn. Tất nhiên, các tàu ngầm Balao hoạt động trong một môi trường khác nhiều và chống lại một đối thủ có trình độ kém hơn trong tác chiến chống ngầm. Chiến thắng lớn nhất của một tàu ngầm lớp Balao là đánh đắm tàu sân bay 58.000 tấn HIJMS Shinano của Nhật bởi tàu ngầm Archer-Fish.
Đã có 11 trong số 120 tàu ngầm này bị tổn thất, 2 tàu bị mất do tai nạn sau chiến tranh. Sau chiến tranh, tàu ngầm lớp Balao đã được chuyển giao cho hải quân một số nước thân Mỹ và tiếp tục phục vụ trong nhiều thập kỷ. Một tàu ngầm Balao nguyên là tàu USS Tusk vẫn còn hoạt động một phần ở Đài Loan với tên Hải Báo.
Type XXI
Cũng giống với máy bay Me 262, Type XXI là một vũ khí có tiềm năng giúp đánh thắng cuộc chiến, nhưng ra đời quá muộn để có tác động lớn đến kết cục. Type XXI là loại tàu ngầm đại dương “đích thực” sản xuất loạt đầu tiên, có tính năng khi lặn tốt hơn so với khi nổi. Tàu này không lắp pháo trên boong để có được tốc độ và khả năng tàng hình, và đã tạo lập ra những tiêu chuẩn thiết kế cho các thế hệ tàu ngầm về sau.
Các nỗ lực chống ngầm của đồng minh tập trung vào việc nhận dạng các tàu ngầm khi nổi (thường là trong khi quá cảnh vào các khu vực tuần tra của chúng), sau đó điều các phương tiện chống ngầm (bao gồm cả tàu và máy bay) đến những khu vực này. Năm 1944, quân đồng minh bắt đầu phát triển kỹ thuật tác chiến chống các tàu ngầm dùng ống thông hơi để không cần nổi lên mặt nước, nhưng vẫn không được chuẩn bị để đối phó với một loại tàu ngầm có thể chạy ngầm với tốc độ 20 hải lý/h.
Trên thực tế, Type XXI có khả năng tàng hình để tránh bị phát hiện trước khi một cuộc tấn công và có tốc độ để rút chạy sau đó. Đức đã hoàn thành 118 tàu ngầm này, nhưng vì một loạt khó khăn công nghiệp mà chỉ đưa vào sử dụng được 4 chiếc, không chiếc nào trong số đó đánh đắm được một tàu của đối phương. Tất cả các nước đồng minh đã thu giữ được các mẫu còn lại của Type XXI và sử dụng chủng để làm mô hình cho các thiết kế của riêng mình và để phát triển các công nghệ và kỹ thuật chống ngầm tiên tiến hơn. Ví dụ, Type XXI chính là mô hình để Liên Xô thiết kế tàu ngầm lớp Whiskey và cuối cùng là cho một đội tàu ngầm đông đảo của Trung Quốc.
George Washington
Giờ chúng ta nói đến loại vũ khí răn đe hạt nhân quen thuộc nhất ngày nay là tàu ngầm hạt nhân trang bị đầy ắp tên lửa có khả năng phá hủy hàng chục thành phố cách xa cả một lục địa. Những tàu ngầm này tạo ra thành phần có khả năng sống còn nhất trong bộ ba răn đe hạt nhân bởi vì không quốc gia nào có thể tiêu diệt được toàn bộ hạm đội tàu ngầm của đối phương trước khi những quả tên lửa của chúng bay đi.
Lực lượng tàu ngầm răn đe hạt nhân có khả năng sống còn cao của Mỹ bắt đầu hình thành từ năm 1960 với tàu ngầm USS George Washington. Là biến thể cỡ lớn hơn của tàu ngầm hạt nhân tiến công lớp Skipjack, thiết kế của George Washington có không gian dành cho 16 tên lửa đường đạn Polaris. Khi Polaris được đưa vào hoạt động, USS George Washington có khả năng tấn công các mục tiêu ở xa đến 1.000 dặm bằng các đầu đạn hạt nhân 600 kT. Các tàu này cuối cùng đã được nâng cấp với tên lửa Polaris A3, mỗi tên lửa mang 3 đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 2.500 dặm. Khá chậm để tấn công các tàu ngầm, nhưng vô cùng êm, tàu ngầm lớp George Washington đi tiên phong trong việc tạo ra phương thức răn đe hạt nhân “trốn tránh và ẩn mình” mà đến nay 5 trong 9 cường quốc hạt nhân thế giới vẫn áp dụng.
Và cho đến năm 1967, USS George Washington và các tàu cùng lớp vẫn là những tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn (SSBN) duy nhất. Các tàu ngầm đối thủ của Liên Xô tính năng kém hơn, mỗi tàu chỉ mang được 3 tên lửa và thường phải nổi lên mặt nước để phóng tên lửa. Điều đó làm cho chúng có giá trị răn đe hạn chế. Nhưng ngay sau đó, hầu như tất cả các cường quốc hạt nhân đều bắt chước lớp George Washington. Tàu ngầm SSBN lớp Yankee đầu tiên được đưa vào trang bị vào năm 1967, tàu ngầm lớp Resolution đầu tiên - vào năm 1968, và tàu đầu tiên lớp Redoutable của Pháp - vào năm 1971. Trung Quốc cuối cùng cũng làm theo, mặc dù SSBN thực sự hiện đại đầu tiên của hải quân Trung Quốc đã chỉ được đưa vào sử dụng mới đây. Tàu ngầm INS Arihant của Hải quân Ấn Độ có khả năng sẽ đưa vào hoạt động trong năm tới hoặc muộn hơn.
5 tàu ngầm của lớp George Washington đã thực hiện các chuyến tuần tra răn đe cho đến năm 1982, khi chúng bị loại bỏ theo Hiệp ước SALT II. 3 trong số 5 chiếc (kể cả USS George Washington) vẫn tiếp tục hoạt động với tư cách tàu ngầm hạt nhân tiến công trong vài năm nữa.
Los Angeles
Trở nên bất tử trong các tiểu thuyết “Săn tìm Tháng Mười ĐỎ” và “Cơn bão Đỏ đang nổi lên” của Tom Clancy lớp tàu ngầm Los Angeles của Mỹ là họ tàu ngầm hạt nhân được sản xuất trong thời gian lâu nhất trong lịch sử, với 62 tàu, trong đó chiếc đầu tiên được đưa vào trang bị vào năm 1976. 42 tàu ngầm vẫn còn trong biên chế hôm nay và tiếp tục là nòng cốt của hạm đội tàu ngầm của Hải quân Mỹ.
Lớp Los Angeles (hoặc lớp 688) là những ví dụ nổi bật của các tàu ngầm thời chiến tranh lạnh, vừa có khả năng tiến hành tác chiến chống tàu nổi vừa có thể tác chiến chống tàu ngầm. Trong thời chiến, chúng sẽ được sử dụng để xâm nhập vào khu vực căn cứ của Liên Xô, nơi các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn của Liên Xô được bảo vệ bởi các vành đai tàu ngầm, tàu nổi và máy bay, và để bảo vệ các cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ.
Năm 1991, 2 tàu ngầm tấn công lớp Los Angeles đã phóng đi loạt tên lửa hành trình tấn công mục tiêu mặt đất đầu tiên, mở ra một tầm nhìn hoàn toàn mới về cách tàu ngầm có thể tác động đến chiến tranh. Trong khi các tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình từ lâu đã là một phần của cuộc đối đầu chiến tranh lạnh Mỹ-Xô, nhưng người ta chủ yếu tập trung vào các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân hoặc chống hạm. Tàu ngầm phóng tên lửa hành trình Tomahawk đã mang lại cho Mỹ một phương tiện mới để chọc thủng các hệ thống vũ khí chống tiếp cận/phong tỏa khu vực. Khái niệm này đã chứng tỏ thành công đến nỗi 4 tàu ngầm SSBN lớp Ohio đã được cải tiến thành tàu ngầm mang tên lửa hành trình, trong đó tàu ngầm USS Florida thực hiện các đòn đánh đầu tiên trong cuộc chiến của Mỹ và NATO chống Libya.
Tàu ngầm lớp Los Angeles cuối cùng dự kiến sẽ bị loại khỏi biên chế trong những năm 2020, mặc dù các yếu tố bên ngoài có thể trì hoãn ngày đó. Đến lúc đó, các thiết kế mới chắc chắn sẽ vượt trội lớp 688 về mặt tấn công mục tiêu mặt đất và khả năng tác chiến chống ngầm. Tuy nhiên, lớp Los Angeles đã là trụ cột dưới mặt nước của lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới trong 5 thập kỷ qua.
Kết luận
Thật may mắn là Mỹ và Liên Xô đã tránh được việc xung đột trực tiếp trong chiến tranh lạnh, có nghĩa là nhiều công nghệ và kỹ năng thực tiễn của chiến tranh tàu ngầm tiên tiến chưa từng bao giờ được sử dụng trong thực tế chiến tranh. Tuy nhiên, bất cứ nước nào muốn trở thành cường quốc biển hùng mạnh cũng đều đang đóng hoặc mua các tàu ngầm tiên tiến. Cuộc chiến tranh tàu ngầm tiếp theo sẽ rất khác với cuộc chiến tranh tàu ngầm vừa qua và rất khó dự đoán nó sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng chúng ta có thể chắc chắn rằng, cuộc chiến sẽ được tiến hành trong im lặng.
Các tàu ngầm lừng danh: Ohio, 260O-21, Akula, Alfa, Seawolf, Swiftsure, I-201, Kilo, lớp S, Type VII.